Mời các bạn đọc truyện chị Lành truyện được cập nhật tại chuyên mục truyện ngắn hay của Truyen18.name.
Chị Lành truyện ngắn
Làng tôi ở gần núi, mùa hè từng cơn gió Lào thổi ràn rạt khắp đồi, khắp đồng, thốc vào từng nhà, hun cho mọi thứ khô khốc, tưởng như thêm chút nữa tất cả đều cháy bùng lên, sạch trơn. Khi ấy lúa đã gặt xong, chỉ còn lại những gốc rạ trơ trên đồng, nhưng người quê tôi vẫn không buông tha, chúng tôi dậy thật sớm, nhét vội củ khoai lang luộc vào bụng là tong tả ra đồng nhổ cho bằng hết gốc rạ đã bị gió nóng làm cho xôm xốp để về tủ vườn, cứu những cây chanh khẳng khiu còn lại.
Năm tôi mười sáu, chị tôi mười tám, tức là đã biết làm việc mươi mười hai năm cả rồi, vào một mùa hè, chị em tôi quang gánh ra đồng. Tôi đi trước, chị đi sau, im lặng bước.
Đột nhiên chị tôi hỏi:
– Nếu chị đi, Dương buồn không?
– Nhưng chị đi mô?
Chị im lặng. Tôi cũng không để tâm, chắc vì chị buồn quá, suy nghĩ vẩn vơ chơi, rồi thôi. “Người ta có đi mô thì đi, con cái nhà ni không đi mô hết!”- Cha tôi dằn giọng nói thế trong một bữa ăn khi nhà bên cái Hài, thằng Thế rục rịch chuẩn bị vào Nam làm công nhân giày da.
Chị tiếp tục:
– Đi mô sống được thì đi, làm chi thì làm, ở quê mình buồn quá. À, mà anh Hải chuẩn bị đi rồi đó.
– Đi mô?
– Nghe nói là đi Vũng Tàu. Mà Vũng Tàu xa không? Bằng mấy lần sang làng Vực? – Chị băn khoăn.
– Bằng một nghìn lần. Nghe nói phải đi hai ngày mới đến.
– Cha ôi, xa rứa a…à!
Trong lời chị nói, tôi nghe được sự thảng thốt, nỗi lo sợ mơ hồ, như thể một người què chân đứng bần thần trước ngọn núi cao cần vượt qua.
Suốt buổi chị im lặng, cúi đầu mải miết nhổ gốc rạ, thỉnh thoảng lén thở dài. Tôi biết chị tôi đang suy nghĩ nhiều lắm, và đang lo sợ. Những người ít học như chị thường lo sợ, nỗi sợ mông lung, nhưng không nguôi, nỗi sợ hành hạ họ một cách âm thầm nhưng khốc liệt.
– Dương này, chị mà đi kiếm được nhiều tiền, về mua cho em một cái xe đạp Nhật mà đi học, loại xe như của anh Hải đó, em thích không?
– Thích chi mà thích, đã ước thì ước luôn cái dream mà đi, ai lại ước xe đạp.
– Ừ ha!,… Chị trầm ngâm- Nhưng mà ước cao quá với nỏ tới thì chán chết.
Trưa, khi hai đống gốc rạ đã vun cao, chị em chất đầy gánh, quảy về. Gốc rạ tơi xốp, gánh nhẹ như chơi, chỉ khổ nhất là gió Lào, gió muốn đẩy chúng tôi ngược lại, cứ phải rướn lên, bước từng bước xiêu vẹo về phía trước. Gánh tôi nhỏ hơn, tôi đi băng lên phía trước (Khi chất vào gánh, tôi đã cố ý chất vào phần chị nhiều hơn). Ngoảnh lại, tôi thấy chị mặt đỏ lựng, tay lau mồ hôi, gió riết làn áo mỏng vào người, ẩn hiện một cơ thể phổng phao, đường nét. Tôi quay mặt đi. Chị gọi với theo:
– Dương ơi, em về trước đi, chị mệt quá!
Chị mệt! Tôi thấy lạ, thường thì chị tôi khoẻ lắm, gánh lúa cứ chạy bon bon, sao hôm nay mau mệt thế không biết. Tôi dừng lại đợi.
