VN88 VN88

Một mình qua đường

Mời các bạn đọc truyện một mình qua đường truyện được cập nhật tại chuyên mục truyện ngắn hay của Truyen18.name.

Mot minh qua duong truyen ngan

Một mình qua đường truyện ngắn

Nghĩa không dám nhìn khi chiếc xe cấp cứu chở con Chíp, chở cả đôi dép màu đỏ, cả tờ thể thao màu đỏ mà nó cầm chặt trong tay. Cái bờm của nó rơi xuống đường. Nghĩa nhặt lên và mang về cửa hàng.

– Như vậy chú với dì đi khoảng vài tuần. Cháu cứ trông hàng. Tối em Vân về nó kết toán tiền nong. Hàng nhà ta bán máy lọc nước hầu như là hàng biên giới dán mác nọ kia thậm chí dán mác nội cho có cảm giác hàng Việt chất lượng thế thôi. Khách sành đi qua nó bĩu môi chỉ thỉnh thoảng có khách vãng lai. Chú duy trì bán máy lọc nước là câu dầm chờ xem có đứa nào nó thuê kinh doanh cửa hàng chứ chú với dì mày cũng hết hơi rồi, chả muốn nhặt nhạnh nữa, đau lưng lắm. Mà khi nằm vào áo quan thì cũng chả đứa nào nó bỏ tiền đô thật cho mang đi. Đôla âm phủ thì vô thiên lủng… Cả bao tải cũng có…
– Thôi nói thế đủ rồi ông ơi. Cháu nó nhận lời rồi còn dông dài mãi. Già rồi nói nhiều lại “tích tình tinh đứt dây thần kinh”.
Ông chú của Nghĩa cao mét năm nhăm, dì nó cao mét sáu hai, sống với nhau hơn hai mươi năm êm như mặt hồ thời nước sạch. Ông có tật nói dài nói to nói rổn rảng như loa phường, bà nói ít nhưng thường mô tả sự vật chung quanh theo kiểu cụ Hồ Xuân Hương làm người nghe phải bật cười.
Nhưng Nghĩa không cười. Thằng con trai hai mươi ba tuổi đã có râu quai nón, cái nhìn trầm lặng như thủy thủ đã bị sóng dập vùi ở những miền biển không có tên trên bản đồ vì hẻo lánh. Nó nhìn bà dì ruột nhìn ông chồng bà, nghe diễn văn của ông nó chỉ ngắn gọn: “Chú dì đi đi!”.
Chú và dì nó đi. Lên tàu thăm người trai cả lấy vợ miền Trung bị ông bà từ vì dám lấy vợ xa. Giờ thằng cháu hai tuổi alô vào máy do má nó xui: “Ông bà ơi Tý chào ông bà!”.
Ông ho, bà rớm nước mắt, cưỡng thế nào được?
Chú với dì nó đi chơi. Con em nó có thằng bồ kinh doanh hàng gốm sứ trên phố cổ xong việc công sở em nó ghé qua chỗ bồ chả mấy khi về nhà. Con em alô di động: anh Nghĩa hả? Coi nhà nhé. Tiền bán bao nhiêu anh thích gì cứ mua. Bố mẹ em chả nhớ chả đong đếm gì đâu!
Lại còn thế nữa!
Nghĩa nhìn thấy bên kia đường có đại lý sách báo tem thư. Trèo qua dải phân cách. Băng qua làn đường ngược. Xe máy được những gã xem đời như của bỏ, phóng cho sướng, tai nghe gió quật muốn dừng thì dừng, không dừng được phóng luôn xuống địa ngục uống bia với Diêm Vương. Nó “chiến đấu” toát mồ hôi như thế để mua tờ thể thao. Dạo này Arsenal đá xuống quá. Đội bóng ruột của nó thất bại liên tiếp càng làm nó quyết tâm theo đến cùng tình yêu với đội bóng có cái vẻ không màng danh lợi, không màng nhiều tiền, không giật cúp bằng mọi giá. Chỉ cống hiến lối đá đẹp như mơ, lãng mạn như thuở người ta yêu đương không màng của cải.
Ngã tư ở đây đông nhất thành phố, nghẹt thở nhất thành phố. Ngày hè, khủng khiếp nhất là giờ tan tầm. Thấy Nghĩa mò qua cửa hàng mua báo, con bé trông hàng nhìn Nghĩa như nhìn người ngoài trái đất.
– Sao anh căng thẳng thế ạ?
– Anh qua đường. Sợ quá!
– Qua đường có gì mà sợ. Em vẫn qua ngã tư trên kia để vào trường có sao đâu? Tại anh cứ ngó xuôi, ngó ngược!
