Mời các bạn đọc truyện làm lẽ truyện được cập nhật tại chuyên mục truyện ngắn hay của Truyen18.name.
Làm lẽ truyện ngắn
Phần I
I
Một buổi trưa nắng gắt, cuối hè. Hình như có bao nhiêu sức nóng, ngày giờ cố hút hết, để sắp sửa sang thu. Trong làng không một tiếng động; mọi vật bị nắng đốt, im lìm trong không khí khó thở. Không một hơi gió.
Trên chiếc sân đất nẻ, gồ ghề và rắn cứng, Trác đội chiếc nón chóp rách, khom lưng quét thóc. Nàng phải dển hai bàn chân để tránh bớt sức nóng của sân đất nện. Thỉnh thoảng, nàng đứng ngay người cho đỡ mỏi lưng, rồi đưa tay áo lên lau mồ hôi ròng ròng chảy trên mặt. Chiếc áo cánh nhuộm nâu đã bạc màu và vá nhiều chỗ bị ướt đẫm, dán chặt vào lưng nàng. Cái yếm trắng bé nhỏ quá, thẳng căng trên hai vú đến thì và để hở hai sườn trắng mịn. Mỗi lần Trác cúi hẳn xuống để miết chiếc chổi cùn nạy những hạt thóc trong các khe, cái váy cộc, hớt lên quá đầu gối, để lộ một phần đùi trắng trẻo, trái hẳn với chân nàng đen đủi vì dầm bùn phơi nắng suốt ngày.
Dưới mái hiên, ngay gần chái nhà bếp, bà Thân, mẹ nàng, ngồi trên mảnh chiếu rách, chăm chú nhặt rau muống. Bà cầm trong tay từng nắm rau con, vảy mạnh cho sạch những cánh bèo tấm, rồi cẩn thận ngắt lá sâu, lá úa; vạch từng khe, từng cuống tìm sâu. Bà cẩn thận như thế là vì đã hai bữa cơm liền, bữa nào trong bát rau luộc cũng có sâu, và Khải, con giai bà, đã phải phàn nàn làm bà đến khó chịu. Chốc chốc, bà với chiếc khăn mặt đỏ rách vắt trên vai, lau mắt như để nhìn cho rõ thêm.
Hết mớ rau, bà mệt nhọc, ngồi ngay hẳn lên, thở hắt ra một hơi dài, đưa mắt nhìn ra sân. Thấy Trác làm lụng có vẻ mệt nhọc, bà động lòng thương, dịu dàng, âu yếm bảo:
– Nắng quá thì để đến chiều mát hãy quét con ạ. Tội gì mà phơi người ra thế.
Rồi bằng một giọng buồn buồn như nói một mình:
– Khốn nạn! Con tôi! Nắng thế này!
Trác thấy mẹ ngọt ngào, tỏ vẻ thương mình, trong lòng lâng lâng vui sướng. Nàng cũng dịu dàng đáp lại:
– Chả còn mấy, mẹ để con quét nốt.
Nói xong nàng lại cúi xuống thong thả quét. Nàng vui vẻ thấy đống thóc gần gọn gàng: nhưng nàng vẫn không quên rằng hót xong thóc lại còn bao nhiêu việc khác nữa: tưới một vườn rau mới gieo, gánh đầy hai chum nước, thổi cơm chiều, rồi đến lúc gà lên chuồng, lại còn phải xay thóc để lấy gạo ăn ngày hôm sau. Song nàng không hề phàn nàn, vì phải vất vả suốt ngày. Những việc ấy, không ai bắt buộc nàng phải làm, nhưng nàng hiểu rằng không có thể nhường cho ai được, và nếu nàng không dúng tay vào tất trong nhà sẽ không được êm thấm, vui vẻ. Quét vòng quanh mấy lần, từng thóc đã dần dần dày thêm, và nhát chổi đã thấy nặng, Trác lấy cào vuôn thóc vào đống.
Bà Thân đã nhặt xong ba mớ rau. Bà biết rằng bà đã xem xét cẩn thận lắm, nên bà vừa bới những ngọn rau trong rổ, vừa thì thầm: “Lần này thì đào cũng chẳng có lấy nửa con!” Bà đứng lên mang rổ rau đi rửa. Vì ngồi lâu, nên hai chân tê hẳn, mấy bước đầu bà phải khập khiễng, như đứa bé mới tập đi. Bà cầm chiếc nón rách cạp, đội lên đầu, rồi bước xuống sân. Thấy Trác đặt chiếc cào mạnh quá, bà khẽ nói:
– Đưa cào nhẹ chứ con ạ, kẻo nó trật gạo ra.
Trác im lặng, không trả lời; nhưng từ nhát cào sau nàng làm theo lời ngay. Tính nàng vẫn thế. Không bao giờ nàng muốn trái ý mẹ, ngay những lúc mẹ bắt làm những việc mà riêng nàng, nàng không ưng thuận.
Trác còn nhớ một lần, mây kéo đen nghịt trời, trận mưa to như sắp tới. Rơm rạ, phơi khắp mọi nơi, ngoài sân sau nhà, và cả ở những góc vườn không trồng rau. Nàng vội lấy nạng để đánh đống, mẹ nàng cứ nhất định bắt làm tua để hứng nước ở các gốc cau. Nàng bảo dọn rơm, rạ vào trước, rồi làm tua sau, nhỡ có mưa ngay thì rơm, rạ cũng không bị ướt. Nàng lại nói thêm: “Thưa mẹ, nước thì không cần cho lắm, không hứng cũng được, con đi gánh. Chứ ngần này rơm, rạ ướt thì phơi phóng đến bao giờ cho nỏ”. Nhưng mẹ nàng nhất định không thuận:
– Cứ nghe mẹ làm tua hứng nước đi đã rồi hãy dọn cũng vừa. Trời này có mưa cũng còn lâu. Kiếm ngụm nước mưa mà uống cho mát ruột. Tội gì ngày nào cũng đi gánh cho u vai lên ấy!
Thế rồi bà bắt nàng lấy hai cái thùng sắt tây, hai cái nồi đất và cả chiếc nồi mười để hứng nước. Trác không cưỡng được ý mẹ, cặm cụi làm năm cái tua buộc vào năm gốc cau mang nồi ra đặt. Công việc ấy vừa xong, trận mưa đổ xuống. Bao nhiêu rơm, rạ ướt hết. Trận mưa chỉ độ một lúc, rồi tạnh hẳn. Mẹ nàng đội nón giời râm ra thăm nước mưa. Nhưng mỗi tua chỉ được chừng một bát nước. Bà thở dài: “Rõ chán! Nước mưa chẳng thông tráng nồi, lại ướt mất mẻ rơm”. Nghe mẹ nói, Trác chỉ buồn cười, không dám nói gì, e mẹ phật ý.
Nàng mang chuyện ấy kể cho mấy bạn gái hàng xóm. Họ ngặt nghẹo cười, nàng như muốn chữa thẹn: “ấy, bây giờ bà cụ già nên đâm ra lẩm cẩm thế đấy! Chúng mình ngày sau biết đâu rồi lại không quá!”.
