VN88 VN88

Những mùa trăng đi qua

Mời các bạn đọc truyện những mùa trăng đi qua truyện được cập nhật tại chuyên mục truyện ngắn hay của Truyen18.name.

Nhung mua trang di qua truyen ngan

Những mùa trăng đi qua truyện ngắn

Vào một đêm giữa mùa khô, có một người con gái của buôn tình nguyện đi gặp Yang nước để cầu xin Yang rủ lòng thương. Nàng mặc bộ váy áo đẹp nhất, đeo những chiếc vòng đẹp nhất ra đi. Một ngày. Hai ngày. Rồi một tuần trăng cũng không thấy nàng trở về.
Ai có dịp đi về con đường qua núi CưM gar đều ghé lại nơi đầu bến nước buôn K Roa ngồi nghỉ. Dòng nước chảy ra từ lòng đá mát lạnh làm dịu lại cái nóng nực của buổi trưa hè. Ngồi một lát là đôi chân khỏe trở lại, có thể tiếp tục đi được.

Truyền thuyết xưa kể: Có một năm, Yang nổi giận, cả một vùng thảo nguyên mênh mông khô héo bởi nắng hạn, cây nhỏ cây to ủ rũ, cỏ khô xơ xác, vặn mình dưới gió nóng hầm hập làm mồi cho lửa. Buôn xa buôn gần đã bắt đầu có người chết khát, chết nóng. Mắt người già hõm xuống, thâm quầng. Lửa nhảy nhót trong mắt, lửa âm ỉ trong bụng. Lo lắm!

Vào một đêm giữa mùa khô, có một người con gái của buôn tình nguyện đi gặp Yang nước để cầu xin Yang rủ lòng thương. Nàng mặc bộ váy áo đẹp nhất, đeo những chiếc vòng đẹp nhất ra đi. Một ngày. Hai ngày. Rồi một tuần trăng cũng không thấy nàng trở về.

Bỗng một hôm người già tinh tai nghe có tiếng động lạ ngoài đầu nguồn nước. Mọi người rủ nhau chạy ra, không thấy ai người quen người lạ, chỉ thấy nước bắt đầu rỉ ra từ dưới lòng suối cạn, những giọt nước trong như ngọc rỏ long tong vào lòng máng. Thế là sống rồi!

Buôn K Roa nổi chiêng giết bò làm lễ tạ ơn các Yang. Trong niềm vui sướng, mọi người không ai nhìn thấy H Linh đâu nữa. Có người nói: nàng đã bị thú rừng ăn thịt. Có người thì chắc chắn nàng đã hóa thân thành dòng nước mát cứu sống buôn làng. Già làng nói: “Con H Linh tìm được nước cứu sống lũ làng, từ nay, bến nước buôn K Roa mang tên nó – bến nước H Linh”. Từ đó, bến nước H Linh trong vắt chưa bao giờ cạn.

Lũ con trai bảo nhau rằng: Vào những đêm mùa trăng, đi qua bến nước, nhìn xuống thì thấy bóng một người con gái đang tắm. Tiếng cười trong trẻo xen lẫn với tiếng rì rào róc rách của nước suối vọng vào vách đá vang xa. Chắc là mấy đứa nhầm lẫn thế nào chứ Y Zil thì không tin chuyện đó. Nhà Y Zil ở đầu buôn, gần bến nước nhất mà có thấy ai đâu. Những đêm trăng đẹp, Y Zil và lũ bạn rủ nhau ra ngồi trên những tảng đá, thổi sáo, ca hát. Những vũng nước đọng đầy trăng in hình con trai con gái. Nhiều đêm gà gáy sáng, về nhà ngủ mà tiếng hát tiếng cười còn theo vào tận trong mơ. Nhà Y Zil nghèo nhưng Y Zil lại đẹp trai, lại hát hay. Lũ con gái thường bảo nhau: Không cần nhiều rượu nhiều heo làm gì, chỉ cần cưới cái nụ cười duyên, tiếng hát hay của Y Zil về làm chồng là được rồi. Nói vậy thôi chứ ai cũng biết Y Zil đã có người thương rồi, đấy là H Ren. Nhà H Ren buôn khác, phía bên kia núi, nơi đầu nguồn con suối H Linh. Ðứng dưới này, nhìn chếch lên phía tây, thấy buôn K nôp nép mình trong những vườn cây điều rậm rì. Y Zil và H Ren yêu nhau từ mùa trăng năm ngoái. Dăm de nhà H Ren bảo đợi thêm hai mùa trăng nữa để H Ren dẻo cái chân, khỏe cái tay dệt vải đã rồi hãy cưới nhau. Hai mùa trăng nữa, có là mấy đâu.

