VN88 VN88

Sống

Phần 3

Nửa năm đã trôi qua, bệnh của Gia Trân càng ngày càng xấu đi, nghĩa là chỉ đứng có một lúc mà chân cũng run lên bần bật. Tôi nhận thấy mặt vợ càng ngày càng hốc hác đi. Gia Trân thường bảo:
– Em bủn rủn hết cả người.
Lúc này tôi mới cảm thấy Gia Trân đã mắc bệnh gì đó, phải đưa đến bệnh viện khám xem sao. Tôi bảo Phượng Hà đi cùng. Gia Trân đi được khoảng mười bước thì chực ngã. Tôi đã có tuổi, cõng vợ đi hơn hai mươi dặm cũng không nổi, hai bố con đành phải thay nhau cõng.
Lúc đầu, hai cánh tay Gia Trân còn quặp chặt cổ tôi. Đi được một quãng thì cánh tay vợ buông thõng xuống cứ đung đa đung đưa trước ngực tôi, trong vào tưởng như không có cánh tay trong ống tay áo. Nhìn vợ, tôi chua xót vô cùng.
Đi gần đến thành phố, tôi đã thấm mệt, liền để Phượng Hà cõng thay. Phượng Hà còn khỏe hơn bố, cõng mẹ trên lưng cứ đi tâng tâng. Nằm trên lưng con gái, Gia Trân đột nhiên cười, nói an ủi:
– Phượng Hà cũng lớn rồi.
Nói xong câu ấy, mắt Gia Trân đỏ hoe, lại bảo:
– Nếu Phượng Hà không bị trận ốm đó thì tốt quá.
Tôi gạt đi:
– Bao nhiêu năm nay rồi, còn nhắc lại làm gì nữa.
Bệnh viện tỉnh xác định Gia Trân bị bệnh nhũn xương. Họ bảo, không ai chữa được bệnh này, khuyên chúng tôi cõng Gia Trân về, có thể cho ăn ngon được chút nào thì cố gắng chút ấy. Có thể bệnh của Gia Trân ngày càng tồi tệ hơn, cũng có thể cứ như thế này. Trên đường về, Phượng Hà cõng mẹ, tôi đi bên cạnh lòng dạ rối bời, Gia Trân đã mắc phải chứng bệnh không ai chữa nổi. Càng nghĩ, tôi càng sợ. Cuộc đời này nhanh vậy đấy, nhìn khuôn mặt Gia Trân héo hon hốc hác, tôi nghĩ sau khi lấy tôi, Gia Trân chưa được sống một ngày ra sống.
Gia Trân, thì ngược lại, có phần tỏ ra vui vẻ, áp mặt vào lưng con gái, cô ấy khẽ nói:
– Chữa không nổi mới tốt, làm gì có tiền mà chữa bệnh.
Thầy thuốc đã nói đúng, bệnh của vợ tôi ngày càng tệ, về sau đi cũng không đi được, đành phải nằm trên giường cả ngày. Gia Trân không cam lòng, không làm được việc đồng thì làm việc nhà. Cô ấy vịn tường đến chỗ này lau lau, a chỗ kia chùi chùi, có một hôm Gia Trân ngã bổ chổng không sao bò dậy được. Khi tôi và Phượng Hà ở ngoài đồng về nhà, Gia Trân vẫn nằm quay lơ, trán va chảy máu. Tôi bế vợ lên giường, thân thể Gia Trân giống như một miếng thịt chết. Phượng Hà lấy khăn rửa mặt lau vết máu ở trán mẹ. Tôi bảo vợ:
– Từ nay trở đi mình đừng xuống đất nữa.
Gia Trân biết mình có lỗi, nhẹ nhàng nói:
– Anh Phú Quí ơi, em đâu biết mình không đứng dậy được nữa.
Gia Trân cứng rắn lắm, đến lúc này cũng không kêu khổ một câu. Không xuống đất được thì Gia Trân bảo tôi vơ hết quần áo rách để lên giường, cô ấy nói:
– Có việc làm thì trong lòng yên tâm hơn.
Gia Trân tháo tháo khâu khâu, sửa vá quần áo cho hai con. Phượng Hà và Hữu Khánh mặc vào trông cũng còn mới lắm. Sau đó tôi mới biết Gia Trân đã tháo gỡ hết quần áo của bản thân ra. Thấy tôi bực mình, Gia Trân mỉm cười bảo:
– Quần áo không mặc thì mau hỏng. Em không mặc đến những thứ ấy nữa, đừng để phí phạm của trời.
Gia Trân bảo đang khâu cho tôi một bộ. Nào ngờ chưa khâu xong quần áo thì ngay đến kim cũng không cầm nổi. Lúc ấy, Phượng Hà và Hữu Khánh đã ngủ say, Gia Trân vẫn ngồi dưới đèn khâu áo cho tôi. Cô ấy mệt tới mức mặt toát mồ hôi. Mấy lần tôi khuyên vợ mau mau đi ngủ, cô ấy đều thở dài lắc đầu bảo sắp xong ngay đây, thế rồi đánh rơi mất kim, tay cô ấy run run sờ kim, mấy lần cầm kim đều không cầm nổi. Tôi nhặt kim đưa cho vợ, Gia Trân vừa cầm lại rơi xuống, cô ấy đã khóc. Đây là lần đầu tiên vợ tôi hóc sau khi bị ốm. Gia Trân đau khổ vì không bao giờ làm việc được nữa. Cô ấy nói:
– Em đã thành người thừa, chẳng còn trông mong được gì nữa.
Tôi lấy ống tay áo lau nước mắt cho vợ. Cô ấy gầy hốc hác, bao nhiêu xương ở mặt nhô cả lên. Tôi an ủi vợ, tôi bảo Phượng Hà đã lớn, công điểm làm đuợc còn nhiều hơn mẹ trước kia, chẳng còn phải lo đến chuyện tiền nong nữa. Gia Trân bảo:
– Nhưng Hữu Khánh thì còn nhỏ.
Đêm ấy, Gia Trân cứ khóc suốt, cô ấy mấy lần dặn tôi:
– Sau khi em chết, đừng bó xác em bằng bao tải, trên bao tải có nhiều gút chết, ở dưới âm ty em không gỡ nổi; cứ gói bằng mảnh vải sạch sẽ là được. Trước khi chôn, nhớ tắm rửa cho em. -Cô ấy còn nói- Phượng Hà đã lớn, nếu tìm được cho nó bà mẹ chồng thì có chết em cũng yên lòng nhắm mắt, Hữu Khánh còn bé, có những việc con không hiểu, anh cũng đừng thường xuyên đánh nó, chỉ dọa thôi.
Vợ tôi đang dặn dò những việc sau khi chết. Nghe vậy, lòng tôi chua xót đau khổ vô cùng, tôi nói với Gia Trân:
– Đáng lý ra anh đã chết từ đời nảo đời nào, lúc đánh nhau bao nhiêu người bị chết, chỉ có anh lại không chết, ngày nào cũng thầm mong phải sống để về với vợ con, lẽ nào em nỡ bỏ bố con anh mà đi?
Lời tôi nói có tác dụng đối với Gia Trân. Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy Gia Trân đang nhìn mình. Cô ấy nói khe khẽ:
– Anh Phú Quí ơi, em không muốn chết, em muốn ngày nào cũng nhìn thấy anh và các con.
Gia Trân ngày ngày nằm trên giường, còn mệt hơn ra đồng làm việc, toàn thân không cựa quậy được. Vào lúc hoàng hôn, tôi cõng vợ đi lại trong làng. Dân làng nhìn thấy Gia Trân ai cũng thân mật hỏi thăm. Gia Trân cũng thấy vui vui. Cô ấy ghé sát vào tai tôi nói:
– Họ không cười chúng mình chứ anh?
Tôi đáp:
– Anh cõng vợ mình chứ cõng ai mà cười.
Gia Trân bắt đầu thích nhắc lại những chuyện cũ; đến chỗ nào, cô ấy cũng nói chuyện của Phượng Hà và Hữu Khánh trước đây. Cô ấy cứ kể, kể mãi rồi cười. Tới đầu làng, Gia Trân liền nhắc đến chuyện hôm tôi trở về, Gia Trân đang làm việc ở ngoài đồng, nghe thấy có ai gọi to Phượng Hà và Hữu Khánh, ngẩng đầu lên thì nhìn thấy tôi, lúc đầu còn không dám nhận. Nói đến đây, Gia Trân cười rồi khóc, nước mắt nhỏ xuống cổ tôi. Cô ấy nói:
– Anh trở về là mọi việc đều tốt.
Sau khi Gia Trân ốm không dậy được, gia đình thiếu đi một người làm công điểm, đời sống đương nhiên là khổ đi nhiều. Phượng Hà càng mệt, ngoài việc đồng áng không hề giảm, việc trong nhà trước kia mẹ làm thì nay dồn hết cho con gái. Được cái nó còn trẻ, làm việc quần quật cả ngày, ngủ một giấc sáng mai lại có sức lại hăng hái. Hữu Khánh cũng phải làm việc nặng, nó không thể chỉ trông coi hai con dê mãi, ruộng phần trăm của nhà cũng cần nó gánh vác ít việc. Năm Hữu Khánh mười ba tuồi, nghĩa là sau khi Gia Trân không còn khâu vá được, chiều tối hôm ấy tôi đi làm về, Hữu Khánh đang xới cỏ ở thửa ruộng phần trăm, nó gọi tôi một tiếng. Tôi bước lại gần, thằng bé tay giữ cán cuốc, cúi đầu nói:
– Con đã học được rất nhiều chữ, bố ạ!
Tôi đáp:
– Tốt lắm.
Nó cúi đầu nhìn tôi một cái rồi nói tiếp:
– Những chữ này đã đủ để con dùng một đời.
Tôi nghĩ bụng khẩu khí thằng này lớn thật; không để ý đến ý tứ gì khác của con, tôi nói luôn:
– Con vẫn phải chịu khó học tập.
Lúc này nó mới nói thật:
– Con không muốn đi học nữa.
Tôi vừa nghe đã sa sầm nét mặt:
– Không được!
Thật ra tôi cũng đã từng nghĩ để Hữu Khánh thôi học. Tôi bỏ ý định này là vì Gia Trân.Hữu Khánh không đi học, Gia Trân cũng chẳng sống được bao lâu. Gia Trân biết nhà nghèo quá mới không cho Hữu Khánh đi học, cô ấy sẽ cảm thấy mình đã làm khổ Hữu Khánh. Tôi bảo với Hữu Khánh:
– Mày không chăm chỉ học tập, ông sẽ chọc tiết!
