Mời các bạn đọc truyện hãy ở lại với cha, con ơi! truyện được cập nhật tại chuyên mục truyện ngắn hay của Truyen18.name.
Hãy ở lại với cha, con ơi! truyện ngắn
LTS: Ðã xảy ra một cuộc đấu tranh âm thầm mà cam go giữa sự sống với cái chết của cậu bé Lê Viên Hải Nguyên. Nguyên bị ung thư máu. Từ khi phát hiện bệnh cho đến lúc ra đi chỉ vọn vẹn có năm chục ngày. Dưới đây là hồi ức của người cha – Ðại tá Lê Hải Triều – về những giây phút cuối cùng mà anh và gia đình cố gắng chống chọi với số mệnh để giành lại đứa con trai thân yêu.
Một nhà văn đã nói: Những dòng này viết ra không phải vì tất cả mọi người, nhưng bất kỳ ai cũng có thể đọc nó.
9 giờ tối, tự nhiên Nguyên kêu khó thở. Tôi gọi bác sĩ Nguyễn Trung Chính, chủ nhiệm Khoa, y sĩ Dũng đến. Nguyên lại thở ôxy. Bác sĩ Chính cho người gọi điện mời bác sĩ Tuấn khoa Nội thần kinh đến.
Nguyên càng lúc càng khó thở hơn. Cháu nói:
– Mẹ hà hơi vào miệng cho con đi!
Nhân lấy hơi thổi mạnh vào miệng Nguyên. Nhân thổi liên tục, tưởng chừng đứt hơi. Nguyên lấy tay ra hiệu cho mẹ thôi, để mẹ lấy sức. Nhân nghỉ một vài phút, Nguyên lại khó thở. Tôi thay Nhân lấy hơi thổi vào miệng Nguyên nhưng Nguyên lắc đầu, ra hiệu cho tôi không thổi nữa. Chú Chiến cũng lấy hơi thổi vào miệng Nguyên, Nguyên cũng lắc đầu. Thế là mẹ Nhân một mình liên tục hà hơi tiếp sức cho Nguyên. Ðược hơn 10 phút thì Nguyên thấy đỡ hơn. Nguyên nói:
– Con cảm thấy cạn hết sức rồi. Con đi đây bố mẹ ạ!!!
Vợ chồng tôi và chú Chiến lúc này đều oà lên khóc, khóc không còn giữ gìn gì nữa. Nhân nói trong nước mắt:
– Bố mẹ có lỗi vỡi con, đã nói dối con, không cho con biết bệnh của con, cũng vì muốn con yên tâm chữa bệnh. Hôm nay bố mẹ nói thật với con, bệnh của con quá nặng. Bố mẹ đã đi hỏi các bác sĩ đầu ngành, người ta đều nói bệnh này hiện nay nước ngoài cũng phải bó tay!
– Ai mà chả phải chết hở bố mẹ. Con chết trẻ là thiêng lắm đấy, con sẽ phù hộ cho bố mẹ và chị Hương. Chị Hương đâu? Con muốn gặp chị Hương.
Tôi vội bấm máy gọi về nhà, cố nén khóc nói:
– Con gọi taxi lên viện ngay. Ði ngay con nhé.
Tôi lại gọi điện cho anh Am, gọi điện về quê cho cô Thoa. Tôi không nói được thành lời.
Quay lại phòng Nguyên. Tôi thấy bác sĩ Chính, chủ nhiệm khoa và bác sĩ Tuấn gọi Nhân ra phòng đợi. Anh Chính nói với vợ tôi:
– Chị làm thế cũng không cứu được cháu đâu!
Nghe vậy, vợ tôi gắt:
– Các anh để tôi cứu con tôi!
Nói rồi, Nhân chạy ngay vào phòng với Nguyên, tiếp tục hà hơi cấp cứu cho con. Thấy con có vẻ đỡ hơn, Nhân hỏi:
– Sau khi con đi, con muốn về đâu?
– Cho con về Văn Ðiển cho nó mát mẻ!!!
Trời ơi! Ai nói với con tôi là về Văn Ðiển cho nó mát mẻ! Có phải khi nằm ở phòng 9, con đã nghe ông An, ông Phong nói với nhau về bệnh tật thế này thì đi Văn Ðiển cho nó mát mẻ không?
