Mời các bạn đọc truyện chiến tranh truyện được cập nhật tại chuyên mục truyện ngắn hay của Truyen18.name.
Chiến tranh truyện ngắn
Luigi PIRANDELLO, nhà văn Ý (1867-1936) mà cuộc đời bắt đầu trên quần đảo Sicile, bối cảnh của vài quyển tiểu thuyết của ông. Ông viết rất nhiều, gồm 7 truyện dài; 242 truyện ngắn theo trường phái Tự Nhiên (xuất bản từ 1894 đến 1937); 28 kịch bản. Trong những kịch bản, ông phô bày nhân cách con người bị phân xé ra từng mặt nhỏ với những ý kiến đối nghịch không thể hòa đồng một cách hợp lý. Ngoài ra, ông còn làm thơ và cho xuất bản nhiều thi tập. Năm 1934, ông đoạt giải Nobel văn chương, hai năm trước khi từ giã cõi đời.
*
* *
Những người khách rời khỏi Rome trên chuyến xe lửa tốc hành ban đêm, phải ngừng lại ở một ga nhỏ của tỉnh Fabriano cho đến tảng sáng để tiếp tục lộ trình bằng một chuyến xe lửa đã cũ, nối liền đường sắt chính với tỉnh Sulmona.
Lúc bình minh đến, nơi một toa hạng hai đầy những khói thuốc ngột ngạt với năm người đã trải qua đêm, một người đàn bà phốp pháp vẻ mặt hết sức phiền muộn đang được dìu lên xe. Trông bà giống như một cái gói lớn kỳ dị. Đi theo sau là người chồng đang than van và thở hổn hển, một gã đàn ông gầy gò, khuôn mặt trắng như xác chết, đôi mắt nhỏ và sáng với cái nhìn rụt rè lo ngại. Sau cùng, khi đã tìm được ghế ngồi, ông ta lễ phép cảm ơn những vị khách đã nhường cho vợ ông ta có được một chỗ, rồi quay về phía người đàn bà đang cố gắng kéo cái cổ áo khoác ngoài lên, ông nhẹ nhàng hỏi:
“Em có được thoải mái không?”
Người vợ, thay vì trả lời, lần nữa lại kéo cao cổ áo lên tới tận mắt để che khuôn mặt lại.
“Thật là một thế giới khó chịu!”, người chồng lầm bầm với nụ cười buồn bã. Rồi ông cảm thấy như có bổn phận phải giải thích cho nhóm người chung quanh hiểu rằng vợ ông thật đáng thương bởi vì chiến tranh đã cướp mất đi của bà đứa con độc nhất, một cậu nhỏ hai mươi tuổi đã được họ chăm lo cho cả đời, ngay đến việc thu dọn nhà cửa ở Sulmona để theo cậu lên tận Rome, nơi cậu đang theo đuổi việc học; và rồi chấp nhận cho cậu tình nguyện xung vào quân đội với sự bảo đảm rằng ít nhất là trong tháng đầu, cậu sẽ không bị gửi ra mặt trận. Thế mà giờ đây, thình lình họ nhận được một điện tín báo rằng cậu sẽ lên đường trong ba ngày nữa và cầu xin họ đến để tiễn đưa.
Người đàn bà dưới cái áo khoác ngoài rộng lớn, cong người vặn vẹo, đôi lúc lại lẩm bẩm giống như một con thú dữ. Bà cảm nhận chắc chắn rằng những lời giải thích của chồng không gợi lên mảy may chút lòng trắc ẩn nào từ những người có lẽ cũng cùng hoàn cảnh như bà. Một ông trong bọn lắng nghe với sự chú ý đặc biệt, đã nói:
“Ông phải cảm ơn Thượng Đế rằng con trai ông bây giờ chỉ mới đi ra tiền tuyến. Con của tôi được gửi đi ngay từ ngày đầu cuộc chiến, hai lần bị thương trở về rồi lại ra trận địa.”
“Vậy chứ tôi thì sao? Tôi có hai đứa con trai và ba đứa đứa cháu đang ở ngoài mặt trận”, một người khác nói.
“Có thể, nhưng trường hợp của chúng tôi đây lại là đứa con duy nhất”, tiếng người chồng liều lĩnh chen vào.
“Điều ấy có khác gì đâu? Ông bạn có thể làm hư đứa con độc nhất bằng sự lưu tâm quá độ của ông bạn, nhưng cũng không thể yêu thương nó nhiều hơn những đứa khác nếu như ông bạn có được. Tình phụ tử không phải là ổ bánh mì để có thể bẽ thành những phần bằng nhau mà chia ra giữa đám trẻ. Một người cha ban phát trọn vẹn tình thương cho từng đứa con, không chút nào phân biệt, dù là một hay mười đứa. Và nếu bây giờ tôi đau khổ cho hai đứa con của tôi thì điều đó không có nghĩa là tôi đau khổ cho mỗi đứa một nửa, mà là gấp đôi.”
