VN88 VN88

Dì phước Aparicion

Mời các bạn đọc truyện dì phước Aparicion truyện được cập nhật tại chuyên mục truyện ngắn hay của Truyen18.name.

Di phuoc Aparicion truyen ngan

Dì phước Aparicion truyện ngắn

Emilia Pardo Bazán (1851 – 1921)
Nữ Bá tuớc Emilia Pardo Bazán sinh ở La Coruna, nhà văn nữ tài danh của Tây Ban Nha thế kỷ XIX, thường được xem là đại biểu xuất sắc của trường phái hiện thực của nước này. Sự nghiệp của bà gồm nhiều tiểu thuyết và một số tập truyện ngắn.
***
Lòng sám hối của cô khiến mọi nữ tu kinh sợ, nhịn đói đến không tin được, trộn bánh mì với tro, nhịn uống nước suốt ba ngày, đi chân trần hay quỳ gối cầu kinh suốt những đêm mùa đông, tự đánh mình bằng roi, buộc đai ở cổ, một vòng gai dưới mũ trùm đầu, một thắt lưng có cái đinh…
Qua lớp lưới sắt thấp của nữ tu viện St. Clare ở tỉnh S., tôi thấy một dì phước sấp mình cầu nguyện. Dì nằm trước bàn thờ cao, mặt úp xuống sàn, hai tay dang ra, thân thể bất động. Dì chẳng khác gì bức tượng bị lật ra của một bà hoàng bà chúa mà ngôi mộ của họ được dùng trang điểm cho khu thánh đường. Đột nhiên, dì ngồi dậy, chắc là để thở và tôi có thể nhìn kỹ hơn. Rõ ràng những năm còn trẻ hẳn dì phải rất xinh đẹp, như người ta nhìn những bức tường đổ nát mà đoán được hình ảnh lâu đài huy hoàng xưa kia. Dì phước này ắt phải tám hay chín mươi tuổi, khuôn mặt vàng vọt như xác chết, cái đầu run run, miệng móm xọm, lông mày bạc trắng, tất cả cho thấy dì đã tới cái tuổi không còn buồn lưu ý tới ngày tháng trôi qua nữa.
Điểm đáng chú ý trên khuôn mặt xác chết đó, khuôn mặt không còn thuộc thế giới này nữa, đó là đôi mắt. Bất chấp thời gian, nó vẫn giữ được ánh lửa, màu đen thẳm và nét đam mê xúc cảm dữ dội. Nó có cái nhìn mà một khi thấy thì không thể quên đi. Đôi mắt bốc lửa như vậy không thể lý giải được ở một dì phước đã đi tu, dâng cho Thượng đế cả tâm hồn trong sạch của mình. Chúng đã nói lên một quá khứ giông bão, chúng lộ ra dấu vết của một kỷ niệm bi thảm nào đó. Tôi đã bị trí tò mò lôi cuốn nhưng không mong gì biết được điều bí mật của dì. Tuy nhiên, số phận đã run rủi để thoả mãn ước muốn của tôi.
Tối hôm ấy, trong bàn ăn ở một quán trọ, tôi làm quen được một nhà quý tộc lớn tuổi, vui chuyện và tỉnh ngủ, mẫu người thích kể lể dông dài với khách lạ. Hứng chí vì cái vẻ thích lắng nghe của tôi, ông ta đã mở toang cái trí nhớ tuyệt vời của mình. Tôi chỉ vừa đề cập tới tu viện St. Clare và nhắc sơ tới ấn tượng về đôi mắt của dì phước già ở đó là ông đã bung ra ngay.
– A! Dì Aparicion. Phải rồi, phải rồi! Quả là đôi mắt bà ấy có một cái gì… Cuộc đời bà đã được ghi trong đó. Tin tôi hay không thì tuỳ, chứ những nếp nhăn trên má bà, tới gần mà coi, cứ như những dòng kinh bị nước mắt đào sâu xuống. Khóc suốt bốn mươi năm vậy đó! Cả một thời gian như thế biết bao là nước mắt, vậy mà cũng không làm tắt đám than hồng trong mắt đâu, vì cha tôi biết bà ấy từ hồi con gái và tôi chắc là ông cũng có ve vãn bà ấy chút đỉnh. Người ta bảo dì ấy cứ như một bà thánh. Dì Aparicion tên là Irene hồi chưa đi tu. Cha mẹ là người dòng dõi, có thế lực trong làng. Họ có mấy đứa con nhưng bị chết cả, nên họ dồn mọi yêu thương chiều chuộng cho Irene, đứa duy nhất còn sót lại. Bà sinh ở thị trấn A. Mà định mệnh vốn đã kết dây buộc lấy chúng ta ngay khi còn trong nôi, nên cũng chính ở thị trấn đó đã ra đời một nhà thơ lừng danh…