Nói thế nhưng cuộc đời lắm lúc không thể ngờ được. Chuyện xảy ra từ ngày con suối H Linh bị người ta chặn lại trên phía thượng nguồn để làm thủy điện. Thủy điện làm phía trên ấy, ngay chỗ buôn K nôp. Từ ngày có cái điện, buôn K nôp nhà nào cũng sáng như ban ngày. Ðêm đêm, người buôn K roa nhìn qua vạt rừng xanh thẳm, thấy một quầng sáng hắt lên trời. Có điện rồi người K nôp còn có đường nhựa chạy vào đến tận buôn. Ðã thế, lại có thêm tiền đền bù di dời giải tỏa, nhà nào cũng có tiền sắm ti-vi, máy hát, có nhà còn mua được xe máy. Buôn K roa ở phía ngoài, nhưng lại không thuận lợi bằng. Không được làm đường mới, lại không có tiền đền bù, đã thế điện cũng chưa kéo về đến nơi.

Ðã thế từ ngày người ta chặn đầu nguồn con suối H Linh để làm thủy điện, con suối không còn tiếng nước chảy quen thuộc. Những tảng đá bám rêu khô se lại phơi cái lưng trần giữa nắng. Vẫn con suối đấy mà mùa khô nước không chảy, mùa mưa, khi trên đầu nguồn thừa nước xả xuống, tiếng nước réo vào vách đá như khiêu khích, như gây sự với người K roa. Như thế ai mà không tức. Tức thật nhưng cũng chẳng có lý do gì mà nói, không lẽ tự dưng lại đi gây sự với nhau vì những chuyện như thế. Người K roa cũng biết chứ, con người với nhau, nhịn nhau một tý. Nhưng từ ngày có điện người K nôp tỏ ra khác hẳn. Người già, thanh niên mải xem cái ti-vi, nghe nhạc mà ít qua lại nói chuyện với người K roa.

Truyện ngắn những mùa trăng đi qua Truyen18.name

Từ ngày có đường nhựa đi qua, người K nốp bắt đầu biết buôn bán. Xưa nay người Ê Ðê sống với núi rừng, có biết buôn bán là gì đâu, thế mà giờ đây nhà nhà đua nhau ra mặt đường mở quán. Thực ra thì từ ngày đó, người K roa thuận lợi hơn rất nhiều, đi mua thứ gì cũng gần hơn. Bất ngờ nhà có khách, sai con nhỏ chạy nhanh qua bên kia mua mấy quả trứng, miếng thịt heo nạc, đỡ vất vả hơn. Ngày trước, phải đi mãi ra tận ngoài chợ huyện mới mua được vài thứ cần thiết. Thế nhưng cái cảm giác thua kém vẫn cứ âm ỉ trong bụng người K roa. Người già nói với nhau: Bây giờ người ta giàu rồi cái bụng cũng thay đổi theo thôi, cũng đến mất anh em thôi.

