VN88 VN88

Làm lẽ

Phần III

III

Một buổi sáng mùa thu. Nắng nhạt lan rải trên khu vườn; ánh sáng dìu dịu như chiếu qua miếng kính ráp. Bóng lá in hình trên mặt đất, len bên những mảnh nắng rải rác khắp mọi nơi, làm ta tưởng như một bức thêu vụng về. Mỗi lúc luồng gió thổi, bóng và ánh sáng như đùa giỡn nhau.
Trác ngồi nhặt cỏ ở góc vườn. Nàng bị sốt đã mấy ngày. Tuy người còn mệt, chưa khỏi hẳn, nhưng mợ phán không muốn nàng nghỉ ngơi nữa, mợ tìm cách nói đay nói nghiến. Cứ nhà trên xuống nhà dưới, rồi lại từ nhà dưới lên nhà trên, cả ngày mợ càu nhàu:
– Ốm với yếu gì! Cái hạng voi dày không núng ấy ốm sao được. Chỉ vờ vịt để nằm giạng ra đấy.
Trác cũng cố làm ngơ và cứ nằm nghỉ để cho khỏi hẳn. Nhưng những câu nói cạnh nói khóe của mợ phán làm nàng khó chịu quá. Nào “chỉ phơi thân trên giường cho nó béo, nó khỏe rồi lại đú đởn”, hay là, “rõ cái giống đĩ dông đĩ dài, chỉ nằm ngửa ăn sẵn, không thiết làm ăn”.
Chẳng thể chịu nổi những câu đó, Trác đành cố gượng dậy làm các việc vặt cho qua ngày.
Nàng thong thả rứt những cây cỏ non mới mọc, chỉ cao chừng hai đốt tay. Một việc làm dễ dàng, không cần phải chăm chú nên nàng vừa làm vừa nghĩ lại những năm nàng đã sống ở nhà chồng. Vừa được bốn năm, bốn năm ấy đã mang lại cho nàng bao nhiêu đau đớn về xác thịt cũng như về tinh thần. Người mẹ nàng thường nghĩ đến để tự an ủi mỗi lần thấy chán nản, nay đã không còn nữa. Anh nàng có lẽ bây giờ túng bấn hơn trước vì hơn năm mẫu ruộng Khải đã bán tới quá nửa để lo liệu thuốc thang rồi ma chay cho mẹ. Nàng đau đớn nghĩ đến hồi mẹ ốm mà không được về thăm nom. Mỗi lần nàng ngỏ lời xin về nhà, mợ phán chỉ có một câu:
– Hãy thong thả, vài hôm nữa.
Và cứ thế cho đến ngày mẹ nàng nhắm mắt. Nàng cũng tưởng sẽ nhờ vào nhà chồng mà tạm vay mượn để chôn cất cho mẹ được chu đáo. Nàng nhờ bà Tuân và mợ phán cấp đỡ, rồi về sau anh nàng sẽ trả dần. Nhưng bà Tuân cũng như mợ phán, đều một mực vì ăn tiêu nhiều không dành dụm được, nên không có sẵn… Khi mẹ nàng còn sống, một đôi lần túng bấn quá, nàng cũng đánh bạo hỏi vay bà Tuân và mợ phán, nhưng chẳng lần nào được lấy một, hai đồng. Đến lúc mẹ nàng chết Trác tưởng trong công việc cần thiết này bà Tuân và mợ phán sẽ sẵn lòng. Nào ngờ đâu không ai tưởng đoái đến nàng.
Chính nàng đã được nghe thấy bà Tuân nói với con gái:
– Cho nó vay là mất. Chẳng dại gì!
Lúc bấy giờ nàng mới biết rõ quả bà Tuân chỉ là người khôn khéo đưa đẩy bề ngoài. Nàng tự trách một đôi khi đã nhẹ dạ nghe lời bà khuyên bảo mà tin rằng bà đã thật tình thương mình. Hôm nàng ra về để chôn mẹ, nàng gặp chồng trong bếp. Cậu phán vội vàng dúi vào tay nàng hai đồng bạc giấy, bảo:
– Tao chỉ có thế, vì tiền lương cô mày giữ cả.