Nói xong câu ấy, tôi có phần hối hận. Chẳng phải vì cái gia đình này mà Hữu Khánh mới có ý định bỏ học đấy ư? Đứa con mười ba tuổi đã hiểu biết như vậy, khiến tôi vừa vui mừng vừa đau khổ, tôi thầm nhủ từ nay trở đi không thể đánh con một cách tùy tiện nữa.
Một hôm, tôi vào thành phố bán rau, bán xong tôi bỏ ra năm xu mua năm cái kẹo cho Hữu Khánh. Đây là lần đầu tiên trong đời làm bố, tôi mua quà cho con. Tôi cảm thấy nên thương yêu Hữu Khánh hơn nữa.
Tôi quẩy quang gánh đi vào trường học. Trường học chỉ có hai dãy nhà, các em đang học bài trên lớp. Tôi đi hết lớp nọ đến lớp kia tìm Hữu Khánh. Hữu Khánh ở lớp học ngoài cùng. Cô giáo đang giảng bài gì đó trước bảng đen. Qua cửa sổ tôi nhìn thấy Hữu Khánh. Hễ nhìn thấy Hữu Khánh tôi lại bực, thằng bé không chăm chỉ học tập, nó đang cầm cái gì đó ném lên đầu một em ở bàn trước. Để nó đi học, Phượng Hà đã chịu cảnh phải đem cho người ta, Gia Trân ốm đau đến mức này cũng không để nó phải bỏ học, vậy mà nó lại hỉ hỉ hả hả đến lớp học đùa nghịch. Lúc ấy tôi tức đến bất chấp tất cả, quăng luôn quang gánh, xông vào lớp, nhằm trúng Hữu Khánh tát một cái. Hữu Khánh ăn đòn xong mới nhìn thấy tôi. Nó sợ bệch mặt ra. Tôi bảo:
– Mày làm tao điên tiết lên thế hả!
Tôi quát lên.Hữu Khánh run cầm cập. Tôi lại tát cái nữa. Hữu Khánh co rụt người, sợ hãi đến độ đờ người ra. Lúc này, cô giáo kia giận dữ xông đến hỏi tôi:
– Ông là ai? Đây là trường học, không phải nhà quê.
Tôi đáp:
– Tôi là bố nó.
Tôi đang cơn bực tức, giọng vang vang. Cô giáo kia cũng nổi nóng. Cô cất giọng nói lanh lảnh:
– Ông đi ra ngoài kia cho, ông đâu có giống người làm bố, tôi thấy ông giống phát xít, giống Quốc dân đảng.
Tôi không biết phát xít, nhưng quốc dân đảng thì tôi biết. Tôi biết cô giáo đang mắng tôi, thảo nào Hữu Khánh không chịu khó học tập, nó đã gặp một cô giáo chửi bậy. Tôi bảo:
– Cô mới là Quốc dân đảng, tôi đã nhìn thấy Quốc dân đảng cũng chửi người như cô.
Cô giáo kia há mồm, không nói được mà lại khóc. Thầy giáo ở lớp bên cạnh đi sang kéo tôi ra, họ vây chặt lấy tôi ở bên ngoài, mấy cái mồm cùng một lúc nói với tôi, tôi chẳng nghe rõ câu nào. Sau đó, thầy giáo béo tốt dạy thể dục đi tới, ông ấy nhận ra tôi, hỏi tôi tại sao đánh Hữu Khánh. Tôi kể rõ sự việc với ông ấy. Ông ấy nói với các thầy cô khác:
– Để ông ấy về.
Khi quẩy đôi quang gánh ra về, tôi thấy tất cả các cửa sổ của lớp học đều chen chúc những cái đầu nho nhỏ nhìn theo tôi. Phen này tôi đã làm mất mặt con trai. Điều Hữu Khánh buồn đau nhất không phải là tôi đánh nó, mà là tôi đã làm trò hề trước mặt biết bao nhiêu thầy cô giáo và học sinh. Tôi về đến nhà còn ấm ức, ngồi xuống cạnh giường, tôi kể lại với Gia Trân. Cô ấy nghe xong, khe khẽ trách tôi:
– Anh làm thế thì Hữu Khánh biết làm người thế nào trong nhà trường.
Nghe vợ nói, tôi cảm thấy đúng là mình quá quắt, làm bẽ mặt mình không kể, còn làm bẽ mặt con trai. Trưa hôm ấy, Hữu Khánh tan học về nhà, tôi gọi nó, nó cứ phớt bơ, cầm liềm xách rổ định đi. Gia Trân gọi nó một tiếng, nó đứng lại. Gia Trân bảo nó đến gần, nó đến đứng cạnh giường mẹ, cổ cứ rụt lên rụt xuống, rồi gục vào cánh tay Gia Trân khóc nức nở, khóc tới mức đau lòng, thảm thiết.
Trong hơn một tháng sau đó, Hữu Khánh sống chết thế nào cũng phớt bơ tôi. Tôi sai nó làm gì, nó làm ngay, chỉ có điều không nói chuyện với tôi. Nó cũng không làm điều gì sai, tôi chẳng có cớ nào mà trút giận với nó.
Nghĩ lại tôi thấy mình cũng quá thể, trái tim của con trai đã bị tôi làm tổn thương nặng nề. Cả một dạo, Hữu Khánh đi ra đi vào trong nhà, cái cổ không được thẳng cho lắm. Tôi nói chuyện với nó, nó vẫn không đáp lại, nhưng vẻ mặt nó thì tôi vẫn nhìn ra. Nó không ghi thù nữa, thỉnh thoảng còn nhìn trộm tôi. Tôi biết lâu thế nó không nói chuyện với tôi là vì cu cậu ngượng mở mồm. Còn tôi, cũng không nóng vội. Là con trai tôi, thế nào nó cũng phải mở mồm gọi tôi.
Hôm ấy, tôi cắt lông dê đem vào thành phố bán, vừa vặn buổi trưa Hữu Khánh cũng phải đi học. Thằng bé biết tôi lên tỉnh, cứ rù rà rù rờ chờ tôi đi trước. Tôi thầm nhủ, mình cứ đi trước đã, không thì Hữu Khánh sẽ đến lớp chậm. Khi tôi sắp đến thành phố, thì nghe có tiếng chạy ở phía sau, quay lại nhìn thì là Hữu Khánh. Nó đã học lớp năm mà vẫn chạy chân đất. Hữu Khánh thấy tôi ở phía trước liền đứng lại, ngồi xổm xuống cạnh đường giả vờ xem cái gì đó trên đất. Tôi nghĩ: “Mày đừng có giả đò”, liền gọi một tiếng:
– Hữu Khánh!
Hữu Khánh ậm ừ đáp một tiếng. Đây là câu trả lời đầu tiên của nó trong hai tháng nay. Trả lời xong, nó liền đỏ mặt, đứng tại chỗ, người cứ đung đa đung đưa. Tôi cười bảo:
– Hữu Khánh, con lại đây.
Nó cúi đầu bước đến, hai bố con cùng đi vào thành phố. Tôi bảo con, năm nay lông dê mọc tốt lắm, có thể bán được giá. Nghe xong, nó vâng một tiếng. Tôi lại bảo, hai con dê của nhà hoàn toàn do con trông nom; nó lại vâng một tiếng. Tôi liền đưa tay nắm vai con, vai con tôi vừa gầy vừa nhỏ, tôi vừa nắm vào một cái không biết vì sao lòng đau tê tái. Tôi bảo:
– Hữu Khánh ơi, con cũng đã dần dần lớn rồi, từ nay trở đi bố sẽ không đánh con nữa, mà có đánh cũng không để ai nhìn thấy.
Nói xong, tôi cúi nhìn Hữu Khánh. Mặt nó buồn thiu, nó lại nhớ đến chuyện hôm nào. Việc này cũng khó trách, hôm đó tôi đã làm con trai tôi chẳng còn chút mặt mũi nào nữa.
Đi đến trường học, tôi xoa xoa đầu con, bảo:
– Con đi trước đi, bố rẽ sang đường khác.
Tôi biết Hữu Khánh cùng đi với bố đến cổng trường sẽ mất tự nhiên, liền rẽ sang lối khác. Đi được khoảng mười bước, tôi quay đầu lại, thì thấy Hữu Khánh đang nấp vào đằng sau một thân cây thò đầu nhìn bố. Tôi vừa quay lại, nó vội vàng rụt đầu vào sau cây. Tôi cười, tiếp tục đi, cứ đi mãi, đi mãi đến lúc không nhịn nổi, tôi lại quay đầu nhìn con, Hữu Khánh vẫn còn nấp ở đằng sau cây. Sợ con vào học muộn, tôi gọi:
– Hữu Khánh!
Hữu Khánh đứng ra, cúi đầu ngượng ngùng nhìn tôi.
Tôi bảo:
– Con vào lớp đi kẻo muộn.
Lúc này nó mới chậm chạp bước về phía trường học. Bấy giờ lòng tôi ấm hẳn lên, tôi biết Hữu Khánh không hận bố nó nữa. Xét cho cùng, nó là con trai tôi, quan hệ giữa con trai và bố không giống những người khác. Tôi nghĩ, từ giờ trở đi nên đối xử với Hữu Khánh như một người lớn, không được tùy tiện đánh chửi nữa. Hôm ấy lòng tôi vui vui, từ khi Gia Trân ốm, đây là lần đầu tiên tôi vui vẻ. Bán xong lông dê, tôi nhanh bước quay về, không thấy mệt chút nào. Tôi nghĩ đến công việc ở ngoài đồng đang chờ đang gọi mình.
Cũng buổi chiều hôm ấy, hiệu trưởng trường của bọn Hữu Khánh, tức là vợ của chủ tịch huyện, đẻ con ở bệnh viện ra nhiều máu quá, một chân đã bước sang thế giới bên kia. Thầy giáo nhà trường tập hợp ngay học sinh lớp năm ở bãi tập đưa đến bệnh viện hiến máu. Những em học sinh ấy vừa nghe hiến máu cho hiệu trưởng, em nào cũng nhao nhau vui vẻ như sắp sửa đón tết. Một số em trai đã vén tay áo ngay tại chỗ. Các em vừa ra khỏi cổng trường, Hữu Khánh của tôi liền tụt giày ra, cầm ở tay, chạy đến bệnh viện, có bốn năm em cũng chạy theo. Con trai tôi chạy tới bệnh viện đầu tiên. Sau khi các em khác đã đến đủ. Hữu Khánh xếp ở vị trí đầu tiên. Nó còn đắc ý nói với thầy giáo:
– Em là người đến đầu tiên.