– Không ngó thì xe nó đâm vào người!
– Anh đừng ngó. Chả cần quan sát như người ta dặn. Có quan sát, có tránh cũng chả ai tránh mình. Học em đây này. Em đi chả nhìn ai sất. Không ai dám lao vào mình đâu. Anh cứ thử xem.
– Anh cũng không sợ lắm đâu. Tính anh thích ngồi một mình trong xó. Thế mà ngày nào anh cũng cần một tờ thể thao. Mà cả phố mới có một đại lý sách báo của nhà em.
Con bé cười ranh mãnh:
– Anh nói đúng. Mở hàng sách báo ở đây là ngẩn ngơ. Ai người ta đọc. Chỉ có ông em ngồi buồn mở bán chơi chơi. Ông bảo ngày xưa người ta phải xếp hàng, phải có thẻ mua sách. Ông em nhớ ngày xưa đấy. Nhìn ông em kìa…
Trong nhà một ông già tóc trắng áo lụa đang tưới cái cây trên bàn. Trông ông như đồ cổ. Ông chả thèm nghe cái thứ âm thanh máy móc quái gở ngoài đường dội vào. Nghĩa gật gù nhìn ông. Thấy ông cũng y như con bé cháu. Cũng đang thản nhiên qua đường. Con bé cảm thấy cái vẻ đồng cảm của thằng thanh niên với ông mình. Nó giật giật tay Nghĩa vì thấy mặt anh ta như mặt ông già ngại phố xá. Nó muốn giúp. Nó bảo đừng ngại. Cả ngày nó học nội trú trong trường nhưng chiều về sẽ đưa báo sang cho Nghĩa.
Nghĩa nhìn lơ ngơ. Mặt càng lơ ngơ khi râu quai nón mấy hôm chưa cạo làm mặt già sọm. Con bé phì cười:
– Hay anh sợ đọc báo nguội. Chiều đọc cũng được chứ sao hả anh? Báo nguội càng hay. Bên kia kìa có một bác rất thích đọc báo nguội. Bác bảo tin tức cấp thời làm bác hãi. Bác nghe ngóng chán rồi mới đọc. Báo nguội khiến bác bình tĩnh. Anh thấy buồn cười không?
Nghĩa không cười. Cô bé con chìa tay cho Nghĩa:
– Thỏa thuận nhé. Em tên là con Chíp. Tên ở nhà đấy. Tên đi học lằng nhằng lắm. Nguyễn Lê Vũ Thước Minh Hương. Ghê sợ. Xem phim kinh dị còn hay hơn.
Nghĩa ngồi trên ghế nhựa nhìn ngã tư chiều tắc đường. Tắc đến mức nhìn ra bốn hướng đen ngòm cả bốn. Đen ngòm hàng cây số. Nắng đường nhựa bốc lên như trên bếp ga. Đàn bà con gái ngồi xe máy bịt kín mặt, tay đeo găng tới nách như mấy đại tẩu trong phim chưởng Tàu. Nhiều cô còn mặc cả quần dày tránh nắng như dân sa mạc. Kính to sù sụ bằng cái bát ăn cơm. Nhan sắc các nàng chìm nghỉm trong khói xăng.
Nghĩa nói với con Chíp: Vậy họ trưng nhan sắc ở đâu? Con Chíp che miệng giấu cái răng hở rất to. Họ trưng trong bếp, trong công sở có máy lạnh như công sở mẹ em làm. Buổi tối họ trưng trong quán cà phê. Còn trong buồng ngủ nữa. Thiếu gì chỗ trưng hả anh?
Nghĩa nghe con bé mười bốn tuổi nói năng như bọn thiếu niên hay giao lưu nọ kia trên tivi. Cái gì cũng biết. Thậm chí hỏi ngày sinh của ông X. ở tận cái nước ngoài đảo ít người trên Thái Bình Dương, chúng cũng rành. Con Chíp còn nói đoạn dài về cái sự nhan sắc. Nghĩa cũng góp chuyện. Uổng thế. Nhan sắc vi vu xe máy tóc bay hai bên váy xòe chân, trần ngực nhú sau áo thun… thành phố sẽ đẹp vô kể vì nhan sắc. Bây giờ bói cả ngày không có được cảnh các nhan sắc đi trước các công tử e dè đi sau hồi hộp… Con Chíp bảo: vội thế, chụp giật thế, ai có thời gian hả anh? Như mẹ em ấy. Hôm nào mẹ về em cũng ngủ rồi. Bố với mẹ em sống với nhau rất buồn cười. Mỗi tuần bố em ở nhà, bố sang ở với mẹ, với em, với ông ngoại hai ngày. Lúc thì đầu tuần lúc thì cuối tuần.