Không lẽ trả lại, nàng bỏ hai đồng bạc vào túi, ra về nước mắt ròng ròng trên hai má. Thế là cái hy vọng chịu khổ ở nhà chồng để mẹ và anh có chỗ nương tựa trong những lúc khốn cùng đã tan. Và cũng theo với hy vọng đó, đời nàng cũng như bị phá bỏ. Muốn cho lễ ma chay được tươm tất, anh nàng đã phải bán ruộng. Vì cần phải đóng góp với anh nên nàng cũng bán luôn hơn mẫu ruộng, cả cái của mà mẹ nàng đã chia cho và tậu thêm cho bằng món tiền cưới nàng. Trác cũng hiểu rằng hơn mẫu ruộng đó mất thì khi sa vào cảnh túng, nàng sẽ không còn biết nương tựa vào đâu, nhưng nàng cũng không hề tiếc. Lòng thương mẹ đã xui nàng không thiết gì đến mọi của cải. Nàng lại đau đớn nhớ ra rằng khi mẹ chết chỉ có mợ phán qua chơi phúng một bức trướng bằng hai thước vải chúc bá mỏng viết chữ lơ. Mợ ngồi chơi được chừng nửa giờ rồi xin về. Nàng thừa hiểu rằng mợ phán làm điều đó chỉ để giữ kẽ, khỏi sợ người khác chê cười là ngu dốt. Còn cậu phán thì không hề bén mảng sang nhà nàng. Mợ phán viện lẽ là bị bận “việc tây”. Nàng đau đớn nghĩ rằng đem thân đi lấy chồng mấy năm trời, chịu bao nhiêu nỗi khổ mà khi mẹ chết, có chàng rể cũng như không. Nàng không thể cầm được nước mắt khi nàng tưởng đến cái công vất vả mẹ nàng nuôi nấng, dạy dỗ nàng từ nhỏ đến nay nàng hoàn toàn sang tay kẻ khác mà kẻ ấy đã như không biết rằng mình có mẹ! Ngay lúc mẹ nàng còn sống, suốt từ khi nàng đi lấy chồng, ngày giỗ, ngày tết, chẳng bao giờ chồng nàng sang thăm hỏi mẹ nàng. Mẹ nàng cũng đã nhiều lần than phiền điều đó, và vẫn buồn rầu về nỗi chàng rể khinh thường mẹ vợ…
Mẹ nàng chết vừa được ba tháng, đứa con gái nàng đẻ được hơn một năm cũng chết. Bây giờ có lẽ chỉ còn thằng Quý, đứa con trai lên bốn là có thể khiến nàng quên được nỗi buồn. Bao nhiêu hy vọng nàng để cả vào đứa con trai ấy. Nó còn được sống đến bây giờ thực lắm lúc nàng cũng phải ngạc nhiên. Mới đẻ ra nàng tự nuôi lấy. Chưa được một tháng, mợ phán thấy cái cảnh ăn ngày hai bữa rồi quanh quẩn bên con là nhàn hạ quá, là sung sướng quá, bèn nuôi vú rồi bắt nàng lại phải làm lụng như cũ. Đến người vú nuôi thằng bé cũng chẳng được yên thân. Mợ phán thấy vú em chăm chỉ săn sóc đến nó quá, mợ cũng tức tối. Mợ cho rằng con người vợ lẽ mà được nuôi nấng như thế là một việc vô lý, nên mợ sai hạch vú em cả ngày. Hình như mợ nuôi vú em để sai bảo hơn là để trông nom con cho Trác. Nhiều lúc thằng bé ngủ dậy khóc thét trên giường, mà chẳng ai ru nó. Nàng chạy vào mợ phán đuổi ra:
– Đã có vú em, việc gì đến mày.
Được ba tháng, bà lấy cớ rằng thằng bé đã cứng cáp bà cho vú em ra, rồi bà trông nom lấy. Khốn nạn, cái cảnh vợ cả nuôi con vợ bé! Trác nghĩ tới không cầm được nước mắt. Sáng sớm, mợ phán sai thằng nhỏ pha một vịt sữa, nhạt như nước lã, rồi bà đặt thằng bé nằm trơ giữa giường, hễ nó khóc, bà lại dí cái núm cao su vào mồm nó. Nếu nó cứ khóc mãi, bà lại phát thêm cho một cái rồi bỏ kệ nó đấy. Một vịt sữa có khi hai ba ngày thằng bé ăn không hết mà mợ phán cũng chẳng cho hâm lại, không hề thay.
Chỉ tối đến, bao giờ các việc vặt đã xong xuôi, nàng mới được gần con và mới cho con bú được tử tế. Có lẽ trừ chồng nàng, còn đối với mọi người đứa con nàng như cái đinh trước mắt. Chẳng còn ai thương yêu nó. Từ lúc nó tập tễnh biết đi, mợ phán không bao giờ quên tìm cách đánh mắng nó. Nó nô đùa, mợ bảo làm rầm nhà, không chịu được, rồi cũng tát nó một cái. Nó khóc, mợ cũng phát nó “để cho nó nín”. Nhiều khi mợ còn đánh nó một cách vô lý. Trác còn nhớ một hôm Quý lững thững một mình trên bờ hè, rồi nó ngồi vào ngưỡng cửa nhìn ra sân. Mợ phán cầm ngay tay nó lôi xềnh xệch xuống sân đánh nó hai roi liền và mắng nó:
– Ai cho mày ngồi chổng đít vào bàn thờ. Không được thế.
Lại một lần nó nhặt được giữa nhà chiếc lược, bỗng mợ phán trông thấy mắng ngay một hồi:
– Gớm thực, cái thằng này, chỗ nào cũng tầm lục. Cái lược để ở ngăn kéo mà nó cũng lôi ra được. Đi tìm suốt một buổi giời.
Rồi mợ hung hăng giật lấy cái lược, tát nó một cái:
– “Có thói ấy thì chừa đi nhé! Bằng ngần này mà đã gớm ghê thế”.
Thằng Quý đau quá khóc không ra tiếng. Trác thấy thế, vì lòng thương con, không nén được nỗi uất ức, bèn xẵng tiếng:
– Nó nhặt được ở nhà, chứ nó biết ngăn kéo nào mà đánh nó.
Mợ phán bèn quát mắng ngay lập tức:
– à, mày lại bênh con mày, mày lại chửi tao phải không? Đứa nào thì cũng dạy dỗ bảo ban chứ! Bé không vin, cả gẫy cành. Tao muốn cho con mày hay, tao mới bảo ban chứ.