Kết quả, thầy giáo đã lôi nó ra, chỉnh cho một mẻ, phê bình nó không tuân thủ kỉ luật. Hữu Khánh đành phải đứng sang một bên, nhìn các bạn mình lần lượt đi hiến máu, thử máu; thử đến hơn chục em không em nào trùng nhóm máu của cô hiệu trưởng. Hữu Khánh cứ nhìn, nhìn mãi có phần sốt ruột, nó sợ mình sẽ rơi vào người cuối cùng, đến lúc ấy có thể không hiến được máu. Nó bước đến trước mặt thầy giáo, ngượng ngịu thưa:
– Thưa thầy, em biết sai rồi ạ!
Thầy giáo ừ một tiếng rồi cứ phớt lờ, nó lại chờ hai bạn nữa vào thử máu. Lúc này ở phòng đẻ có một bác sĩ đeo khẩu trang đi ra, nói với nhân viên thử máu:
– Máu đâu? Máu đâu?
Người đàn ông thử máu đáp:
– Nhóm máu đều không đúng.
Bác sĩ kia giục:
– Đưa máu nhanh nhanh lên, tim bệnh nhân sắp ngừng đập mất rồi!
Hữu Khánh lại một lần nữa đến trước mặt thầy giáo, hỏi thầy:
– Thưa thầy, đến lượt em chưa ạ?
Thầy giáo nhìn Hữu Khánh huơ huơ tay:
– Vào đi.
Thử đến Hữu Khánh mới khớp nhóm máu, thằng con tôi sung sướng đỏ bừng mặt. Nó chạy ra nói với những người ở bên ngoài:
– Lấy máu của tôi đấy.
Lấy máu là chỉ được lấy chút ít thôi. Nhưng để cứu mạng sống cho vợ ông chủ tịch huyện, người trong bệnh viện một khi đã rút máu con trai tôi là cứ rút mãi. Cứ rút,rút mãi cho đến lúc mặt Hữu Khánh trắng bợt ra, nó vẫn cố gắng gượng không nói gì, sau đó ngay đến môi cũng trắng bợt, nó mới run rẩy nói:
– Cháu choáng đầu.
Người rút máu nói với nó:
– Rút máu thì ai cũng choáng đầu.
Lúc này Hữu Khánh đã hỏng rồi, nhưng bác sĩ đi ra nói máu vẫn chưa đủ. Người rút máu là một tên lưu manh, một kẻ khốn nạn, hắn rút gần như hết máu của thằng con tôi mà vẫn không dừng tay. Đến khi đầu của Hữu Khánh ngoẹo sang một bên, hắn mới cuống quít lên, đi gọi bác sĩ.Bác sĩ ngồi xuống đất đặt ống nghe vào nghe, rồi bảo:
– Tim ngừng đập mất rồi.
Bác sĩ cũng không lo lắng đến việc này lắm, chỉ mắng tên nhân viên hút máu một tiếng:
– Cậu làm ăn vớ vẩn thế.
Nói xong cho qua, rồi đi vào buồng đẻ cứu vợ chủ tịch huyện.
Buổi chiều hôm đó, trước lúc tôi đi làm đồng về, một em bé ở làng bên cạnh, là bạn học của Hữu Khánh, hớt ha hớt hải chạy đến, vừa chạy đến trước mặt chúng tôi, liền hỏi giật giọng:
– Ai là bố của Từ Hữu Khánh.
Tôi vừa nghe em hỏi, tim đã đập loạn xạ, đang lo không biết Hữu Khánh đã xảy ra chuyện gì thì em bé kia lại hỏi:
– Ai là mẹ của Từ Hữu Khánh?
Cậu bé nhìn tôi, lau mũi nói:
– À, phải rồi, là ông. Mời ông đến lớp học của chúng cháu.
Tôi hồi hộp quá, tim sắp sửa bật ra khỏi lồng ngực. Lúc này cháu bé mới bảo:
– Hữu Khánh sắp chết rồi, đang ở trong bệnh viện.
Mắt tôi tối sầm lại, tôi hỏi cậu bé:
– Cháu nói gì vậy?
Cậu bé đáp:
– Ông mau mau đến bệnh viện. Từ Hữu Khánh sắp chết rồi.
Tôi vứt cuốc chạy lên thành phố, trong lòng rối bời bời. Thầm nghĩ, trưa nay lúc tách ra đi riêng, Hữu Khánh vẫn còn khỏe khoắn bình thường, sao bây giờ lại bảo sắp chết cơ chứ! Đầu tôi cứ ong ong rối mù, chạy đến bệnh viện tỉnh, nhìn thấy người thầy thuốc đầu tiên tôi chặn ông ấy lại hỏi:
– Con trai tôi đâu?
Người thầy thuốc ấy nhìn tôi, cười đáp:
– Tôi làm sao biết được con trai ông?
Nghe ông ấy nói, tôi ngớ người, nghĩ bụng hay là nhầm,nếu là nhầm thì hay quá. Tôi nói:
– Họ bảo con trai tôi sắp chết, cần tôi đến bệnh viện.
Người thầy thuốc đang định bước đi, đứng lại nhìn tôi hỏi:
– Con trai ông tên là gì?
Tôi đáp:
– Hữu Khánh.
Ông ấy giơ tay chỉ vào gian phòng ở mãi tít cuối đường đi, bảo:
– Ông đến đằng ấy mà hỏi.
Tôi vội vàng chạy đến gian phòng đó, một người thầy thuốc đang ngồi viết cái gì đó ở bên trong. Tim đập thình thịch, tôi đi vào hỏi:
– Thưa bác sĩ, con trai tôi còn sống không?
Ông ta ngẩng đầu nhìn tôi rất lâu rồi mới hỏi:
– Ông có mấy đứa con trai?
Chân tôi lập tức bủn rủn, đứng run run tại chỗ, tôi đáp:
– Tôi chỉ có một đứa con trai, xin bác sĩ làm ơn cứu cháu.
Ông bác sĩ gật gật đầu, tỏ ra có biết, nhưng lại hỏi:
– Tại sao ông chỉ đẻ có một đứa con trai?
Hỏi thế thì tôi biết trả lời thế nào. Tôi cuống lên hỏi ông ta:
– Con trai tôi còn sống không?
Ông ta lắc đầu, nói:
– Chết rồi.
Tôi bỗng dưng chẳng còn nhìn thấy ông bác sĩ nữa, đầu óc tối sầm,chỉ có nước mắt rơi lã chã. Tôi hỏi ông ta:
– Con trai tôi đâu?
Hữu Khánh nằm một mình ở trong một gian nhà nhỏ, cái giường ấy kê bằng gạch. Khi tôi bước vào thì trời chưa tối, tôi thấy thân thể bé nhỏ của Hữu Khánh nằm trên giường, vừa gầy vừa nhỏ, trên người mặc bộ quần áo cuối cùng mẹ khâu cho. Con trai tôi nhắm mắt, mồm cũng ngậm chặt. Tôi cứ Hữu Khánh, Hữu Khánh gọi liền mấy tiếng.Hữu Khánh không nhúc nhích, tôi biết nó đã cứng lạnh. Tôi nghĩ mãi mà không sao hiểu nổi, tại sao đây là Hữu Khánh cơ chứ! Tôi nhìn Hữu Khánh, sờ sờ nắn nắn vào bả vai gầy gò cảu nó, đúng là con tôi rồi. Tôi cứ khóc, khóc mãi, đâu có biết thầy giáo thể dục của Hữu Khánh cũng đã đến. Nhìn thấy Hữu Khánh thầy cũng khóc, cứ nói đi nói lại với tôi:
– Thật không ngờ! Thật không ngờ!
Thầy giáo thể dục ngồi xuống cạnh tôi. Hai chúng tôi cùng nhìn nhau khóc. Tôi sờ mặt Hữu Khánh, thầy cũng sờ. Lâu lắm tôi mới sực nhớ ra, mình đã biết con trai vì sao bị chết đâu. Tôi hỏi thầy giáo, lúc này mới biết Hữu Khánh bị chết vì bị rút hết máu. Lúc này tôi đã muốn giết người, tôi đặt con trai xuống xông ra ngoài, xông ra buồng bệnh, nhìn thấy một bác sĩ, tôi liền túm chặt ông ta mà chẳng cần biết ông ta là ai, đấm luôn một quả vào mặt. Bác sĩ ấy ngã gục ra đất kêu ầm ĩ. Tôi nhìn ông ta, thét lên:
– Mày đã giết con trai tao!
Thét xong lại giơ chân đá ông ta. Có người ôm chặt tôi, quay nhìn thì đó là thầy giáo thể dục. Tôi liền bảo:
– Thầy buông tôi ra.
Thầy giáo thể dục nói:
– Ông không được đánh lung tung.
Tôi đáp:
– Tôi phải giết hắn!
Thầy giáo thể dục cứ ôm chặt tôi. Tôi gỡ không nổi, liền khóc van xin thầy:
– Tôi biết thầy đối xử tốt với Hữu Khánh, xin thầy buông tôi ra.
Thầy giáo thể dục vẫn không buông, tôi đành phải dùng khuỷa tay thúc thục mạng, thầy vẫn ôm tôi khư khư, để cho người bác sĩ kia đứng dậy chạy đi. Rất đông người đã xúm lại, tôi nhìn thấy trong đó có hai bác sĩ, liền nói với thầy giáo thể dục:
– Xin thầy buông tôi ra.
Thầy giáo thể dục to khỏe lực lưỡng ôm chặt tôi, tôi không sao gỡ ra được. Tôi lại giơ khuỷa tay hích thầy, thầy cũng không sợ đau, cứ nói hết lượt này đến lượt khác:
– Ông không được đánh lung tung.
Lúc này có một người đàn ông mặc quần áo kiểu Tôn Trung Sơn đi tới, ông ta bảo thầy giáo thể dục buông tôi ra và hỏi tôi:
– Ông là bố đẻ của học sinh Hữu Khánh ư?
Tôi phớt bơ ông ta. Thầy giáo thể dục vừa buông tôi ra, tôi liền xô vào một bác sĩ, người bác sĩ ấy quay người chạy biến. Tôi nghe ai đó gọi người đàn ông mặc quần áo kiểu Tôn Trung Sơn là chủ tịch huyện.Tôi chợt nhớ, thì ra ông ta là chủ tịch huyện, chính vợ ông ta đã cướp mất mạng sống của con trai tôi. Tôi giơ chân đạp một phát vào bụng chủ tịch huyện. Chủ tịch huyện kêu hự một tiếng rồi ngồi phệt xuống đất. Thầy giáo thể dục lại ôm chặt tôi, nói:
– Đó là chủ tịch huyện họ Lưu.
Tôi nói:
– Người mà tôi phải giết chính là chủ tịch huyện.
Tôi giơ chân đạp tiếp thì chủ tịch huyện đột nhiên hỏi:
– Anh là Phú Quí có phải không?
Tôi đáp:
– Hôm nay tao phải xé xác mày bằng được!
Chủ tịch huyện đứng dậy, nói với tôi:
– Phú Quí ơi, tôi là Xuân Sinh đây.