“Đúng, đúng”, người chồng vụng về thở dài, “nhưng giả thử… dĩ nhiên tất cả chúng tôi mong điều ấy không bao giờ là trường hợp xẩy ra cho ông… giả thử một người cha có hai đứa con ở ngoài mặt trận và mất đi một đứa, ông ta sẽ còn lại một đứa để an ủi… Trong khi …”
“Vâng”, người kia ngắt lời, “một cậu con trai còn lại để an ủi ông ta. Nhưng cũng chính vì cậu còn lại đó mà ông ta phải sống lâu hơn. Trong lúc với trường hợp chỉ có một đứa con độc nhất mà nếu nó chết đi, người cha cũng có thể chết theo và chấm dứt sự buồn rầu đau khổ. Vậy trường hợp nào tệ hơn? Ông có thấy rằng trường hợp của tôi tệ hơn của ông không?”
“Vô lý!”, một vị khách mập mạp, khuôn mặt và cặp mắt xám đầy những tia máu, cắt lời. Ông ta đang thở hổn hển. Trong đôi mắt lồi dường như toát ra một năng lực dữ dội mà cái thân thể suy yếu của ông khó có thể chứa đựng nổi.
“Vô lý!”, ông lập lại, đưa một bàn tay lên che miệng để cố gắng dấu đi hai cái răng cửa bị sún. “Vô lý, có phải chúng ta sinh con ra để làm lợi cho riêng chúng ta không?”
Những vị khách khác nhìn chòng chọc vào ông lúc ấy dang thở hết hơi. Còn người đàn ông có một đứa con đi ra mặt trận ngay từ ngày đầu cuộc chiến thì lại thở dài:
“Ông bạn nói đúng. Con cái chúng ta không tùy thuộc vào chúng ta mà là tùy thuộc vào tổ quốc.”
“Bậy bạ!”, người khách mập mạp cãi lại. “Chúng ta có nghĩ đến tổ quốc khi sinh con ra đời không? Tất cả con cái được sinh ra chỉ vì… nào bởi chúng phải được sinh ra, và kể từ khi lọt lòng là chúng đã mang theo cuộc đời riêng của chúng. Đó là một sự thật. Chúng ta tùy thuộc vào chúng, nhưng còn chúng thì chẳng bao giờ tùy thuộc vào chúng ta. Rồi khi hai mươi tuổi, chúng sẽ làm y hệt những gì chúng ta đã làm ở lớp tuổi ấy. Ai trong chúng ta cũng đều có bố mẹ, nhưng cũng lại có nhiều điều khác nữa… con gái, xì gà, ảo tưởng, những mối liên hệ mới, luôn tiếng gọi của tổ quốc mà chúng ta phải đáp lại khi đến tuổi hai mươi, ngay cả lúc cha mẹ bảo là không. Bây giờ ở tuổi này, tình yêu tổ quốc thì vẫn còn rất lớn, nhưng lớn hơn vẫn là tình thương cho con cái chúng ta. Tôi tự hỏi có ai trong đám chúng ta ở đây vui mừng nếu như có điều gì xẩy ra cho con trai mình trên chiến trường?”
Truyện ngắn chiến tranh Truyen18.name
Có một sự im lặng vây phủ và tất cả mọi người đều gật đầu ra vẻ tán thành.
“Vậy thì sao?”, người đàn ông mập mạp tiếp, “chúng ta có nghĩ đến những cảm tưởng của con cái khi chúng được hai mươi tuổi không? Và nếu như khi ở vào cái tuổi ấy, chúng nghĩ đến tình yêu cho tổ quốc nhiều hơn tình thương cho cha mẹ thì có phải là một điều không hợp lý? (Dĩ nhiên tôi đang nói tới những thanh niên đàng hoàng.) Rồi có phải là một điều sai lầm chăng khi sau cùng chúng sẽ nhìn đến chúng ta như những đứa bé già nua không thể di chuyển đâu xa ngoài một mái nhà đang trú ẩn? Nếu tổ quốc tồn tại và là một điều tự nhiên cần thiết, giống như bánh mì mà chúng ta phải ăn để không bị chết đói, thì phải có người ra mật trận để phòng vệ nó. Con cái chúng ta là những người làm điều ấy khi chúng được hai mươi tuổi và chúng không muốn bi lụy, bởi vì nếu có chết, chúng sẽ chết trong phấn khởi và sung sướng. (Dĩ nhiên tôi chỉ nói đến những thanh niên gương mẫu đàng hoàng). Nào, bây giờ nếu có một người chết trẻ mà không nhìn thấy mặt trái xấu xa của cuộc đời, không một chút buồn bực khó chịu, không cả nỗi đắng cay tầm thường theo sự tỉnh mộng… thì có điều gì khác hơn mà chúng ta có thể chờ mong nơi họ? Tất cả mọi người phải ngừng khóc lóc và phải cười to lên giống như tôi đã làm… hoặc ít nhất phải cám ơn Thượng Đế -giống như tôi- bởi vì con trai tôi trước khi chết đã nhờ người ta gửi cho tôi một điện tín báo rằng nó chết trong thỏa mãn vì đã chấm dứt cuộc đời trên cái cách tốt nhất mà nó ao ước được có. Đó là điều tại sao mà ngay cả đến việc để tang nó, tôi cũng không làm, như các bạn thấy.”
