Chương 4
Từ hôm đến nhà Thúy đến nay, Khải yêu đời ra mặt. Sáng sớm Phúc đã nghe “ba bánh ca” vang lên thật nhộn nhịp. Thêm tiếng người huýt gió nữa chớ. Mai gọi hai người là cặp song ca phụ xe hết tiền.
Khải cứ tỉnh bơ:
– Hết tiền nhưng tình còn đầy, phải không Nguyên?
Nguyên cười cười không nói gì cả.
Sáng nào Phúc cũng xuống phụ khiêng hàng lên xe. Cô cũng chẳng buồn nói chuyện với Nguyên. Đúng ra phải nói Nguyên bận nói chuyện với chị Thơ thì đúng hơn. Bao giờ nói chuyện với chị Thơ Nguyên cũng vui vẻ bặt thiệp. Miệng anh lúc nào cũng sẵn nụ cười. Nhưng đối với Phúc thì thật hiếm hoi. Phúc cũng thấy mình lạ, cô không sao nghịch ngợm, trêu anh Khải, chọc chị Mai khi có mặt Nguyên. Hình như cô thấy mọi trò đùa của mình trở nên nhạt nhẽo, trẻ con trước mắt nhìn của Nguyên.
Buổi chiều, Phúc dắt xe từ cổng trường ra bỗng đứng sững lại. Nguyên đứng với chiếc xe đạp cà tàng bên kia đường dưới gốc me. Phúc giả vờ như không nhìn thấy, cô lên xe đạp tuốt.
– Hắn đón ai vậy? Dân điện tử thế nào cũng phải có người quen học tin học. Mà người đó chắc không phải là mình.
Phúc nghe rõ trái tim mình hỗn loạn. “Gỗ mun” hay sắt thép gì cũng phải mềm khi vướng vào tình yêu. “Ơ hay! Mình mà yêu à?”
Cô cắm đầu đạp thật nhanh. Con đường rộng dưới hai hàng cườm thảo vàng rụng đầy hoa rực rỡ.
– Hoài Phúc! Đạp xe gì dữ vậy?
Bặm môi, cô im lặng “sao lại run lên vậy con nhỏ “Gỗ mun” kia?” Phúc chẳng dám nhìn sang người đi kế bên. Lòng hồi hộp cô chờ đợi xem hắn ta nói gì nữa,.
– Mình vào quán uống nước nhé Phúc? Còn sớm mà.
Phúc im lặng… Giọng hắn ấm làm sao:
– Đi… “Gỗ mun”.
“Gỗ mun” bỗng mềm lòng như bao cô gái khác. Cô nhìn sang Nguyên. Đôi mắt anh đang như khẩn khoản chờ ý cô. Giọng Phúc bỗng nhẹ như muốn ta đi trong cái không gian đang đầy nắng và râm ran tiếng ve sầu.
– Vào quán nào bây giờ?
– Quán gần đây thôi Phúc.
Phúc đạp xe chầm chậm theo Nguyên. Vào quán cà phê là một biệt thự nhỏ kín đáo. Xung quanh rào hoa tigôn leo kín, nhiều bàn nhỏ kê dưới những gốc cây và dọc hàng lang quanh sân. Nguyên bước vào trước chọn một bàn dưới tàn sơri loà xoà nhánh. Rất tự nhiên, anh nắm tay Phúc kéo ngồi xuống, rồi anh kéo chiếc ghế mây ngồi đối diện.
– Uống gì đây Phúc? Sữa dâu nhé?
– Không! Phúc uống cà phê đen.
Nguyên ngó Phúc tủm tỉm cười. Cái cười có một ẩn ý gì đó bên trong thường gặp ở anh mà Phúc rất ghét.
Người phục vụ đem ra hai filtre café. Nguyên khoan khoái nhìn quanh và hỏi:
– Phúc thấy nơi đây thế nào?
Phúc nhìn những chậ lan treo rải rác, rồi những dây nho trèo vồng các gốc cột bò lên giàn hoa thưa lá. Cô mỉm cười:
– Dễ thương lắm!