Bà Thân đã rửa rau ở cầu ao về. Bà tì cạp rổ vào cạnh sườn, một tay dang ra giữ lấy. Rổ rau chưa ráo nước, hãy còn luôn luôn rỏ xuống gần chân bà, và làm thành một vệt ướt trên bờ hè. Thấy Trác đang khệ nệ bưng thóc đổ vào cót, bà mỉm cười bảo, tựa như nàng hãy còn bé bỏng lắm:
– Con tôi! Rõ tham lam quá. Xúc ít một chứ mà bưng cho dễ. Người bé lại cứ mang những thùng nặng như cùm.
Nàng thong thả đáp lại:
– Không nặng đâu mẹ ạ. Cái thùng bé tý ấy mà.
Nàng như quên cả nắng, bức; hốt một lúc đã hết đống thóc. Nàng sung sướng ngồi nghỉ ở đầu hè, cầm chiếc nón lá phe phẩy. áo nàng ướt, lại thêm gió quạt, nên nàng thấy một thứ mát dịu dàng thấm thía cả thân thể, làm da thịt nàng đê mê, như khi ta lẹ làng đưa tay trên tấm nhung. Mấy chiếc tóc mai cứ theo chiều gió quạt bay đi bay lại. Hai má nàng vì có hơi nóng, nổi bật màu hồng, và nét mặt nàng càng thêm xinh tươi. Trác thấy bớt nóng, đứng dậy lồng hai chiếc nồi đất vào quang gánh nước. Chẳng bao giờ nàng phải suy nghĩ mới nhớ ra việc; nàng đã quen rồi. Việc gì phải làm trước, việc gì phải làm sau, nàng biết ngay từ sáng sớm. Và ngày nào cũng hình như chỉ có ngần ấy việc, nên buổi tối, khi nàng đặt mình vào giường, là bao nhiêu công việc đã gọn gàng cả, không một việc gì bỏ sót. Tới sáng hôm sau, lúc gà bắt đầu gáy, nàng thức dậy, những công việc phải làm đã như xếp sẵn trong óc.
Trác vừa gánh đôi nồi ra khỏi nhà được một lúc, có tiếng chó sủa. Bà Thân vội chạy ra. Bà Tuân tay cầm một cành rào để xua chó, vừa thấy bà Thân đã cười cười nói nói:
– Nào, hôm nay lại ăn rình một bữa đây! Cụ có cho không hay là lại lấy nạng nạng ra.
Bà Thân cũng cười một tràng dài:
– Chỉ sợ lại chê cơm khê rồi làm khách thôi.
Rồi bà vừa mắng con chó cứ dai dẳng sủa mãi, vừa lấy giọng đứng đắn.
– Sao lâu nay không thấy cụ lại chơi?
Bà Thân đưa tay cầm cái bã trầu đã lia ra tới mép, vứt đi; lấy mùi soa lau mồm cẩn thận, rồi ghé vào tai bà bạn như sắp nói một câu chuyện kín đáo can hệ:
– Úi chà! Bận lắm cụ ạ. Cụ cứ xét nhà cụ thì đủ rõ. Công việc là cứ ngập lên tận mắt.
Bà vừa nói vừa hoa tay, như để nhời nói thêm dễ hiểu.
Bà Thân chưa kịp trả lời, bà ta đã sang sảng:
– Hôm nay là đánh liều, sống chết mặc bay, nên mới lại hầu cụ được đấy. Thôi chỗ bạn già cả, mình còn gần gụi nhau lúc nào được lúc ấy. Đến lúc trời bắt tội, nhắm mắt buông xuôi xuống âm ty liệu có gặp nhau nữa không?
Bà Thân cảm động vì những câu nói thân mật đó, thỉnh thoảng điểm một câu cười giòn và len thêm những tiếng: “Vâng!… vâng!…” như để chấm đoạn chấm câu cho bà bạn. Bà rủ khách vào nhà. Nhưng khách không nhận lời, nói giải chiếu ngồi ngoài hè cho mát. Bà đi tìm cơi trầu, chìa vôi, rồi ngồi đối diện với khách têm trầu. Bà Tuân hình như có câu nào đã nói ra hết; bà Thân khơi chuyện bằng câu hỏi:
– Cụ đã ngả được mấy mẫu rồi?
– Chưa được lấy một góc. Năm nay mượn phải anh lực điền làm vụng mà chậm quá. Làm với ăn chán như cơm nếp nát.
Câu chuyện từ đó quanh quẩn trong việc cày cấy, giá thóc, giá gạo. Mỗi bà có một điều than phiền: bà này kêu thóc không được chắc hạt, bà kia bảo chuột cắn hết nhiều quá. Trác gánh nước về. Nàng ngạc nhiên thấy một người ăn mặc hơi lạ: quần lĩnh thâm cũ và chiếc áo trắng dài hồ lơ có vẻ đỏm dáng. Lúc nhận ra được bà Tuân, nàng đặt gánh nước chào:
– Lạy cụ, cụ mới lại chơi!
– Tôi không dám, cô gánh nước về.
Rồi bà như tỏ lòng thương Trác, phàn nàn:
– Gớm, ở xóm này mà đi được gánh nước thì đến nhược người.
Bà Thân không để ý gì đến câu nói của khách, âu yếm nhìn con:
– Mẹ định thổi cơm, nhưng lại có cụ đến chơi, thành ra gạo cũng chưa vo.
– Mẹ cứ để con gánh nước xong, rồi con thổi cũng vừa. Một tý chứ mấy!
Bà Tuân vội nối lời:
– Phải, sức con gái như cô ấy thì chỉ chớp mắt xong bữa cơm. Cụ chẳng phải lo. Có con thế cũng sướng.
Bà Thân mừng lòng, khen thêm con:
– Được cái cháu cũng chịu khó và dễ bảo.
Trác đã đặt gánh nước lên vai, đi được vài bước, thoáng nghe thấy mẹ khen mình bèn chậm bước lại để cố nghe cho hết câu. Khi nàng đã đổ xong hai nồi nước vào vại và đã đi quẩy gánh khác, bà Tuân mới tìm cách đưa đầu câu chuyện mà bà lưỡng lự chưa dám nói ra. Bà xếp đặt, suy nghĩ mọi câu từ nhà, nên bà nói rất trơn tru, không hề vấp váp: “Cậu phán nhà tôi bên kia nhắn tôi lại hỏi cụ về việc ấy. Cụ xem cô ấy thế nào. Thôi thì cụ cũng nên tìm lời khuyên bảo cô ấy. Chẳng qua cũng là chỗ người nhà cả nên tôi mới muốn mối manh như thế. Nếu cô ấy nhận lời về bên ấy với cậu phán nhà tôi, thì thực quý hóa vô ngần”. Bà Tuân còn định nói nữa, nhưng vì nước trầu rớt xuống, nên bà vội ngừng, lấy tay lau kẻo hoen chiếc áo trắng. Giữa lúc đó, bà Thân đủng đỉnh trả lời: “Cái đó là tùy ý cháu. Nó bảo để nó còn suy nghĩ cho chín.”
Đã nhổ xong nước trầu, và lau chùi sạch sẽ hai bên mép, bà Tuân vội cướp lời:
– Làm lẽ cũng ba, bảy đường làm lẽ, cụ ạ. Làm lẽ như cô Trác thì đã ai bì kịp. Rồi đấy, cụ sẽ biết, vợ bé với vợ cả sẽ như chị em ruột thịt. Mợ phán nó cũng hiền lành, phúc hậu đấy chứ. Cụ còn lạ gì.