Ông ta vừa nói vậy, tôi đã ngớ người ra. Tôi nhìn ông ta một lúc, càng nhìn càng giống, liền bảo:
– Anh đúng là Xuân Sinh.
Xuân Sinh bước tới cũng nhìn tôi một chặp, rồi bảo:
– Anh là Phú Quí.
Nhận ra Xuân Sinh, tôi bớt giận đi nhiều. Tôi khóc nói với Xuân Sinh:
– Anh to cao và béo ra đấy.
Xuân Sinh mắt cũng đỏ hoe, bảo tôi:
– Phú Quí ạ, tôi cứ tưởng anh đã chết.
Tôi lắc lắc đầu:
– Chưa chết.
Xuân Sinh lại nói:
– Tôi cứ tưởng anh đã chết như lão Toàn.
Nhắc đến lão Toàn, hai chúng tôi đều khóc hu hu. Khóc xong một trận, tôi hỏi Xuân Sinh:
– Anh có tìm được bánh nướng không?
Xuân Sinh lau nước mắt, đáp:
– Không. Chắc anh còn nhớ chứ, tôi ra đi liền bị bắt làm tù binh.
Tôi hỏi Xuân Sinh:
– Anh có được ăn bánh bao không?
Xuân Sinh đáp:
– Được ăn.
Tôi bảo:
– Tôi cũng được ăn.
Nói xong cả hai chúng tôi đều cười, cười mãi cười mãi; nhớ đến đứa con trai đã chết, tôi lại khóc. Tay Xuân Sinh bóp bóp vào vai tôi. Tôi nói:
– Xuân Sinh này, con trai tôi chết rồi. Tôi chỉ có mỗi đứa con trai.
Xuân Sinh thở dài nói:
– Làm sao lại là con trai anh được nhỉ?
Tôi nghĩ đến Hữu Khánh đang nằm một mình ở gian nhà nhỏ, trong lòng đau đớn không chịu nổi. Tôi nói với Xuân Sinh:
– Tôi phải đi coi con trai đây.
Tôi cũng không định giết ai nữa, ai ngờ Xuân Sinh đột nhiên xuất hiện. Đi được mất bước, tôi quay đầu nói với Xuân Sinh:
– Xuân Sinh này, anh nợ tôi một mạng sống, kiếp sau phải trả tôi đấy nhé!
Đêm hôm ấy tôi bế xác con về, cứ đi lại nghỉ, nghỉ lại đi, bế mệt quá thì cõng con trên lưng, vừa đặt con trên lưng thì trong lòng đã hoảng, lại bế con ra đằng trước. Tôi không thể không nhìn con. Tôi cứ vừa nhìn con vừa đi. Lúc về đến đầu làng, càng đi càng nặng trĩu, tôi sẽ ăn nói làm sao với Gia Trân đây? Hữu Khánh chết đi thì Gia Trân cũng chẳng sống được bao lâu, cô ấy đã ốm đau đến mức ấy. Tôi ngồi xuống bờ ruộng ở đầu làng, đặt xác con lên chân. Cứ nhìn thấy con trai là tôi không sao cầm nổi nước mắt, khóc một thôi một hồi, xong tôi lại nghĩ Gia Trân sẽ thế nào đây? Nghĩ đi nghĩ lại, vẫn là nói dối với Gia Trân trước đã thì hơn. Tôi đặt Hữu Khánh ở bờ ruộng, về nhà len lén lấy cái cuốc; rồi lại ôm xác con đi đến trước mộ bố mẹ, tôi đào một cái hố.
Sắp chôn Hữu Khánh rồi, tôi luyến tiếc không nỡ xa lìa con. Tôi ngồi trước mộ cha mẹ, ôm chặt con không buông. Tôi áp má con vào cổ mình, mặt Hữu Khánh như băng lạnh cứng áp vào cổ tôi. Gió đêm thổi lá cây trên đỉnh đầu kêu xòa xòa. Thân thể Hữu Khánh cũng bị sương thấm ướt. Tôi cứ nghĩ hết lượt này đến lượt khác, lúc trưa nay con trai tôi còn nấp ở đằng sau gốc cây nhìn bố cơ mà. Tôi nói với đứa con đã tắt thở:
– Hữu Khánh ơi, bố biết trong lòng con yêu bố.
Nghĩ đến Hữu Khánh không bao giờ còn nói được nữa, không bao giờ cầm giày chạy bộ nữa, lòng tôi đau quặn từng cơn, đau tới mức tôi không khóc được nữa. Tôi cứ ôm con ngồi, nhìn trời sắp sáng rồi, không thể không chôn. Tôi liền cởi quần áo, xé ống tay áo bịt mặt cho con, lấy quần áo gói xác con rồi đặt xuống hố. Tôi nói trước mộ của bố mẹ:
– Hữu Khánh sắp xuống dưới đấy, bố mẹ đối xử với cháu tử tế một chút. Khi cháu còn sống, con hay đánh mắng cháu, bố mẹ thay con thương yêu cháu nhiều hơn nhé.
Hữu Khánh nằm trong huyệt, càng nhìn tôi càng thấy con mình nhỏ bé, không giống đứa trẻ mười ba tuổi, ngược lại giống như lúc Gia Trân vừa sinh nó ra, tôi e sỏi đá sẽ làm đau con tôi. Chôn xong Hữu Khánh thì trời tang tảng sáng. Tôi thong thả đi về nhà, cứ đi vài bước lại quay lại nhìn. Về đến cửa, vừa nghĩ từ nay sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy con trai nữa, không nén nổi tôi đã khóc thành tiếng, nhưng lại sợ Gia Trân nghe thấy liền bưng chặt mồm ngồi xuống. Tôi ngồi xổm lâu lắm, nghe thấy tiếng mọi người í ới gọi nhau đi làm, tôi mới đứng lên vào trong nhà. Phượng Hà đứng ở cạnh cửa tròn mắt nhìn tôi. Nó chưa biết em trai đã chết. Khi cậu bé ở làng bên cạnh đến báo tin, nó cũng ở đó nhưng không nghe được.
Nằm trên giường, Gia Trân gọi tôi một tiếng. Tôi đến cạnh giường, nói với vợ:
– Hữu Khánh bị tai nạn đang nằm ở bệnh viện
Hình như tin lời tôi, Gia Trân hỏi:
– Tai nạn gì?
Tôi nói:
– Cũng không rõ, khi đang ngồi học đột nhiên nó ngã lăn ra, được đưa đến bệnh viện. Bác sĩ bảo loại bệnh này phải mất vài hôm để chữa.
Mặt Gia Trân nhăn nhó, nước mắt ứa ra. Gia Trân nói:
– Mệt đấy mà, em đã làm khổ nó.
Tôi bảo:
– Không phải, mệt cũng không mệt đến mức ấy.
Gia Trân cứ nhìn rôi mãi, rồi bảo:
– Hai mắt anh đã sưng húp cả lên kia kìa.
Tôi gật gật đầu:
– Vậy à, thức cả đêm không ngủ còn gì.
Nói xong, tôi vội vàng đi ra. Hữu Khánh vừa chôn xuống đất, xương vẫn còn nóng, lại cứ nói chuyện với Gia Trân, thì tôi đứng sao nổi.
Những ngày tiếp theo, ban ngày tôi ra đồng làm việc, đến tối tôi nói với Gia Trân là vào thành phố thăm con xem có đỡ chút nào không. Tôi chầm chậm đi lên tỉnh, đi đến lúc trời tối lại trở về, ngồi trước mộ Hữu Khánh. Đêm tối om om, gió hắt vào mặt tôi, tôi nói chuyện với đứa con đã chết, tiếng cứ bay đi bay lại, chẳng giống tiếng tôi nữa. Ngồi đến nửa đêm tôi mới về nhà. Mấy ngày đầu, Gia Trân cứ mở mắt chờ tôi về, hỏi tôi Hữu Khánh có đỡ hơn không. Tôi liên tùy tiện bịa ra nói dối vợ. Vài hôm sau khi tôi về, Gia Trân đã ngủ rồi. Vợ tôi nhắm mắt trên giường. Tôi cũng cứ tiếp tục nói dối thế này không phải tốt đẹp gì. Nhưng đành phải thế, nói dối được ngày nào hay ngày ấy, chỉ cần Gia Trân cảm thấy Hữu Khánh còn sống là được.
Một hôm, tôi rời mộ con về nhà, sau khi tôi nằm xuống cạnh Gia Trân, Gia Trân đang ngủ đột nhiên bảo:
– Phú Quí ơi, em không sống được lâu đâu anh ạ!
Tôi giật mình, sờ lên mặt vợ, nước mắt ướt đầm đìa. Gia Trân lại nói:
– Anh phải trông nom Phượng Hà tử tế, điều em không yên tâm nhất là con gái.
Gia Trân không nhắc gì đến Hữu Khánh, lúc ấy tôi rối ruột lên, định nói mấy lời an ủi mà không nói nổi.
Chiều tối hôm sau, vẫn như ngày thường, tôi nói với Gia Trân vào thành phố thăm Hữu Khánh. Gia Trân gàn tôi đừng đi. Vợ tôi bảo tôi cõng cô ấy đi dạo trong làng. Gia Trân ngày càng nhẹ đi, gầy chỉ còn da bọc xương. Vừa ra khỏi cửa, Gia Trân liền bảo:
– Em muốn ra xem đằng tây thôn.
Nơi đó chôn Hữu Khánh, mồm tôi bảo được, song hai chân lại không chịu bước về hướng đó, cứ đi, đi mãi, đi đến đầu làng đằng đông. Lúc này Gia Trân mới nói khẽ:
– Phú Quí ơi, anh đừng nói dối em, em biết Hữu Khánh đã chết.
Vừa nghe vợ nói thế, tôi đứng chết lặng tại chỗ, chân bủn rủn. Cổ tôi mỗi lúc một ướt; tôi biết đó là nước mắt của Gia Trân. Gia Trân bảo:
– Cho em ra thăm Hữu Khánh.
Tôi biết không thể nói dối được, liền còng Gia Trân đi về đằng tây thôn. Gia Trân khẽ bảo tôi:
– Đêm nào em cũng nghe anh đi từ đằng tây thôn về, em biết ngay Hữu Khánh đã chết.
Đi đến trước mộ Hữu Khánh, Gia Trân bảo tôi đặt cô ấy xuống. Cô ấy ôm lấy mộ con trai, nước mắt giàn giụa, hai tay để trên mộ như muốn âu yếm Hữu Khánh, nhưng cô ấy không còn chút sức lực nào, chỉ có mất đầu ngón tay hơi động đậy. Tôi nhìn điệu bộ của Gia Trân, trong lòng đau đớn đến nghẹt thở. Tôi không nên giấu giếm chôn xác con, để Gia Trân không được nhìn con lần cuối cùng.
