Mời các bạn đọc truyện sống truyện được cập nhật tại chuyên mục truyện ngắn hay của Truyen18.name.
Sống truyện ngắn
Phần 1
Lúc còn trẻ hơn bây giờ mười tuổi, tôi được giao cho một nghề rong chơi nhàn lắm: Về các vùng quê thu thập cao dao dân gian. Cả mùa hè năm ấy, tôi như một con chim sẻ bay tung tăng, rong ruổi trên đồng quê thôn xóm ăm ắp tiếng ve sầu và ánh nắng. Tôi thích uống nước trà có vị đắng của nông dân. Họ để thùng nước trà ở dưới bong cây bên bờ ruộng. Tôi cứ việc cầm cái bát bám cáu trà đen nhẻm múc nước uống tự nhiên, lại còn rót đầy một bình toong của mình, nói với cánh đàn ông trên ruộng dăm ba câu vớ vẩn, rồi đi thẳng trong tiếng cười khúc khích vì tôi của các cô gái. Tôi đã từng nói chuyện với một ông già coi ruộng dưa cả một buổi chiều. Đây là lần tôi được ăn dưa nhiều nhất trong đời. Khi tôi đứng lên chào tạm biệt, đột nhiên phát hiện mình bước đi khó khăn như người đàn bà chửa. Sau đó, tôi ngồi ở ngưỡng cửa với một người phụ nữ đã lên chức bà nội. Bà vừa bện giày cỏ, vừa hát cho tôi nghe bà “Tháng mười mang thai”. Tôi thích nhất là vào lúc chiều tối, ngồi trước nhà nông dân, nhìn họ té nước giếng lên sân cho bụi khỏi bay lên, ánh nắng cuối ngày lung lay nhè nhẹ trên ngọn cây; tôi cầm cái quạt họ đưa cho, nếm miếng dưa nén của họ mằn mặn như muối, nhìn cô gái nào đó, nghe mấy bà già kể chuyện ngày xửa ngày xưa.
Mùa hè ấy suýt nữa tôi còn lao vào một chuyện tình. Tôi gặp một cô thôn nữ xinh xinh thinh thích, mãi bây giờ khuôn mặt trái xoan bánh mật của cô ấy vẫn còn lấp lánh trước mắt tôi. Lúc tôi gặp chô ấy, thì cô ấy đang xắn ống quần ngồi trên bãi cỏ xanh bên bờ song, tay cầm một cái roi tre, chăn đàn vịt béo mùm mĩm. Cô gái mười sáu mười bảy tuổi này đã e thẹn nói chuyện với tôi suốt một buổi chiều nóng nực. Tôi nhìn cô ấy len lén bỏ ống quần xuống, giấu chẽ ngón chân đi đất của mình vào lùm cỏ. Chiều hôm ấy tôi tán dóc lắm, rêu rao kế hoạc sẽ đưa cô ấy đi chơi ở các nơi như thế nào. Cô ấy vừa ngạc nhiên vừa mừng. Lúc đang cơn say sưa, quả là tôi cũng đã nói những câu thật long. Có điều ở bên cô ấy, chỉ cảm thấy thâm tâm mình vui vẻ, chứ không suy nghĩ say này sẽ ra sao. Nhưng sau đó, ba người anh trai lực lưỡng khỏe như trâu của cô ấy đi đến, tôi mới giật nảy người, cảm thấy mình nên vĩnh biệt cô gái đáng yêu này; nếu không, tôi sẽ chẳng thể tránh khỏi việc lấy cô ấy làm vợ.
Tôi bỏ đi với dáng dấp thế này: Đầu đội mũ lá rộng vành, chân đi dép lê, một cái khăn mặt giắt vào thắt lưng da ở đằng sau như cái đuôi đập vào mông. Tôi há to mồm ngáp một cái, bước tản mạn trên con đường mòn. Đôi dép lê của tôi cứ lạch bạch lạch bạch, hất tung bụi đường, y như cảnh lúc bánh xe lăn qua.
Một hôm sau buổi trưa, tôi đến dưới một cây cành lá sum suê, bỏ mũ lá xuống, rút chiếc khăn mặt đằng sau lau mồ hôi trên mặt. Tôi đưa mắt nhìn bốn phía, lúc đó các cánh đồng đã hái hết bông, có mấy người đàn bà khăn tay đội đầu đang nhổ cây bông trong ruộng, họ chốc chốc lại rung người rũ sạch bùn đất ở rễ cây. Đằng sau tôi là một cái ao, ánh nắng dát vàng lên mặt nước. Tôi ngồi dựa vào gốc cây nhìn ra ao. Tôi lục trong ba lô của mình, đang do dự trước mấy cuốn sách cùng tụt ra một lúc, thì rơi ra một bức thư; tôi liền cho hết sách vào trong ba lô, cầm bức thư bố tôi gửi mà tôi nhận được trước khi đi công tác. Bố tôi chỉ viết có hai câu như thế này: “Nhận được thư của con, bố mẹ vui vẻ cả một ngày. Nhưng lúc đó bố mẹ con đều còn trẻ, dễ xúc động”. Bố tôi châm biếm một cách có thiện chí, làm cho tôi cảm thấy hết sức vui vẻ khi đọc lại. Đã hơn một năm tôi không gửi thư về nhà; sau khi đọc bức thư này, tôi vẫn cảm thấy không có việc gì đáng kể để viết thư nói với bố mẹ. Tôi bỏ thư vào ba lô và nhanh chóng quên bố mẹ. Tôi cảm thấy mình buồn ngủ, liền nằm trên bãi cỏ xanh dưới bóng cây, úp chiếc mũ lá lên mặt, gối chiếc ba lô vào đầu, nhắm mắt lại.
Trên con đường đi vào giấc ngủ, khi màn đêm buông xuống, tôi nhìn thấy bố mẹ mình ngồi trong chăn trên giường, chiếc radio kiểu cũ để ở nóc tủ đầu giường phủ một tấm vải lụa có hình vẽ lá tre. Bố mẹ tôi bàn luận về tôi với một giọng như khi bàn luận về chiếc máy radio. Trên mặt bố mẹ tôi nở nụ cười nhàn nhạt. Cảnh tượng này khiến tôi bừng tỉnh, tôi mở mắt, cảm thấy ánh nắng lọt qua kẽ lá và khe nan mũ chiếu vào mình.
Trẻ hơn bây giờ mười tuổi, tôi nằm giữa bãi cỏ và lá cây ngủ liền hai tiếng đồng hồ. Trong lúc nằm ngủ, có mấy con kiến bò lên chân; tuy ngủ say tôi vẫn búng trúng những con kiến ấy. Sau đó hình như tôi đã đến gần bờ sông, một ông già chống bè nứa từ xa quát lanh lảnh. Tôi giật mình ngồi dậy, nhìn thấy một ông già đang dạy bảo con trâu già ở thửa ruộng bên cạnh.
Có lẽ con trâu già cày ruộng đã thấm mệt, nó cứ cúi gằm đầu xuống đứng ì tại chỗ. Ông già lưng trần cầm cày ở đằng sau, hình như bất bình trước thái độ lì lợm của con trâu. Tôi nghe rõ cái giọng sang sảng của ông nói với nó:
– Làm thân con trâu thì phải kéo cày, làm thân con chó thì phải giữ nhà, làm ông hòa thượng thì phải đi xin của bố thí, làm thân con gà sống thì phải gáy sáng, làm thân đàn bà thì phải dệt cửi. Thử hỏi có con trâu nào không phải kéo cày? Cái lý này có từ ngày xửa ngày xưa. Đi! Đi nào!
Sau khi nghe ông già nói vậy, hình như con trâu già mệt mỏi đã biết sai. Nó ngẩng đầu kéo cái cày đi lên phía trước.
Tôi thấy lưng ông già đen thủi đen thui như lưng trâu. Hai cái mạng sống già nua lật từng luống đất của thửa ruộng khô cứng lên kêu sần sật, trông như những con sóng nổi lên trên mặt nước. Tiếp theo đó, tôi nghe giọng ông già hát khan khan thô thô mà hết sức cảm động. Ông hát một bài ca dao cổ, đầu tiên là một chuỗi lời dân í a í ơi, sau đó là hai câu:
Hoàng để cho ta làm con rể.
Truyện ngắn sống Truyen18.name
Đường xa vời vợi ta không đi.
Bời vì đường xa thăm thẳm, không muốn đi làm con rể vua. Lời hát đắc ý của ông già khiến tôi cười không thành tiếng. Có lẽ con trâu đã đi chậm lại, ông già nói to:
– Nhị Hỷ, Hữu Khánh, không được chây lười. Gia Trân, Phượng Hà cày tốt lắm. Khổ Căn cũng được.
Một con trâu lại có nhiều tên gọi thế sao? Tôi hiếu kỳ đi đến bờ ruộng, hỏi ông già đang đến gần:
– Con trâu này rút cuộc có bao nhiêu tên, thưa ông?
Ông già vịn cày đứng lại, ngắm ngía tôi từ đầu đến chân một lúc rồi hỏi:
– Cậu là người ở tỉnh phải không?
– Vâng ạ! – Tôi gật gật đầu.
Ông già đắc ý:
– Tôi nhìn một cái là nhận ra ngay.
– Con trâu này có bao nhiêu tên, thưa ông? – Tôi hỏi lại.
– Nó chỉ có một tên, gọi là Phú Quí. – Ông già trả lời.
– Vừa giờ ông gọi những mấy tên cơ mà?
– Ồ! – Ông già cười hềnh hệch, vẫy vẫy tay với tôi tỏ vẻ bí mật.
Khi tôi bước đến gần, ông định nói lại thôi. Ông nhìn con trâu đang ngẩng đầu nghe ngóng, liền quát:
– Mày đừng có nghe trộm, cúi xuống!