Rồi ngước mắt lên nhìn cũng nhánh sơri mềm mại đong đưa. Phúc nói tiếp:
– Nhất là cây sơri này.
Nguyên đứng dậy với tay hái cho cô một trái sơri đỏ tươi như một trái tim nhỏ.
Anh hóm hỉnh nói:
– Trái nhỏ quá làm sao chia đôi được?
Phúc cầm trái sơri trong tay, cô nhìn Nguyên:
– Đâu phải cái gì cũng chia đôi. Một là anh Nguyên cho hết, hai là anh giữ lại cho mình. Chứ chia đôi trái tim nhỏ bé bỏng, tội nghiệp nó.
Cô để trái sơri xuống bàn, chống cằm nhìn anh. Nguyên cầm lên nhẹ nhàng để vào lòng bàn tay Phúc.
Nguyên cho đường vào café. Anh lại hỏi Phúc:
– Cho nhiều đường hả Phúc?
– Vâng! Nhiều đường thì ngọt.
Anh khuấy nhè nhẹ li café nhiều đường rồi đẩy về phía Phúc. Nãy giờ cô vẫn ngồi im chăm chú nhìn anh chờ đợi…
– Ủa! Phúc đâu thích uống nhiều đường.
Cười cái rất lém, Phúc nghịch ngợm trêu:
– Nghe anh nói cho nhiều đường, Phúc tưởng anh Nguyên có thói quen uống “chè” café chớ…
Nguyên vuốt tóc phía trước trán ra sau rồi gõ gõ tay trên bàn:
– Coi như tôi thua Phúc một-không. Cám ơn Phúc lần này lại nhường ngọt cho tôi và giữ đắng cho mình. Nhưng tôi không thích mình là người được nhận hoài đâu. Như vầy nhé…
Nguyên bưng li café ít đường lên đổ một nửa ra li uống trà. Rồi anh đổ li nhiều đường vào, khuấy lên xong chia đều ra hai li. Giọng anh ấm áp:
– Bây giờ ngọt đắng mình cùng chia nhau nhé, “Gỗ mun”. Em có cùng tôi chia sẻ những đắng cay của cuộc đời không?
Một cái chớp mắt rớt qua rất nhanh. Phúc nói:
– Chia li café đắng này thì được. Nhưng chia vị đắng của cuộc đời, em chưa bao giờ nghĩ tới…
Nguyên chống hai tay dưới cằm đắm đuối nhìn Phúc. Cô cũng bướng bỉnh chống cằm nhìn lại anh mà trái tim đập loạn xạ. Tâm trí cô thầm thì với trái tim cô.
– “Ôi chàng trai lang thang, ôi anh chàng giống bụi đời. Anh có biết là “Gỗ mun” sắp bị đốn ngã rồi không? Hãy thua em đi, đừng nhìn em nữa…”
Rồi như chợt bừng tỉnh lại – đúng bản chất của “Gỗ mun”, cô mỉm cười tự tin bưng li café hớp một ngụm nhỏ. Mắt không rời Nguyên và đầu cứ nghĩ miên man.
– “Anh là búa thật hay búa dỏm. Anh đã từng đốn ngã bao nhiêu thứ cây rồi nhỉ…”
– Mỏi mắt chưa “Gỗ mun”? Hồi còn con nít tôi hay chơi trò nhìn lâu không chớp mắt này lắm. Người già thường nhanh mỏi mắt hơn trẻ con. Thôi tôi nhường phần thắng cho Phúc vậy.
Nguyên chớp mắt. Anh nhếch môi cười và thong thả uống một ngụm café.
Thấy Nguyên bỏ cuộc trước mình, Phúc thích thú ra mặt nhưng khi nghe anh nói thế cô phụng phịu:
– Thua người ta rõ ràng mà nói nhường. Hai không nhé?
Nguyên xa xôi:
– Trên thế giới này. Mọi sự quân bằng về tỉ số đều không vững vàng vì nó tuỳ thuộc vào từng giai đoạn. Khi trái đất có Adam và Eva thì cuộc chơi đã bắt đầu có sự chênh lệch rồi. Tôi chẳng buồn gì với cái tỉ số hai-không này.