– Chị đổi gánh cho em.
– Nỏ, mặc kệ chị.
Tiếng “mặc kệ” của chị lạc đi trong nhịp thở gấp, mệt nhọc.
– Con trai như em mà gánh nặng thì sau ni lùn lắm, không cao lên được, con gái nó chê.
Lúc ấy, anh Phùng hàng xóm nhà tôi đi tới, vẻ bối rối:
– Lành à, để anh gánh cho. Anh đi không có làm chi mô.
Chị tôi không chịu, nhưng sau có lẽ mệt quá, dừng lại, đành để anh Phùng gánh hộ. Anh Phùng đi đầu, đến tôi, cuối cùng là chị một tay giữ nón, một tay cầm bông cỏ may cho đỡ ngượng, đi tuốt phía sau.Tôi nghĩ mà thấy buồn cười quá, sao hôm nay chị lại hay nhắc đến chuyện này chuyện nọ, không thấy cười cợt nắc nẻ như mọi khi. Thường khi gặt lúa chung một đám ruộng lớn, nhà hàng xóm với nhà tôi nói qua nói lại, khi không có cha ở đó, chị góp chuyện sôi nổi, mặc cho nắng gió và mệt nhọc, tiếng cười của chị cứ hồn nhiên trong veo. Có lần đang vui chuyện, bà Giang bảo: “Sau ni đứa mô lấy mày sẽ vừa sung sướng vừa đau khổ. Sung sướng là được nghe mày nói cười, đau khổ là phải coi chừng nhiều thằng muốn nhảy vô giành giựt”. Chị tôi đỏ mặt, im bặt.
Về đến nhà, anh Phùng đặt gánh xuống, nói lí nhí vài câu rồi đi ra, chị rửa ráy qua loa rồi chạy vào buồng nằm. Tôi nằm trên võng, chờ mẹ nấu cơm, bụng sôi sùng sục. Mãi mới ăn cơm xong, tôi ra vườn, nhìn sang bên kia, anh Phùng đang vội vã gánh một gánh rạ to về.
Đêm ấy, những cơn gió vẫn vi vút thổi vít cong những cành cây trước nhà, trăng bắt đầu lên, êm đềm. Ở miền quê, không gì vui bằng những đêm trăng như thế này, mọi nhọc nhằn, mệt mỏi, phiền muộn dường như dịu đi, thay vào đó là sự thảnh thơi, nhất là đối với những đứa mới lớn như chúng tôi, tha hồ chơi đùa tha hồ chạy nhảy. Cha tôi khiêng ghế ra sân ăn cơm. Xong cả nhà ngồi uống nước. Cha mặc quần đùi, mình trần, bắc chân lên ghế, thỉnh thoảng rít thuốc lá khét lẹt. Mẹ tôi ngồi cuối ghế, bên bát nước chè xanh nghi ngút khói. Cha tôi thở dài, bảo:
– Con Lành ưng thằng mô chưa?
– Có thằng Phùng, thằng Hải hay để ý, bữa ni răng rồi? – Mẹ tôi tiếp.
Chị tôi im lặng. Mẹ tôi nhắc:
– Cái con ni lạ, hỏi mi mà cứ im lặng, nỏ nói chi.
– Cha mẹ cứ kệ con.
Mẹ gắt:
– Ở mô chứ ở làng ni tuổi đó người ta đi lấy chồng rồi, mi liệu mà tính, đừng ỏng à ỏng ẹo nữa. Mà mi kể cả tuổi mụ là mười chín rồi chớ còn chi nữa.
Chị im, vẻ cam chịu. Một lát, chị nói:
– Cha mẹ để từ từ, người ta cũng còn ít tuổi, để tìm ít vốn làm ăn đã chớ.
– Mi tính răng để đừng ế như con nhà bà Cung là được- cha lên tiếng.
– Con Nương xấu, đâu như con mình, làng ni có ai bằng mô.- Mẹ tôi nói.
– Đẹp, đẹp cái con khỉ! Đẹp thì cạo ra ăn được à? Người ta cần chăm chỉ, chịu khó, cần hiền, chứ ai cần đẹp mô.