Gia Trân cứ thế ôm mộ con đến lúc trời tối. Tôi sợ sương đêm làm vợ cảm lạnh, liền cõng vợ lên lưng. Gia Trân lại bảo tôi cõng cô ấy ra xem đầu làng. Đến đầu làng, cổ áo tôi lại ướt sũng, Gia Trân vừa nói vừa khóc:
– Hữu Khánh không bao giờ còn chạy từ lối này về nữa.
Tôi nhìn con đường mòn quanh co thông lên tỉnh lỵ, từ nay không còn nghe thấy tiếng chân đất chạy bộ của con trai nữa. Ánh trăng chiếu trên đường trông như rắc đầy muối.
Hai hôm sau, Gia Trân qua đời. Tối hôm vợ tôi sắp mất, cô ấy đòi nằm nghiên, đòi nhìn tôi. Tôi nghiên người Gia Trân cho nằm quay sang tôi. Gia Trân bảo tôi đừng tắt đèn. Tối hôm ấy, vợ tôi cứ ngắm nhìn tôi suốt. Cô ấy bảo:
– Phú Quí ơi, anh tốt với em quá.
Nói xong cô ấy cười, nhắm mắt vào. Một lúc sau Gia Trân lại mở mắt ra, hỏi tôi:
– Phượng Hà ngủ có ngon không?
Tôi rướn người nhìn con gái, nói với vợ:
– Phượng Hà đã ngủ rồi.
Gia Trân lại nhắm mắt. Tôi nắm tay Gia Trân, cứ tưởng vợ đã ngủ. Chẳng mấy chốc hau tay Gia Trân lạnh dần. Tôi hớt hải sờ người Gia Trân, người cũng đã lạnh.
Sau khi Gia Trân tắt thở, tôi kín hai xô nước giếng đun ấm lên tắm rửa cho vợ. Phượng Hà cứ ngồi ở bên cạnh, gục mặt lên người mẹ mà khóc. Mấy lần tôi dìu nó tránh ra, nó lại sà ngay đến. Tôi tự nhủ, cứ để cho nó áp vào mẹ thêm một lúc, từ nay về sau nó sẽ chẳng bao giờ còn nhìn thấy mẹ nữa. Gia Trân gầy chỉ còn da bọc xương, dáng dấp của Gia Trân còn đáng thương hơn cả Hữu Khánh.
Sau khi Gia Trân qua đời, gia đình chỉ còn hai bố con côi cút. Bấy giờ Phượng Hà mới biết em trai đã chết. Mấy ngày đầu, Phượng Hà bỏ việc, bỏ cả cơm, cứ đứng trơ trơ trước mộ mẹ và mộ em. Tôi kéo nó về nhà, được một lúc nó lại đi. Mãi đến lúc tôi đổ bệnh, Phượng Hà mới trở lại trạng thái cũ. Nó chạy ngược chạy xuôi trông nom bố. Vài hôm sau, thấy con vất vả quá chừng, tôi cố gượng dậy ra đồng làm việc. Dân làng nhìn thấy tôi, ai cũng phải ngạc nhiên kêu lên:
– Ôi Phú Quí, tóc anh đã bạc hết cả rồi.
Tôi cười đáp:
– Bạc từ trước rồi mà.
Họ bảo:
– Trước kia chỉ lốm đốm, bây giờ mới có mấy hôm mà tóc anh đã bạc trắng cả.
Chỉ mới có vài hôm, tôi đã già khọm đi, sức lực trước kia của tôi không bao giờ có lại nữa, lúc làm việc thì hông mỏi, lưng đau, làm cố lên một chút là tòan thân toát mồ hôi. Có lúc nghĩ mình cũng sắp ra đi. Tôi không hề buồn, con người ta đã đến bước ấy cứ phải đi, chẳng qua là chỉ sớm vài hôm muộn vài ngày. Nhưng hễ nhìn thấy Phượng Hà là quả thật tôi không sao yên tâm. Phượng Hà vừa điếc vừa câm, một mình sống trên đời nó sẽ làm sao đây?
Sau khi Gia Trân và Hữu Khánh chết, Xuân Sinh đến thăm tôi hai lần. Xuân Sinh không gọi là Xuân Sinh nữa, anh ta có tên là Lưu Giải Phóng. Người khác gặp Xuân Sinh, ai cũng gọi anh ta là Lưu huyện trưởng. Tôi vẫn gọi anh ta là Xuân Sinh. Lần đầu đến thăm tôi, anh ta còn đem theo con trai hai tuổi. Con trai Xuân Sinh trắng trẻo mũm mĩm. Xuân Sinh bảo con gọi tôi là bác. Thằng bé ấy nhìn tôi lâu lắm nhưng không chịu mở mồm. Tôi nói với Xuân Sinh:
– Thôi, đừng bắt nó gọi nữa.
Xuân Sinh kể lại, sau khi bị bắt làm tù binh liền tham gia quân Giải phóng, đánh cho đến tận Phúc Kiến, sau đó lại sang đánh nhau ở Triều Tiên. Mạng Xuân Sinh lớn, đánh đi đánh lại thế quái nào đều không bị chết. Đánh xong trận ở Triều Tiên, anh ta chuyển ngành về một huyện ở bên cạnh. Năm Hữu Khánh chết, anh ta mới chuyển đến huyện này. Khi ra về, tôi tiễn Xuân Sinh tới đầu làng, tôi nói với Xuân Sinh:
– Từ này giờ đi anh đừng đến nữa, đừng đưa con anh đến nữa, hễ nhìn thấy nó, tôi lại đau lòng, lại nghĩ đến Hữu Khánh con tôi.
Về sau Xuân Sinh còn đến một lần nữa, lúc đó ở tỉnh thành đang làm cuộc Cách mạng Văn hóa. Khi Xuân Sinh đến thì đã quá nửa đêm, tôi với Phượng Hà đã ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi tỉnh giấc. Tôi mở cửa, nhờ có ánh trăng, tôi nhận ra Xuân Sinh ngay. Mặt Xuân Sinh bị đánh sưng vù. Xuân Sinh nói:
– Phú Quí ơi, anh ra đây một lát.
Dáng vè của Xuân Sinh khiến tôi giật mình, vội vàng choàng áo vào đi ra. Xuân Sinh đi trước, tôi đi theo sau. Tôi hỏi:
– Rút cuộc có chuyện gì vậy?
Xuân Sinh không trả lời, anh ta đi thẳng đến cạnh bờ ao này, đứng tại chỗ rồi quay đầu lại nói:
– Phú Quí ơi, tôi đến chia tay với anh.
– Anh đi đâu hả Xuân Sinh?
Xuân Sinh nghiến răng giận dữ nói:
– Tôi không thiết sống nữa.
Tôi ngạc nhiên, vội vàng kéo cánh tay anh ta nói:
– Xuân Sinh ơi, anh đừng có lẩn thẩn. Anh còn có vợ và con trai cơ mà.
Vừa nghe nói vậy, Xuân Sinh đã khóc. Anh ta nói:
– Phú Quí ơi, ngày nào tôi cũng bị chúng nó treo lên đánh.- Nói rồi anh ta giơ tay ra- Anh sờ tay tôi đây này.
Tôi sờ vào, tay anh ta như bị luộc chín, nóng kinh khủng. Tôi hỏi:
– Đau lắm không?
Anh ta lắc lắc đầu:
– Không cảm thấy đau.
Tôi ấn vai anh ta bảo:
– Xuân Sinh ơi, ngồi xuống đã. – Tôi nói với anh ta – Anh đừng có lẩn thẩn, người chết ai cũng muốn sống lại, còn người sống sờ sờ như anh không thể chết được.- Tôi còn nói – Mạng sống của anh là của bố mẹ anh cho, anh không cần mạng sống nữa thì đi hỏi bố mẹ đã.
Xuân Sinh lau nước mắt nói:
– Bố mẹ tôi đã chết từ bao giở bao giờ.
Tôi bảo:
– Vậy thì anh càng phải sống tử tế. Anh thử nghĩ mà xem, anh đánh bao nhiêu trận, đi Bắc về Nam như thế, mà vẫn sống có phải dễ đâu.
Hôm ấy, tôi và Xuân Sinh nói bao nhiêu chuyện. Trời sắp sáng rồi, Xuân Sinh như có phần xuôi xuôi. Anh ta đứng dậy đi, tôi tiễn anh ta ra đầu làng. Anh ta bảo:
– Phú Quí, anh đứng lại thôi.
Tôi đứng lại, nhìn Xuân Sinh bước đi. Xuân Sinh bị đánh thành què, anh ta cúi đầu đi tập tễnh, rất khó nhọc. Tôi lại không yên tâm, dặn với theo:
– Xuân Sinh ơi, nghe lời thôi đừng có chết đấy nhé!
Xuân Sinh đi mất bước, quay đầu lại trả lời:
– Đồng ý!
Vậy mà Xuân Sinh vẫn không nghe lời tôi. Một tháng sau, tôi nghe nói Lưu huyện trưởng đã nhảy xuống giếng tự tử ở trong thành phố. Một con người mạng có to đến mấy, nếu bản thân đã muốn chết, thì cũng không làm sao giữ nổi.
Xuân Sinh chết đã được mấy năm. Phượng Hà vẫn sống ở bên tôi, nhoáng một cái nó đã ba mươi nhăm tuổi. Tôi cảm thấy mình càng ngày càng yếu, một đời cũng coi như đã từng trải biết bao nhiêu sự việc, con người cũng chín được rồi, giống như quả lê đã chín nẫu thì phải rụng khỏi cành. Nhưng tôi cứ áy náy, không yên tâm về phần Phượng Hà. Nó không giống người khác, nó già rồi ai sẽ trông coi đây?
Kể ra thì Phượng Hà vừa câm vừa điếc, song nó cũng là đàn bà, không phải không biết chuyện lấy vợ gả chồng. Trong làng năm nào cũng có người gả đi lấy về, trống phách rôm rả một chầu. Những lúc ấy, Phượng Hà cứ chống quốc ngây người ra đứng nhìn. Mấy thanh niên trong làng chỉ chỉ trỏ trỏ trêu Phượng Hà.
Lúc con trai thứ ba nhà họ Vương trong làng cưới vợ, ai cũng khen cô dâu đẹp. Hôm ấy, cô dâu được dẫn về làng, mặc áo thêu hoa đỏ chói, miệng tươi cười. Tôi đứng ở ruộng nhìn theo, cả người cô dâu đỏ rực, khuôn mặt ửng hồng trông ưa mắt lắm; một đám thanh niên đi bên cạnh cười nói vang vang, chắc là nói những lời bậy bạ khó nghe, cô dâu chỉ cúi đầu cười. Con gái lúc đi lấy chồng, cái gì nhìn thấy cũng dễ chịu, cái gì nghe thấy cũng vui vẻ.