Truyện ngắn một mình qua đường Truyen18.name

– Sao lại thế?
– Em không biết. Bố em bận kinh doanh. Mẹ cũng bận nọ kia. Thấy hai người bảo mỗi tên ở mỗi nhà cho đỡ mất thời gian. Tự do muốn làm gì thì làm.
– Ghê sợ thật. Thế thì bố mẹ em không yêu nhau rồi!
– Yêu nhau thiên thần luôn. Ban đêm thấy gọi điện tít tít nhà nọ sang nhà kia. Thỉnh thoảng thấy bố đến đón mẹ tối chủ nhật. Đi nhảy đầm. Đi uống cà phê. Em thấy thế cũng hay. Nhưng ông ngoại em bảo một lũ điên. Chả ra thể thống gì.
– Anh cũng thấy không ra thể thống gì. Vợ chồng mỗi người một nhà y như bọn Tây. Mà Tây nó cũng chả thế.
Chiều nào cũng vậy. Con Chíp đưa báo đều đặn sang cho Nghĩa. Chiều tắc đường con bé đi qua, Nghĩa yên tâm. Đường tắc thì mọi vật đứng im. Con bé chỉ việc lách. Đường thông mới đáng sợ. Chẳng ai nhìn ai, cứ phóng bừa lên.
Nhấp nhô bên kia đường rất xa là mái tóc cắt ngắn của con Chíp. Tóc nó dày như rễ cây. Phải bờm bằng cái bờm rất to mới giữ nổi mái tóc. Cái trán con Chíp nhô ra phía trước, cái mặt nó vuông vì trán vuông, cằm vuông. Trông nó vừa ngộ nghĩnh vừa non nớt như mặt đứa bé đang ngậm sữa. Nhưng nghĩ ngợi lại buồn cười.
Hai anh em có vẻ hợp cạ thành thử hay trò chuyện. Một buổi đường tắc, trời nóng tắc thở, con Chíp chỉ một cái xe giảng giải:
– Anh nhìn kìa, chiếc này gọi là chiếc Muranô giá gần hai tỉ đồng. Còn chiếc ở dải đường xuôi kia là Lexus gờ ích (GX) 470, có logo chữ L cách điệu. Xe này mang thương hiệu riêng của hãng Toyota sản xuất cho thị trường Mỹ. Xe hai cầu dã chiến có tám chỗ ngồi động cơ 4 phẩy 6 lít… xe này hai tỉ rưỡi…
– Trời đất. Sao em sành thế?
Con Chíp cười tít mắt:
– Bố em buôn xe. Bố giảng giải cặn kẽ. Em ghi nhớ tuốt tuột.
Con Chíp chỉ một chiếc xe máy hầm hố:
– Anh xem kìa. Kia là “con tê giác màu đen”, xe Wings. Bố em vừa mua một chiếc.
– Ghê quá. Anh không thể tưởng tượng mình có thể cưỡi chiếc xe cỡ ấy mà đi trong thành phố như thế này.
Con Chíp nhìn Nghĩa lạ lùng. Nó lấy tay xoa râu quai nón trên cằm thằng con trai. Cử chỉ của con em út tinh nghịch:
– Vậy thế anh thích gì nhất?
– Anh thích có những bãi cỏ xanh ngắt. Thích hai hàng cây cổ thụ thật cao có con đường ở giữa, đường đất. Xa xa là những cái nhà. Anh thích một cái nhà ẩn sau rừng cây. Anh đạp xe vào phố làm việc rồi đạp xe về dựng bên hàng rào. Trong bếp mẹ anh nấu nướng. Bố anh đánh cờ. Anh ra khu vườn sau nhà chơi bóng rổ với Chíp rồi hít thở khí trời trong veo…
Chíp cười ngất ngư như thằng con trai say rượu:
– Anh đúng là trong mơ. Lấy đâu ra cây to, ra cỏ xanh cho anh bay bổng. Khói xe máy với bụi đường thì thoải mái càng ngày càng đậm đặc. Anh có mơ mấy cũng không thoát đâu…
Gã chủ cửa hàng quần áo bên cạnh hàng máy lọc nước ngồi buồn nghe hai anh em tán gẫu cũng đút tay túi quần soóc phì phèo thuốc lá trong buổi chiều tắc đường.
– Mày là cháu ông đại lý sách báo bên kia, tao còn lạ gì. Ông mày kỳ khôi nhỉ. Con rể buôn ôtô bạc tỉ, con gái làm ngân hàng, tiền đong cả đấu mà lọ mọ đại lý sách với chả báo.