Rồi mợ hạ giọng:
– Tao thù hằn gì nó.
Trác chẳng nể lời cãi lại:
– Không thù gì mà lại đánh nó suốt ngày.
Mợ phán lại gần nàng:
– Con mày là con bà, bà muốn làm gì thì làm. Mày chỉ là đứa ăn nhờ, làm giúp, đẻ hộ bà thôi!
Trác bĩu môi như để chế giễu cái ý nghĩ đẻ hộ của mợ phán. Nàng nghĩ thầm: “Đẻ hộ gì mà cũng cứ năm một!” Rồi nàng nghĩ đến mấy đứa bé mợ phán đẻ rồi chết cả, nàng nói, giọng mỉa mai:
– Ác thế không trách chỉ đẻ đau mà không được nuôi.
Trác vừa nói ngắt lời, mợ phán nhảy xổ ngay lại nắm lấy thằng Quý:
– Ừ thì bà ác! Đã mang tiếng ác, thì bà ác một thể. Này ác, này ác.
Sau mỗi một câu là một que đòn nằm đưỡn trên lưng trên đít thằng Quý.
Như gà mái giữ con lúc con sắp bị quạ bắt, Trác nức nở chạy lại ôm chặt lấy đứa con đang khóc không ra tiếng và nàng chịu bao nhiêu roi đòn trên lưng để che chở cho con.
Mợ phán dí ngón tay trỏ vào mặt Trác:
– Mày còn ở cái nhà này thì đừng có cãi lại mẹ mày đã biết chưa! Còn bám vào gấu váy mẹ mày thì đừng có chỏng lỏn. Bao giờ ông ấy cho mày ăn riêng, ở riêng thì tao mới phóng sinh cho.
Trác thấy nói ở riêng, một ý định nàng đã có từ lâu nàng hơi sung sướng, quên hẳn ngay được cái khó chịu lúc đó và trả ời:
– Cô cứ nói với thầy cho tôi ở riêng. Tôi có muốn chung đụng mãi thế này đâu!
Mợ phán vội quát tháo ngay:
– Ở riêng ấy à! Đừng có hòng! Bà thử nói để xem mày xoay chiều ra sao, chứ bà dại gì lại cho mày ở riêng. Ông ấy cũng không có quyền phép như thế. Tao mất tiền cheo cưới thì mày phải ở nhà tao, giặt váy, hót phân cho tao.
Trác cũng dịu giọng:
– Tôi có ra khỏi nhà này cũng chẳng thiếu gì người làm… Có cơm có gạo thì mượn ai mà chẳng được!
– Phải, mượn ai mà chẳng được!
Rồi bà xỉa xói vào mặt Trác nói tiếp:
– Nhưng bà không mượn! Những con sen, con đòi giỏi bằng vạn mày có hàng xiên, lấp sông, lấp ao không hết, nhưng bà nhất định không mượn đấy!… Chẳng riêng tây gì cả. Bà cứ bắt mày ở đây để bà hành hạ cho nó sướng cái thân bà. Cái kiếp mày là phải như thế cho đến lúc xuống lỗ kia mà…
Mợ phán vừa nói đến đó, thấy Trác đặt đứa con xuống đất, mợ bèn nhân dịp chạy xổ lại tát và đấm nó luôn mấy cái, và quát tháo:
– Cái con mẹ mày bây giờ đanh đá lắm đấy! Nhớn mau lên mà dạy mẹ mày, kẻo chết với bà sớm!
Thằng Quý lại nức nở khóc. Trác thương con cũng sụt sịt khóc. Và hai mẹ con trừng trừng nhìn nhau như để bảo thầm nhau rằng cả hai đều hèn kém và để an ủi lẫn nhau.
Không những chỉ có mợ phán ghét bỏ thằng Quý, cả đến những đứa con của mợ, chúng cũng không yêu thương gì nó. Cả ngày, bảy tám đứa trẻ xúm nhau lại chòng ghẹo nó. Đứa này lờ vờ đấm trộm nó một cái, đứa kia củng một cái. Có khi thằng Quý đương từ hè bước xuống, đã có đứa dảy nó đến nỗi ngã lộn mấy vòng xuống sân. Chúng đã bắt chước mợ phán mà đánh đập thằng Quý, cũng như chúng đã theo mợ phán mà trêu trọc Trác. Nàng cũng biết vậy, nhưng mỗi lần thấy con phải khóc lóc vì bị các trẻ chòng ghẹo, nàng cũng không thù oán chúng.
Thằng Quý phải gọi mợ phán bằng mẹ. Còn Trác, nó chỉ được gọi là chị bé. Các con mợ phán, nó phải gọi là anh, chị. Thằng Quý thấy các anh các chị hắt hủi, nên cả ngày chỉ lẩn thẩn một mình, hết đầu hè này sang đầu hè khác, hoặc quanh quẩn, thờ thững bên con mèo, con chó. Nhiều khi nó kiếm mồi rủ kiến. Nó tủm tỉm cười một mình thấy đàn kiến xúm xít bên cái mồi to tướng. Nó thích quá, muốn cười to, muốn reo lên, nhưng lại sợ mẹ nó mắng hoặc các anh, các chị nó đến phá mất trò chơi của nó.
Chẳng phải thằng Quý ghét các anh, các chị nó. Nó thì còn dám ghét ai! Nó sẽ yêu hết cả mọi người, nếu mọi người đừng độc ác với nó.