Con trâu quả nhiên cúi xuống. Lúc này, ông già mới khe khẽ bảo tôi:
– Tôi sợ nó biết chỉ có mình nó kéo cày, nên đã gọi ra vài cái tên để đánh lừa nó. Nghe thấy còn có những con trâu khác cũng đang kéo cày, nó sẽ vui lên, kéo khỏe hơn.
Trong ánh nắng, nụ cười trên khuôn mặt đen sạm của ông già trông rất tươi, những nếp nhăn trên mặt uốn lượn một cách vui vẻ, bám đầy bùn đất ở bên trong, trông như những con đường mòn ngang dọc trên đồng ruộng.
… Bốn mươi năm trước, bố mẹ tôi thường đi đi lại lại ở đây. Thời đó, cảnh nhà còn chưa lụn bại, gia đình họ Từ chúng tôi có hơn một trăm mẫu ruộng; từ đây cho mãi đến chỗ ống khói của nhà máy đằng kia đều là đất của gia đình tôi. Bố tôi và tôi là ông bố và ông con giàu có nức tiếng gần xa. Khi chúng tôi đi đường, tiếng giày vang lên như tiền đồng kêu xủng xoảng. Vợ tôi là Gia Trân, con gái ông chủ buôn gạo ở thành phố; cô ấy cũng xuất thân từ gia đình có tiền của, nghĩa là xếp tiền lên, tiền rơi trên tiền kêu leng keng. Đã bốn mươi năm nay tôi không còn nghe những tiếng kêu ấy.
Tôi là đứa con hư hỏng của gia đình họ Từ. Nói theo lối nói của bố tôi, thì tôi là đứa con nghiệp chướng của ông. Tôi đã học mấy năm trường tư thục. Thầy giáo trường tư thục mặc áo dài, khi thầy gọi tôi đọc một đoạn sách là lúc tôi vui vẻ nhất. Tôi đứng dậy, cầm quyển “Văn ngàn chữ” đóng bằng chỉ, nói với thầy giáo:
– Chú ý lắng nghe, bố đọc cho con nghe một đoạn nhé!
Thầy giáo tư thục mái tóc đã hoa râm, bảo với bố tôi:
– Cậu con trai nhà ông lớn lên chắc chắn sẽ là một tên lưu manh.
Ngay từ lúc còn bé tôi đã hết phương cứu chữa. Bố tôi bảo thế. Thầy giáo trường tư thục bảo tôi là gỗ mục không chạm trổ được. Bây giờ nghĩ lại, bố tôi và thầy giáo đều nói đúng. Thời đó tôi không nghĩ thế, tôi nghĩ tôi có tiền, hơn nữa bố tôi chỉ có tôi là đứa con trai duy nhất.
Lúc học trường tư thục, tôi không bao giờ đi bộ, ngày nào cũng có một người làm thuê cõng đến trường. Lúc tan học, anh ta đã ngồi xổm cong lưng cung kính chờ sẵn ở đó. Sau khi cưỡi lên, tôi vỗ vỗ vào đầu anh ta, bảo:
– Trưởng Căn, chạy đi.
Kẻ đi ở có tên là Trưởng Căn co chân chạy. Tôi ngồi trên lưng cứ ngật ngà ngật ngưỡng, ý như con chim sẽ đậu trên ngọn cây, tôi giục anh ta:
– Bay đi chứ!
Anh ta liền nhảy quớ từng bước ra vẻ đang bay.
Sau khi lớn, tôi thích lên tỉnh chơi, thường mười ngày nửa tháng không về nhà. Tôi mặc áo lụa trắng, mái tóc bôi va-dơ-lin bong loảng; đứng soi trước gương, tôi nhìn thấy đầu tóc mình bóng nhãy mượt mà, ra dáng con nhà lắm tiền.
Thời gian đầu tôi ưa vào các lầu xanh, nghe những cô gái ngứa nghề chơi suốt đêm cười cợt chí chóe; những âm thanh ấy nghe như đang gãi ngứa cho tôi. Về sau, tôi thích đánh bạc hơn. Đến nhà chứa chỉ là để thư giãn, còn đánh bạc thì hoàn toàn khác, tôi vừa sung sướng vừa căng thẳng, nhất là khoản căng thẳng hồi hộp thì không thể miêu tả nổi.
Trước đây, tôi sống ngày nào hay ngày ấy, suốt ngày uể oải, sang sớm nào thức dậy cũng buồn tình không biết hôm nay sống ra sao. Bố tôi thường thở dài, mắng tôi không biết làm vẻ vang cho tổ tông họ hàng. Tôi nghĩ bụng, việc quái gì phải lo chuyện rạng rỡ tổ tông; tại sao phải bắt mình từ bỏ cuộc sống sung sướng đi lo chuyện rạng rỡ tổ tông cho mệt xác. Hơn nữa lúc còn trẻ, bố tôi cũng như tôi, ông bà nội tôi có hơn hai trăm mẫu ruộng, khi chuyển sang tay bố tôi quản lý, thế quái nào chỉ còn hơn một trăm mẫu. Tôi nói với bố:
– Bố đừng buồn, con sẽ làm rạng rỡ tổ tông.
Cũng nên để cho đời con cháu chút ít vẻ vang chứ! Mẹ tôi nghe nói thế cười hì hì. Bà len lén bảo tôi, lúc còn trẻ bố tôi cũng nói với ông nội như thế. Tôi thâm nghĩ, phải rồi, việc bố không làm nổi lại bắt con phải làm, con làm thế nào được? Thời đó, con trai tôi Hữu Khánh chưa ra đời, con gái tôi Phượng Hà vừa tròn bốn tuổi. Gia Trân mang thai Hữu Khánh đương nhiên nom có phần ơn ớn, tôi chê cô ấy:
– Cô ấy à, hễ gió thổi một cái là bụng phưỡng ra.
Gian Trân chưa bao giờ đối chọi lại với tôi, nghe tôi gằn hắt thế, trong lòng không vui, nhưng cô ấy cũng chỉ thủ thỉ một câu:
– Đâu có phải có gió thổi mà to được?
Từ sau khi lao vào cờ bạc, đúng là tôi đã nghĩ đến chuyện làm rạng rỡ tổ tông, định lấy lại hơn một trăm mẫu ruộng bố tôi đã để tuột khỏi tay. Trong thời gian ấy, bố tôi hỏi tôi:
– Con làm những trò gì ở tỉnh thế?
Tôi trả lời:
– Con không làm trò ma gì đâu, hiện giờ con đi buôn.
– Buôn cái gì? – Bố tôi hỏi.
Tôi đáp:
– Buôn tiền đồng.
Vừa nghe xong, ông đã nổi giận. Lúc còn trẻ, bố tôi cũng đã từng trả lời ông tôi như thế. Bố tôi biết tôi đang đánh bạc, liền tụt giày vải ra đánh tôi. Tôi tránh bên này nấp bên kia, thầm nghĩ cứ để ông ấy đánh mấy cái cho xong chuyện. Những ông bố bình thường chỉ có ho mới có sức lực này, càng đánh càng dữ. Tôi cũng đâu chỉ là con ruồi, cứ để bố đánh đi đánh lại mãi. Tôi chộp luôn tay bố, nói:
– Mẹ kiếp, thôi đi bố ơi! Ta nể ông đẻ ra ta mà ta nhường nhịn ông đó. Thôi đi ông ơi, mẹ kiếp!
Tôi bóp chặt tay phải của bố, ông lại giơ tay trái tụt giày vải ở chân phải ra định đánh tiếp. Tôi lại bóp chặt tay trái của ông, thế là bố tôi hết động đậy, ông tức đến mức cứ ú ớ mãi mới nói được một tiếng:
– Thằng mất dạy!
– Mẹ kiếp!
Tôi đẩy mạnh hai tay một cái, bố tôi liền ngã bổ chửng ngồi vào góc tường.
Thời còn trẻ, rượu chè, cờ bạc, gái trai… việc gì tôi cũng làm. Nhà chứa mà tôi thường lui tới còn gọi là lầu xanh. Ở đấy có một con điểm béo phốp pháp khiến tôi ưa thích. Khi cô ta đi, hai cái mông to như cái đèn lồng treo ở trước cửa nhà, cứ vặt bên nọ vặt bên kia. Khi cô ta nằm ngửa tênh hênh không động đậy trên giường, tôi nằm sấp lên trên như nằm trên thuyền, cứ tròng trà tròng trành trong nước. Tôi thường sai cô ta cõng tôi đi dạo phố, tôi cười lên người cô ta như cười trên lưng ngựa.
Bố vợ tôi – ông chủ hãng gạo – mặc áo lụa đen đứng ở sau quầy. Mỗi lần đi qua đây, tôi đều túm tóc con điếm bảo nó dừng lại, bỏ mũ chào bố vợ:
– Gần đây có khỏe không?
Khuôn mặt của bố vợ tôi lúc ấy như quả trừng muối, còn tôi thì cười ha ha đi qua. Sau đó bố tôi bảo, bố vợ tôi đã bị tôi làm cho mấy lần phát ốm. Tôi nói với bố tôi:
– Đừng có nói dóc, bố là bố con mà không tức giận đến phát ốm, thì bản thân ông ấy ốm đau lại đẩy lên thân con?
Ông ấy sợ tôi, tôi biết lắm chứ. Từ đó trở đi, lần nào tôi cưỡi lưng gái điếm đi qua cửa hàng gạo, bố vợ tôi cũng vội vàng chuồn vào trong nhà ý như con chuột chạy trốn. Ông ấy không dám gặp tôi. Nhưng làm thân thằng con rể đi qua cửa hàng của bố vợ cũng phải tỏ ra lễ độ chứ, tôi liền cất tiếng rõ to chào ông bố vợ bỏ trốn.