Uống tiếp một tí café, Nguyên nhìn Phúc:
– Đôi khi cần, người ta phải chấp nhận sự thua thiệt có lợi…
Phúc cười:
– Anh Nguyên khéo nói, có sự thua thiệt nào mà có lợi đâu?
– Có chứ. Khi yêu người ta có thể chấp nhận sự thua thiệt.
Phúc cắn môi. Cô không ngờ hắn lại bạo mồm thế. Cô giữ thản nhiên:
– Anh Nguyên có kinh nghiệm yêu ghê.
– Kinh nghiệm về phụ nữ thì có nhưng tình yêu thì không. Tình yêu tự nó không có kinh nghịêm…
Mắt Nguyên lần nữa lại đăm đăm nhìn Phúc, rồi đột nhiên anh chuyển đề tài:
– Phúc nghĩ gì về tôi?
Bất ngờ, Phúc hơi bối rối. Cô cắn nhè nhẹ cái muỗng café giữa hai hàm răng trắng, trầm ngâm suy nghĩ.
– Một người có vẻ bất cần mọi thứ, một anh chàng lang thang, có lẽ thích sống tự lập… Còn nữa nhưng không nói.
– Giấu trong lòng là mắc nợ đó… Bộ tôi giống mấy gã lang bạt kì hồ lắm sao?
– Dân thành phố không thích sống với gia đình, vào ở kí túc xá thì đúng là lang thang còn gì?
– Tại Phúc chưa biết. Chớ ở kí túc xá có những cái mà gia đình không có được.
– Nhưng đâu mấy ai lại bỏ gia đình để vào kí túc xá. Tại sao vậy? Chắc tại anh Nguyên…
Phúc không hỏi tới nữa. Cô bỗng chạnh lòng khi thấy Nguyên buồn bã làm thinh nhìn xuống đất. Cô bực bội với mình – “Lại hỏi không đúng lúc rồi…” Cô thấy mình đúng là ngốc nghếch. Bối rối chẳng biết làm sao, cô đứng dậy hái một trái sơri đưa cho Nguyên. Lần này Nguyên lại cầm cả bàn tay Phúc. Cô nghiêm nét mặt lại rồi nhẹ nhàng rút tay ra:
– Anh nghĩ gì về Phúc?
– Một “Gỗ mun” với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Chưa chịu, Phúc nói tiếp:
– Rồi gì nữa?
– Tôi sẽ nói nhưng không phải lúc này. Ông bà ta đã dạy “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Phúc biết điểm yếu của “Gỗ mun” là gì không?
Ngơ ngác, Phúc nhìn Nguyên:
– Là gì?
– Tội gì tôi phải nói điểm yếu của đối thủ khi tôi đã thua những hai-không. Tự suy nghĩ để biết điểm yếu của mình đi cô bé.
Nguyên đẩy đĩa bánh sữa mát lạnh về phía Phúc:
– Ăn đi, “Gỗ mun”!
Lắc đầu, Phúc nhìn anh:
– Thôi! Phúc không ăn đâu.
– Phúc đừng lo, tôi mới lãnh học bổng mà.
Phúc đỏ mặt khi ý nghĩ của mình bị người khác đọc được.
– Không phải vậy đâu.
Nguyên dịu dàng:
– Vậy thì ăn đi Phúc. Sao lại từ chối cái ngọt ngào mà tôi dành cho Phúc. Không nhận tôi buồn lắm.
Nguyên cầm điếu thuốc trên tay:
– Tôi hút thuốc được không, Phúc?
– Được chớ! Với điều kiện anh phải nhả khói thành những vòng tròn.
– Phúc đã thấy ai nhả khói thuốc thành vòng tròn chưa?
– Có! Anh Khải. Chị Thuý thích anh ấy nhả khói thuốc thành vòng tròn. Ảnh ra sau vườn tập miết chắc cũng hết mấy bao thuốc.