Con Chíp không trả lời. Nó nhìn gã trân trân như nhìn của lạ. Gã nói y như mọi người. Ai cũng cho là ông nó tham công tiếc việc, tham tiền. Với nó, ông nó chỉ ưa làm cái gì cho đỡ phí thời giờ. Nhiều khi ông cho hết tiền. Đám họ hàng còn rớt mồng tơi ở nhà quê nhiều vô thiên lủng.
Nghĩa hỏi cho không khí đỡ căng thẳng vì thấy con Chíp muốn gây sự:
– Hàng họ bán được không anh?
– Mày ngồi mấy hôm nay mày có thấy đứa nào vào hàng mua quần áo? Nóng bỏ mẹ. Mà con phò nhà tao lấy toàn hàng hết mốt. Bọn con gái lườm qua rồi bỏ luôn. Chán bỏ mẹ!
– Em thấy mấy cái áo hai dây kia vẫn đang thịnh chứ anh.
– Ối dào thịnh hôm nay lỗi hôm mai. Mốt với chả mát cứ quanh đi quẩn lại. Tao xem “đít cô ve ri” tao thấy mấy ông thổ dân ở ngoài khơi Thái Bình Dương là mốt nhất. Trên người hở hết. Mỗi cái chim là xâu vào ống. Tao đố thằng thiết kế thời trang nào trưng cái mốt ấy ra. Mốt ấy là của độc, của lạ. Tao nghĩ trình diễn ở Paris dân tình lác mắt.
Nghĩa xoay người như che cho con Chíp khỏi nghe những lời thẳng tuột của lão chủ hàng thời trang. Nhưng con Chíp thản nhiên như không. Nó qua đường quen rồi mà.
Chíp nghỉ hè. Nó bảo đưa báo sang lúc nào cũng được. Những buổi trưa, Nghĩa hay ngồi nhìn ra đường. Không khí hầm hập nóng làm khoảng không trước mặt mù mịt nhảy nhót như có nước. Nhìn ra khoảng không thấy hoa mắt chóng mặt. Đường lúc trưa vắng. Một cái xe máy đến đúng chỗ có tấm biển quảng cáo bỗng lăn ra ngã. Gã đi xe máy lồm cồm bò dậy dựng xe nhìn quanh xem ai thủ phạm để bắt vạ, nhưng không thấy. Gã lên xe đi, hậm hực. Nửa tiếng sau hai đứa thanh niên đèo nhau cũng ngã kềnh chỗ ấy. Cũng dựng xe lầu bầu chửi rồi đi tiếp. Một bà đi xe máy đèo hai sọt trứng ngã sau đó nửa tiếng.
Qua chiều Nghĩa lạ lùng đếm được bảy chiếc xe máy tự ngã kềnh không va không đập vào ai… Gã chủ hàng thời trang bảo có gì lạ đâu. Đường nó cũng như bến sông. Có bến sông năm nào cũng bắt người. Chỗ kia chắc có cốt nằm dưới. Tao ở đây mấy năm, thỉnh thoảng cứ đếm người ngã chỗ ấy đã mỏi mắt. Ông nào trêu đấy thôi. Trêu nhẹ nhàng cho vui chứ chả làm gì…
Nghỉ hè con Chíp không qua đường buổi chiều. Nó hay qua bất kể khi nào có dịp. Qua để tán gẫu với anh Nghĩa. Ba giờ chiều đường vắng, xe máy phóng như điên, bên kia con Chíp vẫy vẫy tờ báo. Nghĩa chưa kịp ngăn, con bé đã lao xuống đường. Cái bờm nó dùng hôm nay màu đỏ gắt. Áo phông màu đỏ và tờ thể thao màu đỏ.
Nó đi qua đúng chỗ ai đó thích bắt người. Chỉ nghe cái rầm, Nghĩa đã tối tăm mặt mũi. Chiếc xe máy của hai thằng cỡ tuổi con Chíp phóng kiểu đua xe tránh con Chíp, không kịp lao lên vỉa hè, hất mạnh cả hai thằng vào gốc cây.
Một chiếc Honda Silver Wings do một tay chơi đi thử máy cũng lao vào chỗ con Chíp. Mấy tiếng rầm như động đất làm hàng phố xung quanh túa ra.
Nghĩa không dám nhìn khi chiếc xe cấp cứu chở con Chíp, chở cả đôi dép màu đỏ, cả tờ thể thao màu đỏ mà nó cầm chặt trong tay. Cái bờm của nó rơi xuống đường. Nghĩa nhặt lên và mang về cửa hàng.
Lạy trời đừng có gì xảy ra. Lạy trời. Anh đã có lần bảo em rồi mà không nghe. Làm sao em có thể một mình qua đường. (Hết)

(Truyện ngắn hay nhất tại Truyen18.name)

VN88