Mời các bạn đọc truyện trở về phố xưa truyện được cập nhật tại chuyên mục truyện ngắn hay của Truyen18.name.
Trở về phố xưa truyện ngắn
(Tên họ và hoàn cảnh của các nhân vật trong truyện ngắn dưới đây, nếu có sự trùng hợp ngoài đời thì chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết)
CHUYẾN BAY HỒI HƯƠNG và
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Năm 75, anh cùng một số chiến hữu đáp những chiếc chiến đấu cơ xuống phi trường Utapao Thái Lan di tản, rồi sang định cư tại Hoa Kỳ. Cuối thập niên 80, anh là một trong những người sớm trở về Việt Nam. Anh trở về không phải để xem lại nhà cũ, quê xưa hay để thăm họ hàng như nhiều người. Anh về để giải tỏa nỗi băn khoăn trong lòng mình. Nỗi băn khoăn anh đã mang theo từ khi rời Hà Nội, ngày nào đã xa.
Chiếc phi cơ dân sự 747 cất cánh đã trên mười phút, lấy đủ cao độ. Qua máy vi âm, người phi công trưởng chào mừng hành khách bằng tiếng phổ thông Trung Hoa rồi bằng Anh ngữ. Người hoa tiêu cũng cho biết thời gian chuyến bay dài trên 16 tiếng, từ San Francisco tới Hồng Kông, và giờ giấc cùng khí hậu hiện tại của nơi đến. Minh nhận nút bấm để lưng ghế của mình ngả thêm một chút ra phía sau cho thoải mái. Hàng ghế Economy chật hẹp, anh không muốn ngả hết lưng ghế sợ làm phiền người hành khách ngồi sau. Anh lẩn thẩn nghĩ ngày xưa, anh cũng như nhiều người Việt Nam khác ở quê nhà, ít ai để ý đến chi tiết về khí hậu mỗi ngày. Hồi còn ở miền Bắc với bốn mùa khá rõ rệt, rồi sinh sống bao năm tại miền Nam với hai mùa mưa nắng, anh ít khi cần biết đến chuyện thời tiết. Cứ cho đó là chuyện của ông Trời. Trời lạnh mặc cho ấm, trời nóng mang áo mỏng. Mùa mưa đem sẵn áo che mưa. Đời sống cứ hồn nhiên như thế cho đến khi vào quân đội, làm phi công anh mới thường để ý đến thời tiết.
Nghĩ đến chuyến về thăm Hà Nội lần này, sau trên 30 năm xa cách, Minh thấy nao nao trong lòng. Anh mong biết tin tức người cũ. Không biết Bích Hạnh, người thiếu nữ anh đã yêu thương chỉ một thời gian ngắn nhưng rất nồng nàn lúc mới vào đời, bây giờ nơi đâu, sống còn ra sao. Anh vẫn thầm ân hận, chỉ vì yêu anh mà bao nỗi đau đã đến với nàng.
“Chú cũng về Việt Nam chuyến này?” Cô gái ngồi ghế bên nhìn Minh hỏi, làm ngưng dòng suy tưởng của anh. Giọng nói dễ thương, khuôn mặt tươi trẻ, tuổi cô khoảng mười tám đôi mươi. Cô không trang điểm cũng đẹp hồn nhiên. Mái tóc đen huyền gần chạm vai, phần cuối úp vào nơi cổ trắng, làm anh nhớ tới mái tóc của Hạnh ngày nào. Không trả lời ngay câu hỏi, anh nhẹ nhàng hỏi lại “Cô biết tôi là người Việt?”. “Cháu thấy chú cầm tờ báo tiếng Việt trên tay lúc nãy”. Cách xưng hô vừa thân mật, vừa phân định khoảng cách tuổi tác giữa Minh và cô. Bây giờ anh mới trả lời câu cô hỏi lúc đầu “Tôi về Hà Nội có công việc, cũng tìm gặp người quen, còn cô?”. “Cháu trở về Sàigòn thăm cha mẹ cháu”. Câu chuyện giữa hai hành khách cùng ngôn ngữ, cùng quê hương thật tự nhiên, dễ dàng.
Sau bữa ăn tối, đèn trong thân tàu được để nhỏ lại. Cô gái nói muốn ngủ một vài giờ, tối qua cô thức thật khuya để lo thêm bớt những món trong hành lý. Cô lấy tấm mền nhỏ màu huyết dụ từ chỗ ngồi, đem phủ lên người, kín cả đôi chân. Cô khẽ than “cháu lạnh”. Câu nói tự nhiên vô tình này lại làm Minh thấy nhói nơi tim. Anh liên tưởng đến câu nói “em lạnh” của Hạnh ngày nào. Ngày ấy…, trước giây phút yêu nhau lần đầu, Hạnh nói cùng anh, giọng nàng run rẩy nhưng không phản đối: “em sợ!”. Rồi sau khi yêu nhau, qua những phút nóng bỏng, cuồng nhiệt của xác thịt, Minh vẫn còn lưu luyến muốn tận hưởng kéo dài những rung cảm yêu đương. Anh nằm ôm Hạnh, cánh tay bên phải anh để nàng buông tóc gối đầu. Bàn tay trái anh đã xoa vuốt lưng nàng, như dỗ dành một người em, như xin chuộc lỗi mình, vì đã lấy đi của nàng đời con gái. Khuôn mặt thanh tú của nàng kề bên anh, khép mi. Nét ngây thơ thiên thần vô tội. Hương thơm da thịt người thanh nữ làm anh ngất ngây dù anh mới tận hưởng thú yêu thương. Cảnh cũ như một cuốn phim quay chậm lại trong tâm tưởng. Trong căn phòng trọ, anh đã nghe nàng nói “em lạnh”. Âm thanh một thời đã xa như còn lắng đọng trong thính quan. Minh nhớ rõ anh đã xoay mình lấy tấm chăn, đắp lên người Hạnh rồi nhẹ hôn lên môi nàng. Anh thấy mi nàng ướt. Ngày đó nàng mới gần 18 và anh chưa được 21 tuổi đời. Cả hai cùng bồng bột, say đắm, thắm thiết trong yêu đương của tình đầu. Tình yêu tuổi trẻ lên đến đỉnh cao mau chóng trở thành trái cấm, lôi cuốn và mời mọc, khiến anh và nàng cùng sa vào đam mê, không suy tính. Anh đã yêu Hạnh ngay từ lần đầu mới gặp, như gặp một cú sét của những cuộc tình lãng mạn trong tiểu thuyết. Hạnh có lẽ cũng vậy, tim nàng rộn ràng, nàng sững sờ trong phút đầu gặp anh, đến nỗi cha nàng phải nhắc “Con chào thày học chưa ?”…