Phúc cười nghịch ngợm:
– Mỗi lần thấy ảnh chu mồm ra tập nhả khói thuốc, Phúc không sao nhịn cười được. Y như hề…
Một chút gì thoáng qua trong đôi mắt Nguyên. Vừa hút thuốc, anh vừa nhếch mép. Cái cười nửa miệng này làm Phúc thấy ghét. Anh thong thả gạt tàn xuống đất. Phúc chờ nhưng chẳng thấy Nguyên nhả một vòng tròn khói thuốc nào cả. Tự nhiên Phúc lại tự ái. Cô ngồi im lặng, trong lòng hơi khó chịu. Nguyên vẫn bình thản hút thuốc. Cuối cùng anh dụi tàn rồi nói:
– Những vòng tròn ấy có nghĩa gì đâu mà Phúc đợi. Cuộc đời người ta lẩn quẩn như những vòng tròn khói thuốc ấy. Chẳng mấy chốc cũng tan…
Phúc cười gượng gạo. Hắn biết mình đợi mà hắn tỉnh bơ không làm theo đề nghị của mình. Thật đáng ghét…. Nhưng “Gỗ mun” ơi! Hãy người lớn tí coi nào… Phúc uống ngụm café cuối cùng, cô làm ra vẻ nghiêm trang:
– Sao hôm nay anh Nguyên như một triết gia vậy?
– Với trẻ con thì có thể tôi là một người có tuổi. Nhưng với cuộc đời thì tôi chỉ là hạt bụi.
Phúc bĩu môi:
– Nãy giờ thua hai-không mà cứ nói người ta là con nít.
– Tôi thích Phúc bé như thế.
Phúc không bằng lòng, cô ấm ức nhưng vẫn dịu dàng:
– Nhưng Phúc chẳng như thế đâu. Em là người lớn biết sống với một tấm lòng, biết cảm thông, cảm nhận…
Rồi ngập ngừng một chút, mặt Phúc hơi đỏ lên, cô nói nhanh:
– Và dĩ nhiên em đã biết yêu từ lâu…
Nguyên nhìn cô giễu cợt. Anh bất ngờ buông một câu:
– Một trái tim háo thắng trong một con người thích người khác phải làm theo ý mình, thì làm sao biết yêu. Đừng vì muốn làm người lớn mà nói dối cô bé ơi.
Hắn ta nói gì vậy? Tự ái dâng lên. “Trái tim háo thắng trong con người háo thắng” bị thương tổn làm Phúc tức nghẹn đi. Cô lắp bắp:
– Anh mới nói toàn những câu chuyện trên trời dưới đất. Còn trước mắt anh không gì cả. Anh cứ ngồi đó với cái vòng lẩn quẩn của anh.
Phúc vội vàng đứng dậy, bước tới chiếc xe đạp. Nguyên ngồi im nhìn theo dáng cô giận dỗi ra khỏi quán.
Phúc đạp xe hết cỡ. Cô nghĩ rằng Nguyên sẽ đuổi theo mình năn nỉ, xin lỗi vì đã nói cô như thế. Nhưng không, chẳng ai theo cô cả. Chiều đã xuống. Nhìn bóng mình đổ nghiên trên đường lẻ loi những vòng bánh xe lăn nối tiếp, Phúc tự xỉ vả mình:
– Ta đã nói cái gì với tên ngang như cua, bất lịch sự kia vậy. Ta đã nói như một lời tâm sự mà bảo ta dối… Hừ! “Gỗ mun” ơi! Cho vừa cái tội chủ quan. Hắn rủ ta vào quán café vì hôm nay không có ai cho hắn được mời mọc, cho hắn trút những điều điên khùng ấy. Rốt cuộc, ta là người ngồi nghe… Biết thế nào để tin hắn… Đáng đời con nhỏ cứ tưởng mình thông minh lắm.
Phúc đạp xe lòng vòng. Một lát sau cô rẽ vào con hẻm, Phúc dừng trước một ngôi nhà có hàng gỗ sơn màu xanh. Cô chống xe gọi to:
– Bích ơi! Bích!
Có tiếng “ơi” trong trẻo vang lên. Một cô gái trạc tuổi Phúc ló đầu ra cửa sổ. Vừa thấy Phúc, Bích vội vã chạy ra mở cổng:
– Vừa tính đến mày đã thấy xuất hiện. Linh thật!