Hôm ấy, con H En nhà Ma Nhuốt vừa chạy từ buôn K nôp về vừa khóc. Thì ra chuyện là thế này: Trong lúc mua hàng không biết nhầm lẫn thế nào bà chủ quán Mí Loa cứ khăng khăng bảo là con H En lấy cá mà chưa trả tiền. Hai bên giằng co nhau, con H En vừa khóc vừa thanh minh vẫn không ăn thua. Bà chủ quán bực mình chửi: “Về bảo người K roa chúng mày đừng qua đây mua hàng nữa nhé, thà không bán được thì đổ đi thôi, đã không có tiền còn…”.

Người K roa nghe kể lại thế cái cục tức từ đâu cứ dâng lên như quả bầu khô nằm trong ché nước đầy, càng nhận xuống nó càng trồi lên. Từ đó người già cấm con em mình không qua K nốp nữa. Ðã bảo mà, cái bụng chúng nó giờ khác rồi, nó khinh ta nghèo đấy. Từ đó con đường từ buôn K roa sang buôn K nôp cỏ lau mọc ken dày trổ hoa bạc trắng.

Nhưng đêm đêm, giữa con đường rậm rạp ấy, vẫn có một người lặng lẽ tìm đường qua buôn K nôp. Ðó là Y Zil. Hai đứa thương nhau đã lâu, như than đượm trong bếp lửa mùa đông, không lẽ vì chuyện xích mích giữa hai buôn mà không đến với nhau nữa. Ðêm đêm hai đứa vẫn quấn quýt với nhau bên bếp lửa nhà H Ren. Chuyện đó bọn con trai buôn K roa đều biết nhưng vì thương bạn, chúng nó không nói ra cho người già biết. Nhưng bọn con gái thì lại nghĩ khác. Con trâu khỏe của buôn mình lại đi mang ách của buôn khác, mà lại là buôn K nôp. Không được, nhất định là không được. Con H En nói chắc chắn với lũ bạn nó như thế. Lâu nay, H En vẫn thầm thương Y Zil nhưng không nói ra được, một phần vì Y Zil đã có người thương rồi. Và thế là chuyện đến tai người già. Già làng Ma Kim đến tận nhà nói với ama của Y Zil rằng: Con gái làng mình nhiều như cây rừng đấy thôi, sao thằng Y Zil lại phải qua bên K nôp mới tìm được vợ. Không tốt đâu, phải bảo nó thôi đi, không tốt. Y Zil đứng dưới sàn căng tai lên nghe lõm bõm, không tốt, không được. Già làng về rồi, nó chạy lên hỏi ama, ama lắc đầu: Thế là không được rồi, mày lén qua bên K nôp chơi già làng đã biết rồi. Làng không muốn con phải về bên đó làm rể. Không được rồi con ơi. Ama không nói gì, miệng ngậm mãi tẩu thuốc, khói thuốc bay cuồn cuộn dọc vách gỗ, lan tận trên mái nhà.