Nhân nhẹ nhàng nói:
– Nhà mình có đất của ông bà tổ tiên, bố mẹ đưa con về đất ông bà nhé!
Suy nghĩ một lát, Nguyên nói:
– Tuỳ bố mẹ, thế cũng được!
Lại một cơn nghẹt thở nữa đến với Nguyên. Tôi nói:
– Dũng tiêm cho Nguyên một lọ thuốc giãn phế quản đi.
Dũng lấy một lọ thuốc tiêm cho Nguyên. Nguyên nói:
– Có lẽ con không đợi được chị Hương nữa. Con đi đây bố mẹ ạ!
– Con phải đợi chị Hương. Nhà có hai chị em mà con đi không gặp chị sao?
– Con mệt lắm! Kiệt sức lực rồi. Bố mẹ nói lại với chị Hương là con rất quý chị ấy!
Tôi oà khóc, khóc to, khóc thành tiếng. Tôi nói:
– Nguyên ơi! Bố đã làm hết sức mà không cứu được con. Người ta bảo bố làm gì bố làm nấy, bố không quản nhọc nhằn vất vả miễn sao cho con qua. Bố thật là vô tích sự, không cứu được con!
– Bố! Bố đừng đau buồn thế. Bố hứa với con, khi con đi bố không được khóc!
Tôi nói trong nước mắt giàn giụa:
– Bố hứa! Bố hứa!
Tôi bấm máy hỏi Hương đã đi đến đâu rồi. Hương trả lời:
– Con đã đến phố Phan Ðình Phùng rồi.
– Con nói lái xe đi nhanh chút nữa.
Bảy phút sau Hương nói đã đến cổng bệnh viện rồi. Tôi nói chú Chiến chạy nhanh xuống đón Hương lên, may ra chị em còn gặp nhau. Chú Chiến chạy xuống cầu thang, lúc sau tôi nghe thấy bước chân gấp gáp.
Nhìn thấy Nguyên, Hương nói:
– Nguyên ơi! Mày không làm sao đâu. Mày sẽ qua được thôi mà. Mày cố lên đi, sẽ qua được. Mày có nghị lực lắm cơ mà. Cố lên!
Mẹ Nhân và chị Hương liên tục thay phiên nhau hà hơi cho Nguyên.
Mấy chục phút trôi qua, Nguyên qua được cơn nguy kịch. Lúc này bác sĩ Chính cho gọi khoa Hô hấp. Bác sĩ chủ nhiệm khoa và một số nhân viên kỹ thuật đến. Họ vào khám cho Nguyên rồi sang phòng Hành chính của khoa trao đổi với nhau. Hơn mười phút, tôi thấy bác sĩ chủ nhiệm khoa và các nhân viên kỹ thuật mang theo dụng cụ lục tục kéo nhau về. Thế là không còn hy vọng gì nữa.
Bác Am đến, tôi nói:
– Tình hình của cháu rất khó khăn, có thể cháu không qua được. Em nhờ anh báo cho bên ngoại sáng mai ra sớm. Em đã điện về quê nội rồi. Em cũng điện cho các anh các chị ở Hà Ðông biết tình hình sức khoẻ của cháu. Sáng sớm mai sẽ có người ra. Bây giờ mọi người thay nhau trông cháu, còn tranh thủ nằm ngủ.
– Khi nhận được điện của chú, tôi đã điện cho cậu Ðức rồi. Sáng mai ông ngoại, cậu Ðức, cậu Phúc, dì Dung, dì Thuỷ, chú Hùng, chú Huệ sẽ đi chuyến xe sớm.
12 giờ đêm, lọ thuốc nhỏ mũi của Nguyên hết. Tôi điện xuống khoa Tai mũi họng. Họ nói có mấy lọ đã đưa cả cho cháu rồi. Phải đợi ngày mai lĩnh ở dược. Hương điện cho Oanh, bảo đến hiệu thuốc quen mua mấy lọ thuốc nhỏ mũi mang vào cho Nguyên ngay.