Lúc đó là cuối thu, bắt đầu niên học mới. Anh theo năm thứ hai Đại học Khoa Học tại Hà Nội. Nàng mới vào học lớp đệ nhị, ban C, chuẩn bị thi Tú tài phần I vào năm tới. Gia đình nàng sống sung túc, cha là một công chức ngạch khá cao, chuyên về xây cất và công lộ. Quan tâm cho việc học và thi cử của cô con gái đầu lòng, cha mẹ nàng đăng báo tìm người kèm cho nàng bài vở và luyện thi. Gia đình Minh thanh bạch, cha anh là tiểu công chức tại Thái Bình. Năm trước đó, Minh cũng đã phải kèm dạy tư gia vài chỗ để đủ chi dùng, bớt một phần gánh nặng cho cha mẹ còn lo nuôi dưỡng những đứa em. Một chiều thứ bảy, với chiếc xe đạp cũ kỹ, anh theo địa chỉ trên báo, đến tìm xin việc. Căn biệt thự đẹp trang nhã, màu vàng nhạt, cửa sơn xanh, hướng ra sông Hồng. Nước sông Hồng tại Hà Nội hình như không lúc nào trong, luôn luôn đục, màu gạch nhạt, và mùa ấy cuồn cuộn chảy, có lẽ vì những cơn lũ từ thượng du. Minh cẩn thận khóa xe, dựa bên vách tường gần cổng, e dè nhấn chuông. Hai con chó lớn, chồm sau những song cửa sắt, sủa vang trước khi chị giúp việc ra mở cửa mời anh vào nhà. Cha mẹ nàng chuyện trò tìm hiểu anh khoảng nửa giờ, nhanh chóng nhận anh với một thù lao khá rộng rãi, và định ngày giờ, hai buổi mỗi tuần cho việc kèm dạy tư gia cho Hạnh và cả hai em của nàng. Rồi ông bà gọi Hạnh và các em ra chào để “thày trò gặp nhau”. Nàng ở tuổi thanh xuân của người con gái, xuất hiện trước mặt anh, đẹp tự nhiên như nụ hoa vừa chớm nở. “Các con gọi thày giáo Minh bằng “thày”, giọng cha nàng ân cần. Anh xin phép để nàng và các em gọi mình bằng “anh”, lấy cớ anh không hơn tuổi nàng bao nhiêu.
Chỉ sau vài tháng, tình cảm giữa người “thày giáo trẻ” và “cô học trò bé nhỏ” đã nhanh chóng nảy nở. Ông bà kỹ sư có lẽ cũng biết một phần nào, nhưng thấy Minh là sinh viên, lễ độ, nên tỏ ra cũng có cảm tình, ông bà cư xử với anh như người thân. Đôi lần anh được phép đưa Hạnh cùng những em nàng đi ciné hay dạo phố. Minh nhớ rõ lần đầu tiên anh tỏ tình với nàng mà không một lời nói. Trong bóng tối của rạp ciné, anh tìm tay nàng. Hạnh không phản đối. Anh vuốt những ngón tay nàng rồi bóp nhẹ. Bàn tay xinh xắn mềm và êm. Nàng nắm lại tay anh. Anh khẽ hôn nàng, trên tóc rồi lên má. Không có hành động nào xa hơn thế nữa trong bước đầu. Hai em nàng ngồi bên. Đó là lần xem phim Cuốn Theo Chiều Gió. Rạp ciné còn để tựa đề tiếng Pháp Autant En Emporte Le Vent. Trên màn ảnh Cinemascope, tài tử Clark Gable và Vivien Leigh đang diễn xuất tuyệt vời, anh và nàng bàn tay trong bàn tay thật lâu. Rồi một ngày khác anh hôn nàng lần đầu trên môi, hôm ấy chỉ một lần, lúc xem cuốn phim Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè, tựa đề ngoại ngữ Elle n’a dancé qu’un seul Été, khi nu tài tử Cecile Aubry khỏa thân đi dạo bên một bờ hồ đẹp, trước mặt người tình. Lần sau nữa, anh chủ ý mời nàng cùng các em đi xem phim Tarzan Nổi Giận, ngồi hàng ghế cuối của rạp hát. Khi hai em nàng còn chăm chú mải mê coi Tarzan “nổi giận” trên khung vải, nàng lại rất “hiền ngoan” cho anh cơ hội tìm môi nàng nhiều hơn. Thế là hai người bước vào tình yêu, thật hồn nhiên, nhưng lại mau chóng trở thành đam mê, nồng nàn.
Cái đam mê, nồng nàn của tuổi trẻ. Mỗi lần anh lại nhà Hạnh, lòng anh lâng lâng, rộn ràng như dòng nước sông Hồng phía trước ngôi nhà. Chị Hiền là người giúp việc thường ra mở cửa cho anh. Đôi khi là anh Phúc, người tài xế của cha Hạnh. Chị Hiền lúc nào cũng thân mật, chị hay rót nước, cắt những trái cam mời anh dùng khi anh đã vào nhà. Anh Phúc lại có vẻ dè dặt, ít nói đến độ xa cách, Minh cũng chẳng quan tâm tìm hiểu.