Phúc dắt xe vào nhà. Cô ngồi phịch xuống ghế. Bích ngạc nhiên:
– Gì vậy?
– Thất tình.
Bích cười thành tiếng:
– Giỡn hoài! Mất tiền thì tao tin. Chớ thất tình hả?… Có lẽ nào… Có lẽ nào…
Phúc nhìn Bích:
– Im đừng đùa nữa được không?
Bích nhún vai:
– Xin tôn trọng người đang… thất tình…
– Buồn thật mày ơi!
– Mà ai?… Hổng lẽ tên phu xe bụi đời…
Phúc bối rối không trả lời.
Bích ngồi xuống ghế salon. Cô rút hai chân lên, hất hàm:
– Mày biết gì về hắn nào, kể tao nghe coi…
– Ờ,… thì tao cũng nghe qua lời ông Khải kể. Ba má hắn li dị nhau. Hắn sống với ông bà nội từ nhỏ.
– Chà! Thứ đó khó trị dữ.
Phúc lo lắng:
– Sao vậy?
Bích vòng tay qua đầu gối, cô nói như bà già:
– Không giống cha cũng giống mẹ. Hắn thế nào cũng mang trong người các “gen” đa tình, không có lập trường khi yêu, những đứa con có cha mẹ li dị hay hận đời lắm.
Phúc định cãi lại nhưng nghĩ sao cô lại im. Bích như một người rất giàu kinh nghiệm, cô dí dí tay vào trán Phúc:
– Mặt mày ngầu như vậy mà để hắn ta bắt hồn hả? Để hôm này mày chối… Bây giờ thấm rồi hả nhỏ? Bởi vậy tao đã từng nói mà. Mày coi vậy mà yếu xìu. Hồi đi học mày hay chuyên môn làm lớp trưởng, giỏi bắt nạt mấy thằng hay cúp tiết cuối, trễ giờ đầu. Chớ tên nào cao tay ấn nắm được nhược điểm là làm chủ tình hình ngay.
Phúc xụi lơ:
– Hắn có nghĩ gì đến tao đâu. Coi tao như con nít.
Rồi cô ấm ức kể chuyện xảy ra cho Bích nghe.
Bích buông một câu như thầy bói:
– Tên phu xe của mày thuộc hạng cao siêu. Thứ nhất, cao siêu trong lời ăn tiếng nói, tán gái bậc thầy. Thứ hai, cao siêu trong vấn đề chủ động kiềm chế bản thân, không bị gái xỏ mũi. Hắn đã chẳng thèm nhả khói thuốc thành vòng tròn mà còn gián tiếp cảnh cáo mày.
– Cảnh cáo tao?
– Chứ sao. Tại mày đã dại dột đem chuyện ông Khải vì yêu mà phải tập chu mồm thổi khói thuốc. Mày cười ông Khải mà mày lại bảo hắn làm như ổng. Đàn ông tên nào cũng tự cao hết…
Phúc ngỡ ngàng nhìn Bích:
– Tao đâu nghĩ như mày nói. Tại thấy mấy vòng khói cũng hay hay.
– Thì hắn nói đấy. Vòng tròn khói thuốc có nghĩa gì đâu mà đợi… Chẳng mấy chốc cũng tan.
Phúc ương ngạnh:
– Nhưng hắn cũng quá quắt. Hắn là gì mà muốn tao phải là con nít. Hắn là gì mà bảo tao nói dối trong khi…
– Trong khi mày đang nói thật lòng mày.
Phúc làm thinh. Bích nhìn cô:
– Coi chừng hắn sắp đốn ngã mày đó. Là “Gỗ mun” mày phải làm sao cho hắn thất điên bát đảo chớ.
– Làm bằng cách nào?
– Hỏi câu khờ quá. Ai mà chỉ được, tự mình phải suy nghĩ chớ.