Rồi bà nhích người sát gần bà Thân, rủ rỉ:
– Vả lại mình còn hòng nhờ vả về sau. Lúc dăm bảy đồng, lúc một, hai chục người ta cũng chẳng tiếc đâu. Nhà ấy ăn tiêu tới tiền trăm, tiền nghìn, chứ một, hai chục thấm vào đâu mà người ta chẳng giúp được mình.
Bà Thân cũng thỏ thẻ đáp lại: “Vâng, thì vẫn biết thế. Nhưng cũng hãy thong thả để xem ngã ngũ ra làm sao đã”.
Bà Tuân lại cất cao giọng:
– Chà! Tôi tưởng chẳng phải suy tính gì nữa. Cụ nhận ngay đi cho xong. Còn nhiều cái lợi về sau. Giá như ít nữa mà cậu Khải muốn ra làm công, làm việc trong làng, người ta lo lắng hộ cũng dễ dàng.
Bà hoa tay, trợn mắt, bĩu môi:
– Người ta thần thế đáo để đấy!
Bà Thân rụt rè trả lời:
– Vâng, tôi cũng nghe đồn ông phán bên ấy mạnh cánh lắm; để rồi tôi cố khuyên cháu. Nếu nó bằng lòng thì tốt phúc nhà tôi quá. Như thế tôi cũng có chỗ nương tựa.
– Phải, cụ nghĩ phải đấy. Tội gì mà lấy anh nhà quê cục kịch. Bà tươi cười ví thầm:
“Một đêm quân tử nằm kề,
Còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm!”
Vừa dứt câu bà ngặt nghẹo cười, vừa vỗ vai bà Thân, vừa nói thầm bằng một giọng rất thân mật:
– Có phải thế không, cụ ?
Bà Thân như đã siêu lòng, hớn hở đáp:
– Thì vẫn hay là thế.
Câu chuyện đến đó thì mặt trời đã xế chiều. Bà Tuân bỗng nhớ ra mình ngồi đã khá lâu, vội vàng cầm thêm miếng trầu, đứng dậy:
– Thôi xin vô phép cụ để khi khác. Tôi phải về xem cơm nước chiều nay ra sao.
Trong khi hai bà chuyện trò, Trác đã gánh đầy hai chum nước, và làm xong bữa cơm. Và nàng đang sửa soạn mâm bát, vì biết Khải, anh nàng đã sắp đi cuốc về.
Bữa cơm hôm ấy cũng xuềnh xàng như những bữa cơm khác; vài con tôm kho, đĩa rau luộc và hai bát nước rau đánh dấm cà chua. Nhưng mẹ và hai con ngồi ăn rất vui vẻ, Trác và Khải bàn bạc các công việc làm ăn trong nhà, ngoài đồng. Hai anh em, người nào cũng có vẻ rất mãn nguyện, tự bằng lòng vì đã chịu khó làm được đầy đủ những công việc riêng của mình.
Bà Thân thấy thế cũng nao nao sung sướng trong lòng. Và bà không hề thấy buồn nản, quên hết được những nỗi vất vả bà đã phải cam chịu từ ngày chồng sớm chết đi. Nhiều lúc bà thấy hai con phải làm lụng khó nhọc, bà đem lòng thương và buồn bực phàn nàn cho hai con, tuy bà vẫn biết rằng nghèo và phải vất vả hai sương một nắng là lẽ thường.
Năm bà mới góa chồng, cả cơ nghiệp chỉ có ngoài hai mẫu ruộng. Cách đây chừng ba, bốn năm, bà chịu khó buôn bán tần tảo ở các chợ gần làng nên cũng kiếm thêm được chút ít. Rồi lại nhờ hai con chăm chỉ cày cấy, tiêu pha không hết là bao, thành ra tất cả bà đã tậu thêm được hơn ba mẫu nữa.
Với số ruộng ấy, bà chẳng dám kiêu căng khoe khoang là giàu nhưng ăn tiêu cũng đủ và trong nhà không đến nỗi túng bấn.
Thường thường Khải và Trách muốn mẹ cứ nghỉ ngơi để vui cảnh chùa, nhưng bà Thân biết mình cũng chưa đến nỗi yếu đuối lắm, còn có thể làm được những việc con con, nên chẳng bao giờ bà chịu ngồi yên một chỗ. Bà quét nhà, nhặt cỏ ngoài vườn, hay lại chẻ nắm tăm giúp Trác. Tất cả ba mẹ con, người nào cũng muốn cố công, góp sức, không ai muốn ỷ lại vào người khác để được nhàn rỗi nên cách mưu sống hàng ngày cũng bớt phần khó nhọc và cũng vì thế mà giữa ba mẹ con đã có mối tình thương yêu lẫn nhau rất bền chặt.
o0o
Từ hôm bà Tuân thấy mẹ Trác đã gần ưng thuận, bà vẫn sung sướng nghĩ thầm: “Chẳng trước thì sau, rồi cá cũng cắn câu”. Bà tự khen bà có tài ăn nói nên mới “cảm hóa được người” một cách nhanh chóng như thế. Bà không phải là tay mối lái để kiếm tiền. Nhà bà có tới năm chục mẫu ruộng, cần gì bà phải làm cái nghề đó. Người mà bà vẫn hãnh diện gọi bằng mấy tiếng rất thân mật “cậu phán nhà tôi” chính là con rể bà. Người ấy lấy con gái bà đã ngoài mười lăm năm, và nay cả trai gái được gần bảy tám đứa. Bà không muốn con gái phải nhọc mệt vì những công việc trong nhà, nên bà bàn với con gái lấy vợ hai cho chồng…
– Kiếm lấy một người – bà nói – để về cho nó đỡ đần cơm nước sáng tối và việc vặt trong nhà. Đứa ăn đứa ở tin cậy thế nào được, chỉ thêm nhọc vào thân.
Mợ phán, một người rất bủn xỉn, chi ly, e tốn kém quá, chân thật trả lời:
– Biết về sau này thế nào; vả lo liệu cho xong, bây giờ cũng mất ngoài trăm đồng.
Bà Tuân ra vẻ đã tính toán kỹ càng:
– Chỉ bốn chục là cùng. Họ làm một bữa xoàng độ một chục, cũng còn được lãi ba chục. Cứ lo đi. Có thiếu đâu, tao cố bù đậy vào cho.
Thấy mẹ ráo riết khuyên răn, mợ phán cũng ưng thuận. Từ đó, những lúc rỗi rãi, bà Tuân chỉ dò la xem món nào hiền lành, có thể tạm dùng được, bà bắn hỏi ngay. Bà chọn lọc người vợ hai cho chàng rể chẳng khác gì bà kén chồng cho bà. Vì bà còn nghĩ về sau. Nếu phải một người đanh đá, một tay sừng sỏ, khôn ngoan, khi về làm lẽ, nó nịnh hót lấy được lòng chồng, dần dần át hết quyền thế vợ cả: lúc đó con bà sẽ khổ sở không còn đáng kể vào đâu nữa. Bà chỉ cần một người thật hiền lành, gần như nhu nhược, bảo sao nghe vậy, không biết cãi lại. Bà nghĩ thầm: “Vớ phải cái hạng voi dày, rồi về nhà nó lại xỏ chân lỗ mũi con mình ấy à.”