Đến lượt mẹ tôi im lặng. Tôi biết nếu mẹ lên tiếng nữa, cha sẽ nổi khùng, lúc ấy thì chén bát, bàn ghế sẽ bay ra vườn. Mẹ, chị lại vừa khóc vừa nhặt nhạnh những mảnh vỡ văng tung toé khắp nơi.
Chó sủa rền, tôi chạy ra xem. Anh Hải đến cùng hai anh khác tôi không biết tên. Hải tóc cắt ngắn ba phân, quần bò, áo thun mặc bó sát người, cơ nổi lên cuồn cuộn. Anh ngồi xuống, thả dép là bắc chân lên ghế. Lạ, đàn ông con trai quê tôi khi ngồi thường bắc chân lên ghế. Tôi cũng ngồi xuống, bắc chân lên ghế!
Sau một hồi nói chuyện phiếm, hai anh bạn kia về trước, anh Hải ở lại đến gần mười giờ thì đứng dậy, nói lắp bắp:
– Mai cháu vô Nam, chúc gia đình ta ở lại mạnh khoẻ.
Anh nói, một tay bỏ túi quần, một tay vò đầu. Tôi nghe tiếng chị tôi thở gấp. Nói rồi Hải bước ra, chị tôi chạy theo đến cổng, hình như hai người dừng lại vì đôi chó nhà tôi cứ đứng đó sủa không dứt. Mẹ tôi chờ một lát, vẻ rốt ruột, gọi giật:
– Lành, vào nhà ngay!
Không thấy tiếng trả lời, mẹ vội chạy ra. Tôi cũng theo, chạy vượt lên trước mẹ. Trong ánh sáng trăng, tôi thấy hai bóng người ôm chầm lấy nhau, dựa vào gốc cây sung run rẩy. Tôi mắng chó: “Cún, vào đi!” Hai người rời nhau ra, lúc ấy mẹ tôi cũng vừa tới. Người kia vội vã bỏ đi, còn lại chị tôi đứng đó, cúi đầu, rấm rứt khóc. Mẹ tôi lôi chị Lành về. Chị giằng ra, vùng vằng một cách hung dữ khác thường, rồi chạy vào buồng, có lẽ đó là chỗ ẩn nấp an toàn cuối cùng trong ngôi nhà ba gian của cha mẹ tôi.
Cha tôi rít thuốc xong, hỏi:
– Chúng nó chim chuột chi mà lâu rứa?
– Không, nó nói chuyện trên trời dưới đất mà. Thì ra đi anh em cũng tâm sự vài lời chớ.
Cha tôi gắt:
– “Tâm với chả sự. Con hư tại mẹ!”
Đêm ấy, tôi nằm trên võng, nghe tiếng thút thít khe khẽ vọng ra từ buồng chị. Tôi đưa võng để tiếng cót két át đi tiếng khóc, nhưng vô hiệu. Cha tôi không ngủ được, cầm gối mây ném “rầm”, mấy chiếc bát trên bàn vỡ tan tành. Tôi nghe tiếng mẹ thầm thì: “Đàn bà con gái, phải biết giấu đau khổ vào lòng, phải biết kìm nén, chịu đựng con ạ!” Tôi cũng không ngủ được, thỉnh thoảng lại nghe tiếng nấc nghẹn từ trong buồng vọng ra.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe tiếng chị tôi khóc một cách đau đớn như vậy, cũng là lần đầu, tôi suy nghĩ đến sự lạ lùng về cái người ta gọi là tình yêu. Chẳng lẽ điều đó lại khiến con người khổ đến thế?
Những ngày sau đó, chị thẫn thờ, đi vào đi ra cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Nhưng chị siêng năng hơn, tay không lúc nào ngừng làm việc. Vẻ hồn nhiên cùng tiếng cười nắc nẻ vô tư ngày nào biến mất nơi chị, còn lại là vẻ buồn buồn mà những người đàn bà quê tôi thường có. Chẳng lẽ rồi chị cũng như mẹ tôi, những chị Tám, cô Phùng, dì Lam…. sống hiền lành, thầm lặng trong ngôi làng cách xa thành phố này?.