Gia Trân, vợ tôi đương nhiên biết rõ những chuyện lăng nhăng của tôi ở thành phố. Cô ấy là một người đàn bà tử tế, đời tôi kiếm được một người vợ thảo hiền như vậy, có lẽ do kiếp trước làm chó sủa một đời đánh đổi lại. Gia Trân xưa nay bao giờ cũng chịu nhịn chồng; tôi ra ngoài ăn chơi bậy bạ như thế, cô ấy chưa khi nào ca cẩm tôi một lời. Giống mẹ tôi, cô ấy chỉ nuốt nước mắt vào bụng.
Ở tỉnh thành tôi làm những việc quả thật quá quắt, đương nhiên trong lòng Gia Trân rối như tơ vò, hết sức phiền muộn không thể nào yên. Một hôm tôi từ tỉnh về, vừa ngồi xuống, Gia Trân tươi cười bưng ra bốn món thức ăn bày trước mặt tôi, lại còn rót cho tôi một chén rượu đầy ăm ắp, rồi ngồi luôn ở bên cạnh hầu hạ tôi ăn uống. Nụ cười tươi rói của vợ khiến tôi cảm thấy là lạ, không biết cô ấy gặp chuyện tốt lành gì; tôi nghĩ mãi không ra hôm nay là ngày gì, hỏi thì cô ấy cứ im lặng, chỉ tươi cười nhìn tôi. Bốn món thức ăn kia đều là rau xanh. Gia Trân làm mỗi món một khác, nhưng ăn xuống dưới thì bát nào cũng có một miếng thịt lợn to gần bằng nhau. Lúc đầu tôi không để ý lắm, ăn đến món cuối cùng thì ở dưới bát lại là một miếng thịt lợn. Tôi ngần người một lát, sau đó cười hì hì. Tôi hiểu ý của Gia Trân. Cô ấy đang gợi ý cho tôi, đành bà trông vào thì ai chả giống ai, nhưng bên dưới thì đều thế cả. Tôi nói với Gia Trân:
– Anh cũng biết cái lý này.
Lý lẽ tôi cũng biết, nhìn thấy đàn bà ở trên khác nhau thì điều tôi nghĩ ở trong lòng cũng khác nhau. Đây là việc quả thật không biết làm thế nào.
Gia Trân là một người đàn bà như vậy, trong lòng rất bất mãn với tôi, song không để tôi nhìn thấy trên nét mặt, đã bày ra cái trò quanh co vòng vèo ấy để uốn nắn tôi. Tôi cứ thế đấy, mềm chẳng chịu, rắn không nghe; giày vải của bố, món ăn của vợ đều không giữ nổi chân tôi. Tôi cứ thích lên tỉnh, tôi cứ mò vào lầu xanh. Vẫn là mẹ tôi hiểu tâm địa cánh đàn ông chúng tôi. Mẹ tôi bảo Gia Trân:
– Đàn ông đều là con mèo thèm ăn.
Mẹ tôi nói thế không chỉ để gỡ tội cho tôi, mà còn là vạch rõ tim đen của bố tôi. Bố tôi ngồi trong ghế, vừa nghe nói thế đã cười tít mắt. Bố tôi thời trai trẻ cũng không tỉnh ngộ, ông già rồi không còn làm ăn được, mới thật thà đó thôi.
Tôi đánh bạc cũng ở lầu xanh, thường chơi mạt chược, xúc xắc và tổ tôm. Tôi đánh bạc lần nào cũng thua, càng thua tôi càng muốn lấy lại hơn một trăm mẫu ruộng thời trẻ bố tôi đã để mất. Lúc đầu thua tôi trả tại chỗ, không có tiền thì đi lấy trộm đồ trang sức của mẹ tôi, của Gia Trân, ngay đến dây chuyền vàng của con gái Phượng Hà tôi cũng lấy đi. Sau đó tôi khất nợ, các chủ nợ đều biết gia cảnh của tôi nên cho nợ. Từ sau khi cho nợ, tôi không biết mình đã thua bao nhiêu, chủ nợ cũng không nhắc, ngày nào cũng ngấm ngầm tính vào hơn một trăm mẫu ruộng của nhà tôi.
Khi tôi đánh bạc lần cuối cùng thì Gia Trân đến. Lúc ấy trời đã chạng vạng, sau này vợ tôi nói lại, chứ lúc đầu tôi hoàn toàn không biết trời còn sang hay sắp tối. Gia Trân vác cái bụng chửa đến tìm, năm ấy con gái Phượng Hà đã lên bốn, con trai Hữu Khánh đang còn trong bụng mẹ mới được hơn sáu tháng. Tìm được tôi, Gia Trân không nói gì, quì ngay xuống trước mặt. Lúc đầu tôi không nhìn thấy vợ. Hôm ấy tôi rất may, mười con xúc xắc ném ra thì có đến tám chin con là số điểm của tôi. Ngồi đối diện tôi là một con bạc có tiếng tăm tên là Long Nhị. Anh ta rất biết chơi ném xúc xắc, người trong cuộc đều gọi anh ta là sư phụ xúc xắc. Song anh ta cũng đã đổ vào tay tôi, mồm anh ta ngậm thuốc lá cuốn, hai mắt lim dim như chẳng xảy ra chuyện gì, hai cánh tay xương xương, khi đẩy tiền ra cứ run bần bật. Tôi nghĩ bụng, Long Nhị ơi, mày cũng phải thua thảm hại một lần chứ. Người ta ai cũng thế, khi thò tay vào túi người khác móc tiền ra thì ai nấy cũng hớn ha hớn hở; đến lượt mình bỏ tiền ra, thì ai ai cũng mếu máo như đưa đám. Tôi đang vui vẻ thì có người kéo áo, cúi xuống nhìn thì ra là vợ mình. Thấy Gia Trân đang quì, tôi liền nổi giận, nghĩ bụng con trai mình chưa chào đời mà đã quì thế này thì không tốt lành lắm. Tôi liền giục Gia Trân:
– Đứng dậy, đứng dậy! Mẹ kiếp, đứng dậy cho ta xem nào!
Gia Trân còn biết nghe lời, đứng dậy ngay. Tôi bảo:
– Đến đây làm gì? Không mau mau xéo về đi.
Nói xong tôi phớt tỉnh cô ấy, nhìn Long Nhị cầm con xúc xắc trên lòng bàn tay lắc lư mấy cái như lạy Phật, vừa hất xuống sắc mặt anh ta đã tái đi. Nhìn thấy mình lại thắng, tôi bảo Long Nhị:
– Long Nhị ơi, cậu rửa tay đi đã.
Long Nhị tay đã nhũn nhưng miệng hãy còn cứng, anh ta nghiêng nghiên cái đầu đáp:
– Cậu hãy lau sạch mồm rồi hẵng nói.
Gia Trân lại kéo áo tôi. Tôi nhìn xuống thì thấy cô ấy đã lại quì dưới đất. Gia Trân khe khẽ nói:
– Mình về với tôi đi.
Phải theo một người đàn bà về nhà ư? Gia Trân làm thế chẳng phải cố ý bôi tro trát trấu vào mặt tôi hay sao? Tôi sôi máu lên, nhìn Long Nhị, anh ta cười gằn một cái, tôi quát Gia Trân:
– Cô cút về đi!
Gia Trân vẫn nói:
– Mình về với tôi đi.
Tôi tát vợ liền hai cái, đầu vợ tôi lắc la lắc lư mấy cái như trống bỏi. Bị tôi đánh, cô ấy vẫn quì tại chỗ, nói:
– Mình không về, tôi sẽ không đứng dậy đâu.
Bây giờ nghĩ lại tôi thấy xót xa, lúc còn trẻ tôi đúng là thằng mất dạy. Một người đàn bà tốt đến vậy, mà tôi vừa đánh vừa đá cô ấy. Tôi đánh thế nào, cô ấy cũng cứ quì không đứng dậy, đánh tới cuối cùng ngay đến bản thân tôi cũng cảm thấy mất hứng. Gia Trân đầu tóc rối bung, nước mắt ròng ròng, hai tay ôm mặt. Tôi bốc một nắm tiền trong đống tiền thắng cuộc đưa cho hai người đứng bên cạnh và bảo họ:
– Lôi đi càng xa càng tốt.
Khi bị lôi đi, Gia Trân hai tay ôm chặt cái bụng chửa, trong đó có thằng con tôi. Gia Trân không kêu khóc, bị lôi ra phố lớn, hay người kia quăng cô ấy đi, cô ấy liền vịn tường đứng dậy, lúc đó trời đã tối hẳn, cô ấy lần mò quay về. Sau này tôi hỏi vợ: “Lúc ấy mình có hận tôi không?”, cô ấy lắc đầu trả lời không.
Vợ tôi gạt nước mắt về đến cửa hàng bán gạo của bố để đứng một lúc rất lâu. Nhìn thấy mái đầu bố in hắt lên tường bởi ánh đèn dầu, cô ấy biết ông đang kiểm kê sổ sách. Cô ấy đứng ở đấy khóc hu hu một lúc rồi bỏ đi. Cô ấy không vào nhà, đi đêm hơn mười dặm về nhà tôi. Thân gái một mình, bụng mang dạ chửa thằng Hữu Khánh mới hơn sáu tháng, chó sủa suốt dọc đường, trời lại vừa đổ một trận mưa to, đường trơn, lắm ổ gà…
Mới ngày nào, Gia trân còn là nữ sinh. Hồi ấy, ở thành phố có trường học buổi tối, Gia Trân mặc áo dài trắng, xách một cái đèn dầu cùng mấy bạn gái đi học. Tôi nhìn thấy cô ấy ở một chỗ ngoặt, cô ấy thoăn thoắt đi tới, mắt tôi cứ nhìn chằm chằm. Lúc ấy gia Trân xinh lắm, vừa nhìn thấy cô ấy, tôi nghĩ bụng, mình phải lấy cô gái này làm vợ. Hôm ấy sau khi về nhà, tôi liền bảo với mẹ: “Con định lấy con gái ông Trần chủ cửa hàng gạo ở tỉnh, mau mau đi tìm người làm mối”.