Bà căn vặn hỏi han mãi, thấy ai cũng khen Trác là người ngoan ngoãn, bà liền tìm cách đi lại chơi bời với bà Thân. Trước kia có lẽ cả năm bà cũng không tới nhà Trác lấy một lần. Sẵn của không cần phải nhờ vả ai nên bà chẳng muốn chơi bời với các bà cùng tuổi trong làng. Bà vẫn tự bảo: “Quen với họ, rồi lại vay mượn chẳng bõ.” Vậy mà có tháng bà đến chơi với bà Thân tới năm, sáu lần. Mục đích của bà chỉ để được xem cách ăn nói, làm lụng, đi đứng của Trác. Và cũng để được xem mặt nàng cho cẩn thận. Mấy lần đầu, bà ít nói, chỉ để mắt nhìn theo Trác từng bước. Mãi tới hơn một tháng sau, bà Tuân mới ngỏ nhời nói “xin” Trác cho “cậu phán”. Lần nào nói đến câu chuyện ấy, bà cũng chỉ có những lời nói ấy, những lý lẽ ấy. Nhưng mỗi lần bà có một giọng nói, một dáng bộ khác, khiến bà Thân tưởng như mình được nghe một câu chuyện khác hẳn. Vì thấy bà Thân không được giàu nên bà vẫn không quên chiềng bày những cái lợi về tiền tài. Bà Tuân lại khôn ngoan hơn nữa: bà nghĩ cần phải làm thân với mẹ Trác, bà tin rằng khi đã thân mật rồi thì dù mẹ con bà Thân không ưng thuận chăng nữa cũng phải nể mà nghe theo.
Mẹ Trác thấy bà Tuân nói mấy lần về chuyện đó không nỡ từ chối hẳn, cũng cứ khất lần, bà vẫn bảo đã nói chuyện với Trác nhưng nàng chưa quyết định ra sao. Sự thực, bà chưa hề nói gì với con gái. Chính bà đã phân vân không biết “ngả chiều nào vì bác Tạc bên hàng xóm cũng ngỏ lời hỏi Trác. Bao giờ bà đã nhất định gả con cho bên nào, bà sẽ khuyên con nên lấy người ấy. Nhời bà khuyên con tức là một sự bắt buộc. Bà Thân cũng như nhiều bà mẹ khác ở nhà quê, lúc gả chồng cho con chỉ tìm nơi nào có đủ “bát ăn”, không cờ bạc dông dài. Còn xấu đẹp ít khi để ý tới. Chẳng bao giờ người con gái có quyền bàn đến việc đó. “Phận làm con, cha mẹ đặt đâu phải ngồi đấy”. Câu đó đã ăn sâu vào trí óc hết tất cả những bà mẹ, nên bà Thân cho việc hỏi ý con là không cần cho lắm. Bà tin rằng bà tự xếp đặt lấy cho được chu tất là đủ. Tuy bề ngoài có vẻ thờ ơ, nhưng sự thực bao giờ bà cũng để tâm suy xét đến việc đó. Không phải là bà cân nhắc, so sánh ông phán với bác xã Tạc. Mà ông phán thì cố nhiên là vẫn hơn, ai chẳng biết. Bà chỉ phân vân ở một chỗ: Vẫn hay là ông phán giàu có nhưng rồi người ta có tử tế với mình không, hay là “cậy phú khinh bần”. Lắm lúc bà nghĩ luẩn quẩn cả ngày, chẳng biết quyết định ra sao, bà thốt ra nhời: “Giá còn ông ấy thì đã chẳng phiền đến mình, để ông ấy gây dựng cho chúng nó là xong… Lại còn thằng Khải nữa chứ!” Rồi bà buồn rầu rơm rớm nước mắt, nghĩ đến người chồng đã qua đời. Sau đó, bà nhất quyết để cho Trác đi lấy lẽ; bà như bị những lời bà Tuân huyễn hoặc. Và bà vẫn không quên được cái lợi mà bà ta đã giảng giải cho bà rõ. Nào giúp đỡ tiền nong, nào con gái mình lại lấy được một người cao quý. Trong óc bà lại lởn vởn hai câu ví: “Một đêm quân tử nằm kề, còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm”. Thường thường bà nghĩ rằng cái lợi riêng cho mình bà thì bà không cần lắm, vì bà cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa để hưởng cái lợi đó. Hình như bà đã tự quên mình và chỉ nghĩ đến con. Và lòng thương con đã nhiều lần làm bà gây trong óc những cảnh sống êm đềm không nhọc nhằn vất vả của con gái vì được một người chồng giàu có. Bà vui sướng nghĩ thầm: “Rồi cả thằng Khải nữa, cũng nhờ vào đó mà được mát thân chứ!”
Chiều hôm ấy, trời đã nhá nhem tối, Khải đi bàn việc họ; còn lại ở nhà hai mẹ con: Trác ngồi sàng gạo nếp dưới nhà ngang. Nàng chít chiếc khăn mỏ quạ và mặc chiếc áo cộc vải trắng mới may. Trông nàng có vẻ xinh xắn dễ coi. Một tay tì trên đầu gối, một tay tì gần sát mặt nong, nàng thìa lia đưa chiếc sàng; hai cánh tay rất dẻo. Bà Thân ngồi ngay bên nàng nhặt đỗ để ngày mai thổi xôi cúng tuần. Bà rón rén bới tìm những hạt đậu dọn và mọt bỏ vào chiếc bát con. Mỗi lần bà xoa tay trên đỗ, tiếng rào rào pha với tiếng sàng gạo tựa như tiếng pháo từ đằng xa, lẻ tẻ đưa lại. Bà vừa nhặt những hạt đậu xấu, vừa lẩm bẩm: “Có mấy hạt đỗ mà cứ nhịn để cho mọt đục.”
Truyện ngắn làm lẽ Truyen18.name
Trác nhe hai hàm răng hạt na cười bảo mẹ:
– Hay ngày mai nấu thêm chè nữa cho hết chỗ đỗ ấy đi.
Bà Thân mắng yêu con:
– Tôi không có tiền mua đường chị ạ.
Tự nhiên bà thấy vui sướng trong lòng, nhìn con tươi xinh trong lòng khuôn khăn thâm. Bà như hơi tự kiêu có một cô con gái đã làm bà Tuân mấy lần phải ra vào để nói năng. Bà sực nhớ ra câu chuyện bà muốn nói với Trác. Bà đặt mẹt đỗ sang một bên, thơ thẩn nhìn ra sân như để nhớ lại những nhời bà Tuân, rồi gọi con:
– Này, Trác này!
Trác thấy mẹ gọi, ngừng tay nhìn mẹ.
Bà Thân từ từ nói:
– Mẹ định bảo con mấy lần rồi mà cứ quên mãi. Bà Tuân lại chơi, có nói xin con về làm lẽ ông phán bên làng.
Nghe đến đấy, bỗng Trác hơi đỏ mặt, ngoảnh đi.