Mỗi buổi tối, anh Phùng thường sang ngồi nói chuyện với mẹ tôi, anh kể về gia đình anh, về công việc thường ngày, những việc mà không kể thì cả nhà tôi ai cũng biết. Có lúc anh câu đâu được một vài con cá tràu, nướng lên thơm lựng, mua rượu mời cha tôi uống. Những lúc ấy cha tôi mới nhiệt tình lắng nghe anh nói. Tôi ngửi mùi thơm, bụng cồn cào, không chịu được, ra ngồi một bên phá mồi.
Một bữa, trong lúc rượu đã ngà ngà, cha tôi bảo:
– Phùng, mày không cưa được con gái tao à? Mày lành quá, khi mô cũng nhún nhường, tao cũng không thích chớ đừng nói con gái tao. Nhưng tao quý mày, thật thà, chất phác, siêng năng.
Mẹ tôi thì xuýt xoa:
– Ai mà lấy được thằng Phùng thì sướng, không sợ chi hết.
Tôi thấy lạ một điều, anh Phùng rất riêng năng nhưng vẫn nghèo. Trong lúc nhiều người mua xe máy này xe máy nọ thì anh vẫn cái xe Thống Nhất cũ mèm từ thời nảo thời nào cúi mình đạp lạch cạch đến tội nghiệp.
Tôi thi đậu lớp chín, được lên lớp mười, ăn không biết no, tự thấy mình lớn lên trông thấy. Trong năm lớp chín, bọn con gái cao lớn hơn, vậy mà bỗng chốc chúng nó phải ngước nhìn khi nói chuyện với tôi. Tôi thấy thích thú trò chuyện với cái bọn trước đây ít khi giao tiếp vì ngại bạn bè trêu chọc. Trong tụi con gái ấy, tôi làm quen Linh, chẳng phải vì con bé ấy có gì đặc sắc mà đó là em gái của anh Hải- người yêu chị tôi. Biết tôi quen Linh, chị tôi thường hỏi gần hỏi xa: Linh học hành ra sao, có kể chi về anh Hải không? Khi mô em mời Linh đến nhà mình chơi.
Tôi hỏi lại:
– Anh Hải không gửi thư cho chị sao?
Chị im lặng.
Sáng hăm tám Tết năm ấy, mẹ và chị Lành đi chợ bán rau mùi, cha con tôi ở nhà. Khi cha tôi bắt đầu dọn lá dong ra gói bánh thì anh Hải đến. Thật khó mà tin được, anh đi giày bóng lộn, ngồi xuống đã thấy vang lên một bản nhạc du dương từ trong túi quần phát ra. Hải móc lấy điện thoại nói cười một lúc rồi quay sang mời cha tôi hút thuốc. Cha tôi lắc đầu bảo thuốc ấy nhạt, không hút, rồi cha rút một điếu Sa Pa châm lửa, rít một hơi dài, phà khói um nhà. Anh Hải cười bảo: “Bây giờ dân Sài Gòn sành điệu nhất có khi lại “chơi” điếu cày,được như bác dzậy là tiến bộ quá”. Anh Hải nói giọng hạ hoắc, lơ lớ, deo dẻo như mèo kêu, tôi thấy buồn cười quá.
Cha tôi cười nửa miệng:
– Tiến bộ cái con khỉ chi. Dân quê ít tiền, dùng hàng nội. Còn như thế hệ các anh, dùng hàng ngoại, có đứa dùng cả heroin.
– Bây giờ là thuốc lắc nghe bác, dân nhà giàu dùng thuốc lắc không hà. Uống dzô nhảy đã lắm. Khi nào bác vào trỏng chơi cho biết.
– Rứa anh nhảy rồi, sung sướng nhất làng còn chi nữa.
Cha tôi không nói gì thêm, chỉ ngồi rít thuốc. Anh Hải nói vài câu nữa thì về. Cha lẩm bẩm: “Cái thằng chó thật!”.
Trưa, vừa thấy mặt chị tôi, cha tôi kêu lên bảo:
– Tao nói cho mi biết, mi mà thậm thụt với thằng Hải, tao cho chết!