Phúc ngã người ra ghế salon. Bích nheo nheo con mắt một mí:
– Tao chẳng biết hắn đẹp trai, tài cao, chức rộng cỡ nào mà mày phải thất tình. Hôm nào tao phải đến nhà mày xem hắn đẩy xe kiểu gì…
– Thôi! Mày đừng đùa nữa.
Bích như chợt nhớ ra:
– Ờ! Chút nữa quên rồi. Chúa nhật tuần sau sinh nhật tao. Nhớ đi nghe mậy. Chiều, sáu giờ. Cũng mấy đứa mình với nhau không hà. Có thể thêm vào tên bạn của Long nữa. Lần này có nhiều người lớn lắm. Ba má tao muốn Long làm quen với họ hàng nên đồng ý tổ chức kha khá một chút.
Phúc nhìn Bích với một chút ganh tị của cô. Ôi! Đôi mắt Bích long lanh hạnh phúc khi nói về người yêu. Bích vẫn tiếp tục nói:
– Tao phân công rồi. Lâm thì với Thảo nè. Lạc với Thanh, Hạnh với Oanh, Hữu với Cúc. Còn thằng Quang láu cá sẽ chở mày.
Đang buồn buồn nghe Bích nói. Phúc phản đối liền:
– Thôi! Để thằng Quang chở ai đi. Tao không chịu nó chở đâu.
Bích trợn mắt:
– Vậy ai chở mày. Bữa đó mày phải mặc đồ xin cho tao. Không lẽ đi xe đạp mặc áo đầm, mang escapin nhọn hoắt? Không hiểu sao lúc nào mày cũng có thành kiến với tụi nó.
– Còn con Hà?
– Mày khỏi lo. Nó có bổn phận phụ tao từ sáng. Mày thì miễn. Cho mày ra chợ bán, đến chiều về sửa soạn cho thật đẹp. Đừng thèm buồn. Rồi tao sẽ giới thiệu mày với mấy tên bạn mới của Long.
Phúc ngồi nghe Bích huyên thuyên
– Mầy nhớ hôn, Phúc? Năm lớp mười một, lúc Long mới chuyển trường vào học lớp mình. Cũng quỷ mày chớ ai, làm tình làm tội Long. Mày giới thiệu với lớp có bạn học mới vào tên Long Quắn. Anh chàng mặt mày đỏ gay vì mắc cỡ. Lần đầu trông thấy Long, tao đã khẳng định với trái tim và lí trí tao rằng chàng phải là của tao, thuộc về tao mãi mãi.
– Làm sao mày dám chắc được?
– Chắc! Phải tự tin. Tao tin và đến bây giờ mới nói ra, rõ ràng Long là của tao.
Hất hàm nhìn Phúc, Bích nói:
– Mày là đứa tự tin mà.
Phúc xua tay:
– Thôi đi! Tao chẳng tự tin được kiểu như mày. Ít ra hồi đó tụi tao thấy Long quắn cũng để ý mày nên chọc vô tới tấp, nếu không đó mày dám chủ quan.
Bích cười:
– Vậy thì mày phải tìm hiểu. Ví dụ mày phải suy luận xem tên phu xe này đẩy xe cho má mày là vì muốn kiếm tí tiền còm hay là muốn kiếm vợ.
Tằng hắng một cái, Bích tiếp tục:
– Thế… mỗi tháng cô Thanh trả công hắn bao nhiêu?
– Ờ!… Chắc nhiều hơn học bổng của hắn. Lúc đầu hắn không nhận. Cười cười hắn nói đẩy xe cho vui, má tao đâu chịu.
– Thế hắn có phải dân bủn xỉn không?
Phúc ngớ ra:
– Làm sao tao biết được?
– Xí! Vậy mà cũng yêu. Lỡ nhằm thằng kẹo kéo thì sao? Mày yêu cái trên trời dưới đất hở? Phải thực tế, em ạ. Cái trò trúng phải tiếng sét ái tình là của thời Romeo Juiette, xưa lắm rồi.
Phúc bỗng bênh vực:
– Hắn ta không phải loại tệ đâu mậy. Anh Khải coi vậy chớ chọn bạn kĩ lắm. Không đàng hoàng, ảnh không dắt về nhà đâu.