Từ hôm đó, Y Zil bị cấm không được qua bên K nôp. Dù Y Zil có trốn đi qua được bên ấy cũng chẳng để làm gì nữa. Buôn làng đã biết chuyện, đích thân già làng đã đến nói chuyện với ama. Thế là không thể lấy nhau được. Y Zil nằm bẹp trong buồng, không đi làm. Tối, nhớ người yêu, lại ra ngồi trên tảng đá đầu suối thổi sáo. Tiếng sáo của Y Zil buồn vấn vít trên vòm lá cây nhạt nhòa ánh trăng. Một đêm, có lẽ cái nhớ đã khiến cho bụng của H Ren không chịu nổi nữa, nàng băng rừng qua K roa tìm bạn trai. Y Zil không có nhà. Ama Zil mặt lạnh như nước đá: “Về đi cô gái à, về buôn mình lấy chồng đi, buôn K roa nghèo lắm, không có tiền nhiều như buôn K nôp đâu. Thằng Y Zil phải lấy vợ ở buôn này thôi”. H Ren ôm mặt khóc, nước mắt chảy như con suối mùa mưa. Nàng đi ra phía bến nước. Tiếng sáo của Y Zil đang vọng lại từ phía đó, không lạc vào đâu được. Nhà chênh vênh dốc núi – đêm bạn cùng trăng sao – đêm đêm bên bếp lửa – ta hát chung bài ca. H Ren ôm bạn trai nức nở: “Tại sao như thế hả Y Zil, tại sao?”. Tiếng khóc của cô làm tan đêm trăng yên tĩnh, vọng vào đá nghe rờn rợn. Y Zil đứng như mọc rễ, không biết nói câu gì để an ủi người yêu. H Ren buông người yêu ra giận dỗi bỏ chạy. Ơ này, đợi anh đã H Ren… con suối mùa mưa sủi bọt trắng ngầu, át cả tiếng của Y Zil. H Ren chạy băng qua những tảng đá lầm lì trơn nhẫy. Bước chân giận dỗi của H Ren đã không thể vững được, cả người H Ren trượt khỏi tảng đá, rơi thẳng xuống nước. Nước tóe lên vẽ một vòng tròn mờ ảo trong sương. Không chân chừ, Y Zil nhảy theo, mất hút dưới lòng suối. Mùa mưa, nước trên hồ thủy điện xả xuống réo cuồng. Bên kia, ngọn núi CưM gar vẫn im lặng, ánh trăng nhạt nhòa trên khoảng rừng mênh mông.

Cả người của buôn K roa và buôn K nôp đều đến để tìm xác con mình, nhưng lạ thay, những đứa bạn khỏe mạnh nhất lặn xuống vẫn không vớt được xác hai đứa lên. Chỉ thấy nước phun bọt trắng xóa. Hai già làng làm lễ ngay đầu bến nước. Khi nắm nhang vừa cháy hết thì bỗng từ dưới lòng suối, xác Y Zil và H Ren nổi lên. Tất thảy mọi người đều há hốc miệng sững sờ: hai cái xác ôm chặt lấy nhau! Ðâu đó có tiếng nấc nghẹn ngào. Tiếng chiêng báo chuyện buồn nổi lên theo gió vẳng qua buôn K nôp, tiếng chiêng sầu thảm vọng lại qua buôn K roa. Suốt mấy đêm, hai làng ngồi lại với nhau bàn bạc, cuối cùng thống nhất: thôi, chúng nó thương nhau, sống không lấy được nhau thì chết rồi hãy để chúng được ở bên nhau. Hai ngôi mộ nằm sát bên nhau, nơi hai người đã gặp nhau lần cuối.

Những mùa trăng lại yên bình đi qua trên thảo nguyên mênh mông ngai ngái mùi cỏ dại, mùi dã quỳ. Ðường xả lũ của thủy điện K nôp đã mở về hướng khác. Bến nước H Linh đã bình yên trở lại. Ðêm đêm, những chàng trai vẫn ngồi trên tảng đá thổi sáo. Nhà chênh vênh dốc núi – đêm bạn cùng trăng sao – đêm đêm bên bếp lửa – ta hát chung bài ca.

Rồi điện cũng đã kéo về đến buôn K roa. Người K roa không còn cảm thấy mình thua kém nữa. Những con gà đêm thấy điện sáng lại kéo nhau đi kiếm mồi. Thế nhưng, khó hiểu nhất vẫn là cái bụng của con người. Không có điện thì mong, có điện rồi lại bỗng thấy thèm những đêm trăng. Trong buôn, điện sáng quá không nhìn thấy trăng, thanh niên lại kéo nhau ra ngồi trên những tảng đá nơi đầu bến nước. Tiếng sáo lại véo von, dìu dặt trên vòm lá cây bàng bạc ánh trăng. Dưới chân những tảng đá giữa suối, những gợn sóng vàng lóng lánh, lóng lánh tan ra. (Hết)

(Truyện ngắn hay nhất tại Truyen18.name)

VN88