Mẹ nàng vẫn đủng đỉnh:
– Con cũng nên nghe mẹ nhận đi là xong. Làm lẽ cũng ba bảy đường làm lẽ. Vào những chỗ ấy, mình cũng được nhàn thân. Nhà người ta không cày cấy, chẳng còn phải thức khuya dậy sớm, dầm sương dãi nắng. Những lúc mẹ có túng bấn dăm bảy đồng, vay dật cũng dễ.
rác như quên cả việc làm, vẻ suy nghĩ, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn trộm mẹ. Bà Thân vừa nói vừa như cố dò xét ý con:
– Ngày sau mình có con người ta cho ăn học, đi làm việc tây, lúc già nhờ con, như thế lại không sướng sao.
Im lặng một lúc lâu, bà lại nói tiếp:
– Muốn tìm vào chỗ sang trọng đôi chút để được mát mặt, chứ có phải mình ế ẩm gì mà làm lẽ. Bác xã Tạc cũng nhờ người mối lái bốn, năm bận đấy, nhưng mẹ xem lấy cái món ấy thì cũng phải suốt đời làm vã mồ hôi.
Từ trước tới nay, Trác chưa hề nghĩ đến chồng con. Tuy đã 19 tuổi, nhưng vì bận lo ăn lo làm, nên chưa bao giờ nàng biết những chuyện trai lơ. Bởi thế nên ít khi nàng ngắm vuốt trang điểm. Những khi đi gánh nước hay đi chợ gặp các bạn khen đẹp và chế giễu sớm đắt chồng, nàng chỉ cười cho vui chuyện. Một đôi khi nàng gặp vài anh trai trẻ trong làng đem lời chòng ghẹo, nàng xấu hổ, không nói gì, cứ thẳng đường đi. Trong lòng lúc đó nàng cũng thấy xôn xao, rạo rực, nàng cũng nghĩ ngợi, ước mong vẩn vơ, nhưng chỉ trong chốc lát, rồi vì bận công việc hàng ngày lòng nàng lại trở nên bình tĩnh như không có gì.
Thấy mẹ nói muốn gả chồng, nàng mang máng hiểu rằng sắp đến ngày phải xa mẹ, xa anh. Nhưng nàng cũng không lấy thế làm buồn. Chẳng phải nàng không thương yêu mẹ và anh. Song vì nàng cho đó là một việc tự nhiên, tự nhiên như ngày nào nàng cũng phải thổi cơm, gánh nước, tưới rau, xay lúa… Vả bao nhiêu con gái trong làng cũng lấy chồng, cũng có con cả. Nghĩ thế nên nàng cũng không cho việc đi lấy chồng là can hệ lắm. Nhưng vì nàng lại đi làm lẽ nên nàng chưa biết cái cảnh làm lẽ ra sao. Trong làng cũng có nhiều người làm lẽ, nhưng trí óc còn non nớt của nàng chưa khiến nàng xem xét để hiểu cảnh sống của họ ra sao.
Song Trác không suy nghĩ lâu, không hề cố tìm cách phân biệt cho rõ rệt hai cảnh lấy chồng: Làm lẽ và cảnh chồng một vợ một. Thấy đã có nhiều người đi làm lẽ, nàng cũng cho lấy lẽ là một việc rất thường. Trí óc nàng chất phác đến nỗi nàng cho việc gì đã có người làm thì mình cũng có thể làm theo được, không cần phải do dự, suy nghĩ gì nữa. Nàng nghĩ thầm:
– “Biết bao nhiêu người đi làm lẽ, thì ta làm lẽ cũng chẳng sao”.
Cũng như phần đông gái quê, Trác rất lười lĩnh, không chịu suy xét tỉ mỉ, sâu sắc đến một điều gì bao giờ. Và một lần xảy ra một việc làm nàng phải nghĩ ngợi, nàng thấy bực tức khổ sở lắm. Bởi thế nên mọi việc nàng chỉ dựa vào những sự đã xảy ra chung quanh để làm khuôn mẫu.
Trác ngỏ ý ưng lời mẹ, bằng lòng lấy lẽ, song nàng vẫn thẹn thùng không dám nói dứt khoát, minh bạch, nàng rụt rè trả lời mẹ:
– Việc ấy tùy mẹ xếp đặt, bên nào hơn thì mẹ nhận.
Bà Thân thấy con không tìm cách chối cãi, hay than phiền điều này điều khác, vui vẻ nhìn con, đầy yêu thương.
Trời đã tối hẳn. Trác đem nong gạo ra sân đón ánh trăng cho dễ dàng, và khỏi phải thắp đèn, đỡ tốn dầu. Bà Thân một tay khoen miệng lọ tựa chiếc phễu con, rồi từ từ đổ đỗ vào lọ. Bà lấy chiếc nút cuộn bằng lá chuối khô bọc một lần rơm, đút thực kín miệng lọ rồi thì thào: “Chặt đến thế rồi cũng có mọt được thì chẳng hiểu làm sao.” Bà đứng dậy xách lọ đỗ cất đi. Bỗng bà thẫn thờ, vẻ lo ngại hỏi con gái:
– Anh mày mãi không thấy về nhỉ?
– Thì mẹ lo gì, khuya đã có trăng.
Lúc đó bà Thân mới nhớ ra hôm ấy là mười tư, và mới hết lo ngại về nỗi Khải sẽ phải lần mò trong tối đêm mới về được đến nhà. Vì thương con – thứ nhất là Khải lại là trai -, nên mỗi lần thấy Khải đi làm chậm về hay đi chơi lâu lâu, bà vẫn lo lắng, tưởng như đã có chuyện gì không hay xảy ra. Trong lúc chờ đợi mà thấy con về, bao giờ bà cũng chỉ có một câu nói như để mắng yêu con:
– Gớm, mày làm tao mong sốt cả ruột!
o0o
Gần Ô Cầu Giấy từ phía Hà Nội đi xuống, xế bên phải chừng 100 thước tây, một toà nhà làm theo lối mới. Có gác có sân giời. Trước cửa, một khu vườn rộng trồng rau. Thỉnh thoảng lưa thưa vài cây hồng, vài cây nhài hay lơ thơ vài cây ngọc lan còn nhỏ. Mới trông ai cũng biết là chủ nhân không thích những vật trang điểm phù phiếm và chỉ nghĩ đến lợi riêng trong nhà.
Đằng sau, hai chiếc bể xây sát tường để hứng nước mưa dùng hàng ngày. Cách tòa nhà chừng ba mươi thước tây, là hai gian nhà ngói con. Một gian dành riêng cho đầy tớ, và một gian làm bếp. Đó là tòa nhà của cậu phán, con rể bà Tuân.