Hà Nội ngày ấy xôn xao, nao núng vì những tin chiến sự và việc động viên thanh niên của chính phủ Trần Văn Hữu rồi chính phủ Nguyễn Văn Tâm. Sắp đến hạn Minh ra trình diện nhập ngũ thì mặt trận Điện Biên Phủ trở thành điểm nóng cực kỳ sôi động cho cuộc chiến. Tương lai phải xa cách Hạnh và gián đoạn việc học hành vì sẽ bị động viên đã gần kề càng làm cho anh và nàng thắm thiết với nhau hơn. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Pháp thất thủ Điện Biên Phủ. Hạnh đậu khóa đầu kỳ thi Tú Tài phần nhất năm đó. Hội nghị Genève kết thúc 20 tháng 7. Tại Hà Nội cũng như cả miền Bắc nhiều người hoang mang trước quyết định ở lại hay di cư vào Nam. Một buổi chiều chớm thu, Hạnh đến thăm anh, cũng là lần đầu nàng hiến tặng đời con gái cho anh. Tình yêu, đam mê và tuổi trẻ đã lôi cuốn Minh và nàng vào những lần yêu thương mặn nồng, trước khi anh về Thái Bình cùng gia đình theo sự dẫn dắt của các Cha Công Giáo xuống Hải Phòng di cư vào Nam bằng tàu biển. Gia đình Hạnh vì nhiều lý do đã ở lại Hà Nội. Anh chưa biết sẽ sanh sống ra sao, cư ngụ nơi đâu tại Sàigòn xa lạ. Trước khi chia tay, anh cho nàng địa chỉ một người bạn đã vào Sàigòn từ trước để thư từ.
Hồi ấy, nhiều tháng trong thời gian chuyển tiếp, người dân hai miền Nam Bắc vĩ tuyến 17 còn được liên lạc bằng bưu thiếp. Sau khi xa nhau một tháng, Minh đang ở khu tạm trú cho sinh viên tại Sàigòn, anh được bạn chuyển cho tấm bưu thiếp đầu tiên của người yêu. Bao nhiêu năm đã qua rồi, anh còn nhớ cả nét chữ cũng như từng lời nàng viết cho anh: “…em nhớ anh vô cùng, em yêu anh và chờ anh. Em chỉ mong hai năm qua nhanh đến ngày tổng tuyển cử, đất nước thống nhất, em sẽ gặp lại anh, sẽ được sống bên anh …”. Bưu thiếp thứ hai của nàng đến, làm anh choáng váng sững sờ: “… em đã có thai trên hai tháng rồi, em gầy đi nhiều vì không ăn uống được. Em khổ lắm vì thày mẹ đã biết… Em tủi hổ và không biết phải làm sao… Thày mẹ đang thu xếp cho em rời Hà Nội, về một miền quê cho khỏi xấu hổ với họ hàng và người quen… Nhưng em không bao giờ oán trách anh, em biết chúng mình xa nhau vì hoàn cảnh nước mình, em biết lòng anh không bao giờ muốn phụ em…” Những tháng kế tiếp, anh không còn tin tức gì về nàng cho đến gần một năm sau, một người quen của gia đình nàng từ Pháp gửi tin ngắn gọn cho anh biết nàng đã sanh một bé trai. Lại một lần nữa, anh bàng hoàng, vì đã gây sầu khổ cho người yêu. Anh ăn năn về giọt máu của mình đã để lại cho nàng tại miền Bắc. Minh buồn nản, lại cần giúp cha mẹ nuôi dưỡng các em trong bước đầu di cư, anh đã bỏ dở học trình đại học. Anh đi dạy các tư thục và sau đó động viên, anh vào binh chủng Không Quân của quân đội Miền Nam. Anh còn nhớ vào những năm cuối của cuộc chiến, anh lái khu trục cơ, thường xuyên yểm trợ những chiến trường ác liệt. Mỗi lần dội những loạt bom hay phóng những phi đạn từ máy bay xuống trận địa, anh vẫn băn khoăn nghĩ có thể con anh, giờ này đã 18, 19 tuổi đời, có lẽ đã phải phục tùng lệnh đi nghĩa vụ vào Nam, biết đâu đang ẩn trốn hay đã tan nát thân thể qua những lần oanh tạc của chính người cha nó…
TRỞ VỀ PHỐ XƯA
Máy bay đáp tại Hồng Kông đúng giờ, Minh từ biệt cô bé đồng hành xinh xắn đã gợi lại cho anh hình ảnh Hạnh và những kỷ niệm sâu đậm ngày xưa. Anh mất vài giờ đồng hồ để sang chuyến bay chuyển tiếp về Hà Nội.
Chưa có nhiều người tỵ nạn từ Mỹ trở về Việt Nam như sau này, thủ tục tại phi trường còn chậm so với những quốc gia anh đã nhiều lần ghé qua. Cũng chưa có bang giao Mỹ Việt. Công an cửa khẩu khám xét khá kỹ lưỡng. Nhưng anh hơi ngạc nhiên. So với những du khách khác cùng chuyến bay, anh thấy mình được hỏi kỹ hơn, lâu hơn. Người đàn ông, mũ lưỡi trai trên đầu, ngồi sau màn ảnh nhỏ của máy điện toán. Anh ta là cán bộ, sĩ quan hay công an cửa khẩu, Minh cũng chẳng biết và cũng không muốn tìm hiểu. Anh ta lạnh lùng cầm giấy thông hành của Minh và giấy nhập cảnh, nhìn Minh, nhìn những tấm hình trên giấy tờ rồi tay lướt nhanh trên bàn phím máy điện toán. Minh thấy người cán bộ nhẹ gật đầu một mình. Anh ta lật một sấp giấy cao, dừng tại một trang xong ngước lên nhìn Minh, bớt lạnh lùng:
– Anh về nước lần đầu?
Minh có dịp quan sát người cán bộ kỹ hơn. Chắc chắn anh ta phải trẻ tuổi hơn con của Minh bây giờ, nếu con anh còn sống sau hai thập niên chinh chiến. Đứa con mà anh chưa biết mặt, cũng chẳng biết tên. Người cán bộ được ngồi chỗ này chắc cũng phải có quen biết, có gốc gác lớn, Minh nghĩ thầm. Ở đây “bình đẳng”, xưng hô thông thường với các từ “anh”, “chị” hay “cán bộ”…
– Vâng, tôi về lần đầu. Minh trả lời.
– Anh định ở lại bao lâu?
– Tôi đã giữ chỗ máy bay, trở về sau hai tuần. Nếu cần ở lại thêm, tôi sẽ xin gia hạn và liên lạc với hãng hàng không để đổi vé máy bay cho chuyến về.
– Nơi cư ngụ của anh tại Hà Nội? Có phải anh đã đăng ký phòng tại khách sạn Thăng Long, số … đường …, anh có định ở tại khách sạn này không?. Người cán bộ hỏi anh.