1 giờ sáng thứ tư, ngày 8 tháng 6, Oanh đến viện mang theo mấy lọ thuốc nhỏ mũi. Lúc này Nguyên ngủ thiếp đi một lúc.
Tỉnh dậy, thấy Oanh, Nguyên hỏi:
– Chị Oanh! Chị Hương đâu?
– Chị ấy vừa ngủ, có việc gì để chị gọi nhé!
– Thôi. Ðể cho chị ấy ngủ một chút, chị lấy cho em cốc nước lọc.
Oanh lấy cốc nước có sẵn ống hút đưa cho Nguyên. Nguyên uống từng hơi, từng hơi một.
– Em nằm ngủ đi lấy sức! Oanh nói
– Em không ngủ được!
Mọi người trải báo xuống nền phòng đợi tranh thủ nghỉ lấy sức. Nhưng cũng chẳng ngủ được. Nhân ngồi bên Nguyên không rời, hết lau mồ hôi lại pha sữa cho con. Tôi huyết áp tăng, phải lấy một viên Covecxin uống và cũng không sao ngủ được, chốc chốc lại dậy vào với Nguyên. Chú Chiến cũng không ngủ. Mấy chục phút Nguyên lại gọi:
– Chú Chiến cho cháu đái!
– ừ, đợi một tý nhé. Nào đái đi!
Thế là cả một đêm từ bác Am đến mọi người có mặt gần như thức trắng cùng Nguyên.
Gần 6 giờ sáng, Nguyên lại bị một cơn khó thở. Nhân hà hơi thổi ngạt cho con. Hương luôn nói:
– Nguyên ơi! Mày cố lên đi. Hôm qua mày đã qua được rồi, hôm nay mày sẽ qua thôi. Cố lên Nguyên ơi!
Tôi thì nước mắt giàn giụa:
– Nguyên ơi! Bố thương con lắm, hãy cố lên con nhé.
Nhân liên tục lấy hơi và thổi cho Nguyên. Có lúc tưởng chừng cũng sắp ngất theo con. Thế là cả Hương và nhà tôi thay nhau thổi vào miệng Nguyên. Cứ thế đến mười lăm, hai mươi phút sau Nguyên qua được.
6 giờ 30 phút, y sĩ Dũng đến lấy máu của Nguyên đi xét nghiệm. Dũng hỏi:
– Ðêm qua Nguyên có ngủ được không?
– Em không ngủ được!
– Anh lấy máu tay nào đây?
– Tay nào cũng được!
Dũng lấy máu của Nguyên xong, bất ngờ Nguyên hỏi:
– Anh Dũng! Anh đi với em chứ?
– Sao Nguyên lại nói thế?
Biết lỡ lời, Nguyên giờ tay khua khua ra hiệu như người có lỗi:
– Em quên! Em chúc anh chị và cháu mạnh khoẻ.
Thì ra, chiều qua Dũng thông báo vừa đưa vợ đi siêu âm, được biết là con trai. Nguyên nghe được nên cháu mới chúc chị và cháu mạnh khoẻ.
7 giờ 30 phút, bác sĩ Chính đến. Vợ chồng tôi sang phòng riêng để gặp, đề nghị anh cho truyền tiểu cầu cho cháu. Anh Chính hứa sẽ cho truyền tiểu cầu, nhưng không thấy mà chuyển truyền máu.
Chúng tôi trở lại phòng bệnh. Nguyên đột ngột hỏi câu hỏi như chuẩn bị đã lâu rồi:
– Bố mẹ chạy chữa cho con có tốn kém lắm không?
– Con ở viện quân đội tiêu chuẩn con được hưởng viện phí, thuốc men, trừ thuốc mua ngoài thì nhà mình trả tiền thôi – Nhân nói.
– Thế nhà mình còn tiền không?
– Nhà mình còn con ạ. Con không phải bận tâm chuyện đó.
9 giờ 15 phút. Chủ nhiệm Chính đi giao ban bệnh viện về ghé vào phòng Nguyên. Bất ngờ Nguyên xoay người ra phía ngoài hỏi dõng dạc:
– Bác Chính! Cháu có sống được không?
Bị bất ngờ trước câu hỏi của đứa trẻ sắp hấp hối, bác sĩ Chính ấp úng rồi đi vội ra cửa.