Cậu phán đi làm từ hồi mới 11 tuổi, hãy còn để trái đào và cái chỏm con trên đầu. Cái nghề đầu tiên của cậu là kéo quạt cho một ông sếp tây sở hỏa xa. Ông ta thấy cậu không đến nỗi đần độn, bèn khuyên cậu nên học thêm để biết ít tiếng tây. Cậu cũng chịu khó. Một ngày hai buổi đi kéo quạt; tối về lại cặm cụi học thêm. Dần dần viết được dăm ba câu tiếng tây ngăn ngắn và đọc hiểu qua loa được những tờ yết thị dán trong ga, ông sếp bèn giao cho việc thu vé. Được gần hai năm, cậu được đi khám vé trên tàu hỏa. Hồi đó tàu còn chạy hơn 10 cây số một giờ; và khách quê đi tàu còn mặc cả từng xu như mua rau, mua cá. Những người khách quê mùa đó chẳng biết gọi cậu bằng gì, tôn cậu là quan phán. Rồi từ đấy cậu cũng nhận cái chức ấy. Và mọi người, cả đến người trong nhà, đều gọi cậu bằng hai tiếng “cậu phán”. Lương bổng cậu không được là bao, nhưng cậu biết cách lậu vé ăn bớt, nên chẳng bao lâu cậu đã có vốn. Cậu lại khéo nịnh hót đủ hết mọi ông sếp, biết cách luồn lụy, len lỏi, nên sau bốn năm soát vé trên tàu, cậu được làm Phó thanh tra đường xe hỏa với một món lương tây ngoài hai trăm đồng. Cậu hãnh diện với mọi người, và cậu vẫn bực tức vì hai tiếng “cậu phán” đã ăn sâu vào óc mọi người và không ai nghĩ đến gọi cậu bằng những tiếng “quan thanh tra”.
Năm cậu phán về hưu, cậu mới gần 40 tuổi. Cậu biết sức mình còn luồn lọt được và còn kiếm thêm được tiền, cậu lại cày cục vào làm thư ký cho một nhà buôn lớn ở Hà Nội. Mỗi tháng gần 60 đồng. Thêm vào số lương hưu trí, cậu sống dễ dàng, thừa ăn mặc. Tuy thế nhưng cậu cũng không hề chơi bời bê tha. Ngày hai buổi đi làm về, lại quanh quẩn trong nhà với vợ con. Vì thế cậu mợ nể lẫn nhau, và ít khi có điều bất hòa. Lúc thấy mợ nói nhà nhiều việc và nhiều trẻ, muốn lấy vợ hai cho cậu, cậu cũng để mặc vợ thu xếp, không từ chối, nhưng cũng không tỏ vẻ ham muốn. Còn mợ phán từ hôm thấy mẹ nói đã tìm được một món và họ đã nhận lời, thì chỉ định ngày sẽ cùng mẹ và chồng đi xem mặt. Nhưng bà Tuân không muốn thế, bà bảo con gái:
– Nếu cậu ấy với mợ phải thân chinh đi xem mặt, họ lại kiêu kỳ lên nước. Tội gì mà hạ mình như thế!
Bà bèn đến nói với bà Thân xin cho Trác “sang chơi” bên nhà cậu phán để cậu xem mặt. Bà Thân mới đầu cũng không bằng lòng. Bà lấy cớ ai đi lấy vợ cũng phải đến nhà vợ để xem mặt vợ, chứ không khi nào vợ phải đến tận nhà chồng. Nhưng bà Tuân khôn khéo khuyên:
– Cứ theo đúng lề lối thì vẫn thế. Nhưng đằng này cụ lại hòng nhờ về sau, tưởng nên cho cháu sang là hơn. Đây sang đấy cũng như đi chợ, xa xôi khó nhọc gì! Một đồng xu cũng chẳng mất.
Thấy bà Thân vẫn không đổi ý, bà lại ngọt ngào:
– Ra vào những chỗ quyền quý ấy càng học được nhiều cái khôn. Ví dụ như về sau này duyên số không se lại thì cháu Trác cũng mở mắt thêm.
Thế rồi bà định ngày xem mặt vào chủ nhật để được tiện việc cho cậu phán. Bà Thân cũng bằng lòng, chiều ý bà. Bà Thân đã định chỉ để cho một mình Trác đi theo bà Tuân sang. Nhưng Trác lại xấu hổ không dám đi một mình, và bà cũng muốn tiện dịp sang xem nhà cửa chàng rể ra sao, nên bà cùng con và bà Tuân ra đi.
Theo con đường đất ngoằn ngoèo hơn hai cây số mới đến nhà cậu phán. Lúc tới nơi và đã vào hẳn trong nhà, bà Thân và Trác ngượng ngùng chẳng biết đứng đâu ngồi đâu. Bà Tuân mời mọc lôi kéo mãi bà mới dám ghé đít ngồi vào chiếc sập gụ phủ chiếu hoa, đánh bóng loáng, kê đồ sộ giữa nhà.
Cậu phán và mợ phán áo dài chỉnh tề ngồi một bên, bên kia là bà Tuân và bà Thân. Giữa sập là một cái khay bày bốn chén nước chè nóng khói bốc nghi ngút và một tráp trầu sơn đỏ.
Bà Tuân hãnh diện ngồi xếp chân bằng tròn chiếm gần hết một góc sập, chung quanh bà ngổn ngang nào khăn mùi soa, ống nhổ, hộp trầu con riêng của bà. Bà Thân bẽn lẽn như hơi xấu hổ trong bộ quần áo nâu cứng và dày, trái hẳn với những quần áo mỏng mảnh sặc sỡ của bà Tuân, cậu phán và mợ phán.
Còn Trác cứ đội chiếc nón trên đầu để che mặt, ngồi xổm ở đầu hè, dựa vào một xó tường. Mấy đứa trẻ con xúm quanh nàng ngơ ngẩn nhìn nàng như một vật rất kỳ lạ. Bà Tuân cầm chén nước mời bà Thân. Bà đưa hai tay lễ phép đỡ lấy chén nước mời lại:
– Cụ xơi nước, ông phán bà phán xơi nước.
Rồi bà mới dám uống một ngụm con. Bà run run tay chỉ lo xảy tay vỡ chiếc chén Nhật Bản mà bà chẳng nhìn thấy bao giờ.
Muốn cho cậu phán, mợ phán biết rõ mặt Trác, bà Tuân gọi:
– Nào cô Trác đâu! Vào đây tôi đãi chén nước chè mạn sen đây.
Trác đứng dậy rón rén bước vào, vẫn để chiếc nón trên đầu.
Bà Thân vội vàng bảo khẽ con:
– Bỏ nón ở ngoài hè chứ!
Bà Tuân đưa chén nước cho Trác. Nàng hai tay đỡ lấy. Bà thấy nàng, chít khăn tùm tụp, che gần hết mặt, bèn ngọt ngào bảo nàng:
– Bỏ khăn ra khỏi nực.
Rồi bà chỉ chiếc ghế đẩu con kê bên chiếc bàn gần đó:
– Cô ngồi xuống đây. Nhà thiếu gì chỗ mà phải ngồi ở đầu hè.
Trác cũng nghe lời ngồi trên chiếc ghế con và chỉ sợ chiếc ghế đổ.
Vẫn không thấy nàng bỏ khăn, bà Tuân lại giục:
– Bỏ khăn ra cho khỏi nực cô ạ.
Bà Thân cũng nói theo bảo con:
– Sao khôg nghe cụ bỏ khăn ra.
Trác đặt chén nước xuống bàn, rồi cởi khăn cầm trong tay. Chén nước nàng cứ để yên đó. Nàng khát, nhưng vừa xấu hổ vừa chẳng biết mời mọc ra sao, nên nàng cũng không dám uống.