Minh hơi ngạc nhiên sao họ biết rõ chi tiết đến vậy. Có thể khi xin chiếu khán để vào Việt Nam, văn phòng dịch vụ đã phải khai báo nơi tạm trú của anh tại đây. Anh trả lời:
– Thưa đúng.
Người cán bộ hải quan đóng mộc trên tờ hộ chiếu nhập cảnh, cho biết thủ tục nhập nội đã xong, và nói với anh:
– Anh có nhiều thời gian, không khẩn trương, anh sẽ có dịp tham quan nhiều nơi, thăm nhiều người quen.
Không ai đón anh tại phi trường, Minh thuê xe về thẳng khách sạn. Nhiều đường phố đã đổi khác, nhưng nhiều con phố vẫn còn những căn nhà cổ kính ngày xưa. Minh tới khách sạn vào lúc đã gần trưa, anh nhận phòng, rồi xuống nhà hàng trong khách sạn. Bụng đói. Anh nói cùng người tiếp viên: “Cho tôi một bát phở tái nạm”. Anh chủ ý dùng chữ “bát phở” cho hợp nơi, hợp cảnh. Sau nhiều năm ở tại miền Nam, rồi ở Mỹ, anh quen dùng chữ “tô phở” từ lâu.
Minh thong thả thưởng thức tô phở nóng bốc khói, cố tìm lại hương vị phở Hà Nội ngày trước. Anh hơi thất vọng vì không tìm lại được nhiều cái hương vị cũ. Có lẽ tiệm ăn tại khách sạn không chuyên nấu phở, và một phần anh đã quen cái vị phở đậm đà tại San José, hay tại khu phố Bolsa rồi chăng. Nhưng anh tìm lại được ở đây loại bánh phở với những sợi mềm, nuột nà và to bản của những ngày tháng xưa.
Dùng trưa xong, Minh lên phòng mình, đi tắm, rồi thay đồ nhẹ lên giường nghỉ ít phút. Sau những chuyến bay, lại thay đổi múi giờ, anh đã thấy mệt. Nhưng anh không tài nào tìm được giấc ngủ, anh nôn nao thao thức nhớ về những cảnh cũ, người xưa. Minh nghĩ đến Hạnh, đến đứa con ruột thịt chưa một lần gặp. Anh tự hỏi không biết giờ này Hạnh ra sao, cuộc sống thế nào. Nếu gặp gỡ nhau có làm phiền gì cho cảnh gia đình hiện tại của nàng? Từ ngày định cư tại Mỹ, anh đã nhiều lần dò hỏi, nhưng đa số họ hàng và bạn bè của anh không ai biết tin tức gì về Hạnh, về cha mẹ nàng. Ngày còn học tại Hà Nội, thời gian anh và nàng quen nhau chưa được một năm, mới thắm thiết yêu thương nhau được trên sáu tháng. Họ hàng của nàng anh cũng không rõ một ai. Nghỉ một lát, anh quyết định trở dậy, thay đồ, rồi rời khách sạn đi dạo một mình trên đường phố. “Hà Nội mùa Thu”. Bây giờ anh mới cảm thấy cái “chất Thu” thật đặc biệt của thành phố này. Có lẽ ở tuổi hoa niên, anh chỉ lo học hành, rong chơi, không chú ý nhiều đến ngoại cảnh như những nhà thơ, những nhạc sĩ đã có nhiều bài về Hà Nội. Cái đề tài về mùa thu nơi đây trở thành một thứ “thời trang thơ nhạc”, nó dễ thương, truyền cả đến những người chưa biết Hà Nội bao giờ. Hôm nay, đi trên những con phố, anh có những cảm nhận riêng của mình về mùa Thu đất Thăng Long. Sau bao năm, nhiều con đường đã đổi tên. Nhưng lối cũ còn đọng trong tiềm thức, trong ký ức, đưa dẫn anh vào con phố đến ngôi nhà của Hạnh ngày xưa.
Rồi một chiều buông rơi
Ngân sóng nước chơi vơi
Ai đem mùa Thu tới
Hà Nội trời giăng mây
Khi lá luyến lưu bay
Anh đi về phố xưa
Lòng ngập ngừng bâng khuâng
Theo lối cũ bên sông
Anh đi tìm quá khứ
Tìm lại người em xưa
Năm tháng đã xa xôi
Nhưng tâm hồn vẫn mơ
Cho anh một cuộc tình, đẹp vào lúc mới bình minh
Thương em vì chuyện mình, để buồn mỗi lúc hoàng hôn
Môi anh tìm ngọt ngào, một lần nhớ mãi cho nhau
Mi em đẹp thuở nào, để rồi ướt mắt mai sau … *
Truyện ngắn trở về phố xưa Truyen18.name
Anh xúc động, đứng nhìn ngôi nhà cũ một hồi lâu. Có lẽ không được tu sửa, chiếc cổng và hàng song sắt đã hoen rỉ nhiều với thời gian. Mái ngói và một ven tường rêu phong. Những lá cây lác đác trên mái nhà, trên lối đi, trên sân gạch đỏ. Không có chiếc chuông điện cũ nơi cổng vào. Anh lên tiếng kêu cửa. Không có hai con chó lớn sủa vang mỗi lần anh đến như ngày trước. Một người đàn bà, dáng bình dân, chừng gần ba mươi tuổi đi ra. Anh hỏi thăm ông bà kỹ sư Thọ, cô Hạnh và hai người em nàng. Người phụ nữ trả lời gia đình bà đã mua căn nhà này gần mười lăm năm rồi. Bà không biết chủ cũ bây giờ ở đâu. Minh chán nản. Anh hỏi thăm hai căn nhà kế bên. Cũng toàn người lạ. Không ai biết những người anh muốn tìm. Anh đến căn nhà khác hỏi thăm. Một bà già cho biết khi “Mỹ đánh bom” miền Bắc, gia đình nàng đã bán nhà, về miền quê sanh sống.
NHỮNG BẤT NGỜ
Minh thất vọng. Chuyến đi xa không đưa lại cho anh những điều mong đợi, không làm anh hết băn khoăn. Anh lơ đãng cất bước về nơi tạm trú.