9 giờ 30 phút, tôi hỏi Nguyên:
– Con có muốn ăn gì không?
– Mua cho con mấy quả măng cụt và nho Mỹ.
Truyện ngắn hãy ở lại với cha, con ơi! Truyen18.name
Tôi nói chú Chiến chạy ra cổng viện mua cho cháu. Một lát sau chú Chiến mang về năm quả măng cụt và một chùm nho Mỹ. Tôi lấy dao cắt hai quả bỏ múi vào cái bát. Mẹ Nhân bón cho Nguyên. Nguyên ăn hết hai quả. Cháu nói “Ngọt quá”. Tôi hỏi:
– Con ăn măng cụt nữa không?
– Cho con ăn nho!
Tôi lại bóc một quả nho cho Nguyên. Cháu ăn hết một quả rồi giơ tay ra hiệu không ăn nữa. Tôi nói:
– Hương ngồi trông em.
Hương ngồi bên em, âu yếm lấy khăn lau mồ hôi rồi thủ thỉ. Nguyên nói:
– Tối hôm qua em cố đợi Hương, không thì em đã đi rồi!
– Sống mới khó, chết thì khó gì.
– Hương tưởng chết mà dễ à. Ðợi mãi mới được một cơ hội. Tối qua mấy lần em thiếp đi rồi, tự nhiên tỉnh lại, em lại cố thở để gặp Hương đấy!
Nghỉ một lát, Nguyên hỏi:
– Sao hôm nay có nhiều người vào thăm em thế?
– Hôm nào mà chẳng thế!
– Hương nói với bố mẹ, khi em đi đừng có đau buồn, đừng khóc nhé!
– Chị sẽ nói với bố mẹ. Mày sang bên ấy có cả chú Cào, cả em Phong nữa.
– Em cũng muốn xem mặt chú Cào thế nào.
– Chị đã hứa với mày là khi chị kiếm được tiền sẽ mua cho mày một cái quần bò, nay đã có tiền mà chưa mua được. Chị sẽ gửi sau vậy nhé. Có nhắn gì với các bạn không?
Lúc này các bạn lớp 9 đến rất đông. Các bạn cùng lớp 9H với Nguyên: Diệu Linh, Thu Anh, Thanh Huyền, Thuỳ Dương, Trần Thu Trang, Hà Thu, Phương Linh, Ðức Hà, Xuâng Quang, Hải Long, Tú Trinh, Ðức Thắng, Mạnh Thắng, Thu Hương, Xuân Hà, Anh Tuấn, Xuân Trường, Thanh Trà…
Nguyên quay ra nói với các bạn:
– Thôi, các cậu về đi, có thể đây là lần cuối cùng chúng mình gặp nhau đấy!
Nghe Nguyên nói vậy, tất cả đều nức nở. Hương và Thanh Trà ra hành lang, hai đứa viết vội gì đó vào tờ giấy nhỏ trong lòng bàn tay nhờ chị Hương mang vào đưa cho Nguyên xem. Tôi không biết nội dung như chắc chắn rằng nó đã đi theo Nguyên vào cõi vĩnh hằng…
Ðợi các bạn ra ngoài, Nguyên nói:
– Hương nói với bố mẹ đừng đưa em lên chùa. Buồn lắm! Cho em ở nhà với bố mẹ, với Hương.
– Chị sẽ nói lại với bố mẹ.
– Còn điều này nữa, Hương bảo bố đừng quá đau buồn. Bố mà đổ là cả nhà mình sụp đấy!
– ừ!
Hương nắm tay em, nghẹn ngào:
– Chị mà thay mày được thì chị sẵn sàng!
– Sức như Hương chịu được mấy cơn sốt của em.
– Chị em mình cũng được bố cho đi nhiều nơi, Sapa, Tam Ðảo, Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thành phố Hồ Chí Minh, đi Vũng Tàu, Ðà Lạt, Nha Trang, Ðà Nẵng, Bà Nà, lại còn được đi cả máy bay nữa.