Có lẽ thấy nãy giờ mình nói hơi nhiều và có lẽ thấy mặt Phúc buồn thật sự nên Bích không nói gì nữa. Cô đến tủ lạnh ở cuối phòng lấy ra một đĩa mít:
– Ăn mầy.
Phúc nhón một múi mít bỏ vào miệng. Miếng mít ngọt thơm mát làm cô dễ chịu. Bích dịu giọng:
– Tao nghĩ, tên Nguyên phải có tình ý gì với mày rồi. Đẩy xe chỉ là cái cớ.
Phúc ấm ức:
– Hắn rất thích nói chuyện với chị Thơ.
Bích ngỡ ngàng:
– Vậy sao? Ngoài nghề phụ xế cho ông Khải, không lẽ hắn còn làm nghề chài lưới nữa?
Thấy mặt Phúc ngơ ngác, Bích nhăn mặt:
– Ngốc quá! Dân bắt cá hai tay đó.
Phúc bật cười trước câu kết luận mau chóng của Bích:
– Còn ông Dương đâu mà để lỏng bà Thơ vậy?
– Thường những lúc có hắn thì đâu có ông Dương. Mà tao cũng không hiểu bà Thơ nữa. Có nhiều buổi chiều đẩy xe về hai người ngồi nói chuyện vui ơi là vui, còn nói với tao hả, toàn những câu nhát gừng hay những câu gì mà nghe khô như củi.
Bích cười:
– Mày có tưởng tượng không?
– Thật mà. Chiều nay tao không biết tại sao lại rủ tao đi uống nước rồi nói cái gì đâu dễ ghét…
– Thì tại hắn để ý mày.
Phúc hoang mang, làm thinh, không lẽ cô lại kể tỉ mỉ những màn kịch hai người diễn mà cô từng xem lại cho Bích nghe, không lẽ cô lại kể lời anh Khải nói là hắn ta lắm cô theo cho Bích biết.
Bích vừa ăn mít vừa nhìn Phúc:
– Còn nếu hắn ta là dân bắt cá thật thì chẳng việc gì phải buồn. Phải vạch mặt hắn ra. Tao sẽ tìm cho mày một tên hết ý, con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi và cũng dễ dạy nữa.
Phúc bàng hoàng nhìn Bích. Nó nói cái gì nghe dễ sợ vậy. Cô lắc đầu.
– Thôi mày. Nghe mày quảng cáo tao thấy không hợp rồi. Mầy định tìm cho tao một cục bột chắc.
– Nếu không thì mày đừng than thở vì gặp búa tạ.
Ngập ngừng một chút, Bích nói tiếp:
– Hồi còn học chung, mày lúc nào cũng hơn bọn tao về cái nghịch, cái lì, cái bản lĩnh của một con bé lớp trưởng chớ còn cái khoản yêu thì đén giờ mày vẫn ngốc ơi là ngốc. Yêu phải lựa chọn mày ạ. Chớ chỉ yêu vì cái cốt cách nghệ sĩ, cái áo sờn vai phong trần, cái vẻ ngoài phớt đời thì không được đâu. Tao thí dụ tên phu xe kia yêu mày, rồi lấy gì đảm bảo cuộc sống của hai đứa bây sau này. Phải có cha mẹ cho thêm chứ. Mà hắn thì ở với ông bà nội già. Mệt lắm mày ơi.
Phúc cứ trố mắt ra nghe Bích nói. Cô cũng không ngờ con bé Bích Nam Triều Tiên lại tính toán như một bà già sắp gả con gái. Phúc nhìn Bích, mái tóc dài cắt ngang trước trán và đôi mắt một mí Đại Hàn trông xinh xinh mà nó nói nghe rành rẽ chưa. Phúc thở dài:
– Làm gì hôm nay mày nói dữ vậy? Chắc ta không yêu theo kiểu mày nói được, và tao cũng chẳng tính như mày được.
Bích an ủi.
– Thôi, đừng thèm buồn nữa. Cứ đi sinh nhật tao, chắc chắn tao sẽ tìm được cho mày một anh chàng lí tưởng.