Tôi kêu lên, ngắt lời người kể chuyện, nhắc tới một tên tuổi, tác giả của Thiên thần mắc đoạ, có lẽ là đại biểu đích thực của cơn sốt lãng mạn, một danh tính mang trong nó cái cạnh sắc của tính ngạo mạn, khinh đời hay cay độc và của lòng hoài hương tuyệt vọng, báng bổ. Tên tuổi đó và hình ảnh dì phước trở nên lẫn lộn trong trí tưởng tượng của tôi, mặc dù tôi chưa biết gì về mối quan hệ giữa họ nhưng đã cảm thấy, bằng sự nối kết hai người, là một tấn kịch của con tim làm đổ cả máu người.
– Chính ông đó đấy! – người kể chuyện của tôi lặp lại – chính là Juan de Camargo lừng danh ấy, niềm tự hào của cả thị trấn A. Nó chẳng có suối khoáng, chẳng có những vị thánh làm phép lạ, chẳng có nhà thờ hay bi ký thời La Mã hay bất cứ cái gì lý thú để khoe với du khách, ngoài cách tự hào chỉ vào khu phố đó “Đây là căn nhà nơi Camargo chào đời”.
– A! – tôi ngắt lời – Tôi thấy rồi. Dì Aparicion tức là Irene ấy đã thầm yêu Camargo mà anh ta thì chả lý gì tới cô ấy cả, thế là cô ấy đi tu để tìm quên…
– Chờ chút – người kể chuyện của tôi kêu lên, mỉm cười – Chờ một chút. Nếu mọi chuyện chỉ có thế thì chỉ là chuyện hàng ngày, chẳng đáng nhọc công để kể. Không! Chuyện của dì Aparicion còn lắm lắm. Hãy kiên nhẫn và anh sẽ được nghe hết.
Khi còn nhỏ, Irene đã thấy Juan de Camargo cả ngàn lần nhưng chưa từng trò chuyện vì anh chàng cũng còn trẻ và rất xa cách, kín đáo, thậm chí anh ta cũng chẳng giao du gì với các trai tráng khác. Khi Irene dậy thì, Camargo mồ côi đã theo học luật ở Salamanca và anh chỉ về quê để thăm người giám hộ trong những dịp nghỉ. Mùa hè nọ, khi anh trở lại thị trấn A., chàng sinh viên này tình cờ nhìn lên khung cửa sổ nhà Irene và thấy cô gái nhìn mình chăm chú với đôi mắt làm đàn ông đến rơi tim ra ngoài, cặp mắt đen thẳm đó, anh bây giờ cũng nhìn thấy đó. Camargo đã gò ngựa lại để nuốt cho đầy cái sắc đẹp tuyệt vời đó. Nhưng cô gái, đỏ ửng cả mặt mũi, rời khỏi khung cửa và đóng sầm lại. Đêm đó, Camargo, lúc ấy đã bắt đầu có thơ in trên báo, đã viết một bài thơ tuyệt mỹ diễn tả những tâm trạng mà hình ảnh Irene đã gây ra cho anh. Gói tờ giấy chép bài thơ vào một viên đá, khi đêm xuống, anh ném vào cửa sổ nhà Irene. Khung kính bị vỡ và cô gái nhặt được tờ giấy, và đọc bài thơ, không phải một lần, mà là hàng trăm, hàng ngàn lần, cô nuốt nó vào, chìm vào đó. Tuy vậy, bài thơ đó, vốn cũng chẳng có trong các tuyển tập của Camargo, không hề là một lời tỏ tình mà chỉ lẫn lộn các lời than vãn và nguyền rủa. Nhà thơ than rằng cái nhan sắc và sự trong trắng của cô gái bên cửa sổ kia là chẳng phải dành cho anh, một kẻ xấu số. Nếu anh có đến gần được thì cũng chỉ làm tàn hại cành huệ ấy thôi. Sau vụ bài thơ đó, Camargo cũng không có tỏ vẻ gì là còn nhớ tới một người như Irene, và đến tháng Mười, anh đi Madrid. Và ở đây bắt đầu đoạn đời sôi bỏng của anh, những phiêu lưu chính trị và hoạt động văn học.