Hà Nội ngày hôm nay
Trong tiếng gió heo may
Anh đi vào nhung nhớ
Tìm lại người em thơ
Nơi phố cũ năm xưa
Nhưng nào thấy em đâu …*
Minh tự an ủi còn gần hai tuần lễ ở đây, biết đâu rồi sẽ tìm được tin nàng. Gần giờ dùng cơm tối, anh sửa soạn xuống nhà hàng của khách sạn lần nữa. Minh dự định, dùng bữa xong, anh sẽ lại đi bách bộ vài phút rồi về phòng nghỉ ngơi, ngày mai sẽ tính. Chợt điện thoại trong phòng reo. Anh nhấc máy. Nhân viên khách sạn cho biết có người muốn tìm anh. Anh hỏi ai muốn gặp.
– Thưa ông, họ không nói rõ, chỉ nói muốn gặp ông Nguyễn Trọng Minh, chúng tôi tra sổ biết ông ở phòng này.
Minh trả lời sẽ xuống trong ít phút. Anh thắc mắc. Một chút lo ngại. Anh có thông báo cho ai quen biết tại Hà nội chuyến đi này đâu. Hay công an muốn tìm, vì anh có “tội ác với nhân dân”, “với cách mạng”, không đi học tập cải tạo ngày nào. Dù sao đã đến đây rồi, anh nghĩ cũng chẳng có cách nào hơn, ai cần gặp thì đành gặp. Chẳng lẽ tiến trình bang giao Mỹ Việt đang được nhà cầm quyền Việt Nam âm thầm nhưng tận tình lo xúc tiến trong bước đầu, lại có chuyện làm khó dễ với một người trở về nước có giấy nhập cảnh như anh.
Anh dùng thang máy xuống từng dưới của khách sạn. Một thanh niên chừng 25, 26 tuổi, mặc đồng phục kaki tiến đến:
– Ông là Nguyễn Trọng Minh?
Minh hơi hồi hộp. Anh ta không gọi Minh bằng “anh” như người cán bộ phi trường. Anh ta cũng không đeo quân hàm gì hết. Minh, lần đầu tiên về Việt Nam, anh không biết anh này là cán bộ, hay quân đội, hay công an khu vực. Minh lấy vẻ điềm tĩnh trả lời:
– Vâng, chính tôi.
Người thanh niên này không lạnh lùng như người “đồng chí” của anh ta tại phi trường hồi trưa. Anh ta còn lộ vẻ mừng:
– Mời ông theo tôi, có người muốn gặp ông tại nhà ăn của khách sạn.
Minh theo người lạ mặt đến một bàn nơi cuối nhà hàng. Một người phụ nữ, áo dài màu xanh, ngồi một mình, đang đọc một tạp chí. Tờ báo che lấp nửa khuôn mặt. Nghe có tiếng bước gần bên, người phụ nữ nhẹ đặt tờ báo xuống bàn, đứng lên nhìn anh, ánh mắt vui chào đón. Minh sững sờ. Hạnh ở trước mặt anh. Vẫn nước da trắng, vẫn nụ cười tươi, vẫn một nốt ruồi đen nho nhỏ cách khóe môi bên trái 20 ly như anh đã thầm đo lường bằng mắt nhiều lần ngày xưa sau khi hôn nàng. Nàng đưa hai tay ra phía trước. Anh chỉ nói được một chữ khi đưa tay mình nắm lấy hai bàn tay người yêu cũ:
– Hạnh!
– Anh!
Nàng cũng chỉ thốt một tiếng thôi, nhưng hình như hai người đã nói được rất nhiều, nói được tất cả… những nỗi nhớ nhung xa cách. Anh ngẩn người nhìn Hạnh thật lâu. Hơn 30 năm không gặp, anh thầm tính. Nàng vẫn còn nét thanh tú mặc dù qua bao nhiêu tang thương của đất nước, những biến đổi của cuộc đời. Anh không thể dấu được ngạc nhiên, xao xuyến nhìn nàng:
– Hạnh ! Bất ngờ quá, sao anh biết em ở đây ?
Nàng vẫn giọng nói nhẹ nhàng ngày xưa:
– Chuyện dài lắm, em sẽ kể cho anh. Bây giờ em mời anh dùng cơm với em tối nay.
Nàng ra hiệu cho người tiếp viên nhà hàng đến bàn, thông thạo chọn đặt vài món ăn mà một thời xa xôi anh vẫn ưa dùng. Thêm một chai rượu đỏ. Hạnh quả thực làm anh ngạc nhiên. Cô học trò ngày xưa, “người yêu bé nhỏ” của anh, bây giờ lịch thiệp, xã giao như một mệnh phụ. Anh im lặng nhìn nàng rồi ngắm áo nàng đang mặc. Không phải màu thiên thanh “biết anh thích màu trời, em đã ngậm ngùi, chọn màu áo xanh…” câu hát anh vẫn yêu mến trong bài “Bảy Ngày Đợi Mong”, tình yêu học trò. Áo nàng màu xanh rêu, làm tôn làn da trắng, nơi ngực áo có thêu rất khéo vài chiếc lá vàng. Trang nhã, thật hợp cho mùa Thu. Thức ăn và rượu được dọn trên bàn, nàng và anh cùng nâng ly.
Nàng cụng ly anh:
– Em mừng anh trở về thăm Hà Nội.
– Mừng gặp lại em. Anh về để tìm em và gặp con chúng mình.
Anh nôn nả tiếp:
– Em kể cho anh những gì xảy ra cho em từ ngày mình xa nhau.
Nàng nhẹ cười:
– Em muốn anh kể chuyện của anh trước.
Anh trầm ngâm, chưa nói gì. Biết bắt đầu từ đâu bây giờ. Chuyện đời anh bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu biến cố, làm sao tóm lược trong ít câu. Nhưng Hạnh lại cất tiếng trước, cho Minh hay những điều anh không ngờ tới:
– Anh không nói nhưng em đã biết đôi chút về anh, anh Minh. Anh là Thiếu tá Không Quân trong quân đội Miền Nam ngày trước. Anh đi sang Mỹ từ tháng tư năm 75. Bây giờ anh là kỹ sư, có một công ty về điện toán với nhiều nhân viên tại San José, tiểu bang Cali. Em được biết anh đã lập gia đình từ khi còn ở Sàigòn. Vợ anh tên Hằng, Bích Hằng. Anh có hai cháu với chị Hằng.