Phượng Hà làm việc ở ngoài đồng, vừa nhìn thấy cảnh tượng đó đã ngây ra, hai con mắt cứ chằm chằm nhìn không chớp, cuốc ôm trong lòng, người không nhúc nhích. Đứng ở một bên nhìn con, lòng tôi cay đắng vô cùng. Tôi nghĩ bụng, nó muốn xem cứ để cho nó xem thoải mái. Phượng Hà số khổ, nó chỉ có một chút hạnh phúc đứng xem người khác lấy chồng. Ai ngờ Phượng Hà nhìn mãi xem mãi liền bước đi luôn, nó đi đến bên cô dâu, cười ngây ngô, cùng đi với cô ta. Phượng Hà chân đất, mặc quần áo vá chằng vá đụp, đi cùng với cô dâu. Cô dâu mặc vừa gọn gàng vừa rực rỡ, người lại xinh, so với Phượng Hà nhà tôi, thì Phượng Hà quả thật lụt cụt xấu xí đáng thương quá. Mặt Phượng Hà không son phấn cũng đỏ ửng như cô dâu. Nó cứ quay sang nhìn cô dâu hoài.
Mấy thanh niên trong làng vừa cười vừa nói:
– Phượng Hà muốn lấy chồng đó mà.
Nói thế tôi còn nghe được, nào ngờ một lát sau, vọng đến những câu chối tai. Có ai đó nói với cô dâu:
– Phượng Hà đã nhìn trúng cái giường của em rồi đó.
Phượng Hà đi kề bên, cô dâu không tươi cười được nữa. Cô ta chê Phượng Hà. Lúc này có người nói với chú rể:
– Cậu trúng quả đậm, lấy một thành hai, một đệm ở dưới, một lợp ở trên.
Nghe xong, chú rể cười hì hì, cô dâu không nín nhịn được nữa, cũng chẳng thèm đếm xỉa đến chuyện mình mới đi làm dâu mà nên tỏ ra xấu hổ một chút, liền gân cổ vênh mặt mắng chú rể:
– Cười gì mà thối thế.
Tôi quả tình không thể đứng nhìn tiếp, liền đi lên bờ ruộng nói với bọn họ:
– Làm người không như thế được, có muốn ức hiếp người thì cũng không được ức hiếp Phượng Hà. Chúng mày có giỏi ức hiếp tao đây này.
Nói rồi, tôi kéo tay Phượng Hà đi về nhà. Phượng Hà là con người thông minh, chỉ nhìn thấy sắc mặt của tôi liền biết vừa có chuyện gì xảy ra. Nó cúi đầu theo tôi đi về nhà, khi về đến cổng thì nó khóc.
Sau đó tôi nghĩ, thế nào thì cũng phải kiếm cho con một tấm chồng. Tôi sắp xuống lỗ đến nơi rồi, sau khi tôi chết đã có Phượng Hà lo liệu. Còn Phượng Hà cứ tiếp tục sống thế này, thì sau khi chết, ai sẽ đứng ra chôn cất cho nó? Nhưng có người đàn ông nào muốn lấy nó cơ chứ? Một số người trong làng vẫn cho rằng tôi giữ rịt Phượng Hà để nó hầu hạ tôi suốt đời, họ bảo nếu Gia Trân còn sống thì Phượng Hà đã đi lấy chồng từ lâu rồi. Tôi nghĩ, họ nói vậy cũng có phần đúng, phận làm bố tôi không làm tròn, Phượng Hà đã ba mươi lăm tuổi vẫn chưa xây dựng gia đình. Tôi đi đến từng nhà cậy nhờ dân làng, đề nghị họ thăm dò bốn phương xem có người nào lấy Phượng Hà không. Họ hỏi tôi:
– Phượng Hà đi, ông không tiếc ư?
Tôi đáp:
– Dù người đàn ông kia có cụt chân què tay, chỉ cần anh ta muốn lấy Phượng Hà, tôi cũng gả.
Nói xong câu ấy tôi thấy đau lòng quá, Phượng Hà có đến nỗi nào, đâu có kém người khác, chỉ có điều không nói được thôi. Đã đến nông nỗi này tôi cũng đành phải thế.
Người đi thăm dò về bảo, ở trong thành phố có một người đàn ông tên là Vạn Nhị Hỷ cần Phượng Hà. Người ấy nói:
– Vạn Nhị Hỷ kém Phượng Hà hai tuổi, lại là người thành phố, làm thợ bốc vác, nhiều tiền lắm.
Tôi vừa nghe điều kiện tốt như vậy liền không tin, cảm thấy anh ta định đùa cợt với Phượng Hà đó thôi. Tôi nói:
– Xin đừng có đánh lừa thằng già này.
Người kia đáp:
– Không nói dối ông đâu. Vạn Nhị Hỷ là một anh vẹo đầu, đầu cứ ngả vào vai, không làm sao thẳng lên được.
Anh ta nói vậy thì tôi tin, tôi vội vàng bảo:
– Anh mau mau bảo hắn ta đến xem mặt Phượng Hà.
Chưa đầy ba ngày, Vạn Nhị Hỷ đã đến nhà, đúng là cậu ta vẹo đầu thật. Khi nhìn tôi, cậu ấy phải vểnh vai trái lên, nhìn Phượng Hà cũng thế. Phượng Hà vừa nhìn bộ dạng ấy đã nhoẻn miệng cười.
Vạn Nhị Hỷ mặc quần áo kiệu Tôn Trung Sơn sạch sẽ, nếu cái đầu không ngả vào vai, thì dáng dấp kia chẳng khác gì cán bộ ở thành phố về. Cậu ấy đặt một chai rượu và một mảnh vải hoa lên bàn, rồi cong vai đi một vòng trong nhà. Cậu ấy đang ngắm nhà tôi. Tôi mời cậu ấy ngồi xuống, cũng không cho Phượng Hà đi làm đồng, mà bảo nó ngồi trên giường. Tôi nói với cậu ấy:
– Đã để cậu phải tốn kém, thật ra mấy chục năm nay tôi không uống rượu.
Nghe xong, Vạn Nhị Hỷ vâng một tiếng, không nói gì, lại cong vai lên, nghiên nghiêng ngó ngó trong nhà, xem tới mức tôi đâm ra hồi hộp. Tôi nói:
– Nghèo thì có nghèo một chút, được cái tôi còn nuôi được một con lợn một con dê, nếu cậu lấy Phượng Hà thì tôi bán lợn bán dê sắm đồ cưới.
Nghe xong, cậu ấy vẫn vâng một tiếng. Tôi chẳng biết cậu ấy đang nghĩ gì. Ngồi một lúc cậu ấy đứng lên bảo phải về. Tôi nghĩ coi như đám này không thành rồi. Cậu ấy chẳng nhìn Phượng Hà bao nhiêu, cứ ngắm nghía cái nhà rách nát của tôi. Đi ra ngoài sân, tôi bảo cậu ấy:
– Không đem lễ ăn hỏi về ư?
Cậu ấy lại vâng một tiếng, rồi cong vai nhìn cỏ tranh trên mái nhà, sau đó gật đầu ra đi.
Vạn Nhị Hỷ vừa đi khỏi, người làng sang hỏi tôi:
– Có thành không?
Tôi lắc đầu nói:
– Nghèo quá, nhà tôi nghèo quá.
Sáng hôm sau, tôi đang ở ngoài đồng, có người bảo:
– Ai ở đằng kia thế?
Tôi ngẩng lên, thấy năm sáu người ở đầu đường đằng kia đang lắc la lắc lư đến, lại còn kéo theo một cái xe cải tiến, chỉ có người đi đầu tiên là không lắc lư, cậu ấy vẹo đầu đi rất nhanh. Nhìn từ xa, tôi đã biết là Vạn Nhị Hỷ, tôi không ngờ cậu ấy lại đến.
Nhìn thấy tôi, Vạn Nhị Hỷ nói:
– Cỏ tranh ở mái nhà nên thay, con chở một xe vôi quét lại tường.
Tôi nhìn vào cái xe cải tiến: có vôi, hai cái chổi quét vôi, lại còn có một miếng thịt lợn rõ to. Tay Vạn Nhị Hỷ cầm hai chai rượu trắng.
Lúc này tôi mới biết, Vạn Nhị Hỷ nhìn nhìn ngó ngó không phải là chê nhà tôi nghèo, ngay đến đống rạ ở trước nhà, cậu ấy cũng để ý đến. Tôi đã định thay nóc nhà từ lâu, chỉ còn chờ hết vụ cày cấy, rảnh rỗi sẽ nhờ bà con lợp giúp.
Vạn Nhị Hỷ dẫn năm người đến, thịt cũng mua về, rượu cũng đem theo, sắp xếp chu đáo tử tế lắm. Ngay tức thì bọn họ dỡ đống rạ, buộc thành từng bó nhỏ. Vạn Nhị Hỷ và một người nữa leo lên nóc nhà, để bốn người ở dưới, lợp lại mái nhà cho tôi. Thoáng nhìn một cái, tôi đã biết những người cậu ấy dẫn về đều là người quen việc này, nhanh chân nhanh tay, người ở dưới dùng gậy xọc bó rạ hất lên, Vạn Nhị Hỷ và người kia ở trên lợp. Đừng tưởng đầu Vạn Nhị Hỷ vẹo xuống vai sẽ vướng víu, cậu ấy làm việc thạo đáo để. Bó rạ vất lên, đầu tiên cậu ấy giơ chân đá một cái, rồi đưa tay đỡ. Người có bản lĩnh này trong làng chúng tôi không tìm đâu ra được một.
Chưa đến trưa đã lợp xong mái nhà. Tôi nấu cho anh em một xô nước trà, khiêng hết bàn ghế ra sân. Phượng Hà rót nước mời bọn họ, chạy trước chạy sau bận tíu tít. Phượng Hà cũng vui, nhìn thấy nhà mình đột nhiên có đông người đến làm việc, nó cứ há mồm cười hoài. Vạn Nhị Hỷ ở trên mái nhà leo xuống, tôi giục:
– Nhị Hỷ ơi, nghỉ giải lao đã.
Vạn Nhị Hỷ đưa ống tay áo lau mồ hôi trên mặt, đáp:
– Không mệt đâu ạ.
Nói xong lại cong vai nhìn chung quanh, nhìn thấy một ruộng rau ở bên trái, liền hỏi tôi:
– Rau nhà mình phải không ạ?
Tôi đáp:
– Phải.