Tối hôm ấy sau khi Gia Trân đi, tôi bắt đầu rủi ro, thua liền mấy ván, đống tiền xếp bên bàn giống một dốc núi nhỏ bị nước rửa chân hắt trôi đi. Long Nhị thì nét mặt rạng rỡ, cười hì hì. Lần ấy tôi đánh cho tới lúc trời sáng, đánh tới mức đầu choáng mắt hoa, mùi hôi từ dạ dày xộc ra cả đằng mồm. Ván cuối cùng tôi đặt cược với số tiền lớn nhất so với ngày thường. Nhổ bọt vào lòng bàn tay xoa xoa rồi cầm lấy con xúc xắc ném ra, tôi nghĩ thầm cơ nghiệp ngàn thu dồn vào cả cú ném này; còn được, số điểm cũng rất lớn.
Khi đến lượt Long Nhị, anh ta đặt con xúc xắc ở con số bảy, giơ lòng bàn tay về một cái thật mạnh, hét một tiếng:
– Bảy điểm.
Long Nhị cầm lấy con xúc xắc hất một phát, quả nhiên bảy điểm thật. Tôi nhìn vào, đầu choáng váng, lần này thua thảm hại, song liền nghĩ dù sao thì cũng cứ khất nợ cái đã, sau này thế nào cũng có dịp thắng trở lại nên vui vẻ đứng lên bảo Long Nhị:
– Cứ ghi vào nhé!
Long Nhị vẫy vẫy tay bảo tôi ngồi xuống rồi nói:
– Không thể cho anh khất nợ được nữa, anh đã thua sạch sành sanh hơn một trăm mẫu ruộng nhà mình rồi, còn nợ tiếp thì lấy gì để trả ?
Tôi nghe xong lạnh toát cả người, rối rít bảo:
– Đâu có, đâu có.
Long Nhị và hai chủ nợ khác liền đem sổ ra, tính với tôi từng khoản. Long Nhị vỗ vỗ vào đầu tôi đang chúi xuống quyển sổ nợ:
– Phú Quí này, nhìn rõ rồi chứ? Khoản nào cũng có chữ ký thế chấp của cậu cơ đấy.
Lúc này tôi mới biết mình đã nợ bọn họ từ nửa năm trước, trong vòng sáu tháng nay tôi đã thua sạch số tài sản ông nội tôi để lại. Tính được nửa chừng, tôi nói với Long Nhị:
– Đừng tính nữa!
Tôi đứng dậy đi ra khỏi lầu xanh như một con gà rù. Lúc ấy trời đã sáng hẳn, tôi đứng trên phố không biết nên đi về đâu. Có một người quen xách túi đậu phụ nhìn thấy tôi, cất tiếng chào sang sảng:
– Xin chào cậu con trai nhà họ Từ.
Tôi giật mình, ngơ ngác nhìn anh ta. Anh ta cười tít mắt:
– Trông dáng cậu thành bã thuốc mất rồi.
Anh ta cứ tưởng tôi bị các cô gái kia hành hạ, anh ta không biết tôi đã phá sản, tôi đã nghèo như một người đi ở. Tôi nhăn nhó nhìn anh ta đi xa, nghĩ bụng, đi thôi, đừng đứng ở đây nữa. Lần này khi đi qua cửa hàng bán gạo của bố vợ, tôi đâu còn dám lên tiếng chào mà rụt cổ đi qua thật nhanh. Tôi nghe thấy bố vợ đang ho ở bên trong, sau đó nhổ đờm ra đất đánh toẹt một tiếng.
Tôi nghĩ biết làm sao đây? Lấy ông quần thắt cổ chết đi cho xong chuyện. Thật ra tôi hoàn toàn không muốn chết, chỉ định tìm cách giận dỗi với mình. Tôi nghĩ, mình chết đi thì món nợ kia đâu có chết theo mình, và nhủ thầm:
– Thôi, đừng có chết.
Món nợ ấy sẽ để bố tôi trả. Hễ nghĩ đến bố tôi, lòng tôi lại tê tái đi, chuyến này ông ấy sẽ đánh tôi chết mất thôi. Tôi vừa đi vừa nghĩ, nghĩ thế nào thì cũng chỉ có một con đường chết. Thôi thì cứ về nhà để bố đánh chết, còn hơn treo cổ chết ở ngoài như một con chó hoang.
Chỉ có trong ngần ấy thời gian, tôi đã gầy xọp đi, nhưng bản thân nào có biết. Lúc về đến nhà, mẹ tôi vừa nhìn thấy đã ngạc nhiên kêu lên. Bà nhìn vào mặt tôi, hỏi:
– Con là Phú Quí đấy à ?
Tôi không trả lời mẹ, đẩy cửa vào buồng riêng. Gia Trân đang chải đầu, thấy tôi cô ấy cũng ngạc nhiên, há hốc mồm. Nghĩ đến chuyện tối qua cô ấy đến khuyên tôi về nhà, song tôi vừa đánh vừa quát cô ấy, tôi liền quì sụp xuống trước mặt vợ bảo:
– Gia Trân ơi, anh đi đứt rồi!
Nói xong, tôi khóc hu hu. Gia Trân vội vàng đỡ tôi dậy. Cô ấy mang thai Hữu Khánh đâu có đỡ nổi tôi. Cô ấy gọi mẹ tôi. Hai người đàn bà cùng khiêng tôi lên giường. Nằm trên giường, tôi sùi bọt mép trông y như sắp chết, làm hai mẹ con sợ hết hồn, vừa đám vai vừa lắc lắc cái đầu tôi. Tôi đưa tay đẩy hai người ra, bảo:
– Con đã thua sạch của cải của gia đình.
Nghe tôi nói vậy, lúc đầu mẹ tôi ngớ người ra, bà cứ trân trân nhìn tôi. Bộ dạng của tôi khiến bà ngồi bệt xuống đất gạt nước mắt nói:
– Bố nào con nấy, nhà dột từ nóc dột xuống mà!
Lúc ấy mẹ tôi còn thương tôi, mẹ không trách con lại đi trách chồng.
Gia Trân cũng khóc. Cố ấy vừa đấm lưng cho tôi vừa nói:
– Chỉ cần từ này về sau anh không cờ bạc nữa là được.
Tôi đã thua sạch, sau đấy có muốn đánh cũng không có vốn. Tôi nghe thấy bố mắng nhiếc tôi ở nhà bên; ông vẫn chưa biết mình đã nghèo rớt mồng tơi, ông chê tiếng khóc của hai người đàn bà quấy rầy ông. Nghe thấy tiếng bố tôi, mẹ tôi nín khóc, bà đứng dậy đi ra ngoài, Gia Trân cũng đi theo. Tôi biết mẹ và vợ đi sang buồng bố. Một lát sau thấy bố mắng ở bên kia:
– Thằng mất dạy!
Lúc này, đứa con gái lên bốn Phượng Hà đẩy cửa đi vào rồi hấp ta hấp tấp khép cửa lại, Phượng Hà khe khẽ mách tôi:
– Bố ơi, bố mau mau nấp đi, ông sẽ sang đánh bố bây giờ đấy.
Tôi nhìn con gái không nhúc nhích, Phượng Hà liền chạy đến kéo tay tôi, kéo không nổi nó òa khóc. Nhìn con gái khóc, lòng tôi đau như cắt. Con bé mới tí tuổi đã biết bênh vực bố; chỉ nhìn đứa trẻ này, tôi cũng đáng xẻo thành trăm thành ngàn miếng.
Tôi nghe thấy tiếng bố tôi xồng xộc đi vào. Ông quát:
– Thằng mất dạy, tao phải xẻo mày, thiến mày, xé xác mày ra!
Tôi thầm nghĩ, bố cứ vào đi, cứ róc xác con ra. Nhưng bố tôi bước đến cửa thì lảo đảo một cái rồi ngã vật xuống đất, tức ngất đi. Mẹ tôi và Gia Trân gào khóc nâng bố dậy, dìu vào giường của bố. Một lúc sau, tôi nghe thấy tiếng bố khóc như thổi kèn ở bên kia.
Bố tôi đã nằm lên giường là nằm ba ngày liền. Ngày đầu tiên ông khóc hu hu, sau đó không khóc nữa, bắt đầu thở dài, vọng sang buồng tôi từng tiếng não nuột. Tôi nghe ông than thở:
– Báo ứng đấy mà, thế là báo ứng đấy!
Ngày thứ nhất, bố tôi tiếp khách ở trong buồng riêng. Ông cứ ho sù sụ, mỗi khi nói lại thấp giọng nghe không rõ. Đến tối, mẹ tôi sang chỗ tôi bảo “Bố gọi con”. Tôi đứng khỏi giường, thầm nghĩ lần này thì dứt khoát đi đời. Bố tôi nằm trên giường ba ngày, bây giờ đã có sức chọc tiết tôi, ít nhất thì cũng đánh tôi bò lê bò lết. Tôi thầm bảo mình, cứ để bố đánh thế nào thì đánh, mình cũng không đánh lại. Tôi đi sang chỗ bố, ông không còn một chút sức lực, cơ thể mềm nhũn nhùn nhùn, hai chân như chân giả. Tôi bước vào buồng bố, đứng ở sau lưng mẹ, len lén nhìn dáng dấp bố tôi nằm trên giường. Ông trợn mắt nhìn tôi, chòm râu bạc cứ run run. Ông bảo mẹ:
– Bà cứ ra đi.