Mợ phán thì đăm đăm ngắm nghía Trác; cậu phán thì muốn giữ ý với vợ, chỉ thỉnh thoảng đưa mắt nhìn qua. Bà Tuân chốc chốc nhìn trộm mợ phán để dò xem liệu mợ có ưng ý không.
Được chừng nửa giờ, bà Thân xin về; mợ phán mời bà ở lại ăn cơm trưa. Bà Tuân cũng mời theo một câu để lấy lòng:
– Hay cụ ở lại xơi cơm rồi chiều hãy cho cháu về.
Bà Thân nhất định từ chối. Rồi cả ba lại đưa nhau về.
Sau buổi xem mặt đó, mợ phán cũng hơi phân vân, vì thấy Trác có sắc đẹp. Mợ lo ngại rằng với cái sắc đẹp đó, Trác sẽ có thể quyến rũ được cậu phán một cách dễ dàng. Rồi lúc đó, chẳng hiểu mợ sẽ phải ra sao. Mợ tự bảo: “Đến khi mà đã thay bực đổi ngôi, thì phỏng còn ra trò trống gì!” Nhưng mợ lại nghĩ rằng mình đã bảy, tám con, chẳng còn xuân gì, không cần phải luôn luôn có chồng ấp ủ. Chỉ cốt có người làm cho được việc. Và gần một tuần lễ sau, mợ bắn tin ngỏ lòng ưng thuận, nhờ mẹ thu xếp hộ việc cưới xin cho chóng xong.
o0o
Bà Thân vẻ bực tức, nhưng cố nén lời:
– Như thế này thực là chẳng ra sao cả. Có khi nào đám cưới lại không có chàng rể? Rồi làng nước người ta cười tôi.
Bà Tuân kéo tà áo, ngồi xuống giường, bên bà Thân, ngọt ngào nói nhỏ:
– Tôi đã bảo cái đó không hề gì. Mà có ai lại muốn như thế. Chẳng qua là việc nó đi như vậy. Cậu phán nhà tôi cũng đã đệ đơn xin nghỉ, nhưng không thể nào được. Việc tây của người ta chứ có phải chơi đâu.
Bà Thân vẫn chưa nguôi cơn giận, hơi nặng tiếng đáp lại:
– Thưa cụ, tôi tưởng việc gì thì việc chứ, lấy vợ thì phải đi đón vợ về. Con tôi có làm lẽ chăng nữa cũng phải có kẻ đưa người đón mới được! Nó đã quá lứa lỡ thì đâu mà đến nỗi thế!
Đã phải hạ mình ngọt ngào mà thấy bà ta vẫn nói khó chịu, bà Tuân muốn sỉ vả cho hả giận, nhưng bà lại nghĩ đến công việc cưới đã sửa soạn cả rồi, bà đành lòng dịu dàng:
– Cụ nên nghĩ lại, được ngày tốt, cụ cho cháu về, để sau này nó làm ăn được may mắn. Sắp đến giờ xuất hành rồi, cụ cũng sẵn lòng tha thứ để cháu đi. Lỗi ở tôi cả. Thôi, chỗ bạn già, cụ bỏ quá, thế mới quý. Vả không có cậu phán đi, thì tôi đã phải đi thay mặt. Tưởng như thế là đủ.
Nói đến đây, chẳng kịp để bà Thân đáp lại, bà vội đứng dậy, lên ngay nhà trên rồi bà tự xếp đặt lấy công việc. Bà hớn hở như không có chuyện gì cản trở xảy ra, sang sảng nói:
– Đã đến giờ rồi, vậy xin các cụ sửa soạn để đón dâu. Nào, cô dâu đâu? Nón áo đi chứ.
Rồi bà sồng sộc thẳng vào buồng riêng Trác để dắt nàng ra.
Trác mặc chiếc quần lĩnh mới, chiếc áo cát bá mỏng lồng trong cái áo the ba chỉ, và thắt dây lưng nhiễu nhuộm màu lá mạ. Một chiếc khăn vuông vải ma-ga bóng loáng che gần hết cả mặt nàng. Trên đầu đội chiếc nón lá rộng vành. Nàng thẹn thùng từ trên hè bước xuống. Theo sau nàng là đứa em gái họ, xách cho nàng một gói quần áo và các đồ lặt vặt như chiếc lược bí, chiếc lược thưa, một cái gương Cô Ba sáu xu, con dao bổ cau… Ngần ấy thứ bọc cẩn thận trong một miếng nhật trình cũ.
Đám cưới khởi hành. Họ nhà giai đi trước; có bà Tuân, hai người em họ và ông bác “cậu phán”; tiếp đến họ nhà gái, có Khải và mấy người thân thuộc. Tất cả đám cưới gồm được tám, chín người. Dẫn đường là ông bác “cậu phán” già nhất trong bọn; ông cầm một nắm hương thơm. Trác phải cầm một chiếc kéo mới. Bà Thân muốn thế, vì kéo sẽ kỵ hết tà ma nàng có thể gặp giữa đường. Từ nhà ra khỏi làng, Trác gặp bao nhiêu người quen biết, bao nhiêu bạn bè, nhưng nàng thẹn thùng chẳng dám ngửng mặt nhìn ai. Họ đoán với nhau người này, người nọ là chú rể? Họ pha trò lắm câu làm nàng phải cười thầm.
Lúc đám cưới đã đi ra khỏi nhà, bà Thân thẫn thờ ngồi ở đầu hè nhìn mấy đứa cháu họ thu xếp bát đĩa và rửa nồi, lau mâm. Không bao giờ bà thấy buồn chán đến thế! Bà có nhớ Trác, nhưng cái nhớ ấy chỉ thoáng qua, không sâu sắc. Có con ở nhà để khỏi trơ trọi, để nó giúp đỡ mọi việc, bà cũng thấy vui. Nhưng con gái lớn phải đi lấy chồng; đó là một sự tất nhiên, nên mất cái vui sum họp bà cũng không thấy bực tức. Điều làm bà khó chịu là cái đám cưới không chồng của con gái bà. Bà không tin được rằng lại có một sự kỳ lạ đến thế! Trí óc bà đã bắt thói quen với hết mọi việc, theo lề lối từ trước. Nên cứ một sự khác thường xảy ra là làm bà suy nghĩ… Bà vơ vẩn hết chuyện này sang chuyện khác, không chuyện gì có liên lạc. Mọi việc trong trí óc bà đều hỗn độn, không thứ tự… Bỗng bà nhớ đến món tiền cưới và tiền chi phí trong nhà. Bà đứng dậy lấy nắm đũa để làm con tính rồi lẩm bẩm:
– Vừa gà, vừa thịt lợn hết sáu đồng… Rượu hết hai đồng… Gạo hết ba đồng…
Bà vừa nói vừa suy nghĩ để cố nhớ lại. Mỗi lần xướng bao nhiêu đồng, bà bỏ ngần ấy chiếc đũa. Rồi bà dồn cả lại mà đếm. Bà thì thầm:
– Một, hai, ba… Tất cả là mười đồng. Hãy cứ gọi non cho là mười đồng để tính cho dễ. Vậy bảy chục đồng mà bỏ đi một chục đồng…
Bà đếm bảy chiếc đũa rồi lấy ra một chiếc; bà lại cẩn thận đếm những chiếc đũa còn lại:
– Một, hai, ba, bốn… Còn tất cả là sáu chục đồng… Thế bây giờ mới lại bỏ vợi đi một đồng nữa… Sáu chục đồng mà tiêu đi mất một đồng thì còn lại năm mươi chín đồng.