Ông lắc lắc cái áo khoác màu hung như để phô bày điều vừa nói; làn môi tái mét trên chiếc răng gẫy run run, đôi mắt bất động, đầy lệ. Chẳng mấy chốc sau khi ngừng nói, ông bật tiếng cười lớn nghe giống như tiếng khóc nức nở nhiều hơn.
“Đúng vậy, đúng vậy,” những người chung quanh gật đầu đồng ý.
Ngồi bó lại như cái gói trong góc dưới chiếc áo khoác ngoài, người đàn bà lắng tai nghe. Từ ba tháng qua, với những lời an ủi của chồng và bạn bè để xoa dịu nỗi đau khổ lớn lao trong lòng bà, bà đã cố gắng tìm cho ra điều gì đó khả dĩ biện giải về sự kiện một người mẹ phải đành cam gửi con mình đến một nơi không hẳn là chết, nhưng cũng có thể sẽ nguy hiểm đến tánh mạng của nó. Bà chưa tìm thấy gì giữa các lời đã được thốt… và nỗi đau khổ càng sâu đậm hơn khi thấy chẳng ai -như bà nghĩ– có thể chia xẻ được cảm xúc với bà.
Nhưng bây giờ những lời của vị khách kia đã làm bà chưng hửng đến gần như choáng váng. Đột nhiên bà nhận thức rằng không phải những người khác sai lầm hay không thể hiểu bà, mà chính là bà đã không bằng được với các người cha người mẹ đang tự ý cam chịu không khóc lóc trước sự ra đi, và ngay cả trước cái chết của con họ. Bà ngẩng đầu lên, nghiêng người ra khỏi góc và với sự chú ý ghê gớm trên từng chi tiết, bà lắng nghe người đàn ông mập mạp phát biểu về cái cách mà con trai ông đã nằm xuống như một vị anh hùng hy sinh cho tổ quốc. Bà cảm tưởng như đang xẩy chân rơi vào một thế giới mà chưa bao giờ bà mơ tưởng đến, vô cùng xa lạ với sự hiểu biết của bà. Bà cũng rất vui lòng khi nghe tất cả mọi người xúm lại khen ngợi người cha can đảm kia đã dám nói về cái chết của con mình một cách kiên nhẫn như vậy.
Rồi giống như đã chẳng hề nghe gì trước đó và tựa hồ thức dậy từ sau một giấc mơ, bà quay nhìn về phía người đàn ông mập mạp mà hỏi:
“Thế… có phải là con trai ông đã chết thật rồi?”
Tất cả mọi người chăm chăm nhìn bà. Người đàn ông kia cũng vậy. Ông quay lại, gắn chặt đôi mắt màu xám nhạt lớn và lồi, đằm đìa những lệ, vào sâu trên khuôn mặt bà. Có một lúc ông ta những muốn trả lời, nhưng tiếng nói đã không thoát được khỏi miệng.
Ông nhìn bà, rồi lại nhìn bà lần nữa, như thể rằng chỉ vì câu hỏi ngớ ngẩn không hợp lúc kia mà ông bất thần nhận thức ra cuối cùng con trai ông đã chết thật rồi… vĩnh viễn ra đi rồi.. mãi mãi rồi. Khuôn mặt ông co lại và trở nên nhăn nhúm kỳ lạ. Rồi ông vội vàng lôi chiếc khăn tay từ trong túi áo ra, và trước sự kinh ngạc của mọi người, ông òa lên những tiếng khóc nức nở xé lòng không thể kềm giữ.
Trần thị Bông Giấy dịch(Hết)
(Truyện ngắn hay nhất tại Truyen18.name)