Mẹ tôi đi qua cạnh tôi, mẹ vừa đi khỏi tôi đã thấy rờn rợn, chưa biết chừng bố tôi sẽ nhảy khỏi giường liều chết với tôi. Bố tôi vẫn nằm yên, cái chăn đắp ở ngực đã tuột rơi xuống đất.
– Phú Quí này, – bố gọi tên tôi, vỗ vỗ vào cái thành giường – con ngồi xuống.
Tôi hồi hộp ngồi xuống mép giường. Bố tôi sờ vào tay tôi, tay ông lạnh như băng, lạnh thẳng vào tim tôi. Bố tôi khe khẽ nói:
– Phú Quí này, nợ cờ bạc cũng là nợ, xưa nay không có cái lý nào không trả nợ. Bố đã thế chấp hơn một trăm mẫu ruộng và cả ngôi nhà này, ngày mai họ sẽ đem tiền đồng đến. Bố già rồi, không gánh được nữa, con sẽ tự gánh tiền đi trả nợ.
Nói xong bố tôi lại thở dài một tiếng. Nghe hết lời bố, mắt tôi cay cay, tôi biết ông không liều mạng với tôi. Nhưng lời của ông thì như một con dao cùn cứa vào cổ tôi, cổ không đứt hẳn mà đau đớn tới mức chết đi sống lại. Bố vỗ vỗ vào tay tôi:
– Con về buồng mà ngủ đi.
Sáng hôm sau, tôi vừa thức dậy đã nhìn thấy bốn người đi vào sân nhà mình, người đi đầu mặc quần áo lụa là ông chủ. Ông ta chỉ tay bảo ba người gánh mặc quần áo vải thô đi ở đằng sau:
– Đặt xuống.
Ba người gánh bỏ đòn gánh xuống, kéo vạt áo lau mồ hôi. Ông chủ kia nhìn tôi, song lại gọi bố tôi:
– Thưa ông Từ, hàng ông cần đã đến.
Bố tôi cầm khế ước ruộng và khế ước nhà ho sù sụ bước ra, ông đưa hai tờ khế ước cho người kia, cúi lưng nói:
– Vất vả nhỉ!
Người kia chỉ vào ba gánh tiền đồng, nói với bố tôi:
– Ở cả đấy, ông đếm đi.
Bố tôi hoàn toàn không có cái oai của người có tiền nữa, bố tôi kính cẩn nói như một kẻ nghèo hèn:
– Khỏi cần, khỏi cần, mời vào nhà uống chén trà.
Người kia đáp:
– Xin miễn.
Nói xong, ông ta nhìn tôi, hỏi bố tôi:
– Đây là cậu nhà ư?
Bố tôi gật đầu lia lịa, ông cười hì hì nói với tôi:
– Khi đưa hàng đi nhớ cấu mấy lá bí ngô đậy lên trên, đừng để người ta cướp mất.
Bắt đầu từ hôm nay, tôi gánh tiền đồng đi hơn mười dặm lên tỉnh trả nợ. Lá bí ngô đậy trên tiền đồng do mẹ tôi và Gia Trân hái. Nhìn thấy tôi gánh tiền đến, Long nhị hớn hở chào:
– A, cậu ấm nhà họ Từ, đến đấy hả!
Anh ta mở lá bí ra, chay chau mày, nói với tôi:
– Cậu làm thế này chẳng hóa ra tự chuốc khổ vào thân, sao không đổi ra một ít tiền bạc cho tiện ?
Sau khi tôi gánh gánh tiền đồng cuối cùng đến, thì anh ta không còn gọi tôi là cậu nữa. Anh ta gật đầu bảo:
– Phú Quí ơi, để ở chỗ này này.
Một chủ nợ khác tỏ ra thân mật hơn, anh ta vỗ vỗ vào vai tôi:
– Phú Quí ơi, đi uống một ấm nhé!
Long Nhị nghe xong rối rít nói:
– Phải, phải, đi uống một ấm nhé, tôi bỏ tiền.
Tôi lắc lắc đầu, nghĩ bụng ta về thôi, cả ngày nay chiếc áo lụa bị cọ sát cũng đã sờn, da ở vai bị thấm máu. Tôi lủi thủi đi về nhà, đi lại khóc, khóc lại đi. Tôi thầm nghĩ, mình mới gánh có một ngày tiền mà người đã rã rời cả ra, đời ông nội kiếm ra ngần ấy tiền không biết bao nhiêu người chết mệt. Đến bây giờ tôi mới biết tại sao bố tôi không lấy tiền bạc mà lấy tiền đồng, bố tôi muốn tôi biết cái lý này, muốn tôi hiểu làm ra đồng tiền là hết sức khó khăn. Nghĩ thế, tôi không sao bước đi được nữa, tôi ngồi xổm cạnh đường khóc nức nở. Lúc này, người ở cũ của nhà tôi, tức anh Trưởng Căn cũng tôi đi học thời còn bé, đeo một cái bọc rách đang đi tới; anh ta làm cho nhà tôi đã mấy chục năm, bây giờ cũng phải ra đi. Anh ta mồ côi bố mẹ từ lúc còn rất nhỏ. Ông nội tôi dẫn anh ta về, sau này cũng chẳng lấy vợ đẻ con. Cũng như tôi, anh ta khóc nức nở, hai bàn chân đi đất nứt nẻ; anh ta bước tới, nhìn thấy tôi ngồi xổm ở cạnh đường, anh ta cất tiếng chào:
– Chào ông trẻ.
Tôi bảo anh ta:
– Đừng gọi tôi là ông trẻ nữa, cứ gọi là đồ súc vật.
Anh ta lắc đầu nói:
– Hoàng đế an xin cũng là Hoàng đế, ông trẻ không có tiền cũng vẫn là ông trẻ.
Nghe nói vậy, nước mắt tôi lại ròng ròng. Anh ta cũng ngồi xổm bên cạnh tôi, tay úp mặt khóc hu hu. Chúng tôi khóc một trận, rồi tôi bảo anh ta:
– Trời sắp tối rồi, Trưởng Căn về nhà tôi đi.
Trưởng Căn đứng lên, lê từng bước. Tôi nghe thấy anh ta nói ồm ồm:
– Tôi làm gì còn có nhà mà về, thưa ông trẻ.
Sau khi Trưởng Căn đi, tôi cũng đứng lên đi về nhà. Khi tôi về đến nhà thì trời đã tối mịt. Người ở và con hầu trong nhà trước kia đều đi hết. Mẹ tôi và Gia Trân đang ở trong bếp, một người đốt lửa, một người nấu cơm. Bố tôi vẫn còn nằm trên giường, chỉ có con gái Phượng Hà vẫn vui vẻ như ngày thường. Nó đâu có biết từ nay trở đi sẽ phải khổ phải nghèo. Nó hớn hở chạy đến sà vào lòng tôi hỏi:
– Tại sao bọn họ bảo con không phải là tiểu thư nữa hả bố?
Tôi vuốt ve khuôn mặt bé nhỏ của nó, không nói nổi câu nào. Được cái Phượng Hà không hỏi nữa, nó lấy móng tay cạy hết vết bùn trên quần tôi, vui vẻ nói:
– Con giặt quần cho bố nhé!
Đến giờ ăn cơm, mẹ tôi đến cửa buồng bố tôi hỏi:
– Tôi bưng cơm vào buồng cho ông nhé?
Bố tôi đáp:
– Tôi ra ăn.
Bố tôi xách cây đèn dầu trong ba ngón tay từ trong buồng đi ra, ánh đèn chiếu vào mặt ông nửa sáng nửa tối. Ông còng lưng ho sù sụ, ngồi xuống hỏi tôi:
– Trả hết nợ rồi chứ?
Tôi cúi đầu trả lời:
– Trả hết rồi.
Bố tôi bảo:
– Thế là tốt. Thế là tốt.
Nhìn thấy vai tôi rớm máu, bố tôi lại hỏi:
– Vai cũng toạc ra ư?
Tôi im lặng, len lén nhìn mẹ tôi và Gia Trân. Cả hai người đều nhìn vai tôi, rơm rớm nước mắt. Bố tôi ăn chậm rãi, mới ăn được mấy miếng đã bỏ đũa bát xuống không ăn nữa. Một lúc sau, bố tôi nói:
– Ngày trước, ông bà tổ tiên họ Từ nhà mình chẳng qua là nuôi một con gà con, nuôi to rồi biến thành ngỗng, ngỗng nuôi to rồi biến thành dê, dê nuôi to rồi dê biến thành trâu. Gia đình họ Từ nhà mình phất lên như thế đấy.
Giọng bố tôi khò khè, ông dừng một lát rồi nói tiếp:
– Đến tay tôi, thì con trâu nhà họ Từ biến thành con dê, dê lại biến thành ngỗng; truyền đến anh, thì ngỗng biến thành gà, bây giờ thì ngay đến gà cũng không có.
Nói đến đây bố cười hì hì, cứ cười, cứ cười rồi khóc hu hu. Bố tôi giơ hai ngón tay nói với tôi:
– Nhà họ Từ đẻ ra hai thằng con hư đốn.
Chưa đầy hai ngày, Long Nhị đến nhà. Dáng anh ta khác hẳn. Trong mồm anh ta đã gắn hai cái răng vàng, há rõ to, cười khì khì. Anh ta đã mua nhà và ruộng đất chúng tôi thế chấp, anh ta đến xem tài sản của mình. Long Nhị giơ chân đá đá vào chân tường, lại dí sát tai vào tường, giơ lòng bàn tay vỗ vỗ, nói rối rít:
– Chắc lắm, chắc lắm!