Một hôm nó đang cặm cụi một mình, một chị nó lại gần hỏi nó:
– Quý làm gì thế?
Nó hớn hở đáp:
– Em làm cái này.
Rồi nó âu yếm bám vai chị. Nó sắp huyên thuyên kể mọi chuyện vụn vặt của nó cho chị nó nghe, chị nó đã hắt cánh tay nó ra, rồi lảng xa nó. Thằng Quý cũng chẳng oán giận chị, vì nó đã hiểu rằng ai ai đối với nó cũng gần như thế. Cả nhà trừ Trác có lẽ chỉ có cậu phán còn yêu nó đôi chút. Nhưng cũng như đối với Trác, chồng nàng yêu thằng Quý cũng phải giấu giếm, e dè. Vì cậu phán chỉ e mợ phán tưởng mình vẫn yêu thằng Quý hơn cả nên bề ngoài nhiều khi phải vờ vịt hắt hủi để chiều lòng mợ phán. Thằng Quý thấy thế, mỗi khi thầy nó đi làm về, các anh các chị nó đua nhau chạy ra quấn quýt, nó chỉ đứng nép vào một góc tường. Không phải nó sợ hay ghét thầy nó. Nó cũng muốn vồn vã thầy nó, nhưng lại sợ các anh các chị. Đã một lần thầy nó đang vuốt ve yêu dấu nó, và nó đang nũng nịu với thầy nó thì các anh các chị nó đến. Thằng Quý phải lặng lẽ lánh xa tựa như nó vừa ăn vụng một vật gì mà bị bắt quả tang.
Tối đến, nếu Trác còn bận nhiều việc thì nó ngủ ở góc nhà, hoặc trên một chiếc chõng gẫy ở đầu hè. Nó không được người khác đưa vào giường nằm, hay dắt lên võng cho thằng nhỏ ru như các anh các chị nó.
Quần áo của thằng Quý mặc chỉ là những quần áo mà các anh các chị sửa chữa hoặc vá lại. áo nó mặc hoặc dài quá, hoặc ngắn quá. Một mình nó có tới bốn, năm cái quần, nhưng cái chỉ tới đầu gối, cái dài quét đất tuy người ta đã thắt lên tận ngực cho nó.
Sáng dậy, các anh các chị nó được ăn bánh tây, bánh cuốn. Nhưng nó chẳng dám đòi qua một thức gì; khi các anh các chị ăn xong, còn thừa thức gì nó ăn thức ấy. Có sáng, nó được ăn tới năm, sáu món, nhưng mỗi món chỉ được một tý, không đủ no. Một ngày hai bữa ăn, các anh các chị nó tranh nhau chỗ ngồi quanh cái bàn tròn; đứa đòi ăn thịt luộc, đứa đòi ăn trứng rán. Riêng thằng Quý là không thế. Nó không dám tranh chỗ mà cũng chẳng dám bắt chước các anh các chị đòi ăn món này, món khác. Mẹ nó cho cái gì nó ăn cái ấy. thường thường nó chỉ được hai cùi rìa nước rau với một miếng cà muối. Chẳng lấy gì làm ngon lành nhưng đói quá, nên nó cũng ăn được đến ba, bốn bát.
Nghĩ đến cảnh thằng Quý như thế, Trác không hề mong mỏi có thêm con. Nàng nghĩ thầm:
– Đẻ ra rồi trông thấy con phải đánh đập cả ngày chỉ thêm đau lòng.
Nhưng được ít lâu, nàng lại đẻ đứa con gái… Con bé trông rất xinh xắn, kháu khỉnh và hiền lành; nó ngày bú, rồi nằm yên đó không khóc lóc. Nàng thấy con tươi tỉnh cũng vui vẻ, nhưng chỉ ngay ngáy lo rồi nó cũng phải khổ như anh nó. Cả ngày thằng Quý chỉ quanh quẩn bên nàng và đứa bé. Nàng ngọt ngào xoa đầu Quý bảo nó:
– Em đấy, Quý đừng đánh em nhé.
Nghe mẹ nói, Quý quấn quýt lấy em, nằm đè cả lên nó mà hôn mà bế. Có lúc nó gọi luôn mồm:
– Em! Em ơi!
Rồi cười đùa với nó tựa như em nó là một đồ chơi mới, có ai mua cho nó. Nhiều lúc mợ phán thấy nó nô đùa với em nó cũng mắng mỏ, quát tháo với nó; thằng Quý lại cực thân ngồi khóc.
Ngày nàng đẻ đứa con gái này cũng như ngày nàng đẻ thằng Quý, mợ phán chẳng hề hỏi han đến… Mợ đã biết nàng sắp đến ngày ở cữ, mợ không muốn phải bận rộn, phiền nhiễu vì nàng đẻ, mợ sửa soạn các lễ vật rồi đi hội Phủ Giầy, ở lại Nam Định chơi mấy ngày đến khi mợ trở về thì Trác đã đẻ. Vừa đặt chân tới cổng một đứa con mợ, reo lên, chạy ra đón mợ và vội khoe:
– Mẹ ạ, chị bé đẻ con gái.
Mợ cáu kỉnh mắng ngay con:
– Con gì thì con, việc gì đến tao! Cái của nhãi này chỉ lôi thôi. Đẻ lắm chỉ bận tao ra!