– Hôm trước em có hỏi cô Phê là sang thế giới bên kia cháu có được học tiếp không? Nay nghĩ lại thôi từ nay em không phải lo thi cử nữa. à, Hương nhớ thỉnh thoảng viết thư cho em nhé. Cứ để lên bàn thờ thắp hương và hoá vàng là em nhận được.
Nghe chị em nói với nhau mà lòng tôi tan nát. Sao con tôi còn nhỏ mà nó nghĩ được sâu xa như vậy.
10 giờ 30 phút, Nhân pha sữa cho Nguyên. Nhân pha hai lần Nguyên đều uống hết. Tôi pha tiếp ba lần mỗi lần nửa cốc cháu đều uống cạn. Hương gọt mận cho em, Nguyên hỏi:
– Hết đào rồi à?
– Ðể bố cho người đi mua.
Tôi nói chú Chiến ra cổng viện mua mấy quả đào. Lúc này tôi sực nhớ ra cái phim ảnh chụp thẻ học sinh của Nguyên, tôi bảo:
– Oanh, Cẩm Anh, hai cháu ra cửa hàng ảnh của Thông tấn xã Việt Nam đường Trần Hưng Ðạo làm ba cái ảnh của em cỡ hai mươi nhân bao mươi, nói họ là lấy ngay nhé. Hai cháu chữa luôn cái kính của em. Ði nhanh lên các cháu.
Ðầu giờ chiều, mọi người trong cơ quan tôi đến rất đông, đứng vòng trong vòng ngoài. Anh Nhuận gặp tôi lấy tư liệu chuẩn bị lời điếu cho Nguyên. Tôi nói không thành lời, ngắt quãng. Anh Nhuận cố ghi. Quay sang anh Hùng, tôi nói:
– Lúc này tôi không còn đầu óc mà nghĩ phải làm gì! Tất cả tôi nhờ các anh lo cho cháu chu tất.
– Ðược anh yên tâm, chúng tôi sẽ làm hết sức mình. Anh cần xe cứ gọi.
Hai giờ chiều Nguyên nói với tôi:
– Bố gọi bác sĩ tai mũi họng đến lấy gỉ mũi cho con đi.
– Ðược, bố sẽ gọi.
Tôi hỏi Nguyên:
– Con ăn măng cụt nhé.
– Vâng.
Tôi cắt một quả măng cụt. Cháu chỉ ăn được một múi rồi xua tay ra hiệu không ăn nữa.
Lúc này ông ngoại, bác Ðức, cậu Phúc, dì Dung, chú Tuấn ở Thanh Hoá đã ra đến viện. Bác Ðức nắm bàn tay Nguyên mà nước mắt chảy ròng ròng.
Ba giờ, bác sĩ khoa tai mũi họng đến. Mọi người tản ra để bác sĩ làm việc. Bác sĩ lấy panh gắp gỉ mũi cho Nguyên. Bác sĩ hỏi:
– Có dễ thở hơn không cháu?
Nguyên nói nhỏ:
– Có ạ!
Nhưng lấy được gỉ mũi thì lại chảy máu nên bác sĩ phải dùng gạc nhét lại. Thế là cháu lại khó thở hơn.
Tôi ngồi một bên, nhà tôi ngồi một bên. Hương ngồi phía dưới chân em. Thuốc vẫn tiếp tục truyền. Nhà tôi nói nhỏ với cháu:
– Con ở với bố mẹ được mười sáu năm nhưng bố mẹ rất tự hào về con. Một đứa con ngoan, học giỏi, hiếu thảo, chưa bao giờ làm bố mẹ phật lòng. Những ngày qua, bố mẹ biết con đã nén chịu đau đớn để bố mẹ không buồn. Ai cũng khen con có nghị lực, con chẳng làm phiền lòng ai.
Lấy khăn lau nước mắt, nhà tôi lại thủ thỉ:
– Con hãy về nhà mình nhé. Cứ nhìn cửa tầng hai, tầng ba có điện là con vào. Từ nay, năm nào sinh nhật con, bố mẹ cũng làm cho con, đi tham quan nghỉ mát bố mẹ thắp nhang mời con về cùng đi.
Tôi nắm bàn tay Nguyên. Bàn tay thon dài, tôi áp mình vào má con thật lâu:
– Bố thương con lắm Nguyên ơi! Giá như bố thay cho con được thì bố làm ngay.