Minh hết sức ngạc nhiên, tròn mắt nhìn nàng. Anh cũng nhận xét nàng đã tế nhị không nói anh thuộc quân đội Ngụy. Anh không hiểu sao nàng biết rõ về anh đến thế. Anh chưa nói được gì, nàng chăm chú nhìn anh:
– Nhưng em không rõ anh quen rồi lấy chị Hằng ra sao lúc ở Sài Gòn, chị đẹp phải không anh?
Minh mỉm cười, thầm nhủ Hạnh cũng như nhiều phụ nữ, thường để ý đến chi tiết về vợ của người tình cũ. Nàng tiếp theo trước khi anh trả lời:
– Em nghe nói các ông Không Quân miền Nam ngày trước hào hoa lắm, khiêu vũ giỏi và toàn chọn vợ đẹp. Đúng không anh?
Minh nói nhỏ như tâm sự:
– Anh “có số” quen thân, yêu rồi lấy học trò. Anh biết Bích Hằng, vợ anh, khi anh dạy trường tư thục Văn Lang Sàigòn, lúc Hằng còn học đệ nhị. Sau khi vào quân đội, anh mới làm đám cưới, hồi anh còn là Trung Úy. Hằng nhỏ hơn anh cả mười tuổi.
Anh nghĩ về số mệnh. Anh có số yêu, rồi lấy học trò thật sao. Rồi như một định mệnh, người con gái nào anh quen thân, yêu mến cũng mang chữ Bích. Bích Hạnh trước mặt anh đây. Rồi Bích Ngọc, Bích Ngà, và sau cùng là vợ anh, Bích Hằng.
Minh thong thả nhắp một chút rượu. Rượu thật ngon. Anh không biết vì Hạnh khéo chọn, hay rượu “chất lượng cao”, hay lòng anh đang vui hội ngộ. Có lẽ do tất cả. Anh nhìn nàng:
– Em đã rõ chuyện của anh rồi. Làm sao em biết chi tiết đến thế, chắc có bạn quen ở bên Mỹ phải không? Bây giờ anh mong được nghe về em.
Hạnh thong thả:
– Em kể cho anh. Khi đất nước chia đôi, gia đình em cũng phân vân, hoang mang. Nhưng một số chú bác và anh họ của em theo kháng chiến từ đầu. Nhiều người có chức vụ cao, nhắn tin về, nói ba em và họ hàng nên ở lại, sẽ được bảo đảm mọi chuyện. Bà Nội và ông bà Ngoại em lúc đó cũng đã già, không chịu rời Hà Nội hay xa quê quán để vào Nam. Thế là cả nhà ở lại. Khi biết em có thai, thày mẹ mắng nhiếc em nhiều. Em cũng tủi thân chỉ muốn chết thôi. Có lúc em định thoát ly, liều lĩnh một mình xuống Hải Phòng tìm đường vào Nam gặp anh, chung sống với anh.
Nàng ngưng lại rồi nói tiếp, giọng như tiếc nuối:
– Sao hồi đó em yếu đuối quá, không dám liều đi tìm anh. Rồi đến lúc tiếp thu Hà Nội, cả nhà mới biết anh Phúc cũng có học, anh đậu Diplome rồi theo cách mạng. Anh Phúc là người của kháng chiến, được bố trí đưa vào thành lo thi hành công tác địch vận nội thành. Kể cả việc tuyên truyền để các thanh niên trốn tránh, không thi hành lệnh động viên. Nếu họ muốn, anh Phúc sẽ cho tổ chức tìm cách đưa ra vùng kháng chiến. Anh Phúc nhận làm người lái xe cho thày em chỉ là một bình phong bên ngoài, để anh bí mật hoạt động các công tác. Sau khi tiếp thu, anh ấy có chức vụ khá cao trong ngành an ninh, và giúp đỡ gia đình em nhiều. Ngày trước, anh Phúc hay dùng công xa của thày em, nhiều lần chở em đi học. Anh ấy hơn em cả 12 tuổi nhưng đã thầm yêu em. Để tránh tai tiếng với những người quen tại Hà Nội, anh Phúc xin thày mẹ đưa em về quê của anh là làng Nguyễn, gần Vân Đình Hà Đông. Rồi anh Phúc xin cưới em, sau đó nhận đứa con của em như con mình! Em với anh Phúc không có được đứa con nào!
Minh nghe nàng kể mà bàng hoàng. Với tâm lý thường tình của đàn ông, anh hơi thầm tức tối với “cái anh tài xế Phúc” ngày xưa. Nhưng rồi anh tự trách mình nhỏ nhen, phân chia giai cấp, ghen tức với người đã giúp Hạnh, đã có tấm lòng bao dung, chịu làm kẻ đến sau, lại còn nuôi dưỡng con anh. Anh nóng lòng hỏi:
– Con anh, con chúng mình tên gì, anh muốn gặp. Em và anh Phúc cuộc sống ra sao?
Hạnh dịu dàng:
– Anh sẽ gặp con. Thày mẹ đặt cho con tên Lộc. Thày tên Thọ, chồng em tên Phúc. Như vậy nhà có đủ Phước Lộc Thọ.
Tim Minh có lẽ trật một nhịp đập khi nghe nàng nói “chồng em”. Nhưng anh nói khôi hài như bản tính mình:
– Nếu em có thêm hai đứa con với anh Phúc thì đặt là Khang và Ninh cho đủ bộ.
Nàng cũng cười, rồi giọng hơi chùng xuống:
– Không phải đặt tên cho con rồi mình đạt được những điều mình muốn anh ạ. Thày mẹ em đã mất. Hai đứa em của em cũng có gia đình đã lâu. Anh Phúc về hưu, sau đó bị tai biến mạch máu não, ngồi xe lăn một thời gian. Anh Phúc mất được hơn hai năm rồi. Trước đó anh Phúc đã giữ nhiều chức vụ trong ngành công an, tình báo. Khi Lộc bắt đầu khôn lớn, cũng được tuyển chọn vào ngành này. Lộc không phải vào Nam đi nghĩa vụ như nhiều thanh niên cùng tuổi. Em cũng cho Lộc biết cha nó là ai sau khi anh Phúc mất được vài tháng. Vì ở trong ngành an ninh, nó tự động đi tìm tin tức về anh qua cơ quan Kiều vận và Tình báo Hải ngoại. Trong thâm tâm, em muốn để chuyện cũ qua đi, anh và em ai cũng đã có hoàn cảnh riêng rồi. Nhưng khi qua thủ tục an ninh, Lộc thấy tên anh trong danh sách xin nhập cảnh, Lộc liền cho em hay. Vì vậy khi anh về, Lộc cho theo dõi mọi di chuyển, mọi liên lạc của anh và cho em biết. Nó cũng mong gặp cha. Lộc cho em rõ chiều nay, anh đã đi về phố cũ, tìm em. Em vui là anh không quên em. Vì vậy em cũng nóng lòng gặp anh. Người thanh niên lúc nãy là nhân viên lái xe cho Lộc.