Trác ngồi trong nhà ôm con nghe thấy những câu đó, thương hại nhìn con rồi như muốn khóc. Trác vừa đẻ được gần tuần lễ, mợ phán đã tìm cách sinh chuyện với nàng, vì cũng như mấy năm trước, mợ không muốn nàng được an nhàn vì sinh nở. Buổi trưa hôm ấy nóng quá, Trác nằm trên võng, ru con ngủ, rồi mệt quá cũng ngủ thiếp đi lúc nào không rõ. Mợ phán thấy nàng nằm có vẻ thảnh thơi trên võng, vội từ ngoài mái hiên nhảy xổ lại lay chiếc võng. Mợ căm tức hét lớn:
– Hết ăn lại hát, lại nằm ườn ra đấy à!
Rồi mợ lại lay chiếc võng, dốc chiếc võng. Trác tỉnh giấc chưa kịp ngồi dậy thì đã bị ngã lăn xuống đất, con bị vật đầu vào chiếc guốc. Nó khóc thét, Trác ôm con, hai mắt đầy lệ:
– Sao cô ác với mẹ con tôi thế.
Mợ phán cứ sang sảng:
– À! Con này gớm thật! Mày nằm ưỡn nằm ẹo không nên mày ngã mày lại đổ vạ tại bà!
Rồi mợ đấm, mợ tát túi bụi, có khi mợ phát cả vào con bé mới đẻ.
Trác sợ con bị đau, mang con đặt vào giường… Mợ phán vẫn hùng hổ đánh đập nàng. Trác chạy vội ra ngoài sân; vì đau quá nàng không thể chịu được, kêu to:
– Cô tôi đánh chết tôi!… Mấy ngày tôi đẻ, cô đi lễ hết nơi này nơi nọ! Rồi bây giờ về nhà, cô lại tìm cách hành hạ tôi…
Mợ đứng trên hè, hai tay tỳ hai cạnh sườn, vẻ mặt vênh váo:
– Tao đi lễ thì có việc gì đến mày… Có dễ tao phải xin phép mày hay sao!
Mấy người hàng xóm đã kéo sang xem đông ở cổng, mợ phán thừa dịp đó, nói với họ:
– Các ông các bà xem, cái con Trác nó có gian ác không. Tôi đi lễ có phải là trốn cái ngày nó đẻ đâu mà bây giờ nó vu oan là tôi phải trốn tránh nó… Mà tôi đi lễ thì trong giấy sớ cũng có tên mẹ, tên con nó chứ. Tôi cũng cầu phúc, cầu lộc cho chứ, có phải tôi định làm hại gì nó.
Một bà cụ hàng xóm đủng đỉnh nói len:
– Thôi, bà cũng bỏ quá đi. Cô ấy tiếng thế nhưng cũng còn non người trẻ dạ, đã biết gì! Ai lại cầu cái không hay cho người trong nhà bao giờ!
Mợ phán được dịp hớn hở, ngọt ngào:
– Vâng, ai mà chả vậy, cụ thử nghĩ xem… Thế mà nó dám bịa hẳn ra chuyện bảo rằng tôi đã đi cầu nguyện cho mẹ con nó đến phải bệnh nọ tật kia, rồi ốm dần ốm mòn mà chết! Cụ xem như thế thì nó có điêu ngoa không.
Sự thực, Trác chẳng hề đem lòng nghĩ như lời mợ phán nói, chính mợ đã xưng xưng bịa hẳn chuyện đó để tìm cách hành hạ Trác trước mắt những người hàng xóm cho dễ. Nàng không còn cách gì để tự bênh vực, chỉ biết nói lại:
– Chẳng bao giờ tôi lại độc ác nghĩ như thế, cô nói thì cũng phải nên nghĩ.
Mợ phán mắng át ngay:
– Câm miệng con kia, đứng có láo! Tao nói chuyện với mày đấy à?
Rồi mợ lại nhìn nhà bà cụ hàng xóm ngọt ngào:
– Khổ lắm, cụ ạ. Không dạy bảo thì nó đần độn suốt đời. Mà nói ra thì lại e người ngoài không biết lại tưởng là ghen ghét nó. Chứ thực đối với nó, tôi coi như chị em một nhà. Nào nó có biết thế cho…
Nói đến đó, mợ phán thở dài như để tỏ rằng mình đã làm một việc rất tốt mà không ai biết đến cho. Mợ cố lấy vẻ buồn nản than vãn:
– Thôi, thì tôi cũng chỉ biết ở với giời!
Trác lấy làm lạ rằng mợ phán đã có gan nói ra những câu đó một cách rất tự nhiên, không hề thấy e thẹn tựa như nhời mợ nói ra là có thật, hơn là bịa đặt để lấy phần hay cho mình. Nàng chế nhạo nói lại:
– Chị em một nhà, mà ngày nào cũng đánh với đập! Chẳng khác con trâu, con chó!
– Thì bảo ban, dạy dỗ mày, mày không nghe, tao phải đánh chứ. Thế nào là yêu cho vọt, ghét cho chơi!
Mợ quay lại nói với những người đứng xem đó:
– Đấy, các ông các bà xem, thế nó có láo không? Suốt từ ngày nó về đây, bao giờ cũng cứ bướng bỉnh, rồi cãi lại miếng một miếng hai như thế. Không bao giờ nó chịu kém tôi lấy một nhời. Tôi đã đau khổ nhiều về nó mà không sao bảo ban được. ừ thì nó chịu nhường tôi một nhời thì nó đã thiệt gì.