Bà phân vân chẳng hiểu có tính đúng hay không. Bà lại ngồi nghĩ ngợi, tính nhẩm trong trí một lúc lâu. Đến khi bà đã chắc là bà tính không sai, bà nói to một mình:
– Thực phải rồi! Còn năm mươi chín đồng!
Bà đếm chỗ tiền còn lại mà bà đã thắt chặt trong ruột tượng, và có vẻ sung sướng thấy mình đã tính đúng, không sai một xu; rồi bằng một giọng oán trách, bà nói một mình: “Định đưa bốn chục đồng thì thông làm gì!”
Bà thốt ra câu nói đó vì món tiền bảy chục cưới con bà đã phải kèo cừ mãi mới được đủ. Mới đầu, bà nhất định lấy một trăm. Bà Tuân thì một mực đưa bốn chục. Bà cầm hai lá giấy hai mươi đồng đưa cho bà Thân:
– Cụ cứ cầm lấy bốn chục, rồi sau này hãy hay. Còn về lâu về dài. Chẳng qua khi cháu về nhà, của chồng tức là của cháu chứ, cụ lấy gọi là một ít để làm vì thôi. Rồi về sau có vay mượn cũng dễ.
Bà nhìn thẳng vào mặt bà Thân mỉm cười và ngọt ngào nói bằng một giọng rất nhẹ nhàng:
– Dễ người dễ ta cụ ạ!
Bà Thân nhất định từ chối, trả lại hai lá giấy:
– Không, tôi cứ xin đủ một trăm là ít ỏi quá lắm rồi. Còn về sau này có vay mượn, nhờ vả, thì lại thế khác. Tôi muốn cái lộc của cháu đi lấy chồng chứ, còn của đi vay thì kể gì!
Hai bà cứ giằng giai như thế mãi, bà Thân e tiền cưới ít, làng người ta cười là hám ông phán, mang bán rẻ con; bà Tuân sợ mất nhiều tiền quá lại bị con gái kỳ kèo. Nhưng bà biết không thể nào xong xuôi bằng món tiền bốn mươi đồng, bà bèn xoay cách bớt sớ:
Cụ giơ cao đánh sẽ. Vậy xin nộp cụ một nửa, nghĩa là năm mươi đồng.
Bà Thân cũng chẳng kém lời:
– Không, tôi đã xin cụ một trăm là cứ y như một trăm. Nào phải chuyện mua bán đâu mà mặc cả.
Bà Tuân thêm một chục nữa, rồi thêm lên năm đồng nữa, thấy bà Thân vẫn không ưng, bà bỏ hẳn hai cái giấy bạc hai mươi đồng và sáu lá giấy năm đồng trước mặt bà Thân:
– Thôi thế thì đúng bảy mươi đồng vậy, cụ nhận hộ. Ai thì cũng nói mười, lấy năm sáu, mà cụ lấy đến bảy thì quá nặng rồi. Vả tôi cũng chẳng còn một xu nhỏ trong người.
Bà xòe hai bàn tay giơ hai túi áo cộc:
– Cụ khám xem.
Sau câu nói đó là một tràng cười giòn giã. Thế là ngã giá bảy mươi đồng. Thấy bà Thân xếp lại những lá giấy bạc, bà Tuân thỏ thẻ, giọng thân mật:
– Cụ may cho cháu chiếc áo the, áo trắng lót, và cụ nhớ nên may quần lĩnh thì hơn, đừng may váy, về làng bên ấy người ta cười chết. Đàn bà, con gái bên ấy người ta toàn mặc quần cả.
Rồi bà hẹn ngày cưới. Bà lại còn dặn thêm bà Thân:
– Cụ đừng nên bày vẽ gì cho cháu lắm. Không phải làm cơm rượu lôi thôi cho nhà giai nữa. Bên ấy người ta chẳng thiếu gì. Tám giờ sáng người ta sang, uống chén nước ngồi nghỉ chừng đến chín giờ, được giờ xuất hành thì cho cháu đi. Bà Thân chẳng biết tám, chín giờ sáng vào lúc nào, nhưng cũng cứ vâng cho xong chuyện. Tuy không phải làm cơm rượu cho nhà giai, nhưng bà Thân cũng làm “dăm mâm” để mời bà con thân thuộc, “gọi là có chén rượu mừng”. Vì thế nên nhận được tiền, bà thu xếp mua bán, và may vá cho Trác. Món tiền chi phí về quần áo cho nàng, thì chính của bà bỏ ra; bà muốn rằng khi con đi lấy chồng, bà cũng có chút ít thêm vào đó. Bà vẫn thường tự nghĩ:
– Chẳng có của chìm của nổi cho con thì cũng phải có manh quần tấm áo gọi là của mẹ chứ. Công nó khó nhọc từ trước đến giờ.
Nghĩ thế nên bà đã cố thu xếp bán thóc và vay mượn thêm để sắm sửa cho Trác. Còn món tiền cưới, năm mươi chín đồng thừa lại, bà cũng giao cả cho Trác và dặn rằng:
– Cái của này là của con! Mẹ không muốn giữ lại làm gì, tiêu pha phí phạm cả đi, rồi mang tiếng là bán con để ăn sung mặc sướng. Vậy con giữ lấy, mang về bên ấy, ngộ có cách gì để sinh sôi nảy nở chăng.
Trác nhất định từ chối, nói rằng mẹ mình đã vất vả nuôi nấng mình thì món tiền cưới phải về phần mẹ tiêu dùng. Bà Thân vẫn không nghe, cứ bắt Trác phải giữ lấy món tiền đó. Sau hết không biết làm thế nào, nàng bèn nói với mẹ:
– Thôi thì thế này là hơn nhất: con xin nhận là của con, nhưng con muốn rằng mẹ giữ lấy rồi gây dựng cho con lấy một cái vốn riêng về sau…
Lúc đó bà Thân mới hả lòng.
Trong việc may vá cho con, bà không hiểu thế nào, nên cứ theo đúng lời bà Tuân.
Ngày cưới, mọi người vừa ăn uống xong thì nhà giai đến. Tất cả mọi người và thứ nhất là bà Tuân đều mong đợi chú rể. Tới khi biết rể không đón dâu, bà táng tẩng và chán nản…
Đáng lẽ hôm đó cậu phán cũng nghỉ việc để đi, nhưng mợ phán lại không muốn thế:
– Cao quí mỹ miều gì – mợ nói – mà phải nghỉ việc thân chinh đi đến nơi để đón mới rước. Có mấy người nhà sang là tử tế lắm rồi. Cứ kể ra thì khi đi làm lẽ bao giờ được ngày, được giờ là khăn gói lủi thủi một mình mà về ấy chứ!
Thấy vợ nặng lời, cậu phán lại đành khăn áo đi làm, không hề tỏ vẻ bực tức khó chịu. Bao giờ cậu phán cũng là người hiền lành, dễ tính. Vả lời mợ tức là một hiệu lệnh, cậu không phân trần hơn thiệt, phải trái, để trong nhà khỏi có chuyện bất hòa.