Cậu ấy liền đi vào trong nhà lấy con dao bài ra ruộng chặt mấy cây tươi non đem vào trong nhà. Một lát sau cậu ấy thái thịt ở bên trong. Tôi ngăn cậu ấy, bảo để Phượng Hà làm việc này, cậu ấy lại giơ ống tay áo gạt mồ hôi nói:
– Không mệt đâu ạ.
Tôi không ngăn được Nhị Hỷ, đành sau Phượng Hà đi đốt bếp giúp cậu ấy, còn mình ra ngoài nói chuyện với những người Nhị Hỷ dẫn đến. Mấy lần tôi đi vào ngó thử, thấy hai người như một đôi vợ chồng, một người đun bếp, một người nấu cơm xào rau, anh nhìn chị, chị nhìn anh, há mồm cười. Tôi cũng thấy yên tâm.
Ăn cơm trưa xong, anh em Nhị Hỷ Hỷ lấy vôi quét tường. Nhà tôi tường đất, ngày hôm sau vôi khô nom cứ trắng xóa, giống như nhà ngói ở thành phố. Quét vôi xong, còn sớm sủa, tôi bảo Nhị Hỷ:
– Ăn cơm tối xong hãy về.
Cậu ấy đáp:
– Không ăn đâu ạ.
Nói xong cong cong vai với Phượng Hà. Tôi biết cậu ấy đang nhìn Phượng Hà. Cậu ấy khẽ hỏi tôi:
– Bố ơi, bao giờ con đón Phượng Hà đi?
Vừa nghe câu này, vừa nghe cậu ấy gọi tôi là bố, tôi mừng chảy nước mắt. Tôi đáp:
– Con muốn đón lúc nào thì đón.- Tiếp theo đó tôi lại khẽ bảo – Nhị Hỷ ơi, không phải bố bắt con tốn kém, thật tình là Phượng Hà số khổ, hôm con cưới Phượng Hà, mời đông đông người đến cho vui vẻ ồn ào, cùng là để cho dân làng người ta nhìn vào.
Nhị Hỷ đáp:
– Con biết rồi, bố ạ!
Tối hôm ấy, Phượng Hà vuốt ve tấm vải hoa Nhị Hỷ đem đến, hết ngắm lại cười, cười xong lại ngắm. thỉnh thoảng ngẩng đầu, thấy tôi đang nhìn nó, liền lúng túng đỏ mặt. Phượng Hà biết mình sắp sửa đi lấy chồng. Thấy nó thích Nhị Hỷ, tôi cũng vui, nghĩ thầm Gia Trân cũng có thể an tâm được rồi, khi nào tôi duỗi chân đến chỗ Gia Trân, thì chẳng việc gì phải lo đến chuyện Phượng Hà sống một mình trên đời như thế nào nữa.
Tôi bán luôn một con lợn một con dê, dẫn Phượng Hà lên tỉnh may cho con hau bộ quần áo mới, sắm hau cái chăn mới, mua cả chậu rửa mặt, phàm cái gì con gái khác trong làng có thì Phượng Hà cũng có, tôi không thể để Phượng Hà phải thua kém buồn tủi.
Hôm Nhị Hỷ cưới Phượng Hà, chiêng trống rộn ràng từ xa xa vọng đến. Dân làng túa hết ra đầu làng đứng xem. Nhị Hỷ dẫn theo hơn hai mươi người ở trong thành phố, tất cả đều mặc quần áo kiểu Tôn Trung Sơn. Nếu Nhị Hỷ không gài bông hoa hồng to ở ngực, thì chẳng khác gì cán bộ to nào đó về làng. Nổi bật nhất là ở giữa có một chiếc xe cải tiến trang trí lộng lẫy, chiếc ghế trên xe cũng xanh đỏ rực rỡ. Vừa đi vào làng, Nhị Hỷ đã bóc hai túi thuốc lá Đại Tiền Môn, cứ thấy đàn ông là nhét vào tay, mồm cứ rối rít:
– Xin cảm ơn, xin cảm ơn!
Trong làng, nhà nào cưới vợ gả chồng, thuốc lá ngon nhất cũng chỉ là loại Ngựa Bay, đằng này Nhị Hỷ cứ biếu từng bao từng bao Đại Tiền Môn, oai không nhà nào sánh kịp. Hai mươi người đi sau Nhị Hỷ cũng hăng hái vô cùng, chiên trống khua ầm ĩ, lại còn gân cổ lên hò hét. Người nào túi cũng phồng to, hễ nhìn thấy con gái và em nhỏ trong làng là móc kẹo trong túi ra tung cho họ. Nhìn quang cảnh nhộn nhịp hào phòng ấy tôi cứ bần thần cả người, thầm nghĩ những thứ tung ra đó đều là tiền chứ có phải chơi đâu.
Rất nhiều năm sau, khi những cô gái khác trong làng đi lấy chồng, ai ai cũng bảo chỉ có đám cưới Phượng Hà là oách nhất. Hôm ấy, Phượng Hà mặc quần áo mới từ trong nhà bước ra trong xinh đẹp cực kỳ, ngay đến người làm bố như tôi cũng không ngờ con gái mình lại đẹp như vậy. Những người ở thành phố Nhị Hỷ dẫn về ai cũng khen:
– Vẹo đầu thật là diễm phúc.
Xưa nay chưa bao giờ có nhiều người cùng xem Phượng Hà như thế này. Mặt Phượng Hà đỏ ửng như quả cà chua chín tới. Nó cứ cúi gằm mặt xuống ngực không biết làm thế nào hơn. Nhị Hỷ kéo tay Phượng Hà đến cạnh chiếc xe hoa. Phượng Hà nhìn chiếc ghế trên xe cải tiến cũng không biết phải làm gì nữa. Nhị Hỷ thấy hơn Phượng Hà đã bế nó lên xe, người đến xem vui cười rộ lên, Phượng Hà cũng khúc khích. Nhị Hỷ nói với tôi:
– Bố ơi, con đưa Phượng Hà đi đây.
Nói xong, Nhị Hỷ tự kéo xe đi. Xe vừa chuyển bánh, Phượng Hà đang cúi đầu cười, vội vàng quay lại, sốt ruột nhìn tới nhìn lui. Tôi biết nó tìm tôi, liền vẫy vẫy tay; Phượng Hà nhìn thấy tôi là giàn giụa nước mắt. Nó quay người nhìn tôi rồi khóc. Tôi chợt nhớ năm Phượng Hà mười ba tuổi, khi bị người ta dẫn đi, nó cũng nhìn tôi mà khóc thế này. Hễ tôi đau buồn là nước mắt trào ra, nhưng nghĩ lần này khác, lần này là Phượng Hà đi lấy chồng, nên tôi cười.
Nhị Hỷ rất biết điều, khi kéo xe đi rồi còn cứ quay đầu lại nhìn cô dâu của mình, vừa trông thấy Phượng Hà quay người nhìn tôi khóc, thì dừng xe lại, đứng tại chỗ và cũng quay người lại. Phượng Hà càng khóc càng đau long, hai vai cứ rung rung khiến cho người làm bố như tôi cũng phải mủi lòng. Tôi bảo Nhị Hỷ:
– Nhị Hỷ, Phượng Hà là vợ con rồi, còn không mau mau kéo nó đi.
Gả Phượng Hà cho người thành phố, tôi như người mất hồn. Lúc nào thư thả là cứ ngó trước nhìn sau, dường như Phượng Hà đang nấp ở trong nhà. Nghĩ đến Phượng Hà là bát nước hất đi, tôi đành ngồi xuống, nhưng ngồi cũng không ngồi nổi, lại chạy ra đầu làng trông ngóng. Tôi cũng biết Phượng Hà không trở về, nhưng nhìn ra xa xa như thế cũng thấy vững dạ hơn.
Theo tục lệ, thì sau một tháng Phượng Hà sẽ về thăm. Tôi cũng phải một tháng sau mới đi thăm con được. Nào ngờ được năm hôm, vào lúc chiều tối có người đến nhà bảo:
– Phú Quí ơi, ông ra đầu làng thử xem, hình như con rể đã đến.
Tôi chạy ra đầu làng. Nhị Hỷ đến thật, bả vai bên trái vểnh lên, tay xách một hộp bánh ga-tô, Phượng Hà đi ở bên cạnh, hai đứa tay trong tay, cười tít mắt đang đi tới. Dân làng ai nhìn thấy cũng cười, những năm tháng đó đâu có nhìn thấy đàn ông đàn bà cầm tay nhau đi đường. Tôi nói với họ:
– Nhị Hỷ là người thành phố, người thành phố tự nhiên như Tây.
Phượng Hà trở thành vợ của Nhị Hỷ, tôi cứ hai ba hôm lại lên tỉnh, giống như hồi trẻ, chỉ khác nơi đến. Khi đi tôi ra chỗ đất phần trăm cắt mấy cây rau tươi non để vào làn xách theo, bà con trông thấy liền hỏi:
– Lại đi thăm Phượng Hà phải không?
Tôi gật đầu đáp:
– Phải.
Họ bảo:
– Ông cứ đến xoành xoạch, anh chàng con rể vẹo đầu không đuổi về ư?
Tôi đáp:
– Làm gì có chuyện ấy.
Bà con hang xóm của Nhị Hỷ đều thích Phượng Hà. Hễ tôi đến là họ khen nó, họ bảo nó vừa chịu khó chăm chỉ vừa thông minh. Khi quét sân thì quét giúp cả trước cửa nhà người ta, hễ quét đường là quét cả nửa dãy phố. Người hàng xóm nhìn thấy Phượng Hà toát cả mồ hôi, liền đến bên vỗ vỗ, bảo đừng quét nữa, lúc này nó mới cười tít mắt quay về nhà mình.
Trước kia Phượng Hà chưa học đan áo len, nhà chúng tôi nghèo, có ai được mặc áo len bao giờ. Phượng Hà thấy vợ người ta ngồi ở trước cửa đan áo, ngón tay cứ thoăn thoắt đưa đi đưa lại, nó thích lắm liền xách ghế đến ngồi xem, hễ xem là xem lâu lắm, cứ ngây người ra đó. Chị vợ nhà hàng xóm thấy Phượng Hà thích đến thế, liền cầm tay hướng dẫn. Hướng dẫn xong, chị hàng xóm mới ngạc nhiên, Phượng Hà học một cái là biết ngay, mới có ba bốn ngày mà Phượng Hà đan áo len nhanh như bọn họ. Gặp tôi, các chị ấy bảo:
– Nếu Phượng Hà không câm không điếc thì hay quá.
Trong lòng họ cũng thương Phượng Hà. Về sau, chỉ cần làm xong việc nhà, Phượng Hà lại ngồi trước cửa đan áo len giúp họ. Trong số chị em của cả dãy phố chỉ có Phượng Hà đan áo len dày nhất chặt nhất. Thế là được rồi, họ đưa len đến nhờ Phượng Hà đan cho. Phượng Hà có mệt đôi chút nhưng trong lòng vẫn vui. Áo len đan xong đưa trả họ, họ giơ ngón tay lên khen nhất. Phượng Hà nhoẻn miệng cười lâu.