Chị tôi cúi đầu lui vô, mặt mày tái mét. Chị hỏi tôi:
– Anh Hải đến lâu không, nói chuyện chi? Về lâu chưa?…
Tôi thấy bực mình:
– Ra hỏi cha kìa!
Chị nguýt một cái rất dài, tôi buột miệng cười, đây là lần đầu tiên tôi thấy chị nguýt tôi, nguýt một cách điệu nghệ chẳng kém người trong trò chơi “Gặp nhau cuối tuần” trên ti vi.
Mặc cho cha tôi ngăn cản, mặc cho gió mùa cồn cột, mưa dầm rỉ rả triền miên, lạnh đến thấu xương, đêm ấy chị tôi cho tôi một gói kẹo lạc rồi bí mật luồn cửa sau đi, nhẹ nhàng, khéo léo như phù thuỷ. Anh Phùng, như thường lệ, lại sang nhà tôi, lần này anh mang sang hai con gà trống bảo là để cúng tổ tiên ông bà, cha tôi cười hỏi: “Bên anh cúng những chi?”, Phùng hồ hởi: “Dạ, cúng thịt lợn với cá diếc ạ”, cha phì cười. Phùng cũng bẽn lẽn cười, chào về.
Cha hỏi:
– Con Lành đâu?
Mẹ giật mình, tôi vội trả lời: “Chị sang bên ngoại” Cha ra lệnh cho mẹ: “Mua hai con gà mái sang biếu nhà thằng Phùng, bảo con Lành nó mang”. Đêm ấy, tôi thao thức không ngủ, gần nửa đêm, chị tôi mới về, mình ướt đầm, run cầm cập, thở hổn hà hổn hển, nhưng trong bóng đèn tù mù, đôi mắt chị ngời sáng. May mà cha tôi đã trùm kín chăn bông, ngáy kho kho.
Sáng hôm sau, mẹ tôi mang hai con gà trống sang chợ Đức Thọ, trưa đèo về hai con gà mái. Mẹ bắt chị Lành mang sang, chị rủ tôi đi cùng. Giữa đường chị dừng lại nói: “Em mang vào nhà anh Phùng giúp, chị vô nhà cái Thuỷ, đau bụng quá!”, dứt lời chị chạy mất.
Truyện ngắn chị Lành Truyen18.name
* * *
Những ngày tết là những ngày vui nhất ở quê tôi, lúa đã cấy xong, trai gái đi làm xa về làng, ai cũng cảm thấy một điều gì đó hết sức mới mẻ đang diễn ra trong tâm hồn mình, mọi người gặp nhau thân thiện, vui vẻ. Mọi phiền muộn, lo âu, giận dữ ngày thường như tan biến trên từng gương mặt. Chị tôi vui vẻ, hoà nhã, dịu dàng với tất cả. Thằng bạn tôi đến nhà chơi bảo: “ước chi lớp mình có được vài đứa con gái như chị mày thì đỡ khổ”. Có vài ba người bạn rủ chị đi chơi, chị tôi khéo léo từ chối. Chị ở nhà, chu toàn mọi việc, cha nhận xét: “Phải rứa mới được, tập làm dâu cho quen đi!”, chị cười bẽn lẽn. Nhưng đêm đến, ở nhà trên cha mẹ đã cuộn tròn trong chăn bông là chị ở nhà dưới, lại như con mèo hoang, nhẹ nhàng lách qua cửa sau đi để rồi khuya về lại run cầm cập, chui vào buồng như một kẻ trộm. Tôi nghĩ, hay là báo với cha, nhưng lại thôi.
Ba ngày Tết rồi cũng tàn, trai gái làng tôi lại rục rịch ra đi, lần đi này đông hơn những lần trước, vì một người đi lại rủ thêm một vài người khác nữa. Làng quê dần vắng lặng, người già nhìn nhau thở dài, trẻ con đến trường lèo tèo mỗi xóm vài ba đứa dắt díu nhau đi trong mưa dầm triền miên và gió mùa đông bắc lạnh cắt da xẻ thịt. Anh Hải cũng ra đi, nhưng anh không đến nhà tôi chào, anh đứng ngoài cổng, gọi chị tôi ra nói điều gì đó rồi thôi.