Minh không ngờ “nhất cử, nhất động” của anh đều có người biết, có người theo dõi. Nhưng anh thở ra nhẹ nhõm. Những thắc mắc băn khoăn của anh đã được giải tỏa.
Đến món ăn tráng miệng, anh thấy nhân viên nhà hàng đem ra một chiếc bánh ngọt khá lớn, thật đẹp, nhưng chắc chắn là hai người không thể nào dùng hết. Anh còn đang bỡ ngỡ thì người tiếp viên nhà hàng đem lại một bình trà nóng, với hương thơm của trà mạn sen, và bốn cái tách để dùng trà. Hạnh nhìn anh thân ái. Nàng cười, vẻ rỡn vui với anh:
– Bây giờ anh sẽ gặp con trai, con dâu và cháu nội.
Nàng đưa tay ra hiệu về phía một bàn nơi cuối phòng phía kia. Một cặp vợ chồng trẻ, thời trang cũng trẻ, cùng một bé gái khoảng chừng ba tuổi đi tới bàn của anh. Anh không ngờ Hạnh thật là tế nhị, đã dàn xếp để anh và nàng tự nhiên hàn huyên tâm tình thật lâu trước khi cho anh gặp mặt người con trai và gia đình riêng của nó. Hạnh giới thiệu:
– Các con đến chào cha. Thảo chắp tay thưa ông Nội đi con.
Minh lặng im, không nói gì được trong giây lát. Mới có khoảng trên mười tiếng đồng hồ từ khi anh đặt chân lên đất Hà Nội thân yêu ngày xưa, mà tình cảm anh có biết bao sao động. Rồi bao nhiêu đột biến, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác xảy ra như trong một giấc mơ, như trong tiểu thuyết, hay truyện trong phim ảnh. Dù thay đổi giờ giấc và đáng lẽ phải buồn ngủ, anh lại thấy mình tỉnh táo lạ thường. Anh hàn huyên với con trai, với con dâu rồi bồng đứa cháu nội trên lòng. Tất cả đều thân mật với anh, không dè dặt, không khách sáo. Hạnh cất tiếng hỏi anh:
– Anh đi về Việt Nam một mình, chị Hằng không đi cùng anh sao? Chị biết chuyện ngày trước của mình không? Anh về có công việc gì nữa không?
Nhiều câu hỏi một lúc, nhưng Minh trả lời thong thả:
– Công chuyện của anh phải đi đây đó, giao dịch nhiều nơi, vợ anh cũng quen rồi. Trước khi kết hôn với Hằng, anh đã cho Hằng biết quá khứ của anh, anh đã có con với em từ ngày ở Hà Nội. Hằng rất hiểu biết, yêu anh nhưng dấu cha mẹ về chuyện này khi lấy anh. Ít ai ngờ kẻ Bắc người Nam sẽ có ngày gặp lại trong hoàn cảnh này. Hằng chỉ thắc mắc không biết có phải anh lấy “Bích” Hằng để thay thế “Bích” Hạnh trong trái tim anh. Còn về công việc, rất có thể trong vài năm nữa Mỹ và Việt Nam sẽ bang giao. Giới tư bản và kinh doanh Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác, đang muốn khai thác thị trường và đầu tư tại Việt Nam vì ở đây đông dân, nhân công rẻ. Ngành truyền thông, điện toán sẽ phát triển nhiều lắm trong những năm tới, nhất là tại Silicon Valley, nơi anh đang ở. Anh về Việt Nam lần này, mục đích chính là để gặp em. Một vài người trong ngành điện tử cũng nhờ anh tìm hiểu thị trường và cơ hội kinh doanh trong nhiều năm tới. Nhưng đó là việc phụ của anh trong chuyến này.
Chuyện trò tới nửa đêm, nhà hàng chuẩn bị đóng cửa. Minh phải chia tay Hạnh cùng con cháu, hẹn gặp lại nhau trong những ngày sau…
CHUYẾN BAY VỀ
Minh rút ngắn chuyến đi, chỉ ở lại Việt Nam một tuần lễ. Anh đã đạt được mục tiêu, gặp và tâm sự nhiều với người yêu cũ, gặp được con anh, giải đáp được những băn khoăn, thắc mắc trong tâm tư từ nhiều năm tháng. Công ty cũng điện thoại mời anh về để ký hai giao kèo quan trọng. Trên chuyến bay từ Hồng Kông về Mỹ, Minh tự thưởng cho mình bằng cách tăng cấp chỗ ngồi. Anh đổi vé máy bay lên hạng nhất, trả tiền thêm với giá cao. Anh thấy cần thư dãn sau hơn một tuần đi đây đó. Chiếc ghế da rộng rãi và thật êm. Chỗ duỗi chân cũng thoải mái. Thời gian bay còn dài, anh thong thả thưởng thức ly champagne khá ngon và thức ăn với muỗng nĩa đẹp do người tiếp viên hàng không trẻ tuổi, duyên dáng đem lại.
Chuyến về, anh có cảm tưởng máy bay êm ái hơn chuyến đi. Có lẽ phi cơ ít gặp những khoảng trống trong không khí hay những thay đổi bất thường của áp xuất khí quyển. Hay tại lòng anh đã vơi đi những băn khoăn. Hay chỗ ngồi quá tiện nghi. Minh ngả hẳn lưng ghế tối đa về phía sau, bấm nút nâng chỗ để chân lên cho vừa tầm nằm, nhắm mắt nhủ thầm sẽ tìm giấc ngủ. Chỗ ngồi này thoải mái, ngả ra tạm thành một chỗ ngủ khá êm.