– Bố ơi! Số con nó thế. Bố thay con thì con sống làm sao? Lấy gì mà ăn!
– Việc ấy con không phải lo. Nguyên ơi, bố mẹ đã có ý định đợi con vài tuổi nữa sẽ mua cho con chiếc ôtô để con bằng anh bằng em. Bố biết con chín chắn, cẩn thận lái xe được mà. Thế mà…
– Bố! Ðừng quá đau buồn nữa, số con thế rồi ạ! Khi con đi bố không được khóc, bố hứa với con đi.
– Bố hứa! Bố hứa!
Tôi nói mà nước mắt ròng ròng.
– Nguyên ơi! Bố sắp tuột mất con rồi.
Mọi người đứng xung quanh. Nguyên gọi từng người.
Với bà nội:
– Cháu chào bà!
Với ông ngoại:
– Cháu chào ông!
Với bác Am
– Cháu cảm ơn bác nhé!
Nhìn qua một lượt Nguyên nói khẽ:
– Cháu chào các bác, các chú, các cô, các dì…!!!
Nguyên nhìn sang cô giáo chủ nhiệm:
– Em cảm ơn cô!
Cô Nhung oà khóc thành tiếng.
Mọi người làn lượt đến nắm tay Nguyên. Người có công với cháu thì cháu cảm ơn còn thì cháu chào với nét mặt bình thản.
Sao người ta nói con người khi cận kề cái chết là lúc họ sợ nhất còn với con tôi thì lại bình tĩnh lạ thường.
Tôi nói y sĩ Tuyên còn một lọ Nipogen, tiêm nốt cho cháu, không để lại làm gì nữa. Tuyên lấy ra tiêm ngay. Tiêm xong lọ thuốc, Nguyên bảo:
– Mau cho con một cái bánh mì!
Chú Chiến đi mua về. Nhân lấy ruột bánh và nước bón cho con. Nguyên ăn từng miếng. Nguyên uống nước lại ăn, cứ thế cháy ăn gần hết một phần ba ruột chiếc bánh.
Lúc này Nguyên đã mệt lắm rồi! Họ hàng nội ngoại, bạn bè cơ quan tôi, cơ quan Nhân, bạn học của Nguyên, bạn học của Hương đến vòng trong vòng ngoài ở phòng cấp cứu. Tôi không rời cháu một phút. Tôi khóc thảm thiết, khóc như một đứa trẻ. Tôi nói với cháu bao nhiêu lần câu: “Bố thương con quá Nguyên ơi! Sao con lại khổ thế này. Trời ơi! Tôi đã không cứu được con tôi. Bố thật là vô tích sự. Bố bất lực quá con ơi! Con ra đi để lại sự hẫng hụt không gì bù đắp nổi. Từ nay bố lấy ai làm chỗ dựa, xẻ chia lúc vui buồn!”
Mẹ Nhân cố nén xúc động, động viên tôi đừng quá đau buồn mà đổ bệnh, con nó không vui đâu. Nhà tôi nắm tay con nhắc lại:
– Nguyên ơi! Tuy con ở với bố mẹ chưa được mười sáu năm, nhưng bố mẹ rất tự hào có con. Một đứa con có nghị lực, ngoan, học giỏi, con chưa làm điều gì để bố mẹ phải phật lòng. Con nhớ nhé. Ngày sinh nhật hàng năm bố mẹ vẫn tổ chức cho con. Con hãy về nhà mình, nhà mở cửa có đèn thì con vào nhé. Hàng năm ngày nghỉ mát, đi thăm quan, bố mẹ thắp hương mời con về cùng đi nhé. Nhớ không con!
Còn Hương thì nói:
– Con biết chiều qua bố tìm cái phim của nó, con đã nghi nhưng con không dám hỏi.
– Bố không nói với con bệnh tình của em. Sợ con buồn, lo.
Nhìn chị, Nguyên bảo:
– Thôi, chị em mình đã nói với nhau cả ngày rồi.
– Chị sẽ gửi cho mày ôtô, xe máy, máy vi tính, quần áo, giày dép và nhiều tiền nữa. Thiếu gì mày nói chị gửi cho, nhé.