Bây giờ ở làng, trẻ con vừa lớn lên đã có ngay câu hỏi: “Đi đâu?” Không ai muốn kiếm kế sinh nhai ở quê mình, chuyện ra đi đã trở nên bình thường, quen thuộc. Chỉ có ai quyết ở nhà mới là lạ. Nhưng anh Hải đi, với chị tôi, là một điều đau khổ khó có thể chấp nhận được. Trong những đêm vắng sau đó, ngồi trong nhà sau, chị viết thư. Tôi để ý, trên trang giấy học trò tôi cho, những con chữ ngoằn ngoèo của một cô gái ít học trông thật tội nghiệp.
Tôi được chị giao nhiệm vụ đưa thư, thường thì một vài bữa, trên đường đi học, tôi ghé vào bưu điện bỏ một lá thư. Nhưng không có thư nào gửi lại cho chị tôi cả. Chị vẫn kiên trì gửi như thế chừng hai tháng thì chuyển sang gọi điện. Tôi lại là người chở chị ra bưu điện văn hoá xã. Tôi gọi trước, đầu dây bên kia luôn là tiếng của một ông già khàn khàn: “Ở đây không có ai là Hải cả, nhầm máy rồi!”
Chị không tin, tự mình bấm, có khi đảo thứ tự các con số, có khi cộng, trừ đi một vài số. Bàn tay run run chầm chậm ấn vào các con số rồi từ từ buông xuống thất vọng.
– Có lẽ anh Hải đi làm nơi khác rồi đó Dương à, hay anh ấy bận quá?- Câu hỏi đó chị nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Chị im lặng, người gầy xanh, đôi mắt thâm quầng, già đi mấy tuổi. Đêm, tôi ngồi học bài, nghe tiếng khóc rấm rứt từ buồng chị, lòng rộn lên nỗi căm giận người đã gây ra cho chị nỗi đau.
* * *
Đến đầu tháng Tư, khi lúa ngoài đồng đang chín, nắng và gió Lào ùa về mang theo cái nóng bỏng rát, ngột ngạt khiến cho cây cối quắt queo, một buổi tối chị tôi gọi tôi ra vườn. Chị nói như khóc:
– Dương, em cứu chị với, chị chết mất! Chị có mang lâu quá rồi!
Tôi nổi khùng, nhưng nhìn đôi mắt tuyệt vọng đang nhìn van lơn, cầu xin, lòng tôi thắt lại.
– Sao không nói với mẹ?
– Mẹ nói với cha, cha giết!
– Giấu đi thì thôi!
– Mẹ có khi mô mà giấu cha!
– Chị có tiền không?
– Lấy mô ra mà có tiền?
Tôi đi học, rẽ ngoặt vào thị trấn, bán xe đạp được hai trăm hai tư nghìn. Trưa về, tôi vừa đi vừa khóc, cảm thấy rõ ràng một nỗi đau đang chà xát tâm hồn mình, tôi biết, phía trước tôi một thời gian rất dài phải cuốc bộ đến trường. Bọn trẻ con đi cùng đường chạy trước thông báo: “Anh Dương bị mất xe!”. Cha tôi biết chuyện, gắt: “Hừ, có cái xe cũng nỏ giữ được, từ nay đi bộ!”, mẹ xuýt xoa: “Một tạ lúa đó con ơi!”.
Một mẩu quảng cáo nhỏ trên tờ báo tôi dùng bọc vở hàng ngày vẫn đập vào mắt: “Bác sỹ chuyên khoa..” không biết tự khi nào đã khắc vào tâm trí tôi. Hôm sau, lấy cớ đi mua thuốc trừ sâu, tôi mượn xe anh Phùng chở chị tôi ra phố. Nhà tôi cách thành phố chừng năm chục cây, tôi đạp xe, chị tôi ngồi sau, đội nón lá sụp xuống che kín mặt. Vừa đi tôi vừa nghĩ ngợi lung tung, nhớ có lần nghe kể nhiều sinh viên ở thành phố sống thử vợ chồng với nhau trong các khu nhà trọ, rằng những người trẻ ngày nay đang tiến hành một cuộc cách mạng trong quan hệ tình dục. Nghĩ thế lòng tôi dịu đi.