Long Nhị đến một cái là chúng tôi phải dọn khỏi ngôi nhà đã từng ở mấy đời, dọn ra lều tranh.
Hôm dọn đi, bố tôi chắp hai tay ra đằng sau, đi đi lại lại trong mấy gian nhà, sau đó nói với mẹ tôi:
– Tôi vẫn cứ muốn sẽ chết ở trong ngôi nhà này.
Nói xong, bố tôi phủi bụi trên áo lụa, vươn cổ bước ra ngoài. Chưa bước ra khỏi ngưỡng cửa, bố tôi đã đâm đầu xuống đất. Bố tôi tắt thở trước khi trời tối. Ông là người cuối cùng chết trong ngôi nhà này của gia đình họ Từ chúng tôi.
Sau khi bố tôi chết, mẹ tôi và Gia Trân đều không dám khóc to, sợ tôi không chịu nổi cũng đi theo bố. Thỉnh thoảng tôi vô ý va vào cái gì đó, hai mẹ con lại giật nẩy người; thấy tôi không ngã gục ra đất như bố, mẹ tôi và vợ tôi mới yên tâm lên tiếng hỏi:
– Không sao đấy chứ?
Những ngày ấy tôi rã rời toàn thân như bị ôn dịch, suốt ngày ngôi trên đất trước lều tranh, khóc lóc chán lại thở dài thườn thượt. Mẹ tôi bước đến bảo:
– Chỉ cần còn người là vui rồi, nghèo cũng không sợ.
Mẹ an ủi tôi, mẹ cứ tưởng tôi bị cảnh nghèo hành hạ thành ra thế này. Thật ra trong lòng tôi đang nghĩ đến người bố đã chết. Bố tôi đã chết trong tay tôi. Mẹ tôi, Gia Trân, cả cháu Phượng Hà nữa sống khổ sống sở theo tôi.
Ngày thứ ba sau khi bố tôi chết, bố vợ tôi đã đến. Ông thuê một cái kiệu bốn người khiêng từ ngoài đường xồng xộc đi vào. Lúc ấy tôi đang làm việc ở ngoài đồng, vừa nhìn thấy đôi chân của bố vợ tôi bước lập cập, tôi đã biết ngay ông ấy đến đón Gia Trân về nhà. Ông bảo người khiêng đặt kiệu trước lều tranh nhà tôi, tay phải nhấc áo dài bước vào. Đầu tiên tôi nghe thấy tiếng ông giận dữ, sau đó là tiếng khóc của Gia Trân, không nghe thấy tiếng của mẹ tôi. Chẳng bao lâu Gia Trân ưỡn cái bụng to đi ra. Cô ấy đứng ở bên kiệu nhìn tôi. Bố vợ tôi nói với con gái mấy câu, cô ấy bước lên kiệu. Người mẹ đáng thương của tôi đứng ở một bên, không nói sao. Khi kiệu lên vai khiêng đi, mẹ tôi vẹo vọ bước đôi chân bé xíu đi theo ra mãi đầu làng, đứng ở ngoài đó lâu lắm.
Bố vợ tôi tay nhấc áo dài, đi nhanh như kiệu. Sau khi họ đi xa, mẹ tôi lau nước mắt tập tễnh quay về.
Lúc này Phượng Hà chạy đến, mở to mắt nói với tôi:
– Bố ơi, mẹ con ngồi kiệu cơ đấy.
Cái dáng hớn hở của Phượng Hà khiến tôi đau khổ. Tôi bảo con gái:
-Phượng Hà ơi, con đừng quên bố là bố của con đấy nhé!
Nghe tôi nói vậy, Phượng Hà cười khanh khách, nói:
– Bố cũng đừng quên con là Phượng Hà.
Sau khi Gia Trân đi, mẹ tôi thường ngồi ở một bên len lén lau nước mắt. Tôi muốn nói mấy câu an ủi mẹ, nhưng cứ nhìn bóng dáng bà như thế, tôi chẳng nói được câu nào. Ngược lại, mẹ thường bảo tôi:
– Gia Trân là vợ của con, không phải của ai cả, chẳng người nào cướp đi được.
Long Nhị trở thành địa chủ ở đây, tôi liền đi cày thuê cấy rẽ cho anh ta.
Ngồi ở trên ghế thái sư trong nhà tôi, Long Nhị há mồm có cái răng vàng, cười tít mắt hỏi tôi:
– Anh cần mấy mẫu? (Ghi chú luôn là mỗi mẫu TQ bằng 667 m2)
Tôi đáp:
– Thuê năm mẫu.
– Năm mẫu à? -Anh ta rướn long mày mấy cái, hỏi -Sức anh thế này, được ư?
Tôi đáp:
– Rèn luyện thì sẽ được.
Anh ta suy nghĩ rồi bảo:
– Chúng ta là chỗ quen biết cũ, tôi để cho anh năm mẫu ruộng tốt.
Long Nhị vẫn còn giữ chút ít tình bạn cũ, anh ta cho tôi cấy rẽ năm mẫu ruộng tốt thật. Một mình tôi cày cấy năm mẫu ruộng. Lúc nào còn nhìn thấy, tôi đều ở ngoài ruộng. Phượng Hà ngày nào cũng theo tôi ra ngồi ở bờ ruộng. Nó hái những bông hoa dại cài lên đầu, luôn mồm hỏi bố nó giống cái gì. Lúc mùa vụ bận rộn, mẹ tôi cũng ra đồng làm giúp tôi một số việc.
Long Nhị thường mặc áo tơ lụa, tay phải cầm ấm trà đi đi lại lại ở bờ ruộng, trông ra vẻ lắm. Lúc nào anh ta cũng cười, khi nhìn thấy người nông dân không ưng ý, mẹ kiếp, anh ta cũng cười. Lúc đầu, tôi cứ tưởng anh ta đối xử thân mật với mọi người, dần dần tôi mới biết anh ta muốn ai ai cũng nhìn thấy cái răng vàng của mình.
Một hôm tôi đang gặt lúa, Phượng Hà đi mót ở đằng sau, Long Nhị khệnh khạng bước đến bảo:
– Phú Quí ơi, tôi chừa đánh bạc rồi, để sau này khỏi phải đến nỗi như anh.
Tôi khom lưng kính cẩn:
– Vâng,thưa ông trẻ Long.
Long Nhị chỉ vào Phượng Hà, hỏi:
– Con gái anh đây à?
Tôi lại khom lưng lễ phép đáp:
– Vâng, thưa ông trẻ Long.
Tôi nhìn thấy Phượng Hà đứng ở đó, cầm bông thóc trong tay, mắt cứ nhìn chòng chọc vào Long Nhị, liền vội vàng giục con:
– Phượng Hà, mau mau chào ông trẻ Long đi con.
Phượng Hà cũng học tôi lom khom lưng cất tiếng:
– Vâng, thưa ông trẻ Long.
Tôi thường nhớ Gia Trân, nhớ cả đứa con ở trong bụng vợ. Gia Trân đi được ba tháng, nhờ người nhắn tin về, bảo là đã ở cữ, đẻ một cậu con trai, bố vợ tôi đặt cho nó cái tên là Hữu Khánh. Mẹ tôi khẽ hỏi người nhắn tin:
– Hữu Khánh họ gì?
Người kia đáp:
– Họ Từ.
Lúc ấy tôi đang ở ngoài ruộng, mẹ tôi lật đật bước hai bàn chân nhỏ xíu dặt dẹo ra đồng báo tin. Mẹ chưa nói hết đã đưa vạt áo lau nước mắt, sau đó cứ rối rít bảo phải ra tỉnh thăm cháu nội. Vài ngày sau không thấy mẹ đi, tôi cũng không tiện hỏi. Theo tục lệ ở địa phương chúng tôi, gia Trân bị người nhà mẹ đẻ bắt ép phải đi thì cũng nên do người nhà mẹ đẻ đưa về. Mẹ tôi bảo:
– Hữu Khánh họ Từ thì Gia Trân cũng về nay mai thôi.
Mẹ tôi còn nói:
– Gia Trân hiện giờ còn đang yếu, vẫn nên ở trên tỉnh thì hơn. Gia Trân phải được tẩm bổ tử tế.
Khi Hữu Khánh được sáu tháng thì Gia Trân trở về. Khi trở về cô ấy không ngồi kiệu, cô ấy địu Hữu Khánh ở sau lưng đi bộ hơn mười dặm về nhà. Hữu Khánh nhắm mắt, cái đầu bé tí tẹo tựa vào lưng mẹ, lắc bên này lư bên kia, trở về nhận bố.
Gia Trân mặc áo dài màu đỏ tươi, xinh xắn trở về. Đi đến cửa lều tranh nhà tôi, cô ấy không bước vào ngay mà đứng ở ngoài tươi cười nhìn mẹ tôi.
Mẹ tôi ngồi đan giày cỏ ở trong nhà, khi ngẩng mặt lên thì nhìn thấy một người đàn bà xinh đẹp đứng ở cửa. Người Gia Trân đã che mất ánh sáng, mẹ tôi không nhận ra con dâu, cũng không nhìn thấy Hữu Khánh ở sau lưng. Mẹ hỏi:
– Tiểu thư nhà nào vậy, cô tìm ai?
Nghe vậy, Gia Trân cười khanh khách, nói:
– Con đây, Gia Trân đây, thưa mẹ!
Lúc ấy, tôi và Phượng Hà đang ở ngoài đồng. Phượng Hà ngồi ở bờ ruộng xem tôi cấy. Tôi nghe thấy có tiếng gọi mình, giống tiếng mẹ tôi mà cũng có phần không giống. Tôi bảo con gái:
– Ai đang gọi thế con?
Phượng Hà quay người nhìn, rồi đáp:
– Bà nội, bố ạ.