Trác sẵng tiếng:
– Tôi đã chịu thiệt nhiều rồi. Từ trước đến nay đã bao lần câm miệng như miệng hến. Bây giờ tôi không sao chịu được nữa.
Mợ phán lại phân bua:
– Đấy, các ông các bà xem, nó vẫn ngỗ ngược, lăng loàn!…
Mợ sừng sộ vừa chạy lại gần Trác vừa hung hăng nói:
– Mày tưởng tao không cai quản được mày ư?
Rồi mợ chẳng nể nang, tát Trác mấy cái liền…
o0o
Ngày nọ qua ngày kia, hết chuyện ấy sang chuyện khác, mợ phán tìm đủ cách để hành hạ như thế… Đứa con nàng đẻ được ít lâu thì bị ốm. Chữa hết mấy ông lang ta, lại mời hai, ba người thầy Tàu, bệnh đứa bé vẫn không giảm. Cậu phán bèn cho người đi mời đốc-tờ. Mợ phán nhất định không nghe, lấy cớ rằng sống chết là có số, chứ đốc-tờ cũng chẳng chữa được khỏi bệnh. Từ lúc đứa bé ốm, chẳng bao giờ mợ hỏi han bệnh trạng ra sao. Mợ coi như trong nhà không có chuyện gì khó chịu. Cả ngay đến việc mời các thầy lang An Nam và thầy lang Tàu là cũng do ở cậu phán, chứ riêng như mợ thì cứ nên bỏ mặc đó, “ốm chán, tất rồi phải khỏi”… Đứa bé bị ruồng bỏ ít lâu, không thuốc thang. Mỗi lúc con khóc, Trác chỉ biết kề cái vú vào mồm nó. Có khi nó cũng bú được chút sữa, có khi chiếc vú chưa đặt vào nó đã hắt ra. Mãi về sau, thấy bệnh đứa bé trầm trọng quá, cậu phán bèn liều không bàn bạc gì với mợ phán, đi mời đốc-tờ về nhà. Đốc-tờ đến khám xong nói rằng để chậm quá. Bệnh không lấy gì làm nặng, nhưng vì người mẹ có điều gì uất ức, nên sữa bị hỏng, nhưng không biết cứ cho con bú vào nhiều quá. Bởi thế, nên bệnh đứa bé thành quá nặng, không còn hy vọng chữa được… Hai, ba ngày sau, đứa bé chết. Trác tuy tin ở số mệnh, nhưng một đôi khi nàng cũng thầm nghĩ chính vì mợ phán hành hạ nàng để đến nỗi con mình bị chết oan. Câu chuyện này, có ai hỏi đến, Trác cũng thực thà theo lời đốc-tờ nói lại. Nàng chẳng hề thêm bớt một điều gì.Vậy mà khi đến tai mợ phán, mợ nhất định vu cho nàng đã “phao” rằng mợ đã giết ngầm, bỏ thuốc độc cho con nàng chết. Mợ nhất định đặt điều cho Trác như thế… Rồi hết ngày ấy sang ngày khác, mợ phán cứ dựa vào điều đó mà tìm cách ngược đãi nàng, đánh đập nàng. Không bao giờ mợ quên xoi mói Trác bằng những câu:
– Mày đã bảo bà bỏ thuốc độc cho con mày, thì bà có đánh chết mày, bà cũng hả lòng…
Đã nhiều lần không chịu nổi những câu thâm độc ấy, nàng khóc lóc than thầm:
– Con ơi! Mẹ cũng muốn chết theo con cho sướng!
Và mỗi lúc nhớ đến con, nàng lại thoáng có ý nghĩ rằng nó chết có lẽ lại là “thoát cho cái thân nó…”
Hết tất cả những chuyện buồn ấy, nàng còn nhớ rõ từng tý, tựa như việc mới xảy ra ngày hôm qua. Nàng thở dài, lòng nôn nao vì tức bực, chán nản… Bỗng có tiếng gọi:
– Chị bé!
Nàng vội ngừng tay nhổ cỏ và quay đầu lại: thằng Quý cười nhìn mẹ reo:
– Con bướm to quá!
Rồi nó nhanh nhảu chạy theo, đuổi bắt con bướm. Con bướm cứ từ cành nọ sang cành kia rồi bay mất. Thằng Quý ngơ ngẩn trông theo, vẻ thèm tiếc. Nó đuổi con bướm mệt quá đứng thở, và nóng cả người, hai má đỏ rực lên. Trác trông thấy con có vẻ ngộ nghĩnh, nàng sung sướng quá vội vàng đứng dậy để ẵm con vào lòng. Nhưng nàng vừa đưa tay ra đã trông thấy mợ phán đứng ở ngay bờ hè gần vườn; nàng lại vờ vịt ngồi xuống nhổ cỏ. Đã nhiều lần Trác phải chịu như thế. Nàng vẫn thường bực tức về nỗi yêu con, thương con mà ít khi được tự do nô nghịch, đùa giỡn với con cho thỏa thích. Mợ phán không muốn thế vì mợ lấy cớ như vậy là nuông con làm hư con.
Ngày đứa con gái nàng chết, nàng buồn rầu, tê tái. Nhưng mỗi lúc nàng cất tiếng khóc tiếc con, mợ phán lại gắt:
– Chà. Câm ngay đi, sống nuôi, chết chôn!