Trưa hôm ấy, chị em tôi mua hai ổ bánh mì, nhai cho qua bữa, rút cuộc tôi ăn cả, chị Lành bảo không nuốt được. Đến khi đứng trước một cái biển đề “Bác sỹ chuyên khoa sản…” Chị Lành như sực tỉnh, sợ hãi run bần bật. Tôi cứ thế dìu chị vào…
Tôi ngồi đợi cùng hai đứa con trai cũng chừng tuổi tôi, có đứa cười bảo: “Bạn cậu cũng xinh ấy chớ, nhưng mà già quá, học lớp trên à?” Cả hai cùng cười. Tôi ngồi chờ, đến chập tối thì cô y tá dìu chị tôi ra. Trước mắt tôi là một người đàn bà mặt mày xanh mét, bước đi liêu xiêu, khuôn mặt trông vô hồn kinh sợ.
Chúng tôi về. Chị ngồi sau lả người vào lưng tôi, những giọt nước mắt chạm vào da tôi lành lạnh. Con đường lởm chởm ổ gà, những cơn gió Lào cuốn bụi bay mù mịt, cái nóng buổi xế chiều sàn sạt đập vào mặt nóng như lửa đốt. Tôi hì hục đạp, chiếc xe giần giật lao về làng trên con đường quanh co đang thẩm đen trong ánh hoàng hôn dần hấp hối. Đến đầu làng, tôi dừng xe, chị rũ xuống, ngã xoài bên đường. Trên dè và yên xe sau nhuốm đầy máu!
Mọi chuyện cuối cùng cũng bị bại lộ, tôi bị một trận đòn thừa sống thiếu chết, còn chị tôi, phải nằm một chỗ, cha tôi chửi cho nghe ba ngày ba đêm, bằng với thời gian mẹ tôi khóc. Anh Phùng không biết chuyện, ngỡ chị tôi ốm cuống quýt chạy sang, mang cả mớ cá diếc để cho chị tôi ăn mau hết bệnh.
Một đêm, tôi choàng tỉnh, nhìn ra ngoài cửa sổ. Làng xóm đã chìm vào im lặng, ánh trăng nhợt nhạt trong vườn, những cơn gió lắng dịu trong làn sương nhờ nhờ, có một người ngồi trong vườn, tóc xoã, đôi mắt mở to trừng trừng nhìn như điên dại vào hư không, lặng như một pho tượng nhà mồ. Tôi đánh liều bước ra xem. Trời ơi, chị Lành!
– Em cũng nghe à?
– Nghe chi?
– Tiếng trẻ con khóc ré lên ấy!.
Chị nói, giọng lạ lùng như xa xót, tiếc nuối, đau đớn, như sợ hãi đến rùng rợn. Vừa lúc mẹ tôi đi ra. Có lẽ, mãi đến lúc này, bà mới kịp nhận ra đứa con gái non nớt của mình đã chết đi một nửa, chết trong khắc khoải, dằn vặt, đớn đau.
Cuối năm, Tết đến, anh Hải về, mang theo một cô gái lạ. Chị tôi không nói gì, mắt ráo hoảnh. Rồi ra giêng, chị xin cha mẹ đi vào Nam làm công nhân nhà máy giày da xuất khẩu, cha tôi im lặng một lát rồi bảo: “Tuỳ bây!” Trước khi đi, chị ôm tôi, mếu máo khóc, chị nói trong nghẹn ngào:
– Dương! Em phải cố gắng học cho giỏi. Mà này, đừng bao giờ lừa dối ai, tội lắm nha em!
Rồi chị đi. Anh Phùng xung phong chở chị trên chiếc xe đạp cũ nát quen thuộc. Mẹ tôi khóc, cha quay mặt đi, rít thuốc. Gió Lào mang theo lửa đang hoành hành gào thét trên đồi trọc, xô vào rặng tre xác xơ, dội vào từng ngôi nhà. Bóng chị tôi khuất dần, chỉ thấy cánh tay huơ lên vẫy vẫy.(Hết)
(Truyện ngắn hay nhất tại Truyen18.name)