Tôi đứng thẳng lên nhìn thấy mẹ đang đứng ở cửa lều tranh còng lưng gọi to, Gia Trân mặc áo dài màu đỏ tươi bế Hữu Khánh đứng bên cạnh. Phượng Hà vừa nhìn thấy mẹ đã co cẳng chạy đi. Tôi đứng giữa ruộng nước, nhìn dáng mẹ lưng còng gọi con, mẹ gọi khỏe quá, hai tay chống vào đùi để khỏi ngã gập người xuống. Phượng Hà chạy thục mạng, đứa con gái lên năm của tôi cứ chao chao đảo đảo trên bờ ruộng, rồi nó sà vào lòng mẹ. Gia Trân bế Hữu Khánh ngồi xuống ôm Phượng Hà. Lúc này tôi mới lên bờ, mẹ tôi vẫn đang gọi, càng đến gần nhà, đầu tôi càng choang choáng. Tôi đến trước mặt Gia Trân mỉm cười với vợ. Gia Trân đứng lên, cứ chằm chằm nhìn tôi. Lúc này tôi đã không còn là Phú Quí mặc áo lụa, tôi đang mặc quần áo vải thô rách rưới, toàn thân lấm bê lấm bết. Nhìn dáng tôi như vậy, Gia Trân cúi đầu sụt sịt khóc.
Gia Trân trở về, gia đình lại đông đủ, tôi đi làm cũng có người giúp việc. Tôi bắt đầu thương vợ mình. Gia Trân bảo tôi như vậy, chứ tôi có cảm thấy gì đâu. Tôi thường nói với Gia Trân:
– Em lên bờ nghỉ một lúc đi.
Gia Trân là cô gái thành thị, da mịn thịt non, chân yếu tay mềm, nhìn cô ấy làm việc đồng áng, tôi cứ thấy thương thương. Nghe tôi giục đi nghỉ, Gia Trân vui vẻ cười và bảo:
– Em không mệt.
Mẹ tôi nói đúng, chỉ cần con người sống vui vẻ là không sợ nghèo. Gia Trân cởi bỏ áo dài, cũng mặc áo vải thô như tôi, suốt ngày cô ấy làm việc mệt thở không ra hơi, mà vẫn cứ tươi cười. Phượng Hà là con bé ngoan, chúng tôi từ nhà ngói dọn ra ở lều tranh, mà cháu vẫn vui vẻ, ăm cơm độn ngô độn khoai mà cũng không nhổ đi. Sau khi em trai về, nó càng vui hớn hở, không còn theo bố ra đồng nữa, cứ luôn luôn ở nhà bế em. Hữu Khánh mới ở tỉnh được sáu tháng đã phải về bên bố chịu khổ. Tôi cảm thấy mình rất có lỗi với con trai.
Cứ như thế sống được một năm thì mẹ tôi bị ốm. Mới đầu chỉ là chóng mặt, mẹ tôi bảo nhìn con cháu cứ lờ mờ; tôi cũng không để ý lắm, nghĩ bụng mẹ đã cao tuổi, mắt mờ là chuyện đương nhiên. Sau đó có một hôm, lúc đun bếp đột nhiên mẹ tôi gục đầu vào tường như đang ngủ. Khi hai vợ chồng tôi từ ngoài đồng về, mẹ tôi vẫn gục như vậy. Gia Trân gọi mẹ, mẹ cũng không đáp; đưa tay lay người mẹ, thì mẹ trượt theo bờ tường. Gia Trân sợ quá gọi tôi, khi tôi vào bếp thì mẹ đã tỉnh, mẹ trân trân nhìn chúng tôi. Chúng tôi hỏi mẹ, mẹ cũng không trả lời. Một lúc sau, mẹ ngửi thấy mùi khét, biết nồi cơm đã cháy, mới cất tiếng:
– Ái chà, sao mẹ lại ngủ thế nhỉ?
Mẹ tôi hốt hoảng định đứng lên, mới đứng được nửa người thì chân thõng ra, người ngã xuống. Tôi vội vàng bế mẹ lên giường, mẹ tôi cứ luôn mồm nói mình đã ngủ say, mẹ sợ chúng tôi không tin. Gia Trân kéo tôi ra một bên, bảo:
– Anh lên tỉnh mời thầy lang về xem sao.
Mời thầy lang thì phải có tiền, tôi cứ đứng lặng thinh. Gia Trân lật nệm lấy ra hai đồng bạc gói trong khăn mùi xoa. Nhìn hai đồng tiền bằng bạc, tôi có phần đau lòng, đó là số tiền Gia Trân đem từ tỉnh về, chỉ còn lại hai đồng này. Sức khỏe của mẹ tôi càng khiến tôi lo lắng, tôi liền cầm lấy tiền. Gia Trân gấp ngay ngắn chiếc khăn mùi xoa lại nhét vào dưới nệm, lấy ra một bộ quần áo sạch sẽ bảo tôi mặc vào. Tôi bảo vợ:
– Anh đi nhé.
Gia Trân không đáp, cô ấy đi theo tôi ra cửa. Đi được mấy bước tôi quay đầu nhìn vợ, vợ tôi vuốt vuốt tóc về đằng sau gật gật đầu chào tôi. Từ sau khi Gia Trân trở về, đây là lần đầu tiên tôi xa nhà. Tôi mặc bộ quần áo tuy rách nhưng sạch sẽ, chân đi giày cỏ mẹ tôi bện để vào thành phố. Phượng Hà ngồi ở sân trước cửa bế Hữu Khánh đang ngủ. Nhìn thấy bố mặc gọn gàng sạch sẽ, nó hỏi:
– Bố ơi, bố ra đồng đấy à?
Tôi đi nhanh lắm, chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đã đến tỉnh. Đã hơn một năm rồi tôi không lên tỉnh, bây giờ vào thành phố trong lòng có phần ngỡ ngàng. Tôi liền nghĩ đến Gia Trân, nghĩ đến vợ cũng không sợ gặp người quen nữa. Tôi ăn mặc có rách rưới một chút, nhưng Gia Trân vẫn tốt với tôi như trước. Tôi biết hết mấy thầy thuốc trong thành phố trình độ khám chữa thế nào, ai lấy đắt, ai lấy vừa phải. Suy nghĩ một lát, tôi quyết định vẫn nên đến tìm thầy lang Lâm ở cạnh cửa hàng lụa. Ông lang này là bạn của bố vợ tôi, thấy người nhà của Gia Trân có lẽ ông ta cũng không nỡ lấy quá đắt.
Khi đi qua phủ cụ huyện, tôi nhìn thấy một em bé mặc áo lụa đang kiễng chân cố sức định nắm lấy cái vòng đồng gõ cổng. Cậu bé suýt soát tuổi con gái tôi, tôi bảo nó:
– Để ta gõ giúp cháu.
Cậu bé vui vẻ gật đầu, tôi liền móc tay cầm vòng đồng gõ thật mạnh mấy cái, ở bên trong có người nói vọng ra:
– Có đây.
Lúc này cậu bé mới nói với tôi:
– Chúng ta mau mau chạy đi thôi.
Tôi chưa hiểu ra sao, thì cậu bé nép sát bờ tường chuồn mất. Sau khi mở cổng, một người đàn ông ăn vận kiểu đầy tớ vừa nhìn thấy bộ quần áo của tôi, chẳng nói năng chi, giơ tay đẩy tôi một cái. Tôi không ngờ anh ta lại làm thế, loạng choạng ngã từ bậc thềm xuống. Tôi bò dậy, vốn định cho qua, song thằng cha kia lại bước xuống đá tôi một phát, còn bảo:
– Đi ăn mày thì cũng phải xem xem chỗ này là chỗ nào chứ.
Tôi cáu tiết, chửi luôn:
– Ta có phải gặm xương mục trong mộ tổ nhà người, cũng không thèm đến ăn xin nhà ngươi đâu nhé!
Hắn xô đến đánh liền, tôi bị một quả đấm vào mặt, hắn cũng bị tôi đá một cú, hai chúng tôi túm đánh nhau trong phố. Thằng nhãi này gớm ra phết, xem chừng không thắng nổi tôi, liền túm chặt đũng quần nhấc chân, còn tôi cho hắn mấy cái đá đít. Cả hai đứa chúng tôi không biết đánh nhau, quần đảo nhau một lúc thì nghe có ai đó ở đằng sau quát:
– Ê, xấu quá, hai thằng súc sinh này đánh nhau trông ngứa mắt quá thể.
Chúng tôi bỏ nhau ra, nhìn về phía đằng sau, thì thấy một ông đội lính Quốc dân đảng mặc quần áo vàng đứng ở đó, mười cỗ pháo lớn đều do ngựa kéo. Người quát vừa giờ đeo súng lục ở lưng là một sĩ quan. Tên người hầu kia quả là linh hoạt, vừa nhìn thấy viên sĩ qua, hắn liền cúi đầu khom lưng:
– Thưa quan lớn, hì hì, thưa quan lớn.
Viên sĩ qua huơ huơ tay bảo chúng tôi:
– Hai con lừa ngu xuẩn, không biết đánh nhau thì kéo pháo cho ta.
Tôi vừa nghe nói vậy đã rùng mình lạnh toát người, ông ta định bắt tôi đi lính. Tên người hầu kia cũng hãi, bước lên nói:
– Thưa quan lớn, con vốn là người trong nhà cụ huyện của huyện này.
Viên sĩ quan nói:
– Công tử của cụ huyện lại càng phải dốc sức vì đảng vì nước.
– Không, không! – Tên đầy tớ sợ hãi rối rít – Con không phải là công tử, có đánh chết con cũng không dám. Thưa ông trung đội trưởng, con là đầy tớ của cụ huyện.