Nhưng cũng như chuyến đi, tâm trí anh lại suy nghĩ lan man. Anh nghĩ nhiều nhất về Hạnh. Trong suốt thời gian ở Hà Nội, anh và nàng ngày nào cũng gặp nhau, thân ái như hai người bạn thiết. Thế mà anh chỉ một lần hôn môi nàng khi chia tay từ biệt, không hề có hành động về tình dục, về xác thịt nào khác. Nếu tâm sự chuyện này cho mấy người bạn thân “hào hoa” trong quân ngũ của anh ngày xưa, có người không tin. Thế nào anh cũng bị chê là “thỏ dế”, “quân tử Tàu” hay “đạo đức như ông Khổng Tử”. Có thể “thằng bạn thân trời đánh” từ thuở sinh viên, nổi tiếng ăn chơi nhất của anh, sau nó cũng vào không quân cùng với anh, sẽ nói anh “không chịu chơi”. Nó rõ mối tình của anh và Hạnh từ khi còn ở Hà Nội. Mình anh biết sự thực không phải thế. Anh thấy chính Hạnh còn giữ gìn ý tứ hơn anh nữa. Có lẽ nàng muốn tôn trọng hạnh phúc gia đình của anh bây giờ. Anh cũng vậy, đã quá nửa đời người, biết đắn đo suy tính, không còn bồng bột như ngày xưa. Anh không muốn có hành động phản bội vợ mình. Hằng đối với anh đầy ân tình, đầy trọn vẹn của người vợ hiền… Lại nữa biết đâu khi anh ở Hà Nội, lúc nào cũng có người theo dõi. Người cán bộ đầu tiên xem các tường trình, báo cáo chắc chắn lại là … con anh.
Anh nghĩ về Hà Nội, nơi anh còn đầy những kỷ niệm một thời hoa niên. Giai điệu thấm thía truyền cảm qua bản nhạc “Nỗi Lòng Người Đi” của Anh Bằng như còn vang vọng trong thính quan anh. “Tôi xa Hà Nội năm tôi mười tám khi vừa biết yêu …”. Anh rời Hà Nội năm hai mươi mốt tuổi, nhưng sao lời ca diễn tả quá đúng tâm sự của anh lúc vào Sàigòn cuối mùa Thu ấy. Bài nhạc đã xưa, nhưng mỗi khi nghe lại vẫn còn gây nhiều ấn tượng, nhiều rung cảm cho anh. Không có cuộc chiến, có lẽ bây giờ anh đang sinh sống tại Hà Nội, làm công hay tư chức. Có thể làm nghề dạy học, đang có một gia đình đầm ấm, an bình với Hạnh… Đâu có chuyện “cái anh chàng lạnh lùng tên Phúc ấy” đi vào cuộc đời nàng! Bây giờ anh hiểu tại sao ngày xưa Phúc có vẻ xa cách với anh… Với cuộc chiến, nếu không di cư, ở lại miền Bắc, có khi anh đã phải đi nghĩa vụ “giải phóng miền Nam” dù muốn hay không muốn. Có thể anh đã tử thương mất xác nơi trận địa. Trường Sơn, Khe Sanh, Ban Mê Thuột, Hạ Lào… Nếu sống sót, biết đâu anh cũng trở thành “cán bộ cao cấp, quan to súng ngắn” như vài thằng bạn học ngày xưa, anh về mà chưa muốn gặp.
Anh suy nghĩ thêm và cười thầm một mình. Ngày trước, cha của Hạnh nhiều lần dùng công xa và tài xế để đưa đón nàng đi học. Đến lượt anh, thời còn ở Việt Nam, đôi khi cũng dùng tài xế và xe Jeep quân đội của mình để đưa Hằng, vợ anh, đi đến cửa hàng mỹ phẩm của nàng. Lương quân đội của anh làm sao đủ sống. Hằng một thời đã phải buôn bán thêm mới đủ cho ngân sách gia đình. Rồi bây giờ, Lộc, đứa con anh, không biết quyền lực cỡ nào trong ngành an ninh tình báo, cũng dùng nhân viên và cả xe chính phủ để đưa mẹ đến nhà hàng gặp anh ngày đầu, rồi đưa anh và nàng đi đây đi đó trong gần một tuần lễ anh thăm Hà Nội. Thì ra ở đâu cũng vậy. Dù có cải tiến, có cách mạng, dân chủ, độc tài, tự do, tư bản hay vô sản… cũng không thay đổi được gì nhiều tâm lý, suy nghĩ và hành động chi phối bởi bản năng con người …
Anh lại nghĩ đến việc kinh doanh của mình, phân vân suy tính. Công ty điện toán của anh đang phát triển, khiến anh sớm có cơ hội làm chủ nhân một cơ sở vững chắc và một sản nghiệp khá. Vài ông tư bản Mỹ cộng tác với anh, cũng như những cố vấn về phát triển và kế hoạch của công ty, đã đặc biệt khuyên anh phải bành trướng hoạt động kinh doanh tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả Trung Cộng và Việt Nam. Mặt khác, mấy người bạn đồng ngũ, từng là tù nhân cải tạo, đang nhắn nhủ anh không nên “làm ăn” gì tại quê hương. Thậm chí, một người bạn thân đã nói sẽ chấm dứt liên lạc với anh nếu anh bành trướng kinh doanh tại Sàigòn.
Anh miên man nghĩ về cuộc chiến, đã kéo dài trên hai thập niên tại đất nước mình. Cuộc chiến nhanh chóng kết thúc ngoài dự đoán của anh và nhiều người. Cuộc chiến mà anh cũng như nhiều người bị lôi cuốn vào, như những con chốt thật nhỏ nhoi trên bàn cờ. Cuộc chiến đã làm biết bao nhiêu người yêu nhau thắm thiết như anh và Hạnh phải xa cách. Bao nhiêu gia đình phải ly tan. Bao nhiêu tang tóc… Và khi máu hết đổ, vẫn còn thật nhiều bất đồng, thật nhiều tranh cãi cho cả người mình lẫn người Mỹ …
Rồi Minh cũng chìm vào giấc ngủ trên máy bay lúc nào không hay. Trong giấc mơ, anh thấy Cali, anh thấy Hà Nội …
Trần Văn Khang
(Trích trong tập Hai Bên Chiến Tuyến)(Hết)
(Truyện ngắn hay nhất tại Truyen18.name)