Lần nào tôi lên tỉnh thăm con, chị em khu phố gần kề sang chơi cứ xuýt hoa khen Phượng Hà thế này thế khác, toàn là những lời nhận xét tốt đẹp, nghe xong tôi cũng đâm ghen. Tôi nói:
– Người thành phố tốt đấy, ở thôn quê rất hiếm nghe thấy có người khen Phượng Hà tốt như vậy.
Nghe mọi người ai cũng khen Phượng Hà như thế, Nhị Hỷ càng thương yêu vợ, lòng tôi cũng vui vui.
Về làng, hễ gặp ai tôi cũng khoe Phượng Hà ở thành phố tốt như thế nào, được người ta thích ra sao. Nghe xong có một số người còn tỏ ra không vui, nói với tôi:
– Phú Quí ơi, ông mụ mị đầu óc mất rồi, người thành phố chẳng biết điều gì cả, Phượng Hà làm việc cho bọn họ suốt ngày như thế, chẳng chết mệt hay sao?
Tôi bảo:
– Sao lại nỡ nói vậy?
Họ nói:
– Phượng Hà đan áo len cho họ, họ có biếu Phượng Hà chút gì không?
Người nhà quê tâm địa hẹp hòi, rặt nghĩ đến chuyện được hời. Đàn bà thành phố đâu có xấu như họ nói. Tôi đã hai lần nghe họ giục Nhị Hỷ:
– Nhị Hỷ ơi, anh đi mua hai cân len về, cũng để Phượng Hà có một chiếc áo len chứ!
Nhị Hỷ nghe xong cười không nói gì. Nhị Hỷ là người thực tế, lúc cưới Phượng Hà, nghe lời tôi đã chi nhiều tiền, phải đi vay nợ. Khi mọi người về, Nhị Hỷ nói riêng với tôi:
– Bố ạ, con trả xong nợ sẽ sắm áo len cho Phượng Hà.
Cứ sống như thế được mấy tháng, lúc đồng áng bận rộn tôi không thể thường xuyên lên thành phố; được cái là công xã nhân dân, dân làng cùng ra đồng làm việc, tôi chẳng cần phải sốt ruột lo lắng. Phượng Hà về thăm hai ngày giúp bố cơm nước, tôi liền giục nó về. Tôi đưa tay đẩy đẩy nó ra đầu làng. Dân làng có người trông thấy cười hì hì, bảo chưa bao giờ thấy ông bố như vậy. Nghe xong tôi cũng cười hì hì, nghĩ bụng trong làng này chẳng có con gái nhà ai đối xử với bố mẹ tử tế như Phượng Hà. Tôi nói:
– Chỉ có một mình Phượng Hà, chăm nom được bố thì không chăm được con rể vẹo đầu của tôi.
Bị tôi đuổi về thành phố, được mấy hôm Phượng Hà lại về. Lần này cả hai vợ chồng cùng về. Từ xa xa, hai đứa dắt tay nhau đi đến. Tôi đã nhận ra chúng nó từ rất xa, khỏi cần nhìn cái đầu bẹt của Nhị Hỷ, chỉ thấy dắt tay nhau là tôi cũng biết ai rồi. Nhị Hỷ xách một chai rượu nếp, cứ há mồm cười hoài; Phượng Hà xách cái làn tre nhỏ trong tay, cũng cười như Nhị Hỷ. Tôi nghĩ chắc là có việc mừng gì chúng nó mới vui thế. Vào trong nhà, Nhị Hỷ kéo kéo ống tay áo tôi:
– Bố ơi, Phượng Hà đã mang thai.
Phượng Hà có con ư? Tôi há miệng cười. Ba bố con tôi cười một lúc thì Nhị Hỷ chợt nhớ đến chai rượu trong tay, liền đi lấy ba cái bát, Phượng Hà lấy từ trong chiếc làn trẻ một bát hạt đậu. Nhị Hỷ rót đầy rượu cho tôi, lại rót cho Phượng Hà. Phượng Hà giữ chặt chai rượu, lắc đầu rối rít. Nhị Hỷ nói:
– Hôm nay em nên uống.
Phượng Hà như hiểu lời chồng, thôi lắc đầu. Chúng tôi bưng bát lên. Phượng Hà uống một ngụm, chau chau mày, thấy bố và chồng đều nhìn mình, nó mím môi cười. Tôi và Nhị Hỷ hai bố con uống hết. Một bát rượu đã vào bụng, Nhị Hỷ rưng rưng nước mắt, nói:
– Bố ạ, Phượng Hà này, con có nằm mơ cũng không nghĩ mình có ngày như hôm nay.
Tôi cũng rơm rớm nước mắt. Tôi bảo:
– Bố cũng không ngờ, trước đây cứ sợ nhất là mình chết đi thì Phượng Hà sẽ sống thế nào. Con lấy Phượng Hà, bố yên tâm hẳn, nay có con nữa lại càng hay, sau này Phượng Hà có ra đi thì cũng có người lo liệu.
Phượng Hà thấy bố và chồng đều khóc, mắt nó cũng đỏ hoe. Nhị Hỷ lại nói:
– Nếu bố mẹ con còn sống thì tốt quá. Khi mẹ con chết cứ cầm tay con không chịu buông.
Tôi liền nghĩ đến Gia Trân và Hữu Khánh, nói:
– Lúc Gia Trân chết, điều mẹ con không yên tâm nhất là Phượng Hà, còn Hữu Khánh nó lớn lên trong bàn tay bế ẵm của chị nó. Mẹ và em con đều không được chứng kiến hôm nay.
Tôi và Nhị Hỷ càng khóc càng đau lòng. Phượng Hà cũng nước mắt lưng tròng. Khóc một trận xong, Nhị Hỷ lại cười. Nó chỉ chỉ vào bát hạt đậu, nói:
– Bố ăn đậu đi, Phượng Hà rang đấy.
Tôi đáp:
– Bố ăn, bố ăn!
Nói rồi tôi cũng cười. Tôi sắp sửa có cháu ngoại. Chúng tôi khóc khóc cười cười, mãi cho đến khi chiều tối Nhị Hỷ và Phượng Hà mới ra về.
Phượng Hà sẽ có con, Nhị Hỷ càng thương yêu nó. Dạo ấy là mùa hè, trong nhà có nhiều muỗi, lại không có màn, hễ trời tối, Nhị Hỷ liền nằm ra giường cho muỗi đốt, để Phượng Hà ngồi hóng mát ở ngoài phố. Chờ muỗi ở trong nhà đốt no rồi, không còn đốt nữa, mới bảo Phượng Hà đi ngủ. Có vài lần Phượng Hà đi vào nhìn chồng, Nhị Hỷ sốt ruột bế vợ ra. Những chuyện này đều do nhà hàng xóm kể với tôi. Họ giục Nhị Hỷ:
– Anh đi mua một cái màn đi.
Nhị Hỷ vẫn cười, không nói gì. Lúc vắng người nó mới nói với tôi:
– Chưa trả xong nợ, con chưa yên tâm.
Nhìn muỗi đốt sần hết mình mẩy con rể, tôi thương lắm. Tôi bảo:
– Con đừng làm thế.
Nhị Hỷ nói:
– Một mình con, muỗi đốt nhiều một chút không hại gì, nhưng Phượng Hà là cả hai mẹ con.
Phượng Hà ở cữ vào mùa đông. Hôm ấy mưa tuyết to lắm, không nhìn thấy gì ở ngoài cửa sổ. Phượng Hà vào buồng đẻ đã một đêm mà vẫn chưa ra. Tôi và Nhị Hỷ chờ ở ngoài, càng chờ càng sợ. Có một bác sĩ đi ra, liền xô đến hỏi, biết Phượng Hà vẫn còn đang chờ, chúng tôi có phần nào yên tâm. Đến lúc trời sắp sang, Nhị Hỷ nói:
– Bố ơi, bố ngủ trước đi.
Tôi lắc đầu, đáp:
– Sốt ruột ngủ sao được.
Nhị Hỷ khuyên tôi:
– Hai người không thể buộc vào nhau được. Phượng Hà đẻ xong còn phải có người trông nom chứ.
Tôi nghĩ nói thế cũng phải, liền bảo:
– Con ngủ trước đi, Nhị Hỷ ạ.
Hai bố con cứ đùn đẩy nhau, chẳng người nào chịu người ngủ. Đến lúc trời sáng hẳn mà Phượng Hà vẫn chưa ra. Chúng tôi lại sợ, những người đi đẻ sau Phượng Hà đều đã ra hết. Tôi và Nhị Hỷ đâu có ngồi yên được, ghé vào cửa nghe ngóng tiếng động trong phòng, nghe thấy có tiếng đàn bà kêu, chúng tôi mới yên tâm. Nhị Hỷ nói:
– Khổ cho Phượng Hà.
Một lúc sau, tôi cảm thấy không đúng, Phượng Hà câm cơ mà, có biết kêu đâu. Tôi nói lại với Nhị Hỷ, Nhị Hỷ bỗng tái mét mặt, chạy đến cửa buồng đẻ gọi thục mạng:
– Phượng Hà, Phượng Hà!
Một bác sĩ ở trong đi ra bảo Nhị Hỷ:
– Anh gọi cái gì thế, ra đi.
Nhị Hỷ khóc huh u, nói:
– Sao mãi không thấy vợ tôi ra!
Có người ở bên cạnh nói với chúng tôi:
– Đẻ đái cũng tùy người, người thì nhanh, kẻ thì chậm.
Tôi nhìn Nhị Hỷ, Nhị Hỷ nhìn tôi, nghĩ bụng có thể là như vậy, liền ngồi xuống đợi, lòng vẫn hồi hộp lo lắng.
Chẳng bao lâu, một bác sĩ đi ra hỏi chúng tôi:
– Cần mẹ hay là cần con?
Nghe hỏi như vậy, chúng tôi đớ người ra. Bà bác sĩ lại hỏi:
– Nào, trả lời đi.
Nhị Hỷ quì thụp trước mặt bác sĩ, khóc trả lời:
– Thưa bác sĩ, cứu lấy Phượng Hà, tôi cần Phượng Hà.
Nhị Hỷ khóc huh u trên nền nhà. Tôi dìu Nhị Hỷ dậy, khuyên con rể đừng làm thế, làm thế ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi nói:
– Chỉ cần Phượng Hà không sao là được. Tục ngữ nói còn giữ được núi xanh thì sợ gì không có củi đun.
Nhị Hỷ khóc huh u nói:
– Con của tôi chết rồi.

VN88