Truyện ngắn dì phước Aparicion Truyen18.name

Từ lúc Camargo đi, mỗi ngày Irene lại càng buồn bã, cho tới lúc ngã bệnh thật sự. Cha mẹ cô làm đủ cách để phục hồi tinh thần cho cô. Họ đưa cô đi chơi ở Badaloz, tạo dịp gặp gỡ các bạn trai, đi khiêu vũ. Cô có nhiều kẻ hâm mộ, tai cô nghe đầy những lời xưng tụng, nhưng tinh thần và sức khỏe của cô không khá gì hơn.
Cô chẳng thể nghĩ tới gì ngoài Camargo, cũng như Byron nói về Lara: Ai đã gặp anh một lần thì không hoài công, rằng hình ảnh của anh lúc nào cũng hiện trong trí nhớ, vì những người như anh thì bất chấp sự thờ ơ hay quên lãng. Thật ra Irene không nghĩ là mình đang yêu, cô tin rằng mình bị phải bùa trong bài thơ đó, bài thơ lạ kỳ, u uất đến thế! Hiển nhiên cô bị một tình trạng mà nay ta gọi là ám ảnh, và từng giây phút cô luôn thấy Camargo trước mặt, xanh xao, nghiêm nghị, những lọn tóc xoăn phủ xuống vầng trán ưu tư. Cha mẹ của Irene thấy con mình hao gầy đi với cơn bệnh kỳ bí, đã quyết định đưa cô về thủ đô, nơi vừa có nhiều thầy thuốc giỏi mà còn nhiều thứ giải khuây nữa.
Lúc Irene tới Madrid, Camargo đã nổi tiếng rồi. Những vần thơ bốc lửa, cao kỳ, đam mê và sôi nổi của anh đã mở ra một trường phái được nhiều người theo. Những cuộc phiêu du và kỳ tích của anh trở thành câu chuyện hàng ngày. Quanh anh tập hợp cả một lũ vô tích sự, lang thang ẩu tả và ưa quấy phá, chúng bày ra các trò phóng túng hàng đêm, đôi khi quấy phá sự nghỉ ngơi của những cư dân đứng đắn, có khi bày ra các cuộc truy hoan truỵ lạc được kể tới trong một số bài thơ phóng đãng, tuy nhiên một số bài phê bình vẫn khẳng định rằng loại thơ đó chẳng phải của Camargo. Những cuộc truy hoan say sưa đó xen kẽ với các buổi hội họp của hội Tam Điểm và các cuộc biểu tình. Camargo quả là đã dọn đường cho án lưu đày của mình. Gia đình quê mùa thơ ngây của Irene nào biết gì, và khi họ gặp nhà thơ này trên phố, họ đã vui mừng chào hỏi vì dù sao, anh này cũng là người đồng hương.
Camargo lại choáng váng vì nhan sắc của cô gái và nhận thấy ngay việc có mặt mình đã làm hồng lên đôi má xanh xao xinh đẹp của cô, anh đã cùng đi với họ và hẹn sẽ tới thăm. Cái gia đình quê mùa tội nghiệp đó hoan hỉ vì sự chú ý của anh và lại càng thoả mãn khi vài ngày sau, Camargo đúng hẹn tới thăm thì Irene bắt đầu hồi phục. Không hay gì về những tai tiếng quanh anh chàng này, họ đã gần như coi anh là con rể tương lai và cho phép anh thường xuyên thăm viếng.