– Mẹ kiếp! – Viên sĩ quan chửi to – Ta là đại đội trưởng.
– Vâng, vâng, thưa đại đội trưởng, con là đầy tớ của cụ huyện.
Tên đầy tớ kia có nói đến mấy cũng vô ích, ngược lại còn làm cho ông sĩ quan bực tức, ông ta giờ tay cho hắn một cái tát.
– Mẹ kiếp, nói in ít thôi, đi kéo pháo! – Ông ta nhìn đến tôi – Cả mày nữa!
Tôi đành phải bước tới kéo một dây cương ngựa đi theo họ về phía trước. Tôi nghĩ, đến lúc ấy sẽ tìm cơ hội trốn chạy sau. Tên đầy tớ vẫn còn van nài cầu xin trước mặt đại đội trưởng; đi được một đoạn, đại đội trưởng tự nhiên đồng ý. Ông ta bảo:
– Được, được, nhà ngươi về đi, mày làm tao chán chết đi mất.
Tên đầy tớ hớn hở run lên, hắn ta như muốn quì xuống cúi đầu lạy đại đội trưởng, song lại không quỳ, chỉ đứng trước mặt đại đội trưởng xoa xoa tay liên tục. Đại đội trưởng quát:
– Còn chưa cút đi hả?
Tên đầy tớ thưa:
– Cút, cút, con cút đây ạ!
Nói xong hắn quay người đi luôn. Bấy giờ đại đội trưởng mới rút súng lục ở lưng ra, giơ tay ngang vai, ngắm một mắt vào nhằm trúng tên đầy tớ đang đi. Tên đầy tớ đi được hơn mười bước quay đầu lại nhìn, thấy vậy hắn sợ tới mức đứng ngây ra tại chỗ không nhúc nhích, giống như con chim sẻ ban đêm để đại đội trưởng ngắm bắn. Lúc ấy đại đội trưởng bảo hắn:
– Đi đi, đi đi!
Tên đầy tớ quì sụp xuống đất, vừa khóc vừa nói:
– Thưa đại đội trưởng, đại đội trưởng, đại đội trưởng…
Đại đội trưởng bắn hắn một phát, không bắn trúng mà bắn cạnh hắn, viên đá nhỏ văng vào làm hắn toạc chảy máu. Đại đội trưởng cầm súng huơ tay nói:
– Đứng lên, đứng lên!
Hắn đứng dậy, đại đội trưởng lại nói:
– Đi đi, đi đi!
Hắn khóc tahrm thiết lắm, cứ lắp ba lắp bắp:
– Con xin kéo pháo, thưa đại đội trưởng.
Đại đội trưởng lại giơ súng ngang vai ngắm vào hắn lần nữa, mồm nói:
– Đi nào, đi nào!
Lúc này tên người hầu mới đột nhiên vỡ lẽ, hắn quay người chạy như bay như biến. Khi đại đội trưởng bắn phát thứ hai, thì hắn vừa vặn tạt vào trong ngõ. Đại đội trưởng nhìn khẩu súng lục của mình, chửi một tiếng:
– Mẹ kiếp, ta lại nhắm sai một con mắt.
Đại đội trưởng quay lại nhìn tôi đứng ở đằng sau, giơ súng bước đến chĩa nòng vào ngực tôi, bảo:
– Mày cũng về chứ?
Hai chân tôi run bần bật, nghĩ bụng lần này cho dù ông ta có nhắm cả hai mắt cũng cho tôi một phát về chầu giời. Tôi rối rít nói:
– Con kéo pháo, con kéo pháo.
Tay phải tôi nắm dây cương, tay trái nắm chặt hai đồng bạc Gia Trân cho tôi để trong túi áo. Khi ra khỏi thành phố, nhìn thấy cánh đồng và cái lều tranh giống nhà mình, tôi cúi đầu rưng rưng nước mắt.
Tôi đi theo đại đội pháo này lên phía Bắc, càng đi càng xa. Hơn một tháng sau chúng tôi đến An Huy. Mấy hôm đầu tôi cứ định trốn. Lúc bấy giờ không phải chỉ có tôi muốn trốn, cứ hai ngày trong đại đội lại thiếu đi một vài khuôn mặt quen quen. Tôi liền hỏi một linh cũ là Lão Toàn. Lão Toàn bảo:
– Không ai chạy nổi đâu.
Lúc kháng chiến Lão Toàn cũng bị bắt đi lính, hành quân đến Giang Tây anh ta đã bỏ trốn, vài hôm sau lại bị quân đội Phúc Kiến bắt đi. Đi lính hơn sáu năm, chưa đánh nhau với quân Nhật, chỉ đánh nhau với du kích của Đảng Cộng sản. Trong thời gian ấy, Lão Toàn trốn lính bảy lần, lần nào cũng bị bắt lại. Lần cuối cùng chỉ cách nhà hơn một trăm dặm, kết quả gặp phải đơn vị này. Lão Toàn không định trốn lính nữa. Anh ta bảo:
– Mình đào ngũ chán rồi.
Sau khi chúng tôi vượt dòng Trường Giang thì bắt đầu mặc áo bông. Qua được Trường Giang thì ý định đào ngũ của tôi cũng chết hẳn, cách nhà càng xa thì tôi càng không có gan đào ngũ nữa. Đại đội của tôi có đến mười đứa con trai mới mười lăm mười sáu tuổi, trong đó có một cậu lính choai choai là Xuân Sinh, người Giang Tô, hắn cứ dò hỏi tôi đi lên phía Bắc có phải đánh nhau không, tôi bảo phải. Thật ra tôi cũng không biết. Tôi nghĩ, đã đi lính thì tránh sao khỏi đánh nhau. Xuân Sinh và tôi thân nhau lắm. Cậu ấy cứ bám riết tôi, kéo cánh tay tôi hỏi:
– Liệu chúng mình có bị đánh chết không?
Tôi đáp:
– Mình không biết.
Khi nói ra câu ấy, trong lòng tôi cũng đau đớn khó chịu lắm. Sau khi vượt sông Trường Giang, chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng súng. Đầu tiên nghe văng vẳng từ xa vọng lại, chúng tôi đi tiếp hai ngày nữa, tiếng súng tiếng pháo càng ngày càng to. Hôm ấy, chúng tôi vào một làng, trong làng đừng nói chi đến người, ngay đến con gà con lợn cũng không có. Đại đội trưởng ra lệnh cho chúng tôi lắp đại bác, tôi biết chuyến này chắc là sắp đánh nhau thật sự. Có người đi đến hỏi đại đội trưởng:
– Đây là đâu, thưa đại đội trưởng?
Đại đội trưởng đáp:
– Mày hỏi ta, mẹ kiếp, ta hỏi ai hả?
Ngay đến đại đội trưởng cũng không biết chúng tôi đã đến đâu. Người trong làng đã bỏ chạy sạch, tôi nhìn bống chung quanh, ngoài cây cối trơ trụi chẳng thấy cái gì khác. Được hai hôm thì lính mặc áo vàng mỗi lúc một đông, ở chung quanh họ rút đi đội này, thì đội khác lại đến, có những đơn vị đóng ngay cạnh chúng tôi. Lại qua hai hôm nữa, đại bác của chúng tôi vẫn chưa bắn. Đại đội trưởng nói với chúng tôi:
– Chúng ta đã bị bao vây.
Không phải chỉ có đại đội của chúng tôi bị bao vây, cả quân đoàn có đến mười vạn người hoàn toàn bị vây hãm trong một địa phương chỉ có hai mươi dặm vuông, đâu đâu cũng có lính áo vàng, cứ y như đi trẩy hội. Lúc này Lão Toàn thánh thật, anh ta ngồi hút thuốc trên một mô đất trong chiến hào, nhìn những anh lính da vàng đi đi lại lại, thỉnh thoảng chào hỏi ai đó trong bọn họ, anh ta quen nhiều người lắm. Lão Toàn đi Nam về Bắc, đã từng sống ở bảy đơn vị quân đội. Anh ta hỉ hả nói bậy bạ với mấy người quen cũ, hỏi thăm nhau mấy tên người, tôi nghe họ nói không phải chết đâu, vì hai hôm trước có nhìn thấy nhau mà. Lão Toàn sau đó nói với tôi, nhưng anh có đó trước đây đã cùng đào ngũ với anh ta. “Cậu xem, – Lão Toàn nói – chẳng ai chạy thoát đâu”.
Lúc mới đầu chúng tôi chỉ bị vây, quân Giải phóng không lập tức đến đánh chúng tôi, chúng tôi cũng không sợ mấy, đại đội trưởng cũng không sợ. Ông ta bảo Ủy viên Tưởng Giới Thạch sẽ cử xe tăng đến cứu chúng tôi. Sau đó, tiếng súng ở phía trước mỗi lúc một gần, chúng tôi cũng không phải sợ lắm, chỉ có điều chẳng ai có việc gì làm, đại đội trưởng cũng không ra lệnh chúng tôi bắn pháo. Có một người lính cũ nghĩ đến anh em ở phía trước đổ máu toi mạng; chúng tôi chơi dài cũng chẳng phải chuyện hay, anh ta liền đi hỏi đại đội trưởng:
– Chúng ta có nên bắn mấy quả pháo không ạ?
Lúc ấy đại đội trưởng đang nấp trong hầm đánh bạc, ông ta giận dữ hỏi lại:
– Bắn vào đâu hả?
Đại đội trưởng nói cũng đúng, nếu bắn mấy quả vào đầu anh em quân mình, cả quân đoàn ở phía trước cáu tiết lên quay lại thanh toán chúng tôi thì chẳng phải chuyện đùa. Đại đội trưởng ra lệnh cho chúng tôi cứ ngồi tại trận địa, thích làm gì thì làm, chỉ có điều không được bắn pháo.