Thế là nàng lại phải chịu nén buồn. Sống mà đến nỗi vui, buồn cũng không được thổ lộ ra bằng tiếng than phiền hay tiếng cười, nhiều khi nàng tưởng mình chỉ là một khúc gỗ.
Trác lại liên tưởng đến vợ chồng Khải. Từ ngày mẹ chết cả gia đình chỉ có hai vợ chồng với một đứa con giai. Suốt ngày chồng cặm cụi ngoài đồng. Vợ ở nhà cũng luôn chân, luôn tay, nào thổi cơm, gánh nước, rồi lại bao nhiêu việc vặt khác nữa. Bao giờ được rỗi rãi lại bế con vào lòng hôn hít, cấu véo nó. Thằng bé cười như nắc nẻ. Chiều đến, bố về nhà chưa kịp đặt cuốc xuống sân, thằng bé đã quấn lấy ôm ngay lấy hai chân. Bố bế xốc con lên rồi hôn lấy hôn để. Chồng nói chuyện ngoài đồng, vợ kể qua loa công việc trong nhà, rồi chỉ độ vài câu sau là câu chuyện đã loanh quanh về đứa con.
– Hôm nay em ở nhà ngoan lắm, tôi thổi cơm trong bếp mà cứ đủng đỉnh chơi một mình ngoài sân.
Bố nhìn con:
– Ngoan nhé, đừng ra gần ao nhé. Rồi mai đi chợ mua quà.
Mẹ ôm con vào lòng:
– Mai mua bánh chưng cho con nhé.
Đứa con sung sướng bám chặt lấy cổ mẹ nũng nịu:
– Mua cái thực to cơ!
Cái gia đình nghèo nhưng biết thương yêu, sum họp ấy như khiêu khích Trác. Và không hiểu sao, Trác lại nhớ đến Tạc. Nàng thương hại Tạc vẫn phải sống một mình. Mấy lần đi hỏi vợ đều không xong. Nàng tự hỏi: “Hay bởi Tạc nghèo?” Rồi nàng nghĩ ngay đến nàng và tin rằng sống trong cảnh giàu như nàng thì có sướng đâu. Nỗi thương Tạc trong lòng nàng lại như dồn dập và đã gần như tình yêu. Nếu nàng không đi làm lẽ, mà lấy Tạc, hẳn cái vui sướng trong gia đình như gia đình Khải, nàng cũng được hưởng chẳng đến nỗi sống cằn cỗi như bây giờ. Cái ý nghĩ đó đã nhiều lần vụt qua trí óc nàng và nay như ăn sâu thành hình ở đó, không sao nàng quên được và luôn luôn làm nàng bứt rứt đau khổ tựa như con sâu đục tổ trong một trái quả, và cứ ngày ngày nằm trong đó khoét quả để nuôi thân.
ánh nắng mỗi lúc một chói lọi. Thằng Quý hai tay ôm đầu, díu đôi lông mày nhìn qua những cành lá để tìm con bướm. Trác thấy con có dáng bộ hay hay quá muốn ôm lấy con vào lòng. Nhưng mợ phán vẫn đứng ở cửa, như một cai tù coi một tội nhân làm cỏ; nàng lại đành lủi thủi cúi khom lưng bới đất.
o0o
Tấm áo quan đã hạ xuống huyệt. Mấy người phu xúm nhau lại đổ đất. Mợ phán khóc lóc thảm thiết. Mợ lăn mình trên miệng lỗ và chỉ muốn nhảy theo tấm áo quan. Bà Tuân, hai tay ôm ngang người cố giữ mợ lại; nhiều khi yếu sức quá, bà cũng như muốn ngã.
Trác ngồi gần đấy cũng lên tiếng khóc. Nàng khóc không có vẻ gì buồn chán, đau thương. Nàng cũng lấy làm lạ rằng trước cái chết của người chồng mà nàng vẫn lấy lòng lãnh đạm thờ ơ. Ngoài sáu năm làm lẽ, chồng đối với nàng tựa như một người khách xa lạ không có chút liên lạc tình cảm gì hết. Nàng cũng thừa hiểu rằng lỗi không phải ở chồng nàng, chỉ do hoàn cảnh xui nên và một phần lớn là tại mợ phán. Nhưng đó không phải là một lý để khiến nàng đem lòng thương nhớ người chồng đã qua đời.
Đưa chồng từ nhà đến huyệt, nàng vẫn sụt sùi khóc nhưng nàng khóc cũng chỉ để tránh lời chê bai hơn là vì thương nhớ. Có ai thương nhớ một người không có cảm tình với mình! Mà ngoài sáu năm, chẳng bao giờ nàng được âu yếm cùng chồng.
Bây giờ Trác đã kém vẻ đẹp. Chẳng phải là nàng buồn bực bởi nỗi người chồng không còn nữa. Hơn một tháng, chồng ốm, đêm nào nàng cũng phải thức đến hai ba giờ sáng để dọn dẹp và sắc thuốc. Ngay khi chồng nàng nằm trên giường bệnh, mợ phán cũng cố tìm hết cách để nàng không được gần gụi. Bao giờ bưng bát thuốc, nàng cũng chỉ được đi tới cửa buồng. Những lúc nàng muốn hỏi thăm chồng để xem bệnh trạng, mợ phán cũng ngăn cấm. Nàng đành phải hỏi dò mợ. Lần nào mợ cũng trả lời cộc lốc: “đỡ” hay là “lại nặng thêm” cho đến ngày chồng nàng nhắm mắt. Lúc đó mợ phán ngồi trong nhà, nhìn thấy Trác đang cặm cụi ngoài sân, khóc nấc lên và kêu bằng một giọng thảm thiết như van lơn:
– Bé ơi, thầy chết rồi!