Nguyên lúc này đã mệt quá, cháu nhìn tôi và nói ngắt quãng:
– Bố… hứa… với… con… đi!
– Bố hứa! Ðược rồi, bố hứa!
Tôi nói với y sĩ Tuyên:
– Cháu lấy cái gạc trong mũi Nguyên ra đi.
– Vâng, để cháu lấy.
Tuyên lấy chiếc panh gắp và kéo chiếc gạc trong mũi Nguyên. Tôi hỏi cháu:
– Có dễ thở không con?
Nguyên chỉ gật đầu.
Oanh và Cẩm Anh đã mang tấm ảnh của Nguyên được phóng to về. Nhìn con mới đẹp làm sao. Gương mặt sáng trong thuần khiết. Nguyên mặc chiếc áo sơ mi trắng, tóc đen dày, ngồi giữa, ngực đep huy hiệu đoàn, mắt đeo kính cận trắng. Tất cả đều cân đối, hoàn mỹ. Tôi đưa cho Nguyên xem:
– Chiếc ảnh chị Oanh và chị Cẩm Anh làm cho con đấy, con ưng không?
Nguyên ngước nhìn và không nói gì. Cháu đã mệt lắm rồi. Nhân nói:
– Mẹ bật đèn sáng cho con nhìn nhé.
Nguyên mấp máy môi. Tất cả các ngọn đèn nê ông trong phòng đều bật sáng. Mắt Nguyên lờ đờ nhìn mọi người. Bác Ðức, bác Am thay nhau ngồi nắm bàn tay của Nguyên, nước mắt giàn giụa. Nhân lấy nước vừa bón cho con vừa nói:
– Uống nước đi con! Ðể con đi không phải khát. Mẹ nói con nghe được thì há miệng ra!
Nguyên cố gắng lắm mới há được miệng. Nhân bón từng thìa một cho Nguyên. Tôi nhìn con cứ mỗi lúc lịm dần mà lòng đau thắt. Tôi lại áp má của mình vào má của con mà khóc. Tôi nói:
– Nguyên ơi! Con đừng đi. Trước kia bố mong con sống được hàng năm. Bây giờ bố mong con sống được một ngày mà khó quá con ơi! Ðừng bỏ bố mẹ mà đi, con đi thì yên phận con, nhưng còn để lại sự trống vắng cho cả gia đình, không gì bù đắp được. Bố mẹ, chị Hương mãi mãi không quên được con đâu, con ơi! Sao ông trời bất công thế, lại cướp con tôi đi. Con tôi có tội gì đâu, hiền lành, ngoan ngoãn, hiếu thảo, quan tâm đến mọi người, không làm điều gì phật lòng người khác.
18 giờ 45 phút, người đến với Nguyên mỗi lúc một đông. Ðứng chật phòng cấp cứu, đứng tràn cả phòng đợi, hành lang. Nhân từ chiều chưa ăn một tí gì vào bụng. Cô Ban mua phở về bảo Nhân ăn nhưng Nhân đem bát phở bón cho Nguyên. Lúc này Nguyên không con nuốt được nữa. Tôi bảo:
– Thôi. Con không ăn được nữa, em mang ra ngoài, cố ăn mấy miếng lấy sức.
Tôi lấy máy đo huyết áp điện tử của tôi để đo cho Nguyên. Không lấy được huyết áp và nhịp tim.
Nhân bưng bát phở ra ngoài, lát sau quay vào phòng đợi tiếp mấy người bạn cùng học thời phổ thông. Tôi nhìn Nguyên, đột nhiên thấy mặt cháu biến sắc, mắt đờ ra, tôi kêu lên:
– Nhân ơi! Con đi rồi!
Nhân chạy ào vào khóc nức nở:
– Nguyên ơi! Sao con bỏ mẹ mà đi!
Tất cả mọi người đều oà khóc thảm thiết.
Tim Nguyên ngừng đập lúc 19 giờ 2 phút, ngày 8/6/2005, tức ngày 2/5 năm ất Dậu. (Hết)
(Truyện ngắn hay nhất tại Truyen18.name)