Xem nét mặt anh, tôi có thể biết anh cho rằng sẽ đoán được kết cục. Anh lầm rồi, Irene đã mê đắm, tưởng như cô đã uống phải loại bùa ngải gì, vậy mà suốt sáu tháng đã không chịu nhận lời tới thăm Camargo tại nhà riêng. Việc cự tuyệt thẳng thắn này của cô đã khiến anh thành đề tài chế giễu của bạn bè, và lòng tự hào, vốn là cái cội rễ độc hại của một số kẻ lãng mạn đã khiến anh lao vào một vụ đánh cuộc, một kiểu trả thù quái ác, độc địa. Anh cầu khẩn, dỗ ngọt, lạnh nhạt, khơi dậy lòng ghen tuông, doạ sẽ tự tử… tức là, anh dùng đủ mánh khóe cho đến khi Irene chịu hết nổi, đã đồng ý một cuộc hẹn hò nguy hiểm. Nhờ phép lạ của lòng can đảm và tính đoan trang, cô ra về vẫn còn trong sạch, không hề bị ô uế và Camargo lại thành nạn nhân của sự chế giễu đến giận điên lên được.
Đến lần hẹn hò thứ nhì thì ý chí của Irene đã kiệt quệ, cô đầu hàng và chịu thua. Và khi bối rối, run rẩy, cô nhắm mắt nằm trong vòng tay của người tình bỉ ổi đó, thì hắn ta phá lên cười, thò tay giật sợi dây kéo tấm màn, và Irene trông thấy cả chục thằng thanh niên đang nhìn mình hau háu với những đôi mắt dâm dật, trong khi chúng cười sặc sụa và vỗ tay nhạo báng.
Nhảy bật dậy và không kịp sửa lại quần áo, tóc tai rối tung và vai để trần, cô lao xuống cầu thang, nhảy ra đường. Cô chạy về nhà, theo sau là cả một lũ nhóc lông bông, chúng chọi đá và bùn vào cô. Cô dứt khoát từ chối không nói cô ở đâu về và đã gặp chuyện gì. Cha tôi được biết chuyện này vì tình cờ ông có quen với một trong những kẻ đã đánh cuộc với Camargo. Irene đã chịu một cơn viêm não tưởng hết phương cứu vãn, rồi cô cũng phục hồi và cô đã vào tu viện này, rất xa khỏi thị trấn A. Lòng sám hối của cô khiến mọi nữ tu kinh sợ, nhịn đói đến không tin được, trộn bánh mì với tro, nhịn uống nước suốt ba ngày, đi chân trần hay quỳ gối cầu kinh suốt những đêm mùa đông, tự đánh mình bằng roi, buộc đai ở cổ, một vòng gai dưới mũ trùm đầu, một thắt lưng có cái đinh…
Điều gây ấn tượng nhất cho những tu sĩ khác, họ vốn xem cô như một vị thánh, là việc khóc lóc thường xuyên của cô. Họ bảo – có thể đây là một cách nói thôi – là cô đã từng đổ nước mắt đầy cả một cái chậu rửa mặt. Rồi bất chợt ngày kia mắt cô cạn khô, không còn một giọt lệ nào và sáng lấp lánh như anh đã thấy. Chuyện này xảy ra khoảng hai mươi năm trước. Những người sùng đạo cho rằng đây là dấu hiệu tha thứ của Thiên Chúa. Tuy vậy, dì Aparicion, vẫn không tin mình đã được xá tội vì mặc dù già như thế, dì vẫn thường nhịn ăn, tự đánh mình và sấp người cầu nguyện…
– Bà ấy hành xác chuộc tội cho hai người – Tôi nói, với sự ngạc nhiên rằng người kể chuyện cho tôi nghe lại không nắm bắt được điều này – Ông nghĩ rằng dì Aparicion đã quên tấm linh hồn bất hạnh của Camargo rồi sao?

Phạm Viêm Phương dịch(Hết)

(Truyện ngắn hay nhất tại Truyen18.name)

VN88