Trác, nước mắt giàn giụa, òa lên khóc. Nàng không phải vì nhớ tiếc chồng, nhưng vì cảm động. Lần thứ nhất nàng có cảm tưởng là mình cũng là kẻ có quyền chia sẻ nỗi buồn trong nhà với mợ phán. Và hẳn mợ phán cũng nghĩ thế nên mợ mới thốt ra lúc nhìn thấy nàng.
– Bé ơi, thầy chết rồi!
Một câu nói tận đáy lòng mợ phán thốt ra. Hình như trước cái chết của người chồng, mợ đã vụt hiểu: Mọi cái độc ác của mợ đều là nhỏ nhen. Và người đáng thương, đáng trọng có lẽ là Trác đã chịu nổi được những cái độc ác của mợ.
– Bé ơi, thầy chết rồi!
Một câu, có lẽ mợ phán kêu lên để ăn năn, chuộc tội lỗi đã phạm với Trác. Vụt một chốc, nàng quên hết cả những nỗi khổ nàng đã phải cam chịu bên người vợ cả. Nhưng vài giọt nước mắt chưa rơi hết, thì nỗi xúc động trong lòng nàng đã không còn nữa…
Trác dắt đứa con mặc áo sổ gấu, đội khăn chuối đi bên mình. Nhìn quanh cánh đồng rộng mênh mông, tự nhiên nàng nhận thấy mình trơ trọi quá. Nàng ghê sợ nghĩ rằng nàng mới hăm nhăm tuổi và hãy còn trẻ. Nàng rùng mình nghĩ đến cảnh đời nàng sẽ phải sống từ nay cho đến già, đến lúc chết như chồng nàng ngày hôm nay. Nàng nắm chặt lấy tay đứa con như để mượn của nó chút sinh khí để chống lại với cái ghê sợ nàng cảm thấy.
Rồi nàng coi đứa con đang lẹt đẹt bên mình như cái trụ để nàng tựa. Nhưng khi nghĩ rằng nó còn cần phải có nàng đỡ hơn nhiều thì nàng thất vọng, không khác một người ốm đi tìm thầy, gặp thầy nhưng thầy không có thuốc. Bỗng nhiên nàng vơ vẩn nghĩ đến Tạc. Rồi nàng tưởng như mình vừa đoạn tuyệt với người tình nhân bội bạc đã ngon ngọt dỗ dành mình, để trở lại với người chồng chính thức. Lòng thương Tạc lại làm nàng rộn rực băn khoăn. Nhưng phút chốc nàng lại như tự kết án vì đã nghĩ đến Tạc, trong khi chồng mới chôn xong. Nàng cố xua đuổi để óc khỏi bận với những ý nghĩ mà nàng cho là bất chính. Nàng đủng đỉnh dắt con về gần tới nhà lúc nào không biết. Nàng tưởng như bây giờ nàng không còn dan díu gì đến cái nhà ấy nữa. Và nàng chắc rằng còn ở lại đó, đời nàng hẳn cũng chẳng sướng gì hơn xưa, mà lại có phần đau khổ hơn xưa.
Nhiều người lấy vợ lẽ cho chồng là vì không có con giai để nối dõi. Nhưng người vợ lẽ ở vào cảnh đó mà may mắn có chút con giai còn được chồng chiều chuộng đôi chút, và vợ cả cũng không khinh rẻ lắm. Nhưng Trác đi làm lẽ chỉ để thay chân một con sen, một đứa ở làm các việc vặt trong nhà. Bởi thế nên thằng Quý đối với mợ phán cũng không có nghĩa gì, vì mợ đã thừa giai thừa gái. Trác hiểu rằng đứa con giai của nàng không thể là một cái dây ràng buộc được nàng với mọi người trong gia đình nhà chồng. Vì thằng Quý không phải là đứa trẻ mà mợ phán cần đến. Có nó hay không mợ phán chẳng hề quan tâm.
Trác nghĩ đến cái cảnh ăn gửi nằm nhờ trong những năm, những ngày còn lại, nàng rùng mình. Bỗng nàng có ý định xong công việc ma chay, sẽ dắt con đi.
– Nhưng đi đâu?
Nàng ghê sợ, biết rằng nàng và đứa con không bố kia chẳng còn hòng nhờ vào ai được nữa. Mẹ nàng thì đã chết, còn anh nàng cũng nghèo túng, có ra công làm lụng cũng chỉ tạm đủ ăn. Trác cảm động, hai mắt đầy lệ, ôm chặt con vào lòng và khẽ nói:
– Rõ khổ cho con tôi!
Chẳng hiểu đó là câu nàng thành thực nói ra để tỏ lòng thương con, hay chỉ là câu nói mượn, nàng thốt ra để mô tả chính cái cảnh đau thương của nàng. (Hết)

(Truyện ngắn hay nhất tại Truyen18.name)

VN88